CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN – năm B
Mc 8,27-33
“CÒN ANH EM,
ANH EM GỌI THẦY LÀ AI?”
Bài Tin Mừng hôm nay là một chấn vấn cho niềm tin của mọi người, qua việc Chúa chất vấn các môn đệ gọi Người là ai? Câu trả lời cho thấy sự hiểu biết khiếm khuyết của người ngoài và xác định cách sống niềm tin của Kitô hữu chúng ta:
1. Anh em gọi Thầy là ai?
Những ghi nhận của mọi người về Chúa Giêsu thật ra không phải là sai, nhưng chưa đủ, mà chỉ nói lên được một khía cạnh trong sự tròn đầy của khuôn mặt Đức Giêsu là Chúa:
– Là Êlia (một ngôn sứ quyền năng, làm phép lạ…)
– Là Giêrêmia (một ngôn sứ bị bắt bớ và đầy đau khổ)
– Là Gioan Tẩy Giả (rao giảng sự sám hối và sống khắc khổ)
– Là một ngôn sứ nào đó (đời sống chứng nhân và rao giảng).
Câu trả lời do mặc khải của Chúa Cha cho Phêrô là Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, vâng, Con Thiên Chúa này bao gồm trọn vẹn mọi hình ảnh trên, có thể tóm kết một Đức Giêsu Kitô Tử Nạn và Phục Sinh.
“Thầy là Đấng Kitô”. Phải, chúng ta tuyên xưng một Đức Giêsu là Đấng được xức dầu (Christo) và là Chúa, nghĩa là Đức Giêsu quyền phép chữa lành bệnh tật và uy thế trước thế quyền (Êlia), một Chúa Giêsu đau khổ nơi người bất hạnh (Giêrêmia), một Đức Giêsu rao giảng ơn sám hối (Gioan TG), một Đức Giêsu chứng nhân và rao giảng (các ngôn sứ)…
Hôm nay Chúa chất vấn từng người: “Này anh, này em, này bạn, các anh chị gọi Tôi là ai”? Chúng ta ai cũng phải có câu trả lời thật cho chính mình. Chúng ta có còn tuyên xưng Chúa là Chúa trong cuộc đời chúng ta nữa không? hay là chỉ tuyên xưng ông thần tài…? Sự tuyên xưng đó được cụ thể bằng việc bước theo con đường thánh giá mà Chúa Giêsu đã đi, như Người đã báo trước cho các môn đệ.
2. Ngăn cản việc thực hiện ý Chúa là hành động của Satan.
Trong Tin Mừng, chúng ta ít gặp Chúa Giêsu mắng các môn đệ, nhưng trong đoạn tường thuật này, Chúa đã mắng Phêrô cách hết sức nặng nề, ngang với việc Người từng mắng Tên Cám Dỗ (Satan) trong sa mạc (x. Mt 4,8-9). Cũng giống như hành động của Tên Cám Dỗ, Chúa mắng Phêrô vì ông đã ngăn cản Ngài thực hiện ý Chúa Cha là chịu Tử Nạn để cứu độ. Dù trước đó, Phêrô đáng được điểm 10, nhưng sau đó lại vị điểm 0. Phêrô đáng khen vì tuyên xưng đúng bản tính và sứ vụ của Chúa Giêsu, nhưng lại bị chê là thoái thác tìm cách trốn tránh sự khó khăn trong Ý Chúa định.
Chúng ta cũng thế, đi đạo và giữ đạo chỉ khi vui, nhưng khi gặp thử thách thất bại thì dễ phàn nàn trách mình thoái lui.
3. Từ bỏ chính mình và vác thập giá mình theo Chúa Giêsu
Ở đây, Chúa Giêsu nói rõ là “bỏ mình”. Bỏ mình tức là bỏ chính cái tôi của mình, đó là sự từ bỏ khó khăn nhất. Alexande từng nói: “Thắng được vạn quân còn dễ hơn là thắng được chính mình”. Cái tôi chính là cá tính của mỗi người, vốn dễ kiêu ngạo muốn trên mọi người, muốn thể hiện chính mình, muốn người khác theo ý mình; chứ không dễ gì khiêm tốn và phục vụ tha nhân. Nhưng đó lại là điều kiện của “thập giá”, bởi thập giá được làm bằng chất liệu khiêm tốn và phục vụ.
Bước theo Chúa mà với đầy dẫy những thứ cồng kềng vướng bận thì khó mà theo sát và theo kịp Ngài được. Cụ thể, việc chúng ta giữ đạo mà vẫn phải bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa, để không còn giờ để đọc kinh chung, để không đủ sức khoẻ đi tham dự lễ, để đến được nhà thờ thì chỉ còn ngủ…
Thật ra, bỏ những thứ bên ngoài đã khó, nhưng bỏ mình, tức là bỏ đi cái tôi của mình còn khó biết bao.
Chúa bảo chúng ta vác thập giá mình chứ không buộc vác giùm ai. Vác thập giá của mình, chính là việc chu toàn bổn phận công dân, bổn phận đối với Chúa và Giáo Hội trong đấng bậc mình. Vui nhận những trái ý nghịch lòng làm của lễ dâng Chúa. Đường thập giá thực ra không có gì xa thực tế, nhưng đúng với cả nghĩa tôn giáo lẫn xã hội. Thật vậy, có ai đạt được vinh quang mà không khổ luyện, muốn thi đậu phải miệt mài đèn sách, muốn chiến thắng trong các cuộc thi phải đòi hỏi khổ luyện… và đặc biệt, muốn hưởng phúc Nước Trời phải biết hy sinh và chịu thử thách.
Ngày nay, có những cách bách hại rất tinh vi và thâm hiểm của chế độ, của chính thể, của những thứ văn hoá thời đại… Vì thế, đòi hỏi chúng ta phải chết đi mỗi ngày vì những thứ bách hại đó, nghĩa là hi sinh vâng phục theo sự hướng dẫn của Giáo Hội mà giữ lễ luật Chúa.
Con đường theo Chúa, đời sống đạo cần một sự dấn thân, phải vác lấy thập giá, Thập giá đó là những khó khăn, những trái ý nghịch lòng… Thập giá đó là việc tuân giữ lề luật Chúa…
“Ai giữ mạng sống mình sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình thì sẽ giữ được mạng sống”. Nghe có vẻ thật nghịch lý, nhưng đó lại là chân lý Kitô Giáo, bởi vì cái đích đạt tới cuối cùng của chúng ta là sự sống đời đời (mạng sống siêu nhiên) chứ không phải bằng mọi giá phải giữ sự sống thể lý, để rồi chối Chúa.
Khi chúng ta chỉ tìm cái sung sướng cho thân xác đời này, thì sự sống tâm linh của chúng ta èo ọt, nhưng khi chúng ta chịu khó hy sinh, tuy làm cho đời sống thể lý có chút thua thiệt, nhưng sự sống vĩnh cửu của chúng ta đang triển nở.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tuyên xưng Ngài là Chúa của cuộc đời mỗi người chúng con, được cụ thể bằng sự phó thác và chấp nhận hy sinh, sẵn sàng và vui lòng đón nhận thử thách vì Chúa, hầu cộng tác với Chúa cứu độ các linh hồn. Amen.
Hiền Lâm