VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN
(Ga 20,19-23)
M. Michael Thành, Phước Vĩnh
Trong quyển “Chúa Thánh Linh Đấng Ban Sự Sống Và Tình Yêu”, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã hướng dẫn chúng ta hiểu được nguồn gốc xuất phát của từ ngữ Thánh Thần, cho đến sự Nhiệm xuất của Thánh Thần trong vòng tròn màu nhiệm Ba ngôi Thiên Chúa. Cách riêng, Ngài nêu bật vai trò rất quan trọng của Chúa Thánh Thần trong nhiệm cục cứu độ của Ngôi Hai Thiên Chúa nơi trần gian, nhất là sau giai đoạn Chúa Giêsu chịu chết và Phục sinh. Từ giai đoạn hậu Chúa Phục sinh. Chúa Thánh Thần chính là tác nhân xây dựng nên Giáo hội của Chúa tại trần gian. Chúa Thánh Thần đã đảm đương và hoạt động mành mẽ trong Giáo hội: Dựng xây, bảo vệ, thánh hóa, duy trì. Ngài còn chính là món quà bình an của Chúa Giesu Ps ban tặng cho Giáo hội. Trong đoạn Tin mừng (Ga 20,19-23) mà chúng ta được nghe hôm nay, chúng ta được cảm nghiệm nơi Chúa Thánh Thần một tình cảm thật gần gũi và sâu đậm đối với loài người chúng ta qua ba hoạt động thiết thực là trao ban bình an, thứ tha tội lỗi, thêm sức mạnh và sai đi.
- Trao ban Bình An
Bình an là gì?
Phật dạy: Bình an là trạng thái an nhiên tự tại, là khi trong tâm hồn không vọng động, không sợ hãi âu lo. Cảnh giới cao nhất của bình an là giúp con người thoát khổ để đạt được Niết bàn. Chính sự cao quý này mà bình an, chính mục đích duy nhất mà con người cần tìm kiếm.
Theo Hán tự, chữ “Bình” có nghĩa là bằng phẳng, đều hòa, hòa hợp, thoải mái… Chữ “An” là an toàn. Như vậy, bình an nói lên trạng thái tâm hồn thư thái và an hòa. Thế nhưng, những trạng thái bình an trên đây hoàn toàn trái ngược với ý nghĩa bình an của Chúa Giesu Phục sinh ban tặng.
Bình an của Chúa Giesu Phục sinh.
Tin mừng (Ga 20) thuật lại: Đang khi cầu nguyện trong căn phòng kín, nơi tưởng rằng an toàn, nhưng các môn đệ vẫn không có được bình an vì lo âu sợ hãi. Chúa Giesu phục sinh đã hiện ra với các ông và ban Thánh Thần bình an cho các ông. Sự bình an của Chúa ban tặng khác với sự bình an của thế giạn, vì sự bình an của Chúa không loại trừ thập giá. Trên đỉnh đồi Canvel sự bình an đã giúp Ngài vượt lên trên sự đau khổ của thân xác, và biến sự đau khổ thập giá thành ơn cứu độ cho con người;
Hôm nay, Chúa Giêsu ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ, để các ngài cũng biết vượt qua những thử thách và chông gai trong sự bình an mà các ngài đã nhận từ Đức Kitô, để ở giữa thế gian mà các ngài không phụ thuộc thế gian. Như vậy, bình an của Đấng Phục sinh không phải là thứ bình an không có sóng gió. Bình an của Người là bình an trong tâm hồn, bình an không loại trừ phải đối đầu với kẻ thù. Bình an này giúp ta đối diện với khổ đau và nỗi chết.
- Thánh Thần ban ơn tha tội
Sau lời chúc “bình an cho anh em” (Ga 20,19). Chúa Giêsu thổi hơi vào các môn đệ, và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23). Trong công thức xá giải của bí tích Giao Hòa được vị Linh mục đọc như sau: “ Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã dùng sự chết và sự sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian về với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội…” Như thế, một trong những vai trò của Chúa Thánh Thần dành cho nhân loại chính là để tha tội.
Năng quyền tha tội này được Chúa Giêsu trao ban cho các Tông đồ, môn đệ và các đấng kế vị Ngài. (Đây là một quyền hành cả thể, vì bản chất quyền hành ở đây theo từ ngữ chuyên biệt trong tiếng Do thái ám chỉ đến việc cầm buộc cả ma quỷ).
Quyền này chỉ có nơi Chúa Giêsu, nhờ Thánh Thần. Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu lại ban cho Giáo hội của Người trực tiếp cho những vị đại diện Chúa. Như vậy, ơn cứu độ từ Đức Kito qua Giáo hội của Người, bởi chỉ có Giáo hội mới được mạc khải tròn đầy của Chúa Cha về Chúa Kito (Mt16,17). Thế nên, quyền “tha tội và cầm giữ” của các Tông đồ không thể tách rời khỏi quà tặng bình an của Đức Giêsu, không thể tách rời khỏi sứ vụ sai đi để làm cho thế gian được biết tình yêu của Thiên Chúa, và không thể tách rời khỏi hoạt động của Thánh Thần nơi các môn đệ.
Các môn đệ được trao quyền “tha tội và cầm giữ” là được tham dự vào quyền xét sử của Đức Giêsu nhận được từ Chúa Cha: “vì như Cha có sự sống nơi mình thế nào thì cũng ban cho người Con có sự sống nơi mình như vậy, và ban cho Người quyền để thi hành quyền xét sử, vì người Con là Con Người” (Ga5, 26-27). Như thế, các môn đệ không thể thi hành quyền “tha tội và cầm giữ” theo ý riêng mà phải dựa trên giáo huấn của Đức Giêsu và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đồng thời, mục đích của quyền “tha tội và cầm giữ” là để thực thi lòng thương xót của Thiên Chúa, bênh vực con người và mang lại sự sống cho con người.
- Thánh Thần ban ơn can đảm ra đi
“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào cá ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,21-22). Nhận được bình an, lòng tràn ngập hân hoan, các môn đệ không còn nhát sợ. Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các môn đệ mạnh dạn mở tung cửa bước ra, hiên ngang rao giảng về Đức Giêsu, Đấng đã bị người ta giết chết, nhưng Thiên Chúa đã cho sống lại.
Tóm lại, bình an của Đức Giêsu ban tặng gồm hai khía cạnh: Trước tiên, bình an của Đức Giesu là ơn ban từ trên, là sự bình an của Chúa Thánh Thần giúp cho người môn đệ vượt qua mọi sự sợ hãi, để can đảm làm chứng cho Tin mừng Phục sinh trong niềm vui. Kế đó, bình an của Đức Giesu gắn liền với sứ vụ của các môn đệ. Các môn đệ được sai đi trong tư thế người có bình an của Đấng Phục sinh, và họ được giao nhiệm vụ trao tặng món quà bình an đó đến cho mọi người.
Mừng lễ Thánh Thần hiện xuống, nhắc nhớ người tín hữu về một Thánh Thần bình an đã hoạt động trong Giáo hội suốt hơn 2000 năm qua. Người cũng đang hiện diện trong những người đã lãnh nhận bí tích Thêm sức để sai họ đi làm chứng nhân cho Tin mừng. Qua đó, chúng ta cũng được mạc khải về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống của Giáo hội rất phong phú và đa dạng. Ngài đóng vai trò như Đấng Bào chữa, Đấng an ủi, Thầy chân lý, Đấng đổi mới và hiệp nhất… Sức mạnh của Thánh Thần đổi mới hoàn toàn niềm tin và lòng nhiệt thành nơi các Tông đồ (Cv 2). Cùng đó, Chúa Thánh Thần đã quy tụ tất cả mọi người hiệp nhất nên một (1Cr 12,13). Và trong sư hiệp nhất đó, Thánh Thần là tác nhân của sự bình an, của ơn tha thứ và là nguồn sức mạnh giúp các môn đệ can đảm ra đi.
Xin cho chúng con xác tín Chúa Thánh Thần luôn hiện diện trong đời sống của Giáo hội và nơi từng người chúng con. Đồng thời, củng cố lòng yêu mến để chúng con ngoan ngoãn cộng tác với Thánh Thần hầu lãnh nhận trọn vẹn và lan toả các hoa trái của Ngài.