Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

Một vài suy tư về BIẾN CỐ TRUYỀN TIN (Hiền Lâm)

 

Suy tư về BIẾN CỐ TRUYỀN TIN (Lc 1, 26- 38) [1]

“Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót đã muốn Đấng được tiền định làm mẹ phải nói lên sự ưng thuận của mình trươc khi mầu nhiệm nhập thể được thực hiện; để như một người nữ sẽ phục vụ cho sự chết, thì một người nữ sẽ phục vụ cho sự sống. Điều này lại càng thích ứng hơn nữa trong trường hợp của Mẹ Đức Giêsu: Mẹ sẽ sinh Sự Sống cho thế gian; Sự Sống này sẽ canh tân tất cả; vì thế Mẹ được Thiên Chúa tặng ban nhiều hồng ân để có thể đáp ứng cho một phận vụ cao trọng như thế” (GH 56).

Ngay giây phút tượng thai, Đức Maria đã được Thiên Chúa trang điểm bằng sự thánh thiện cao vời; nên lúc truyền tin, Mẹ cũng được thiên thần chào kính là “Đấng đầy ân phúc”, và Mẹ đã đáp lời thiên sứ rằng: “Là nữ tỳ Thiên Chúa, tôi xin vâng”. Như thế, Đức Maria là con cháu Ađam, khi vâng nghe tiếng Chúa, đã trở thành Mẹ Đức Giêsu. Với trọn tâm hồn và không một tội lỗi nào ngăn cản, Mẹ đón nhận ý định cứu độ của Thiên Chúa, tự nguyện làm nữ tỳ của Chúa để phục vụ cho con người và công trình của Thiên Chúa, tùy thuộc vào liên kết với Đức Kitô nhờ ân sủng của Thiên Chúa toàn năng, để hoàn toàn phục vụ cho mầu nhiệm cứu độ[2] . Trọn lịch sử cứu độ, và theo một nghĩa nào đó, trọn lịch sử loài người, đều được liên kết với biến cố truyền tin. Thật vậy, nếu kế hoạch của Thiên Chúa Cha là quy tụ tất cả trong Đức Kitô (x. Ep 1, 10), thì cả vũ trụ đều được ân huệ thần linh tác động, với ân huệ này, Thiên Chúa Cha đã đoái nhìn đến Đức Maria để làm cho Mẹ trở thành Thân Mẫu Con của Người. Về phần mình, cả nhân loại như được gói trọn vào trong tiếng “xin vâng” (fiat), qua đó Đức Maria đã mau mắn nói lên sự ưng thuận của mình đối với ý định của Thiên Chúa[3].

Biến cố truyền tin chói sáng lên với ba nét đẹp của Đức Maria là Đấng đầy ân sủng, là nữ tỳ khiêm hạ và lời đáp trả “xin vâng”. 

Trong hình ảnh có thể có: 2 người

a, Đặc trưng đầy ân sủng.

– Kêkharitomênê: là tính từ thụ động trở thành danh từ: Đấng lấp đầy ân sủng. Từ sau lời chào: “Mừng vui lên, hỡi Bà đầy ân sủng”, Đức Maria được mang tên là Đấng Đầy Ân Sủng. Tước hiệu này được hiểu theo hai khía cạnh:sirahk “Đấng đầy ân sủng”. Ân sủng (kharis)

– Thiên Chúa đổ tràn đầy ân sủng. Ân sủng không do công nghiệp của con người, nhưng hoàn toàn là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa muốn chọn cho Con Mình một người Mẹ trần thế để thực hiện mầu nhiệm Nhập Thể, Người đã chuẩn bị cho kẻ được chọn là Đức Maria “được tràn đầy ân sủng”. Chính việc tràn đầy ân sủng này làm cho các giáo phụ liên tưởng đến đặc ân vô nhiễm, Thiên Chúa gìn giữ Đức Maria khỏi tội, từ lúc được thụ thai… như thế mới xứng đáng đón nhận Con Thiên Chúa, Đấng không hề biết tội là gì, vào trong cung lòng mình.

– Hồng ân được ban để giúp cho nhân vật chu toàn một trách nhiệm do Thiên Chúa thiết đặt. Nói như thánh Phaolô “Hồng ân là để xây dựng nhiệm thể”. Ở đây còn cao trọng hơn: Đức Maria được trang bị hồng ân để làm Mẹ Đức Giêsu, Con Thiên Chúa[4] .

“Mừng vui lên, hỡi Bà đầy ân sủng” (Lc 1, 28).

Lời chào của thiên sứ Gabriel đã dứt khoát đưa Đức Maria vào mầu nhiệm Chúa Kitô, vào khởi nguyên mới của thời kỳ cứu độ đã đến. Sau lời công bố “Bà đầy ơn phúc”, thiên sứ còn cúi chào “con người được chúc phúc giữa các phụ nữ” (x. Lc 1, 42), điều này làm nổi bật lời chúc lành của Thiên Chúa Cha mà thánh Phaolô viết cho chúng ta trong thư Êphêsô: “Trong Đức Kitô, từ cõi trời Người đã thi ân giáng phúc, cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (Ep 1, 3). Đó là “lời chúc lành linh thiêng mang tính chất đầy tràn và phổ quát xuất phát từ tình yêu nối kết Chúa Con đồng bản thể với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Đồng thời đó cũng là lời chúc lành được tuôn đổ qua Đức Kitô Giêsu đến cho mọi người trong lịch sử nhân loại. Dù vậy, lời chúc lành này đến với Đức Maria thật phi thường: thật thế, bà Elizabeth cũng đã gọi Đức Maria là “diễm phúc hơn mọi người nữ”[5] .

Theo ngôn ngữ Thánh Kinh, ân sủng là một ân ban đặc biệt, và theo Tân Ước, ân ban này có nguồn gốc từ Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng là tình yêu, mà hoa trái của tình yêu là sự tuyển chọn. Sự tuyển chọn thuộc về kế hoạch muôn đời của Thiên Chúa muốn cứu độ loài người bằng cách cho tham dự vào đời sống của Người trong Đức Kitô (x. 2Pr 1, 4).

Trong mầu nhiệm Chúa Kitô, Đức Maria đã hiện diện “trước cả khi tạo thành vũ trụ”, cùng như “trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã chọn chúng ta trước cả khi tạo thành vũ trụ” (Ep 1, 4), vì Mẹ là Đấng được Thiên Chúa Cha “tuyển chọn” làm thân mẫu cho Con của mình trong mầu nhiệm Nhập Thể, và là Đấng được Chúa Con cùng với Chúa Cha tuyển chọn, bằng cách phó trao Mẹ từ muôn thuở cho Chúa Thánh Linh của sự thánh thiện. Đức Maria được liên kết với Chúa Kitô cách đặc biệt và độc đáo, nhờ đó, từ muôn thuở Mẹ được yêu mến trong Người Con chí ái này,trong Người Con đồng bản thể với Chúa Cha, trong Người Con đó tất cả vinh quang của ân sủng đều qui tụ về. Đồng thời, Đức Maria vẫn luôn rộng mở cho “hồng ân đến từ bên trên” (x. Gc 1, 17). Như công đồng Vaticano II dạy, Đức Maria trổi vượt trên các người khiêm hạ và khó nghèo của Thiên Chúa, là những người tin tưởng, hy vọng và lãnh nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa[6] .

Đặc ân “đầy ơn phúc” cũng hướng đến toàn bộ hồng ân siêu nhiên mà Đức Maria đã lãnh nhận, chỉ vì Mẹ được tuyển chọn và được xác định làm Thân Mẫu Chúa Kitô, và sự tuyển chọn này có thể nói là độc nhất và phi thường, đưa đến đặc tính duy nhất của vị trí Đức Maria trong mầu nhiệm Chúa Kitô cứu độ. “Vinh quang của ân sủng” được biểu hiện nơi Mẹ Thiên Chúa qua sự kiện Mẹ được cứu độ lạ lùng[7]. Nhờ ân sủng sung mãn của Người Con chí ái, dựa vào công nghiệp cứu độ của Đấng trở thành con của mình, Đức Maria đã được gìn giữ khỏi mọi tỳ ố của nguyên tội. Như thế, ngay từ giây phút đầu tiên thành thai, ngay lúc khởi đầu hiện hữu, Đức Maria thuộc về Đức Kitô, được thông phần vào ân sủng cứu độ và thánh hoá, và vào tình yêu xuất phát từ Người Con yêu dấu của Chúa Cha, Đấng qua mầu nhiệm Nhập Thể đã trở thành Con của Mẹ. Vì thế, trên bình diện ân sủng, nghĩa là việc tham dự vào bản tính thần linh, Đức Maria, nhờ Chúa Thánh Thần, nhận lãnh sự sống từ Người Con mà Mẹ sinh ra, và Đức Maria đón nhận “sự sống mới” này cách tràn đầy, thích ứng với tình yêu của Con dành cho Mẹ- và thích ứng với phẩm giá Mẹ Thiên Chúa- nên thiên thần đã gọi Mẹ lúc truyền tin là “Đấng đầy ân sủng”[8] . Như vậy, truyền tin chính là mạc khải mầu nhiệm Nhập Thể vào lúc khởi đầu việc thực hiện mầu nhiệm này trên trái đất. Việc Thiên Chúa ban tặng chính mình, ban tặng cuộc sống thiên linh của mình cho toàn thể thụ tạo, đặc biệt là cho con người, đạt tới đỉnh cao trong mầu nhiệm Nhập Thể. Thật vậy, mầu nhiệm này là đỉnh cao của tất cả hồng ân trong lịch sử nhân loại và của cả vũ trụ. Đức Maria được “đầy ân sủng” vì việc nhập thể của Ngôi Lời: sự liên kết của Con Thiên Chúa với nhân tính trong một bản vị được thực hiện và hoàn tất nơi Mẹ. Như công đồng Vaticano II khẳng định: “Đức Maria là Mẹ Con Thiên Chuá, do đó là Nữ Tử yêu dấu của Chúa Cha và là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Nhờ lãnh nhận ân sủng vô cùng cao quí, Mẹ đã trổi vượt mọi tạo vật khác trên trời dưới đất”[9] . Sách Giáo Lý Công Giáo số 722 cũng dạy: Thánh Thần đã chuẩn bị Đức Maria bằng ân sủng. Mẹ “đầy ân sủng” vì là Mẹ của Đấng “nơi Người tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện, cách cụ thể” (x. Cl 2, 9). Chỉ nhờ ân sủng, Mẹ đã được thụ thai không hề mắc tội, như là thụ tạo khiêm tốn nhất, xứng đáng nhất để đón nhận hồng ân khôn tả của Đấng Toàn Năng. Thiên sứ Gabriel chào Mẹ bằng tước hiệu cao trọng “Nữ Tử Sion”: “Mừng vui lên!” Khi cưu mang Ngôi Con Hằng Hữu, dưới tác động Thánh Thần, Đức Maria đã dâng lên Chúa Cha lời tạ ơn của toàn thể Dân Chúa là Hội Thánh.

 

b, Đặc trưng khiêm hạ.

“Này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1, 38a). Đức Maria muốn sống đúng ơn gọi của mình trước Thiên Chúa. Đó là ơn gọi của người nữ tỳ như Mẹ đã đáp lại lời thiên sứ tuyền tin. Chính sự khiêm hạ trước Thiên Chúa và loài người mà Đức Maria đã lôi cuốn tình yêu Thiên Chúa. Mẹ biết mình được Thiên Chúa yêu thương, nhưng không phải do công phúc của mình mà do lòng từ bi của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã đoái thương nhìn đến phận thấp hèn nữ tỳ của Người” (kinh Magnificat). Bởi vì Thiên Chúa có một đường lối hành động rất đặc biệt. Đó là “hạ kẻ quyền thế xuống khỏi ngai vàng và suy tôn những người khiêm hạ” (x. Lc 1, 48- 52; Gc 4, 6). Ơn gọi của “người nữ tỳ Thiên Chúa” đối ứng cách kỳ diệu với hình ảnh “người tôi tớ Yavê” vốn được ngôn sứ Isaia phác hoạ cách đầy đủ trong Cựu Ước (x. Is 42, 1- 4; 49, 1- 6; 50, 4- 9; 52, 13; 53, 12). Nếu Đức Maria là “nữ tỳ của Thiên Chúa” thì Đức Giêsu Kitô là “người tôi tớ Giavê”, với tất cả ý nghĩa Kinh Thánh của chữ “tôi tớ”. Vì sự kiêu căng và bất phục của Nguyên Tổ đã làm cho nhân loại hư mất, thì con đường tự hạ của Con Thiên Chúa đã trở nên phương thế cứu độ. Đức Giêsu Kitô là Ađam mới đã chọn thân phận “người tôi tớ Giavê” để tái tạo nhân loại trong tình yêu Thiên Chúa, thì Đức Maria, Eva mới cũng muốn sống trọn thân phận “nữ tỳ của Thiên Chúa” để làm mẹ của nhân loại mới.

Đức Giêsu nhận mình là Đấng thiên sai khiêm tốn, và sự khiêm tốn là châm ngôn sống của Người. Người đã dạy về vẻ đẹp của sự khiêm tốn chân thật. Người mời gọi các môn đệ “Hãy học cùng Ta” không phải là các phép lạ, hay những chuyện phi thường tạo dựng thế giới, mà là học “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29). Đức Maria đã học được bài học đó từ trời, linh hồn của Mẹ đã hít thở sự khiêm tốn đó bởi Thánh Thần của Thiên Chúa. Thánh Bernard nói: “Mẹ Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa bởi đức trinh khiết của Mẹ, nhưng bởi sự khiêm nhường Mẹ đã thụ thai Người” [10]. Sự khiêm tốn của Đức Maria đã kéo Ngôi Lời Thiên Chúa từ bên hữu của Chúa Cha xuống với vực sâu hư vô của nhân loại mà cứu vớt nhân loại.

Có thể nói, dù vô tội, nhưng Đức Maria là người khiêm tốn nhất trong các thụ tạo của Thiên Chúa. Trong giây phút hệ trọng nhất của sự truyền tin, Đức Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa ngay khi Người được tán tụng, Người liền tuyên xưng mình chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa: “Này tôi là tôi tớ Chúa” (Lc 1, 38).

 

c, Đặc trưng vâng phục (fiat). 

Đức Maria nhận ra ý muốn của Đấng Toàn Năng trong lời thiên sứ và tùng phục quyền năng của Người, Mẹ đáp lại: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38). Thời điểm đầu tiên của sự vâng phục… Đức Maria ưng thuận sự lựa chọn của Thiên Chúa, để nhờ Chúa Thánh Thần, trở thành Mẹ của Thiên Chúa, vì Mẹ được hướng dẫn bởi tình yêu hoàn toàn “tận hiến” cho Thiên Chúa một con người nhân bản, để cộng tác trọn vẹn mối hiệp thông vào chương trình cứu độ.

Lời “xin vâng” không chỉ nói lên sự khiêm nhường và vâng phục cách đơn thuần, nhưng còn hơn thế nữa, Người xác tín và hoàn toàn đồng ý với chương trình của Thiên Chúa, nghĩa là “ngay bây giờ sẽ thụ thai”, mà Giuse không biết gì cả. Khi chấp nhận chương trình của Thiên Chúa, thụ thai để làm Mẹ Đấng Cứu Độ, Đức Maria biết rất rõ sự nguy hiểm đang chờ đón mình là có thể mất mạng vì luật Môsê sẽ ném đá thiếu nữ đã đính hôn mà có thai ngoài hôn nhân (x. Đnl 22, 22- 23). Tiếng “xin vâng” là một tiếng can đảm vâng phục, tin tưởng phó thác cả mạng sống vào tay Thiên Chúa và tiếng “xin vâng” đó sẽ theo suốt cuộc đời của Đức Maria cho đến cây thập giá. Âm thầm chấp nhận tất cả, vì chương trình của Thiên Chúa[11] .

Tuy nhiên, cũng cần hiểu đúng trong sự “xin vâng” của Đức Maria chất chứa hoàn toàn với tất cả ý thức và tự do, Người được thiên sứ Gabriel giải thích ý nghĩa công trình của Thiên Chúa muốn được thực hiện nơi con người của Mẹ. Thật vậy, ý định của Thiên Chúa luôn được thi hành và chương trình của Thiên Chúa luôn được thực hiện, nhưng không phải bằng cách cưỡng bách hay ép buộc. Khi chương trình Thiên Chúa liên can đến con người mà Thiên Chúa trang bị cho được tự do, thì có thể nói, chương trình ấy phần nào lệ thuộc vào sự cộng tác của con người (như thánh Augustino từng nói). Nếu Thiên Chúa sử dụng con người như những “con tốt” trên bàn cờ hay như những vật vô tri trong vũ trụ, thì mọi sự sẽ diễn ra trong trật tự và ổn định, nhưng Thiên Chúa đã không muốn thế, vì như vậy sẽ tước đi sự tự do -điều quí giá nhất trong tình yêu- con người, làm cho sự đáp trả mất đi ý nghĩa và giá trị của nó. Cũng thế, Đức Maria, với cả “nhân vị” của mình, Người đã thưa tiếng “xin vâng” với sự cộng tác cao nhất, trong sự tự do và trách nhiệm, cùng với một tình yêu không mức độ.

Như vậy, trong biến cố truyền tin, Đức Maria để lại một mẫu gương chói ngời về truyền giáo. Người trở thành một khí cụ tuyệt hảo trong tay Thiên Chúa để ban ơn cứu độ cho nhân loại. Đức Maria được tràn ngập ân sủng và nhờ Người- trong Đức Kitô- ân sủng được tuôn đổ cho nhân loại. Đức Maria đã qui về Thiên Chúa tất cả mọi đặc ân và vinh quang nhận được, khiêm tốn nhìn nhận mình là “nữ tỳ hèn mọn” và tất cả là do Thiên Chúa. Đặc biệt Đức Maria đã can đảm thưa tiếng “xin vâng” để suốt cuộc đời âm thầm chấp nhận phó thác mình cho Thiên Chúa hầu cộng tác cứu độ loài người. Cũng thế, ân sủng, khiêm tốn và xin vâng là căn bản mà một nhà truyền giáo phải có, vì để trở thành khí cụ trong bàn tay Thiên Chúa hầu đem Tin Mừng đến cho mọi người, họ phải bước đi trong ân sủng, khiêm tốn qui hướng mọi sự về cho Thiên Chúa và không tự phụ về những thành công mình đạt được. Đặc biệt, luôn phó thác hoàn toàn cho Thiên Chuá trong sự vâng phục thánh ý Người. Sự vâng phục đó cũng là hiến lễ hằng ngày dâng lên Thiên Chúa để mưu ích cho các linh hồn.

Hiền Lâm.

 

CHÚ THÍCH

[1] Xem thêm: MC 17; RM 8-11; Giáo Lý Công Giáo 148; 484; 490; 494; 965; 2617; 2674.

[2] x. Công Đồng Vaticano II, HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM, số 56.

[3] x. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, TÔNG HUẤN ROSARIUM VIRGINIS MARIAE, số 20.

[4] x. Lm Augustino Nguyễn Văn Trinh, THÁNH MẪU HỌC, tr 96.

[5] x. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, THÔNG ĐIỆP REDEMPTORIS MATER, số 8.

[6] x. Công đồng Vaticano II, HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM, số 22

[7] x. Đức Thánh Cha Pio IX, TÔNG HUẤN INEFFABILS DEUS.

[8] Tham khảo THÔNG ĐIỆP REDEMTORIS MATER, số 10.

[9] x. Công đồng Vaticano II, HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM, số 53.

[10] x. S. Bernardus, DE LAUDIBUS MARIAE, Hom 1, 57.

[11] Tham khảo tài liệu THÁNH MẪU HỌC 2005, tr 101.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đan sĩ – Nhà truyền giáo

    Đan Sĩ - Nhà Truyền Giáo M. Hương Yến, PH   Truyền giáo là một sứ mạng mà Chúa Giêsu khi về trời đã trao lại...

Làm thế nào để có bài giảng thú vị?

    LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ BÀI GIẢNG THÚ VỊ? Lm. Bruno Demers, OP Kitô giáo là tôn giáo của Tin Mừng. Trong các phụng vụ khác...

Ngày 1/5, thánh Giuse thợ, Mt 13,54-58: Phục vụ trong yêu thương

Ngày 1/5, Thánh Giuse thợ, Mt 13,54-58 Phục Vụ Trong Yêu Thương Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôm nay, Giáo Hội mừng kính Thánh Giuse với tước...

Mồng Ba Tết – Thánh hóa công ăn việc làm

Mồng Ba Tết – Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm St 2,4-9.15; Cv 20,32-35; Mt 25,14-30 Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Thánh lễ Mồng Ba tết...

Mồng Hai Tết: Thờ cha kính mẹ

Mồng Hai Tết: Hc 44,1.10-15; Ep 6,1-4.18-23; Mt 15,1-6 Thờ Cha Kính Mẹ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Thật là ý nghĩa ngày Mồng Một Tết chúng...

Thánh Lễ Tất Niên, Lc 1,39-55: Khúc ca tạ ơn

Thánh Lễ Tất Niên (Is 63,7-9; 1Cr 1,3-9; Lc 1,39-55) Khúc Ca Tạ Ơn Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Chúng ta đang sống trong một thời khắc đặc...

Năm mới theo ý nghĩa Thánh Kinh

NĂM MỚI THEO Ý NGHĨA THÁNH KINH Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ Trên thế giới hiện nay có nhiều niên lịch khác nhau. Trong số...

Chúa đến cho con niềm vui và hạnh phúc

  https://www.youtube.com/watch?v=NRt7uNbYsBo

Nghĩa trang theo niềm tin Kitô giáo

NGHĨA TRANG THEO NIỀM TIN KITÔ GIÁO Xuân Giang Theo Từ điển Tiếng Việt, nghĩa trang (hay nghĩa địa) là danh từ chỉ khu đất chung...

Chúa Nhật XXII TN, Mt 16,21-27: Nghịch lý đời người môn đệ

“Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta thì sẽ được sống”. NGHỊCH LÝ ĐỜI...

Lao động là vinh quang – Suy niệm Lời Chúa Thánh lễ Mồng Ba Tết – Thánh hóa công ăn việc làm

LAO ĐỘNG LÀ VINH QUANG Suy niệm Lời Chúa: St 2,4-9.15; Cv 20,32-35; Mt 25,14-30 ; Thánh lễ Mồng Ba Tết – Thánh Hóa Công...

“Ngươi phải thờ cha kính mẹ” – Suy niệm Lời Chúa Thánh Lễ Mồng Hai Tết

“NGƯƠI PHẢI THỜ CHA KÍNH MẸ” Suy niệm Lời Chúa: Huấn ca 44,1.10-15; Êphêxô 6,1-4.18-23; Mt 15,1-6 - Mồng Hai Tết Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Thật...