Thứ bảy, 5 Tháng mười, 2024

ẤP YÊU THẬP GIÁ CHÚA KITÔ TRONG ĐỜI SỐNG CHA TỔ PHỤ BIỂN ĐỨC THUẬN _Giuse Khang Tiên (VP TP)

              

ẤP YÊU THẬP GIÁ CHÚA KITÔ

TRONG ĐỜI SỐNG CHA TỔ PHỤ

BIỂN ĐỨC THUẬN

Giuse Khang Tiên
Đan Viện Thánh Mẫu Thiên Phước

     Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Thập Giá mà người môn đệ Chúa Kitô vác là gì, nếu không phải từ bỏ con người ích kỷ của mình để sống cho Thiên Chúa và tha nhân. Như vậy, điều kiện tiên quyết là phải hy sinh, một sự hy sinh từ bỏ thường xuyên trong đời sống Kitô hữu. Nếu người môn đệ Chúa Kitô thiếu vắng thập giá trong đời sống mình thì không phải là môn đệ đích thực của Ngài. Hơn thế nữa, người môn đệ Chúa Kitô không yêu mến thập giá thì không còn sức sống, ngày càng tàn lụi và đánh mất chính mình. Ngược lại, người môn đệ Chúa Kitô biết đón nhận và yêu mến thập giá trong mọi hoàn cảnh thì cuộc sống trở nên thanh thoát và ý nghĩa.

     Nhìn lại cuộc đời cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, nếu ngài không “ấp yêu Thập Giá Chúa Kitô”, chắc chắn thân thế và sự nghiệp của ngài không được như hiện nay. Khi còn nhỏ, ngài mất mẹ hiền yêu dấu; chấp nhận cảnh nghèo của gia đình… Khi trở thành linh mục, đối diện với biết bao khó khăn ở những xứ đạo nghèo; làm giáo sư với kiên trì nhẫn nại… Khi lập dòng, chịu đựng bao nghi ngờ, trách móc… Tuy nhiên, nhờ sức mạnh cây thập giá, ngài đã vượt qua và mang lại kết quả lớn lao.  

     Với tất cả những xác tín về ý nghĩa của Thánh Giá, cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đã mạnh mẽ rao giảng thập giá Chúa Kitô, coi thập giá như vinh dự lớn lao nhất trong đời mình, luôn hiệp thông với khổ nạn của Chúa Kitô và biết sử dụng thập giá như phương thuốc hữu hiệu nhất chữa lành mọi bệnh tật tâm linh. Vậy trong bài viết này, dựa vào đời sống và ngôn từ của cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, xin ghi nhận những điểm chính sau đây.

 

               I. Vinh Dự Rao Truyền Thánh Giá Chúa Kitô

     Thánh Phaolô coi thập giá là vinh dự trong đời sống đức tin của ngài: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl 6,14). Thánh Phaolô xác tín như vậy vì thập giá là khí cụ của ơn cứu độ, là sức mạnh Thiên Chúa trong đời sống chúng ta (x. 1Cr 1,18). Chính vì thế, trong sứ vụ rao giảng, thánh Phaolô đã mạnh mẽ rao giảng về thập giá Chúa Kitô : “Dân Do Thái đòi hỏi phép lạ, dân Hy Lạp thì tìm lý lẽ khôn ngoan; còn chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh, một điều vấp phạm cho dân Do Thái và điều dại dột đối với dân Hy Lạp” (1Cr 1,22-23). Noi gương thánh Phaolô và các thánh Tông Đồ, biết bao sứ giả Tin Mừng loan báo thập giá Chúa Kitô, bất chấp mọi gian nan khốn khó, bắt bớ hiểm nguy và can đảm liều chết vì thập giá Chúa Kitô. Cũng thế, cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận không quản ngại khó khăn, vượt hàng chục ngàn cây số để đến vùng Viễn Đông rao giảng thập giá Chúa Kitô. Trong thư gởi cho song thân, ngài viết : “Con không thể bộc lộ sự vui sướng khi thấy họ mở mắt nhìn con, ngạc nhiên vì nghe con nói Chúa lân mẫn vô cùng, đã từ trời xuống thế, chết ô nhục trên Thập Giá để cứu vớt sinh linh mà còn bao kẻ chưa nhận biết Người[1].

     Đọc tiểu sử của cha Biển Đức Thuận, chúng ta nhận ra rằng, ngài đã ấp ủ mến yêu thập giá từ thuở nhỏ, qua giáo dục của gia đình. Lòng mến yêu đó càng tăng lên gấp bội khi được giáo dục của các linh mục, tu sĩ và chủng viện Hội Thừa Sai Paris, nhất là kinh nghiệm mục vụ và đời sống nội tâm sâu sắc của ngài. Cùng với lòng khát khao rao giảng Tin Mừng, đã thúc đẩy ngài bỏ quê hương xứ sở, cha mẹ và người thân để đến vùng truyền giáo Việt Nam. Ngài đã xác tín tình yêu qua thập giá Chúa Kitô, khi cảm nghiệm Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến trần gian, đã sống như người trần thế. Ngài chịu mọi đau khổ, vất vả, mọi sự mà loài người phải chịu, nhất là chịu bách hại và chịu chết vì loài người. Cuộc đời trần gian của Đức Giêsu Kitô kết thúc bằng cuộc khổ hình thập giá trên đỉnh đồi Calvê, một lễ tế hy sinh, lễ tế tình yêu.

     Như vậy, Mầu nhiệm thập giá là trọng tâm Tin Mừng mà cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận loan báo cho mọi người biết, là Chúa Kitô hoàn tất ý định cứu độ của Thiên Chúa bằng thập giá, để chứng minh tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người.

 

               II. Phước Của Thánh Giá Chúa Kitô

     “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí con” (Đức Cha Lambert de la Motte). Tại sao vậy ? Bởi vì, thập giá không chỉ là biểu trưng của sự độc ác và tội lỗi, nhưng còn là vẻ đẹp của chính tình yêu Thiên Chúa. Thập giá chính là đỉnh cao của công trình cứu độ và là bằng chứng của tình yêu: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Chúa Giêsu đã thực hiện luật yêu thương của Tin Mừng, Ngài đã sống cái cùng tận của định luật tình yêu là chấp nhận cái chết nhục hình trên thập giá vì yêu nhân loại, dù Ngài hoàn toàn vô tội (x. Mt 27,4). Chính vì thế, người Kitô hữu đón nhận thập giá với tất cả mến yêu tha thiết, và đạt được tình yêu trọn vẹn mà Tin Mừng đòi hỏi. Về điều này, cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đã giáo huấn anh em: “Nếu chúng ta biết ấp yêu Thánh Giá vào lòng, thì mọi gian nan khốn khổ ở đời này, không làm cho chúng ta nao núng. Có lòng trìu mến Thánh Giá thật, thì ở trong nhà dòng này rất đỗi vui mừng. Như vậy, ai làm chi được chúng ta ! Bề trên có quở phạt, anh em có khinh chê, đó là Thánh Giá, là điều mình hằng nâng niu trân trọng. Những kẻ ấy ở trong nhà dòng này vui thích biết mấy[2].

     Theo Tông Huấn Đời Tống Thánh Hiến, mọi ơn gọi đời sống thánh hiến đều bắt nguồn từ thập giá Chúa Kitô (số 23). Bởi đó, cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận luôn xác tín thập giá trong đời sống cộng đoàn ngài mới thành lập. Trong thư gởi cho bà kế mẫu, ngài viết: “Thăm mẹ yêu dấu, mùa lạnh đến rồi, tất nhiên mùa ho cũng đi theo. Mẹ hãy giữ mình, ngồi gần lửa mà lần hạt hoặc nói khó cùng Chúa. Đôi khi xin mẹ nói với Người về thầy dòng, thầy dòng Phước Sơn, vì dầu thầy dòng cũng có Thánh Giá không thoát được, mẹ hãy tin điều ấy. Song có Thánh Giá là có phước[3]. Cũng trong lời giáo huấn cho anh em, ngài nói lên nhiệm vụ cao cả mà ơn gọi đan tu đảm nhận: “Phước của chúng ta là trở nên một ‘loài chim’, hót lên lời ca ngợi Chúa, theo gương Đức Mẹ, là ‘con chim hót hay hơn cả‘”[4].

     Đời Kitô hữu không đi trên đường rộng thênh thang, nhưng là ngỏ hẹp. Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, một lần nữa khẳng định Thập Giá trong đời sống mình: “Con lại được tin mẹ đau mắt, thế là thêm một Thánh Giá, một đau khổ. Song đau khổ đời này thì thoát đau khổ đời sau. Mẹ đừng buồn, hãy để Chúa làm việc Chúa. Người thương mẹ, Người làm chi cho mẹ thì Người biết. Con nói với mẹ thế mà con cũng nói với con như vậy, vì ở đây cũng không thiếu Thánh Giá[5].

     Như vậy, ai không đón nhận con đường hẹp, làm sao có thể đón nhận Thập Giá Chúa Kitô. Thomas Kempis trong sách “Gương Chúa Giêsu” có viết như sau:

Có rất nhiều kẻ muốn lên thiên đàng với Chúa Giêsu, nhưng rất ít kẻ muốn vác Thập Giá giá với Người.

– Nhiều kẻ ước ao được ơn an ủi của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thử thách với Người.

– Nhiều kẻ muốn dự tiệc với Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thiếu thốn với Người.

– Nhiều kẻ muốn vui hưởng với Người, nhưng ít kẻ sẵn sàng chịu sự gì khó với Người.

– Nhiều kẻ muốn theo Chúa Giêsu đến bàn tiệc bẻ bánh, nhưng ít kẻ muốn uống chén đắng với Người.

– Nhiều kẻ tôn sùng các phép lạ của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu sỉ nhục với Người.

     Mang thập giá mình hằng ngày nghĩa là đón nhận ơn Chúa ban cho chúng ta, thường không phải là những gì chúng ta kỳ vọng. Thiên Chúa luôn đáp lời cầu nguyện của chúng ta, và Ngài cho chúng ta những gì chúng ta thực sự cần hơn là những gì chúng ta nghĩ mình cần.

     Tóm lại, đối với cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, mang thập giá với Chúa Giêsu vẫn mãi là cây sự sống rợp bóng trên đời tín hữu, bởi ở đó người ta nhận được ơn cứu độ, và cũng ở đó người ta nhận ra vinh quang mà Thiên Chúa muốn tỏ lộ cho loài người.

 

               III. Hiệp Thông Với Thánh Giá Qua Đau Khổ

     Đời sống Kitô hữu gắn liền thập giá với hy sinh đau khổ, mỗi lần nói tới thập giá thì không thể nào tránh được vấn đề đau khổ. Thánh Phaolô đã hiểu điều kiện làm môn đệ của Đức Kitô như là thông dự vào Thập Giá của Ngài: “Tôi cùng chịu đóng cùng với Đức Kitô vào Thập giá. Tôi sống, nhưng không cỏn là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19-20). Chính vì thế, thánh Phaolô luôn nói về sự thông phần vào những đau khổ của Đức Kitô (x. 2Cr 4,10) trong cuộc đời của mình, đặc biệt qua những cuộc bách hại gặp phải trên đường truyền giáo. Đây là đề tài được lập đi lập lại nơi cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, như thư ngài viết cho bà kế mẫu: “Con được thư của cha Golliot nói về bệnh tật của mẹ, về sự mẹ cầu nguyện cho địa phận Huế, cùng về sự đầy lòng nhẫn nại xứng người giáo hữu, mà chịu những sự khó Chúa gởi đến cho mẹ…Lạy Chúa, con ngợi khen Chúa! Chúa đã để thập giá đè nặng trên vai mẹ con, thì xin Chúa cũng ban cho mẹ con được lòng mà vác lấy[6].

     Trong đoạn khác, ngài viết: “Con cầu nguyện cho mẹ hơn mọi khi. Xin Chúa ban cho mẹ được bằng lòng chịu đau đớn và chịu cách vui vẻ. Luyện ngục còn cực hơn gấp bội phần. Trong đó không lập công được nữa. Mẹ hãy ngửa trông Thánh Giá Chúa mà thân thưa : dạ con xin vâng chịu mọi sự Chúa gởi cho con! Chính lúc con viết thư cho mẹ, con cũng liếc mắt trông Chúa trên Thánh Giá mà thầm thỉ cầu cho mẹ[7]. Đối với cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, khi gặp khó khăn, ngài nhìn lên thập giá trước hết như một mẫu gương để học sống tinh thần tín trung yêu mến, và sau đó như một điểm tựa mà cậy trông tìm kiếm sức mạnh vượt thắng gian nan.

     Một thư khác, ngài viết : “Con vừa viết câu này (câu nói về Thập Giá) thì trạm đem thư mẹ đến[8]. Mở thư ra coi mới biết mẹ bị mổ lần thứ hai, thế nên con viết cho mẹ mà nói về Thánh Giá là hợp lắm[9] (trích thư 26/10/1921). Cha Biển Đức Thuận cảm nhận thập giá nơi anh em ốm đau,  nên đã nói trong lời giáo huấn: Chúng ta hãy ra sức nên thầy dòng thật, chẳng những lúc mạnh khỏe mà lại lúc đau ốm nữa. Có kẻ đau thì xếp đi đàng nhân đức lại, để lúc rảnh rồi hay, kẻ ấy thật lầm lắm[10].

     Về điều này, chúng ta cảm nghiệm lời Đức cố Hồng Y Phanxico Xavier Nguyễn Văn Thuận: “Khi nêu cao giá trị của mỗi đau khổ như thể chúng là một trong vô số khuôn mặt của Chúa Giêsu chịu đóng đinh và khi kết hiệp những đau khổ ấy với đau khổ của Ngài, chúng ta mới bước vào sức năng động của đau khổ- yêu thương, để tham dự vào ánh sáng, sức mạnh, an bình của Chúa, và tìm lại được trong chúng ta một sự hiện diện mới mẻ và sung mãn hơn của Thiên Chúa”[11].

     Hơn nữa, cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận xác tín lời của thánh Phaolô: Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết (Pl 3,10-11). Cũng vậy, trong tư tưởng của thánh Gioan Tông Đồ, thập giá không chỉ là một đau khổ, một nỗi nhục nhã nhưng là vinh quang[12]. Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận nhắm đến đích điểm là thiên đàng, như lời giáo huấn về sự khôn ngoan, ngài nói : “Khôn ngoan thánh thiện là chỉ lo cho mình kính mến Chúa mà thôiNgười khôn ngoan thật chỉ lo về đời sau mà thôi, là biết mình sống ở đời này là lo sửa soạn về nhà Thiên Đàng đời sau[13]. Nơi khác, ngài nói : “Chúng ta hãy xét mình xem, lòng chúng ta có mong mỏi khát khao Thiên Đàng chăng? Khi chúng ta suy một ít nữa chúng ta được nhìn thấy Chúa và Đức Mẹ yêu dấu chúng ta. Khi chúng ta suy như vậy, trong lòng có lấy làm vui, có mong mỏi mau về cùng Chúa không ?[14]. Hay như ngài nói : “Khi chúng ta chịu khó vì mến Chúa, thì được thêm công nghiệp, giúp chúng ta tập các nhân đức, nhất là đức nhịn nhục, lại thêm phước thanh nhàn trên Thiên Đàng[15].

     Như vậy, cuộc sống người Kitô hữu họa lại cuộc đời của Chúa Giêsu. Cái chết của Ngài như tất yếu cuộc sống trần gian của kiếp người. Khi Ngài chọn xuống thế làm người và mặc lấy xác phàm để cứu chuộc chúng ta, Ngài cũng đã chấp nhận cái chết. Vì “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Chúa Giêsu chết và phục sinh để mở đường cho nhân loại đến với Ngài, như Ngài đã nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26). Theo gương Chúa Giêsu, cuộc đời dấn thân của cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận như hạt lúa mì chết đi, để từ đó sinh nhiều bông hạt, là những thành quả đạt được trong việc chứng tá Tin Mừng, và Hội Dòng Xitô Thánh Gia ngày nay.

 

               Kết

     Vì yêu thương chúng ta, Chúa Giêsu phải trải qua mọi khốn cùng của kiếp người. Vì yêu thương chúng ta, Ngài chấp nhận chịu treo trên thập giá. Không phải đinh sắt đã đóng Ngài vào thập giá, mà chính là tình yêu. Đó là tất cả vẻ đẹp cao vời của thập giá, và cũng chính là động lực thúc đẩy cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận “ấp yêu ủ Thánh Giá”, qua đó cũng mến yêu anh chị em mình. Tiếp nối bước chân cha Tổ Biển Đức Thuận, có biết bao tâm hồn muốn tận hiến đời mình cho đời sống chiêm niệm. Chính khi “ấp yêu Thánh Giá”, họ được tăng thêm nguồn sinh lực mới, vượt qua bao khó khăn trở ngại để đến với anh chị em mình bằng sự cảm thông và yêu mến.

     Trong dịp chuẩn bị mừng kỷ niệm 100 năm cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận lập dòng trên Núi Phước, các thành viên Hội Dòng Xitô Thánh Gia học hỏi đề tài: “Noi gương cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, đan sĩ say mê Thiên Chúa”. Qua đề tài này, đan sĩ coi Thánh Giá là trung tâm và là động lực thu hút mọi sinh hoạt đời mình. Ước gì nhờ gương sáng của cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, họ đón nhận Thánh Giá với lòng mến yêu, đón nhận anh chị em mình với sự quảng đại và phục vụ chân thành. Cho dù gặp bao thử thách, nhưng khi hướng về Thập Giá, tiếng gọi yêu thương anh chị em càng mãnh liệt và thắm thiết hơn.

 

 



 

 

[1] Di Ngôn, số 5; x. Hạnh Tích cha Benoit, tr. 52. Cha Tổ Phụ Benoit nhận xứ Nước Mặn vào thượng tuần tháng giêng năm 1908, có lẽ thư này viết liền sau thời gian đó (x. chú thích Di Ngôn, số 5).

[2] Di Ngôn, số 126.

[3] Di Ngôn, số 62; x. Hạnh Tích cha Benoit, tr. 172.

[4] Di Ngôn, số 133.

[5] Di Ngôn, số 72; x. Hạnh Tích cha Benoit, tr. 180.

[6] Di Ngôn, số 28; x. Hạnh Tích cha Benoit, tr. 87.

[7] Di Ngôn, số 58; x. Hạnh Tích cha Benoit, tr. 167.

[8] Thư 26/10/1921 (x. Di Ngôn, số 62; x. Hạnh Tích cha Benoit, tr. 172).

[9] Di Ngôn, số 62; x. Hạnh Tích cha Benoit, tr. 172.

[10] Di Ngôn, số 127.

[11] Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận, Chứng nhân hy vọng, 2000, tr .152.

[12] X. Điển ngữ thần học Thánh Kinh, tập 4, mục “Thập Giá”.

[13] Di Ngôn, số 147.

[14] Di Ngôn, số 148.

[15] Di Ngôn, số 126.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho “Cố Thuận” – vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho "Cố Thuận" - vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam Trưa ngày 10/5/2024,...

Trực tiếp Nghi thức bế mạc án phong chân phước cho Cha Henri Denis Benoit Thuận

  https://www.youtube.com/live/pjjg-00hrZQ?app=desktop   Vào thứ Sáu ngày 10 tháng 5 lúc 12 giờ trưa, giờ Rôma, (tức là 17 giờ Việt Nam). tại Tòa Đại Diện, phiên...

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

        HẠNH TÍCH CHA BENOIT (R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN)             Nihil obstat: F.M. Bernard Mendiboure Tu viện trưởng Thánh mẫu Phước Sơn Vĩnh Linh, Quảng Trị Die 21 martii 1943 Imprimatur Franciscus Maria...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...