Đến để được chữa lành
St 22,1-19 ; Mt 9, 9-13
Paul Toumier trong sổ khám bệnh của mình có ghi lại một câu chuyện như sau: Ông chữa cho một bệnh nhân nữ mắc chứng thiếu máu. Sau nhiều ngày chữa trị, nhưng bệnh không thuyên giảm. Ông đã quyết đinh gửi cô đến một bệnh viện quân y để tĩnh dưỡng tại đó. Sau bốn ngày chờ đợi, bệnh viện quân y đồng ý để bệnh nhân của Toumier đến đó tĩnh dưỡng. Đồng thời bệnh viện cũng báo cáo kết quả xét nghiệm máu: không có gì khác thường trong máu. Nhận được kết quả xét nghiệm, Toumier vội vàng lấy mẫu máu của bệnh nhân, rồi vào phòng xét nghiệm. Vốn là người cẩn thận nên Toumier thấy ông không mắc sai lầm cả trong những lần trước và lần xét nghiệm này. Toumier vội vàng ra gặp bệnh nhân và hỏi: Trong những ngày vừa qua có gì khác thường không? Bệnh nhân trả lời: Không có gì khác thường, chỉ trừ việc tôi đã tha thứ cho một kẻ thù thâm căn cố đế của tôi. Không phải thuốc men hay kĩ thuật y học đã chữa trị, nhưng là sự tha thứ đã chữa lành cô gái.
Khi trở về thành của mình, gặp một người bại liệt, Đức Giêsu không nói anh được khỏi bệnh nhưng nói: “Này con, cứ yên tâm, tội con được tha rồi!”(Mt 9, 2). Nhưng vì có mấy kinh sư nghĩ xấu trong lòng, nên Đức Giê su đã chứng tỏ cho họ thấy Ngài không chỉ chữa lành thân xác mà thôi, nhưng Ngài còn là Đấng Cứu Độ chữa lành linh hồn của con người. Vậy Ngài đã nói: “Đứng dậy, vác giường mà đi về nhà!”. (Mt 9, 6).
Đến với Đức Giêsu chúng ta không chỉ được chữa lành phần xác nhưng còn được chữa lành cả tâm hồn. Đến với Ngài chúng ta sẽ được chữa lành, điều chúng ta cần có là Đức Tin. Không phải là đức tin nửa vời, tin mấy chục phần trăm, nhưng là đức tin theo gương tổ phụ Abraham – tin Thiên Chúa nên đã tuân theo lời Chúa sát tế con trai (Việc này chừa xảy ra thì được thiên thần can thiệp). Vậy trong cuộc sống, những lúc đau khổ tại sao chúng ta không chạy đến với Chúa Giê su? Hãy đến với Chúa Giêsu Ngài sẽ chữa lành cho, như đã chữa người bại liệt.
Người bại liệt – đương nhiên anh ta không thể tự đi đến được, nhưng cần những người khác đem anh ta đến với Đức Giêsu. Không biết vì động lực nào, nhưng điều chúng ta biết chắc chắn qua Tin Mừng là có những người khiêng anh ta đến với Đức Giêsu.
Cuộc sống xung quanh chúng ta có muôn vàn người bị “chứng bại liệt”. Dùng từ “chứng bại liệt”, vì người viết muốn nói đến nhiều thứ bại liệt khác trong cuộc sống. Đó là những thứ bại liệt nhân cách – khi người ta dùng lời lẽ, nói xấu để hạ thấp danh dự và phẩm giá của người khác. Đó là thứ bại liệt đức ái – khi người ta cố chất lên vai những người khác thật nhiều ghánh nặng nhưng chính họ không đụng ngón tay vào. Đó là thứ bại liệt “giữa ngôn và hành” – vì người ta nói mà không làm… và biết bao thứ bại liệt khác. Trước những thứ bại liệt đó chúng ta không được mời gọi để ngồi than thân trách phận: tại sao những người đó lại có thể làm những điều xấu cho mình, cho người khác. Chúng ta lại càng không được đối xử với họ như họ đã đối xử tệ với đồng loại. Nhưng như những người đã khiêng người bại liệt đến với Đức Giêsu, Chúa cũng mời gọi mỗi người chúng ta mang những người mang “chứng bại liệt” đến với Chúa, để Chúa chữa lành cho họ. Chúng ta mang họ đến với Chúa bằng cách nào? Chúng ta mang họ đến với Chúa bằng lời cầu nguyện.
Việc cầu nguyện cho những người tốt đôi khi chúng ta còn không nhớ, thì việc cầu nguyện cho những người làm tổn thương chúng ta quả là một điều rất khó. Nhưng khi chúng ta có thể cầu nguyện cho kẻ thù của chúng ta, chúng ta sẽ cảm nhận được một sự biến đổi không chỉ kẻ thù của chúng, tương quan giữa chúng ta với họ, mà chính trong con người chúng ta có sự biến đổi. Chúng ta sẽ cảm thấy một sự nhẹ nhàng như vừa trút được một ghánh nặng đè tâm trí. Hãy thử đi! Thử một lần cầu nguyện cho người chúng ta không ưa, người chúng ta ghét, kẻ thù của chúng ta, để cảm nhận sự khác biệt, cảm nhận sự tha thứ như Chúa đã nói với người bại liệt: Này con, cứ yên tâm, tội con đã được tha.
Cũng vì lời này mà có mấy kinh sư nghĩ bụng: Ông này nói phạm thượng.(Mt 9,3). Nói phạm thượng!!!??? Người viết suy nghĩ: Như thế nào được gọi là một lời nói phạm thượng? Người viết cảm nhận như thế này: không có lời nào là phạm thượng hết, chỉ trừ những lời xúc phạm đến tình yêu. Vì suy cho cùng phạm thượng là xúc phạm đến Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là ai? Thánh Gioan nói: Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4, 8). Vậy nên xúc phạm đến tình yêu chính là phạm thượng.
Trong cuộc sống, những lời nói phạm thượng nhan nhản: Chúng là những lời nói xấu làm mất thanh danh người khác, chỉ trích kết án làm người khác mất ý hương, những lời lăng mạ, chửi rủa, nịnh bợ… Những kiểu nói đó phạm thượng bởi vì lỗi đức thương yêu, xúc phạm đến hình ảnh Thiên Chúa đã đặt để trong mỗi người. Nhưng thật đáng tiếc, người ta phạm nhiều đến nỗi xem những điều đó là chuyện thường. Đến nỗi Cha Biên Đức Thuận – Đấng sáng lập dòng Xi-tô Việt Nam, đã phải nói: Sự ấy năng có, tội ấy có nhiều người phạm, nhưng có ít người xưng. (x. Di Ngôn Cha Biển Đức Thuận, số 112).
Lạy Chúa! Chúng con là những người mang trong mình những chứng bại liệt trong tâm hồn, có khi cả thể xác. Xin Chúa thôi thúc, thêm đức tin để giúp chúng con chạy đến với Chúa để được chữa lành hồn – xác.
Đến lượt chúng con, Xin Chúa ban cho chúng con lòng quảng đại và yêu thương để mang những người anh em bại liệt đến với Chúa không chỉ bằng những hành động, nhưng trong cả lời kình, lời cầu nguyện. Amen.
Người Lữ Hành Emmau