THÁNH THẦN – ĐẤNG BỊ LÃNG QUÊN?
(Ga 20,19-23)
Đan viện Phước Hải
Khởi đầu mỗi giờ kinh, người Công giáo thường bắt đầu bằng bài hát hay kinh Chúa Thánh Thần. Nhưng nhiều người vẫn cho rằng Chúa Thánh Thần được nhắc đến quá ít, thậm chí còn là Đấng “bị lãng quên”! Nhân ngày mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, ta cùng nhìn lại đôi điều về Ngài.
Vai trò của Ba Ngôi Thiên Chúa được diễn tả: Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hoá. Công trình tạo dựng thật hiển nhiên trước mắt loài người vì: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 19,2). Thánh giá với hình Chúa Giêsu chịu đóng đinh cũng thật phổ biến. Vì vậy, không khó để nhận ra Chúa Cha và Chúa Con trong thế giới này. Còn công việc của Chúa Thánh Thần thật không dễ nhận ra, bởi công việc của Ngài hoàn toàn thiêng liêng. Chúa Giêsu đã chẳng nói: Thánh Thần là “Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy cũng chẳng biết Người” (Ga 14,17). Tuy nhiên, các môn đệ của Chúa Giêsu thì biết Thánh Thần vì Người luôn ở trong họ và giữa họ (x. Ga 14,17b).
Chúa Thánh Thần làm gì cho con người?
Chỉ có Thiên Chúa mới thấu biết trọn vẹn về Thiên Chúa, về quyền năng và sức mạnh của Thánh Thần. Loài người chỉ có thể thấu hiểu và chứng nghiệm được phần nào mà thôi. Chúa Giêsu nhập thể làm người bởi phép Chúa Thánh Thần, và trong suốt cuộc đời dương thế, Thánh Thần luôn hướng dẫn và thúc đẩy Chúa Giêsu (x. Lc 10,21). Chúa Cha đã cho Đức Kitô Giêsu phục sinh cũng nhờ quyền năng Thánh Thần. Chúa Giêsu đã bảo các môn đệ: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em” (Ga 16, 6-7a). Để nhân loại được cứu chuộc và Thánh Thần được trao ban, Chúa Giê-su đã phải trả giá đắt là chính máu, là cái chết đau đớn và nhục nhã nhất của mình. Thực tế, các Tông đồ dù đã sống với Chúa Giêsu, cũng chỉ hiểu biết Ngài nhờ Thánh Thần: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,12-13). Từ giây phút nhận được Thánh Thần, các Tông đồ mới mạnh dạn tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, là Chúa, là Đấng Cứu Độ và rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Chúng ta càng không thể hiểu biết và tin yêu Chúa Giêsu nếu không nhờ Thánh Thần hướng dẫn. Điều này đã được thánh Phaolô xác quyết: “Không ai có thể nói rằng: ‘Đức Giêsu là Chúa’, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1Cr 12,3tt).
Chính vì Thánh Thần đóng một vai trò cực trọng như thế và là món quà vô giá của Chúa Cha và Chúa Con, nên sẽ là vô phúc nếu con người sống vong ân bội nghĩa với Thánh Thần. Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha” (Lc 12,10). Thêm nữa, thánh Tông đồ cũng tha thiết khuyên nhủ: “Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc” (Ep 4,30).
Vậy làm thế nào để mỗi Kitô hữu biết liệu mình có đang sống trong Thánh Thần hay không?
Đó là mỗi người cần nghiệm xét xem mình có đang sống “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22-23) không. Xem mình có luôn lắng nghe và sống theo tác động của Thánh Thần không. Qua việc kiên trì cầu nguyện, Thiên Chúa không thể không ban Thánh Thần cho ta. Có Thánh Thần hướng dẫn, đời ta chắc chắn được hạnh phúc và bình an.
Khi suy gẫm về Chúa Thánh Thần, ta thấy Người không hoạt động riêng rẽ với Cha và Con, nhưng luôn có mối tương quan khăng khít giữa Ba Ngôi. Và Giáo hội cũng đã chỉ dạy: “Toàn bộ đời sống Kitô hữu cũng là sự hiệp thông với mỗi Ngôi Vị Thiên Chúa mà không hề phân biệt Ba Ngôi. Ai tôn vinh Chúa Cha, là làm điều đó nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần; ai bước theo Chúa Kitô, là làm điều đó bởi vì Chúa Cha lôi kéo người ấy và Chúa Thánh Thần thúc đẩy người ấy” (GLHTCG, số 259). Vì vậy, Thánh Thần không thể là Đấng “bị lãng quên”. Nhưng việc ta yêu mến và phụng sự Ngài không bao giờ là đủ vì “mức độ yêu mến Thiên Chúa là yêu mến Người không mức độ”.
Bộ mặt thế giới này đang bị hư hoại hơn bao giờ hết vì tất cả những mặt trái của nó: chiến tranh, bạo lực, dịch bệnh, bất công xã hội lan tràn… nên hơn bao giờ hết nó cần được Thánh Thần chữa lành, hàn gắn và đổi mới. Chỉ có Thánh Thần mới làm được thôi!