TRONG GIÁO HỘI KHÔNG CÓ DÂN CHỦ
Thứ Sáu, Tuần II TN: Dt 8:6-13; Mc 3:13-19
(Fr. Vicent Liêm – Hoà)
Trong thư gởi tín hữu Colosê, thánh Phaolo đã khẳng định với chúng ta rằng, qua Chúa Giêsu mà mọi người được hoà giải với Thiên Chúa, và trong Ngài mà mọi ý định của Thiên Chúa được hiện thực (Cl 1, 19-20). Quả vậy, Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy rằng, Chúa Giêsu là trung gian của giao ước mới, nhờ Ngài mà cho Giao Ước mới được hoàn hảo, và Ngài cũng là trung tâm của Giáo Hội, đưa Giáo Hội đến chỗ thành toàn.
Trong bài đọc thứ I, tác giả Thư Do-Thái so sánh hai giao ước cũ và mới. Giao ước cũ thì bất tòan nên mới có giao ước mới. Giao ước mới hòan hảo hơn giao ước cũ ở chỗ đặt căn bản trên những lời hứa tốt đẹp hơn của Thiên Chúa. Đó là lời hứa về Đức Giêsu cho nhân loại mà Thiên Chúa đã hứa với nhân loại ngay khi Ông Bà nguyên tổ chúng ta phạm tội (St 3).
1) Giao ước cũ là giao ước Thiên Chúa thiết lập với Israel qua trung gian của Môse trên Núi Sinai. Còn trung gian của Giao ước mới là Đức Giêsu, Người có được một tác vụ cao trọng hơn, với những lời hứa tốt đẹp hơn.
2) Giao ước cũ là Thập Giới được khắc ghi trong 2 bia đá. Trong khi Lề Luật của giao ước mới sẽ được Thiên Chúa: “ghi vào lòng trí và tâm khảm con người.
3) Giao ước cũ chỉ dành cho dân Do Thái mà thôi, còn giao ước mới mang tính chất phổ quát cho hết mọi người.
4) Giao ước mới có khả năng tha thứ hoàn toàn mọi tội lỗi cho dân: “Ta sẽ dung thứ những điều gian ác chúng làm, sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa.”
Như thế chúng ta thấy yếu tố làm cho Giao Ước Mới khác và hoàn hảo hơn so với giáo ước cũ đó là chính Chúa Giêsu. Trong Ngài và qua Ngài mà mọi lời hứa, mọi kế hoạch của Thiên Chúa đều được hiện thực và nên trọn.
Tin Mừng cũng cho thấy vai trò chính yếu của Chúa Giêsu trong Giáo Hội như thế nào, thể hiện qua việc thiết lập Nhóm Mười Hai như là nền móng cho Giáo Hội sau này.
Ngày nay người ta đánh giá cao thể chế dân chủ, coi đó như là tiêu chí của một đất nước tiến bộ và văn minh. Và cách thế để đánh giá nền dân chủ, là xem người dân trong đất nước đó có được quyền biểu quyết trong việc bầu chọn người lãnh đạo hay không. Đất nước và các tổ chức trần thế coi quyền tự do biểu quyết là quyền của mọi người dân trong đó, vì đất nước là đất nước của mọi người dân, cho nên mọi người dân đòi quyền biểu quyết cho mình.
Trái lại, Giáo Hội hoàn toàn khác, Giáo Hội là của Chúa, do Chúa thiết lập, với Chúa Kitô là đầu mà chúng ta chỉ là những chi thể. Do đó Giáo Hội không thể có kiểu dân chủ theo kiểu trần thế được. Hay nói đúng hơn trong Giáo Hội không có dân chủ. Cụ thể chúng ta thấy, việc cắt đặt Nhóm Mười Hai để tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu và lãnh đạo Giáo Hội trần thế này, tất cả là do Chúa Giêsu, Ngài hoàn toàn tự do quyết định tất cả. Chính Ngài chọn gọi và cắt đặt bất kể ai Ngài muốn: “không phải anh em đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn anh em”. Tất cả điều đó muốn nói rằng, Chúa Giêsu là đầu, là trung tâm trong mọi hoạt động của Giáo Hội. Cho nên mọi hoạt đồng của Giáo hội phải quy về Ngài và phải thể hiện ý muốn của Ngài. Chẳng hạn chúng ta thấy, cơ chế cắt đặt hay bầu bán hoặc rút thăm đi nữa, thì cũng phải làm sao để thánh ý Thiên Chúa được thể hiện qua những phương thức đó. Cụ thể chúng ta thấy, trước khi bổ sung thánh Mathia vào Nhóm Mười Hai thay Giu-đa. Thánh Phêrô và toàn thể cộng đoàn đã cầu nguyện: Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai trong hai người này…và rồi rút thăm và Mathia đã trúng. Và ngay cả cách thức chúng ta đầu phiếu để bầu chọn các chức vụ trong Giáo Hội hay trong cộng đoàn tu cũng vậy. Vì ý thức cộng đoàn là của Giáo Hội, tức là của Chúa, do đó việc bầu bán phải làm sao để -không phải ý con người- mà là ý Chúa được thể hiện, chính Chúa cắt đặt người Chúa muốn lên coi sóc nhà Chúa.
Như vậy, Chúng ta hãy tin tưởng hòan tòan nơi Chúa Giêsu, vì Ngài là trung gian làm cho giao ước mới được nên hòan hảo. Và cũng chính Ngài là đầu, là trung tâm của mọi hoạt động trong Giáo Hội, đưa Giáo Hội đến chỗ viên mãn, chứ không phải con người chúng ta. Do đó việc của chúng ta là ở với Ngài, sống gắn bó với Ngài và làm những gì Ngài giao phó, tức là sống sứ vụ của mình trong lòng Giáo Hội.