Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ CỦA VIỆC CẦU NGUYỆN

CHIA SẺ LỜI CHÚA, THỨ 5 TUẦN XI ­-TN

Mt 6,7-15

Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ CỦA VIỆC CẦU NGUYỆN

M. Phaolo Đinh

Tôn giáo mà không thực hành cầu nguỵen ư?  Đối với chúng ta, những người Ki-tô hữu, cách riêng là đan sĩ Xito lại càng phải là chuyên viên cầu nguyện của Giáo hội. Trong suốt tuần này, trong bài đọc 2 của Kinh sách, chúng ta đã được nghe những lời vàng ngọc trong khảo luận về Kinh Lạy Cha của thánh Giáo phụ Cipryano, GM Tử đạo. Vậy, hôm nay con không đi sâu vào bài Tin Mừng nhưng xin được chia sẻ với cộng đoàn về giá trị và ý nghĩa của việc cầu nguyện.

Vậy cầu nguyện là gì? Thiết nghĩ ở đây con không đưa ra một khái niệm cụ thể nào cho việc cầu nguyện. Bởi tự bản chất của việc cầu nguyện là sự gặp gỡ thân tình giữa con người với Thiên Chúa, giữa thụ tạo với Đấng Tạo Hóa. Đó có thể là cuộc gặp gỡ đối thoại thành lời và có khi không thành lời, có khi đó là dưới ánh nhìn đầy yêu thương của Thiên Chúa với con người. Đức Phanxico chỉ cho chúng ta một cách cầu nguyện thật đặc biệt, theo ngài, cầu nguyện là “hãy để Chúa nhìn chúng ta thật lâu. Người nhìn chúng ta và thế đã là cầu nguyện rồi”[1]. Cũng có khi cầu nguyện là lắng nghe, đọc một bản văn Lời Chúa… Vậy, đâu là nền tảng cho việc cầu nguyện?

Nền tảng cho việc cầu nguyện của người Ki-tô hữu là Thánh Kinh. Việc cầu nguyện phải khởi đầu bởi Lời Chúa, trong Lời Chúa và kết thúc bằng Lời của Chúa. Bởi chính Vịnh gia đã thốt lên: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105). Vậy chúng ta cầu nguyện với ai?

Đối tượng của việc cầu nguyện của chúng ta là chính Thiên Chúa. Đấng mà chỉ có Ngài mới ban cho chúng ta những điều chúng ta cầu xin, tạ ơn và là Đấng đáng ta chúc tụng.

Chúng ta cầu nguyện như thế nào? Nhiều lúc con người nghĩ rằng việc cầu nguyện phải cố gắng nặn đầu bóp óc suy nghĩ ra những lời thật hay, thật trang trọng mới được Thiên Chúa nhậm lời. Việc cầu nguyện của chúng ta không hệ tại ở vẻ bề ngoài, tuy cũng cần có những công thức và quy tắc căn bản sẽ giúp cho việc cầu nguyện đi đúng hướng và mang lại kết quả hơn. Việc cầu nguyện là nhắm đến nhận ra và thực thi thánh ý Chúa muốn trên chúng ta, như Chúa dạy chúng ta là xin cho ý Cha thể hiện chứ không phải ý của chúng ta.

Kính thưa cđ, thánh TS Anphongso Liguori nói: “Nếu chúng ta có thể dành quá nhiều thời gian, tiền bạc, năng lượng tình cảm và thể lý cho những nhu cầu tự nhiên như vậy, thì tại sao chúng ta không dành nhiều thời gian và sức lực như thế  để học cách cầu nguyện? Thánh nhân gọi cầu nguyện là chìa khóa của sự cứu rỗi. Cầu nguyện là nghệ thuật vĩ đại nhất – nghệ thuật của mọi nghệ thuật”.

Chúng ta cầu nguyện để làm gì? Như khi đói chúng ta cần phải làm mới có ăn. Muốn biết thì phải học… thì việc chúng ta cầu nguyện cũng thế, chúng ta thiếu thốn những nhu cầu vật chất và tâm linh nên cần phải xin, xin gì? Nếu như thân xác cần phải ăn để sống, cần lá phổi để thở thì cầu nguyện cũng là hơi thở của linh hồn. Nhận thấy được những nhu cầu thiết yếu của con người nên chính Chúa đã dạy chúng ta: Trước tiên là thưa chuyện với Chúa như người Cha, xin cho danh Cha cả sáng, xin cho nước Cha trị đến, xin cho ý Cha được thể hiện, xin lương thực, xin tha lỗi, xin đừng để chúng ta sa chước cám dỗ và xin cứu khỏi sự dữ.

Đâu là những khó khăn, cản trở việc chúng ta cầu nguyện ? Khó khăn cản trở nhất là giận hờn, ghen ghét, chưa tha thứ, sống thiếu công bằng, thiếu vị tha, thiếu bác ái trong lời nói cũng như việc làm… đó là những cản trở cho việc cầu nguyện của chúng ta. Vậy người cầu nguyện cần phải có tâm tình nào?

Đối với người cầu nguyện cần phải có đức tin như viên đại đội trưởng: “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi” (Lc 7,6); Cần mang nơi mình tâm tình của người thu thuế khi lên đền thờ cầu nguyện, cảm nhận mình là người tội lỗi, bất toàn cần lòng thương xót của Thiên Chúa (x, Lc 18, 9-14). Cần có lòng khiêm nhường như người phụ nữ Samari xin Chúa chữa con bà: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (Mt 15,27). Cần kiên nhẫn như bà góa quấy rầy quan tòa bất chính (x, Lc 18,1-8) và sau cùng người cầu nguyện cần có thái độ tín thác như người phong cùi: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mt 8,2). Vậy việc cầu nguyện đưa lại cho chúng ta những hệ quả nào?

Hệ quả của việc cầu nguyện: Việc cầu nguyện phải đưa đến những hệ quả chính sau: gặp gỡ, hoán cải, biến đổi, tha thứ, sống tình hiệp nhất và bác ái.

Kính thưa cộng đoàn, trước hết cầu nguyện phải đưa chúng ta đến hai sự gặp gỡ: Gặp gỡ chính Chúa và gặp gỡ tha nhân. Gặp gỡ chính Chúa là điều kiện thiết yếu để đi đến việc gặp gỡ tha nhân. Để có thể nhận ra việc tôi có cầu nguyện thực sự hay chưa thì qua dấu hiệu tôi có thể gặp gỡ tha nhân hay không!

 Cũng thế, cầu nguyện phải đưa chúng ta đến sự hoán cải, biến đổi. Nếu trong cuộc sống sau khi chúng ta cầu nguyện mà vẫn chưa biến đổi thì phải xem lại cách chúng ta cầu nguyện. ĐTC Phanxico nói lên một thực tế cách dí dỏm: “Có nhiều khi chúng ta cầu xin Chúa biến đổi mà không phải biến đổi chúng ta mà biến đổi người khác như chúng ta muốn, thật nực cười”. Nhiều lúc chúng ta muốn người khác thay đổi nhưng chính mình lại không muốn thay đổi.

Hệ quả tiếp theo của cầu nguyện là sự tha thứ: Chúng ta xin Chúa tha thứ thì Chúa nói chúng ta cũng phải tha thứ cho anh em. Người tha thứ là người thuộc về Thiên Chúa vì chính Thiên Chúa là Đấng thương xót và tha thứ. Ai không tha thứ thì không thuộc về Thiên Chúa. Vậy, tôi đã tha thứ cho anh em tôi chưa !

Hệ quả cao nhất của việc cầu nguyện đó chính là sống tình hiệp nhất và bác ái. Sống hiệp nhất và bác ái là dấu hiệu rõ ràng của một con người có đời sống cầu nguyện. Việc cầu nguyện nào giúp con người vượt qua mọi rào cản và sống tình bác ái chân thành đó là việc cầu nguyện đích thực mang lại hiệu quả.

Cộng đoàn phụng vụ thân mến, ĐGH Biển Đức XVI đã nói: “Trong cầu nguyện,  chúng ta hãy rộng mở tâm hồn mình ra với Chúa, để Người có thể đến cư ngụ trong sự yếu đuối của ta, để biến đổi sự yếu đuối đó thành sức mạnh cho Tin Mừng”. Như thế, việc cầu nguyện mời gọi chúng ta phải có thái độ mở ra. Trước hết là mở ra với Thiên Chúa và sau đó là mở ra cho tha nhân.

Vậy tôi đã thực sự sống đời cầu nguyện hay chưa? Thực tế, tự bản thân con người không thể cầu nguyện nhưng như lời thánh Phaolo nói trong Rm 8,26: “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả”. Chỉ trong Thần Khí và với Thần Khí thì lời cầu nguyện của con người mới mang lại kết quả và hiệu lực. Bởi theo Đức Phanxico “bàn quỳ và nơi đầu gối”[2] đó là tất cả sự thành bại của con người trong việc sống và rao giảng Tin Mừng. Như thế, cho ta thấy tầm quan trọng của việc cầu nguyện là không thể thiếu cho đời sống người Ki-tô hữu, nhất là đối với chúng ta những tu sĩ, đan sĩ chiêm niệm.

                                                                                                        

[1] 365 ngày với ĐHG Phanxico. Diễn từ ngày 27/9/2013.

[2] 365 ngày với ĐHG Phanxico. Tr 60.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lòng tin cậy của Chị thúc đẩy chúng em

  LÒNG TIN CẬY CỦA CHỊ THÚC ĐẨY CHÚNG EM Chị Tê-rê-sa thân mến! “Chính lòng tin cậy” là tựa đề mà ĐTC Phanxicô đặt cho Tông...

Thánh Lễ Khai Mạc Năm Thánh – Mừng 50 Năm Thành Lập Đan Viện Xitô Phước Vĩnh

THÁNH LỄ KHAI MẠC NĂM THÁNH-MỪNG 50 NĂM THÀNH LẬP ĐAN VIỆN XITÔ PHƯỚC VĨNH      Vào lúc 9:30 thứ Ba ngày 19 tháng...

Tâm tình với anh Bernadino

TÂM TÌNH VỚI ANH BERNADINO Dũng Ân Anh thân mến! Anh đã an nghỉ nơi lòng đất mẹ rồi, nhưng em và mọi người vẫn chưa...

Ai tín

…Xin Người cho anh em biết con người và ơn gọi của anh em là gì…

Một vài suy nghĩ về con người và ơn gọi nhân dịp tuyên khấn của anh em (Vinh-sơn Liêm, PV) Hằng năm chúng ta vẫn thường...

TÂM TÌNH TẬP VIỆN TÊ-RÊ-SA PHƯỚC VĨNH SỐ 4

LẠI BẮT ĐẦU          Thưa Chị,...

Bài Giảng Thứ Năm Tuần Thánh

THỨ NĂM TUẦN THÁNH 2015 TẠI PHƯỚC VĨNH VENI...

Bài Giảng Lễ PHỤC SINH- VENI CREATOR SPIRITUS, MATER BONI CONCILII

VENI CREATOR SPIRITUS, MATER BONI CONCILII.Cha Viện Trưởng           ...

Niềm Vui Phục Sinh

Niềm Vui Phục Sinh Truân chuyên vạn nẻo đường...

Tin Mừng Lễ Chúa Nhật Phục Sinh Chúa Giêsu đã phục...

Tin Mừng Lễ Chúa Nhật Phục Sinh             Chúa...

Phước Vĩnh 40 năm hành trình sứ vụ- gắn liền với ơn gọi của thánh Gioan Tiền Hô.

    Hôm nay là ngày sinh nhật của thánh...