Thứ Sáu, 9 Tháng 5, 2025

AI LÀ NGƯỜI CẦN ĐƯỢC THA THỨ TRƯỚC HẾT?

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIV TN – A

(Hc 27, 30 – 28,7; Rm 14,7-9;  Mt 18, 21-35)

 AI LÀ NGƯỜI CẦN ĐƯỢC THA THỨ TRƯỚC HẾT?

(M.Benado)

Người ta vẫn thường nói: mỗi vị thánh đều có một quá khứ, mỗi tội nhân đều có một tương lai. Với thân phận con người yếu đuối, mấy ai là người hoàn hảo tất cả mà không cần đến sự tha thứ của người khác. Nên mỗi người chúng ta tự đặt cho mình câu hỏi: ai là người cần được tha thứ trước hết? Và suy xét một cách nghiêm túc thì chúng ta có câu trả lời ngay: chính tôi là người cần được tha thứ trước hết. Trong thánh lễ mỗi ngày, lời kinh thú nhận chúng ta vẫn đọc, và tự dùng tay đấm ngực ăn năn về tất cả lỗi lầm chúng ta xúc phạm đến Chúa và anh chị em. Quả thực, nếu mỗi người Ki-tô hữu chúng ta luôn ý thức được điều đó thì thế giới này không còn có sự hận thù.

Tin Mừng tuần trước, Chúa Giêsu dạy hãy sửa lỗi cho nhau. Tin Mừng tuần này, Chúa dạy hãy tha thứ. Vậy tại sao phải tha thứ? Và tha thứ thế nào là đủ?

Câu hỏi của thánh Phê-rô với Chúa Giê-su hôm nay có lẽ cũng là câu hỏi của mỗi người chúng ta: “Thưa Thầy, nếu anh em con xúc phạm đến con thì con phải tha thứ đến mấy lần? Có phải bảy lần không”? Đối với người Do thái là “quá tam ba bận”. Có tha chỉ tha ba lần thôi, đến lần thứ tư phải trừng phạt. Cho nên khi hỏi Chúa Giê-su câu đó, thánh Phê-rô đã có lẽ cho rằng mình đã quảng đại lắm rồi. Tâm tình của thánh Phê-rô đối với Chúa là thái độ con người. Một sự tha thứ như thánh Phê-rô nói là đã vượt quá cả truyền thống Do thái và luật cũ xưa dành cho người công chính. Thiên Chúa luôn tha thứ cho người công chính bảy lần: “Vì chính nhân có ngã bảy lần cũng đứng lên được, còn kẻ ác cứ lảo đảo hoài trong cảnh tai ương” (Cn 24,16). Tha thứ bảy lần là tha thứ có giới hạn. Thế nhưng, câu trả lời của Chúa Giêsu có lẽ đã làm thánh Phê-rô giật mình: Không phải chỉ bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy. Tha thứ đến 490 lần. Ở đây không thể hiểu theo nghĩa đen với công thức toán học để tìm ra số lần phải tha thứ cho anh em, mà là tha thứ không giới hạn, tha hoài, tha mãi.

Phải tha thứ vì con người luôn bất toàn. Trong cuộc sống dù vô tình hay cố ý, chúng ta dễ làm thương tổn, dễ xúc phạm đến người khác. Chỉ cần lòng từ bi thương cảm thì chúng ta dễ đón nhận được sự tha thứ của nhau. Phải tha thứ vì chính chúng ta là người cần được thứ tha trước hết. Tôi cần sự tha thứ của chính mình. Tôi cần sự tha thứ của Thiên Chúa. Tôi cần sự tha thứ của những người mà tôi đã xúc phạm đến họ. Nếu tôi không tự tha thứ cho chính mình, thì lương tâm tôi luôn giằng co và bứt rứt. Vì chính sự bất toàn của con người tôi, mà bao lần trong cuộc đời đã làm cho lương tâm mình đau khổ, bất an. Tôi cần sự tha thứ của người khác vì tôi đã xúc phạm đến họ. Và đặc biệt chúng ta cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa. Vì những xúc phạm của chúng ta với anh chị em, với chính mình là đã xúc phạm đến Chúa.

Thân phận con người thật mong manh. Đó chính là điều mà ĐTC Phanxico đã nói với giới trẻ đất nước Colombia trong chuyến viếng thăm từ ngày 6 – 11/9/2017: “Thiên Chúa là người duy nhất không mong manh: còn tất cả chúng ta, tất cả đều mong manh. Nơi một số người mình không thấy, nơi một số khác, mình thấy. Nhưng chủ yếu, con người cần được Chúa nâng đỡ, tất cả chúng ta đều cần.”

Vậy với điều kiện nào để chúng ta được tha thứ? Qua dụ ngôn hôm nay đã cho chúng ta câu trả lời: Hãy tha thứ cho anh em thì chúng ta sẽ được tha thứ. Đó là điều kiện bắt buộc. Bởi vì, hơn ai hết chúng ta là người trước tiên cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa. Bao lần trong đời sống chúng ta đã xúc phạm đến Ngài. Lời kinh Lạy Cha mà chúng ta vẫn đọc mỗi ngày “Xin tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Còn trong sách Huấn Ca cũng nhắc nhở chúng ta điều đó: “Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn khẩn cầu, tội lỗi bạn sẽ được tha” (Hc 28,2).

Qua dụ ngôn ông vua và các đầy tớ, Chúa Giê-su đã dạy chúng ta bài học cao quý về sự tha thứ. Thật phi lý khi chúng ta cần đến lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa, mà lại không tha thứ cho anh chị em xúc phạm đến mình “người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành” (Hc 28,3). Dụ ngôn cho thấy, tội lỗi chúng ta xúc phạm đến Chúa gấp ngàn vạn lần so với những lỗi lầm anh chị em xúc phạm đến mình. Một sự so sánh nghĩa đen giữa mười ngàn yến vàng và một trăm quan tiền, đó là một sự chênh lệch quá lớn về số lượng. Nhưng qua đó cho chúng ta thấy, Thiên Chúa luôn thương xót và giàu lòng nhân ái đối với con người vô cùng. Trong khi con người lại ích kỷ so đo hẹp hòi với nhau. Khi con người thật lòng thống hối và trở về với Thiên Chúa thì Ngài sẵn sàng tha thứ tất cả, không so đó tính toán, không giới hạn. Nhưng ngược lại, chúng ta luôn tỏ vẻ hạch sách và chậm trễ trong sự tha thứ với anh chị em xúc phạm đến chúng ta. Có lẽ lắm lúc chúng ta cũng tính toán số lần như thánh Phê-rô đã hỏi Chúa hôm nay. Chúa đã dạy thánh Phê-rô về một sự tha thứ không giới hạn. Con số bảy mươi lần bảy đó tượng trưng cho một sự tha thứ luôn luôn và mãi mãi.

Lời Chúa hôm nay nói lên lòng quảng đại của chính Thiên Chúa và lòng quảng đại giữa con người với nhau. Tha thứ là điều rất dễ nói, nhưng khi thực hiện lại là điều không dễ dàng. Vì thế, chúng ta cần đến ơn của Chúa nâng đỡ. Chính Chúa Giê-su là tấm gương cho chúng ta về tình yêu bao la và sự quảng đại tha thứ. Vì yêu thương nhân loại, Ngài đã tự thân hạ mình mặc lấy thân phận con người, chấp nhận mọi đau khổ, bị giao nộp trong tay người đời, bị hành hạ, bị tra tấn, nhưng Ngài đã tha thứ tất cả. Tha thứ đến tột cùng trên cây thập giá khi Ngài cầu xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,34). Chỉ mình Ngài mới có thể đem lại cho chúng ta sức mạnh và lòng can đảm để đi đến cùng của sự tha thứ.

Lạy Chúa, Chúa thấy chúng con chưa dễ dàng tha thứ cho anh chị em xúc phạm đến chúng con. Xin Chúa ban cho chúng con những tâm tình của Chúa, để chúng con có thể yêu thương như Chúa, tha thứ như Chúa.

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật III Phục Sinh: Cũng chỉ vì lòng yêu mến

CŨNG CHỈ VÌ LÒNG YÊU MẾN (Đan viện Phước Hải)      “Thiên Chúa là Tình Yêu “(1 Ga 4, 16). Tình yêu cần được biểu...

Chúa Nhật III Phục Sinh: Yêu…

YÊU… M. David (Vĩnh Phước)      Trích đoạn Tin Mừng hôm nay tường thuật lại cuộc hiện ra lần thứ ba của Chúa Giêsu với...

Thánh Lễ cầu cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Vị Giáo Hoàng của lòng thương xót

    Thánh lễ cầu cho Đức Thánh Cha Phanxicô VỊ GIÁO HOÀNG CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT (Kn 4,7-15; 1 Ga 3,14-16; Lc 24,13-16.28-35) Châu Sơn 28/4/2025 TGM Ngô Quang...

Chúa Nhật II Phục Sinh: Thực hành lòng thương xót

  Chúa Nhật Lòng Thương Xót C THỰC HÀNH THƯƠNG XÓT (Cv 5,12-16; Kh 1,9-11a.12-13.17-19; Ga 20,19-31) TGM Giuse Ngô Quang Kiệt Khi còn sống nơi dương thế, Chúa...

Chúa Nhật II Phục Sinh: Lòng thương xót

LÒNG THƯƠNG XÓT                                                                                           Teresa Avila Thảo Phước Hải       Trong dòng chảy cuộc đời, có những khoảnh khắc chúng ta cảm nhận...

Lễ vọng Phục Sinh: Lịch sử tình yêu (Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

    Lễ Vọng Phục sinh LỊCH SỬ TÌNH YÊU Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt Phụng vụ Lời Chúa đêm Vọng Phục Sinh trình bày lịch sử cứu...

Chúa Nhật Phục Sinh: Đấng Phục Sinh toàn thắng

    ĐẤNG PHỤC SINH TOÀN THẮNG (Ga 20,1-9)  Fm. Franz Xaver Kiên (Fatima)      Halleluia, Chúa đã phục sinh! Vâng, sau cùng "Tình Yêu" đích thực của...