SUY NIỆM TIN MỪNG
Thứ 5 tuần II Thường Niên: Mc 3, 7 – 12
(FM. Ambrôsio-Kiên)
Kính thưa viện phụ và cộng đoàn,
Tuần này chúng ta nghe Tin mừng kể một loạt về các cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với các Kinh sư và những người thuộc nhóm Pharisêu về những vấn đề như: quyền tha tội (Mc 2, 5-12), Chúa Giêsu dùng bữa với những người thu thuế (Mc 2, 15-17), về quan niệm ăn chay (Mc 2, 18-22), về việc các môn đệ bứt bông lúa trong ngày sa-bát (Mc 2, 23-28), hoặc là chữa bệnh trong ngày nghỉ lễ (Mc 3, 1-4) v.v… Sau những cuộc tranh luận gay gắt ấy thì Tin mừng nói rằng “những người thuộc nhóm Pharisêu bàn tính với phe Hêrôđê để tìm cách giết Chúa” (Mc 3, 6).
Đoạn Tin mừng hôm nay tiếp nối về những điều đó, cho nên câu mở đầu Thánh Máccô nói rằng: “Đức Giêsu và các môn đệ của Người lui về phía Biển Hồ” (Mc 3, 7). Họ lánh đi, họ không thể tiếp tục rao giảng trong thành và trong các hội đường mà phải lánh đi nơi khác, lui về phía Biển Hồ.
Ở đây con xin chia sẻ hai thái độ của hai nhóm người thuộc hai giai cấp khác nhau: Một bên là những người Pharisêu thuộc nhóm trí thức, là những người am hiểu Kinh Thánh, là những người được đặt lên để chăm sóc dân của Chúa. Họ là những thủ lãnh đền thờ. Họ thuộc nhóm người ưu tú trong xã hội Do Thái thời bấy giờ. Họ học cao hiểu rộng và là những bậc vị vọng trong dân. Họ cũng nghe biết về Chúa Giêsu, chứng kiến những việc Người làm và được trực tiếp tiếp cận với Chúa. Thế nhưng chẳng những họ không tin mà còn tìm cách chống đối và loại trừ Chúa. Hệ luỵ của nó là Chúa Giêsu và các môn đệ của Người phải “lui đi” nơi khác, “lui về phía Biển Hồ”. Các ngài không thể tiếp tục rao giảng ở giữa họ. Bên còn lại là những người đa phần thuộc nhóm bình dân ít học, vậy mà họ cố công đi tìm Chúa, lắng nghe Người và tin vào Người. Họ say mê Chúa đến nỗi quên cả đói khát, quên cả ăn uống mà chỉ muốn đi theo và lắng nghe Chúa giảng dạy. (x. Mc 6, 32-36). Tin mừng nói rằng họ từ khắp các làng mạc của đất nước Do Thái: từ miền Ga-li-lê, từ miền Giu-đê, từ Giêrusalem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan, từ vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn… Họ nghe biết về Chúa Giêsu, chứng kiến những phép lạ Chúa làm và họ đã cảm nhận được sức hút nào đó từ nơi Chúa, cho nên từ khắp mọi miền họ đã “lũ lượt” tuôn đến tìm kiếm Chúa và lắng nghe Người. Và khi gặp Người họ cảm thấy được no thoả bởi những lời dạy dỗ của Người.
Bài học Tin mừng với chúng ta hôm nay.
1/ Bài học thứ nhất
Tại sao Chúa Giêsu và các môn đệ của Người phải lui đi nơi khác?
Kính thưa cộng đoàn,
Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài phải lui đi nơi khác, phải tránh đi nơi khác bởi sự cứng cỏi của lòng người, bởi sự đố kỵ, óc hẹp hòi và lòng nham hiểm của những kẻ tự cho mình là khôn ngoan, là bậc thầy trong dân, là những người cầm trong tay quyền sinh sát. Cho nên khi họ không hài lòng về Chúa, không chấp nhận những lời Chúa dạy và những việc Chúa làm thì họ đi bàn tính với phe Hêrôđê để tìm cách giết Chúa Giêsu, loại trừ Chúa Giêsu. Sự cứng cỏi ấy, sự đố kỵ ấy đã ngăn cản họ, đã làm cho họ mất cơ hội để hiệp thông với Chúa Giêsu, mất cơ hội đón nhận Ơn Cứu Độ mặc dù họ đã từng lắng nghe Chúa, nhìn thấy những việc Chúa làm.
Với chúng ta ngày hôm nay thì sao? Mỗi ngày chúng ta được tiếp cận Lời Chúa, được ngụp lặn trong bầu khí ân sủng của cộng đoàn đời thánh hiến. Thế nhưng chúng ta đã đón nhận lời Chúa dạy và sống với Chúa Giêsu như thế nào? Chúng ta có thật sự thông hiệp với Chúa Giêsu hay Ngài vẫn vắng bóng vì đã rút lui ra khỏi đời sống chúng ta?
2/ Bài học thứ hai
Dân chúng từ khắp mọi miền khi nghe biết về Chúa Giêsu, họ đã “lũ lượt” đến với Chúa, cùng nhau lắng nghe Chúa. Họ kết nối với Chúa bằng sự chân thành, bằng tình yêu, bằng lòng khiêm hạ và kính phục. Họ đã thật sự bắt được nhịp cầu với Chúa Giêsu và quây quần bên Chúa Giêsu để sống tình yêu thương huynh đệ với nhau.
Mỗi người chúng ta ngày hôm nay cũng được quy tụ bởi Lời Chúa, bởi sự mời gọi của Chúa cách này hay cách khác. Chúng ta đến đây để cùng nhau sống chung lý tưởng của đời thánh hiến đan tu. Chúng ta cùng nhau đi con đường của Chúa Giêsu đã đi. Chúng ta cùng sống lối sống của Chúa. Và chúng ta cùng thao thức chính sự thao thức của Chúa cho nhân loại, cho Giáo Hội và cho chính Cộng đoàn chúng ta. Thế nhưng mỗi người đã sống tình huynh đệ thế nào? Đâu là điều cụ thể chúng ta đã làm cho nhau trong tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu này? Mỗi ngày chúng ta đã bắt được bao nhiêu nhịp cầu hay chúng ta chỉ xây những bức tường vô tận ???