Ga 9,1-41
“ĐỨC TIN”
Bài Tin Mừng hôm nay nói về việc Chúa Giê-su chữa lành cho anh mù từ thủa mới sinh. Việc chữa bệnh này gây ra nhiều tranh cãi (có tất cả 8 cuộc tranh luận và đối chất). Người ta tranh luận xem tại sao anh mù lại được chữa khỏi, đến nỗi mọi người phải thẩm định trực tiếp anh ấy, thậm chí còn gọi cả bố mẹ anh ta đến để thẩm định xem có thật không.
Cuối cùng một số người, nhất là những người Pharisêu chia rẽ nhau vì không công nhận và không tin Chúa Giê-su là Người Của Thiên Chúa. Như vậy thực ra chủ đề chính của bài Tin Mừng này có ý chứng minh Đức Giê-su là ai?- Ngài tự mạc khải Ngài là Con Người, là Ánh Sáng Thế Gian.
Việc chữa lành cho anh chàng mù được khỏi thực chất là công việc Chúa Giê-su làm nhân danh Thiên Chúa Cha, và cao hơn nữa nhờ việc làm này Ngài thực hiện việc truyền giáo. Như thế chữa bệnh chỉ là yếu tố phụ, là cái “cớ” cho việc lớn lao hơn. Vì “chuyện đó xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (Ga 9,3). Hơn nữa trước khi thực hiện việc này Đức Ki-tô tuyên bố, “Tôi là Ánh Sáng thế gian” (Ga 9,5).
Ánh Sáng ấy không chỉ ban ánh sáng cho anh mù, hơn thế nữa Ánh Sáng ấy còn tác động làm cho anh được sáng con mắt đức tin và soi sáng cho những ai còn “bước đi trong bóng tối” (Ga 12, 35). Ngài soi sáng cho mọi người biết Ngài là Con Đường, là Ánh Sáng của mọi Ánh Sáng. Hôm nay Chúa Giê-su tỏ cho mọi người thấy vai trò Ngôn Sứ của Ngài là thực hiên công trình của Thiên Chúa nơi anh chàng khiếm thị từ thủa mới sinh.
Như thế anh mù may mắn được cả hai thứ Ánh Sáng, Ánh Sáng của tự nhiên và Ánh Sáng là chính Đức Ki-tô. Thông qua việc này chàng thanh niên mù cũng ban ánh sáng đức tin cho kẻ sáng mắt khác là nhận biết Đức Giê-su là ai, bằng cách tuyên xưng niềm tin của mình trước mặt mọi người.
Ngay sau khi được chữa lành, chính anh này cũng không biết chính xác Chúa Giê-su là ai. Khi được hỏi anh chỉ “đoán” Ngài là một Ngôn Sứ. Nhưng khi được Chúa Giê-su trực tiếp mạc khải Ngài là Đấng Được Thiên Chúa sai đến, lập tức anh ta tin và thờ lạy Ngài.
Sau đó cũng xảy ra cuộc tranh luận giữa những người Pha-ri-sêu và Đức Ki-tô về việc họ không tin vào Chúa Giê-su, nên Ngài cho rằng họ đã bị đui mù. Thực ra họ chỉ tin vào một Thiên Chúa duy nhất và tin vào tổ tiên của họ là ông Mô-sê.
Qua việc này chúng ta thấy đi thuyết phục người khác khó biết bao, có lẽ giới tinh hoa của người Do Thái đương thời đã bị chính hiểu biết của mình làm lu mờ, trong lòng họ không còn chỗ trống cho đức tin ngự trị, hơn nữa họ rất bảo thủ là những lý do chính họ không còn nhận biết Đức Ki-tô. Niềm tin ấy chỉ có tác dụng khi được Thiên Chúa ban cho và con người phải có thiện chí, khát khao đón nhận.
Một câu hỏi được đặt ra ở đây là, tại sao Chúa Giê-su không chữa bệnh cho những người thiếu may mắn và đang đau khổ để vừa có thể giúp người lại vừa giúp người ta tin vào Thiên Chúa. Thưa rằng, nếu chữa bệnh chỉ để chữa bệnh thì đó không phải là nhiệm vụ chính của Chúa Giê-su, hơn nữa việc chữa bệnh như vậy có thể bị lạm dụng và gây hiểu lầm. Chúa chữa bệnh cho anh mù cũng chỉ là một cách rất đặc biệt trong nhiều phương thế Chúa làm trong công việc truyền giáo.
Trong trường hợp này phép lạ đã tạo ra đức tin, việc chữa bệnh vô tình trở thành công cụ truyền giáo. Tuy nhiên chúng ta thường thấy một đức tin triệt để có thể tạo ra những dấu lạ như trong Mt 17, 20; 21, 21t, Chúa Giê-su đã nói đức tin là bảo chứng bảo đảm là có thể chuyển núi đời non và làm được mọi sự.
Tuy nhiên, đức tin không phải chỉ dừng lại ở việc tin hay không tin mà không có hành động gì. Lộ trình của đức tin phải đi đôi với ước muốn hoàn toàn vô vị lợi, sẵn sàng đặt mình cho Thiên Chúa sử dụng vào công việc lớn lao hơn của Ngài. Mỗi người đều có một cái “vốn” nào đó để Chúa thực thi công trình cứu độ. Mỗi chúng ta là sứ giả của đức tin bằng cách tìm hiểu sâu hơn Thiên Chúa để biến đổi đời sống. Tuy nhiên cầu nguyện và suy niệm về các chân lý đức tin còn quan trọng hơn nhiều.
Một đức tin mà không có cầu nguyện thì chỉ là một niềm tin vô ngã, vật chất chứ chưa phải là một mối quan hệ với Thiên Chúa đủ sức đem lại sự sống cho ta như đức tin vốn phải thế. Phép lạ đã thiết lập một mối tương quan liên vị, cụ thể và sâu sắc hơn giữa Đức Ki-tô và con người dựa trên nền tảng của tình thương, quyền năng của Thiên Chúa và niềm tin của con người vào Ngài.
Bài học nữa trong việc Chúa chữa lành cho anh mù đó là đôi khi những thiệt thòi và khổ đau cũng là cái “cớ” để Thiên Chúa thao diễn tình thương của Ngài bằng cách gặp gỡ trực tiếp, cụ thể hơn gần gũi hơn.
Qua phép lạ này, chúng ta cũng nhận ra Đức Ki-tô vừa là Ánh Sáng vừa là người chiếu soi Ánh Sáng, nhưng Ánh Sáng ấy luôn chiếu vào chúng ta trước bằng cách mời gọi, tạo cơ hội, khuyến khích để chúng ta đi trong Ánh Sáng. Ánh Sáng ấy soi dọi cho chúng ta mỗi ngày con đường đến đích điểm là Nước Trời của Sự Thật và của Sự Sống./.
Pet. Dũng Nguyễn Đình Khi