ĐẠI LỄ MỪNG BA CHA THÁNH TỔ PHỤ DÒNG XI-TÔ
THÁNH ROBERTO, THÁNH ALBERICO VÀ THÁNH STEPHANO HARDINGO
(Hc 44,1.10-15; Dt 11,1-2.8-16; Mc 10,24b-30)
FM. Martin Phạm Thanh Toàn
Trong thời gian đầu thi hành sứ vụ Phêrô của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta thấy nổi cộm nhân sinh quan của Ngài khi nói về người già và trẻ em: không quan tâm đến người già là mất gốc, không quan tâm đến người trẻ là tận diệt tương lai, do đó hiện hữu của chúng ta dường như thiếu hẳn ý nghĩa; nói cách khác, theo Ngài, thái độ sống của chúng ta sẽ là: duyệt lại quá khứ để tri ân, dấn thân trong hiện tại và hướng tới tương lai với lòng cậy trông.
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt Lời Chúa trong ba bài đọc của ngày lễ hôm nay dường như cũng thể hiện tâm tình tương tự. Đoạn trích sách Huấn Ca đã ca ngợi các Bậc tiền bối, đã ghi nhận công ơn các ngài, đã tri ân quá khứ với lòng trân trọng thẳm sâu. Trích thư gửi tín hữu Dothái, tác giả cũng đã ca ngợi lòng tin tuyệt đối của các tổ phụ Abraham, Isaac và Jacob vào một mình Thiên Chúa duy nhất, và đặt niềm hy vọng vào một quê hương vĩnh cửu: “Nhưng thật ra các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời” (Dt 11,16). Tuy nhiên dường như đó lại là điều bất khả thi vì Tin Mừng theo thánh Marco trong trích đoạn cho thấy vào nước trời thật khó khăn biết bao: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10,24b.25). Theo luận lý này, chắc chắn các Tổ phụ, các bậc tiền bối của chúng ta đều là những người nghèo của Thiên Chúa vì đã được phúc hưởng kiến Nhan Thánh Chúa trong Nước Trời.
Chiêm ngắm niềm hạnh phúc các tổ phụ, các thánh và các bậc tiền bối đang được hưởng bên Chúa, chúng ta vui mừng ngưỡng mộ và khao khát với niềm hy vọng thẳm sâu. Nhưng chợt hiểu ra rằng, niềm hạnh phúc đó không phải do ngẫu nhiên, cũng không đương nhiên mà có. Trước hết, đó là ân huệ của Thiên Chúa: “Thế thì ai có thể được cứu?(…) Đối với loài người thì không thể được (…) đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10,26.27). Sau đó chính là nỗ lực cá nhân, nỗ lực hết mình, đầu tư trọn vẹn con người và đời sống của mình để đạt được quê hương vĩnh cửu: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” (Mc 10,28). Hơn nữa, Nước Trời mà Chúa Giêsu diễn tả không phải chỉ là hạnh phúc mai sau với sự sống đời đời, nhưng còn là hạnh phúc được sở hữu “gấp trămở đời này” và dĩ nhiên “cùng với sự ngược đãi” nữa.
Thách đố lớn về đời sống khó nghèo theo Tin Mừng được đặt ra cách nay hơn 2000 năm cho đời thánh hiến nói chung và đời thánh hiến đan tu nói riêng, thì các thánh Tổ phụ Dòng Xi-tô của Đan viện mới (Novum Monasterium) đã dám trực diện, bất chấp khó khăn bởi chống đối và ngược đãi: chống đối bởi chính anh em mình vốn bị lối sống trưởng giả chi phối; ngược đãi bởi chính cơ cấu giáo quyền và chính quyền cũng như hoàn cảnh thiên nhiên không ưu đãi: khí hậu khắc nghiệt, rừng thiêng nước độc và thiếu thốn vật chất.
Ngày nay tuy bối cảnh xã hội đã khác, nhưng thực tại là yêu sách của Tin Mừng vẫn không một nếp nhăn. Tinh thần khó nghèo và lý tưởng đan tu vẫn không phải là “chuyện đời xưa”. Dẫu vẫn xác tín như thế, nhưng không khỏi nhìn vào thực trạng con người ngày nay, thực trạng ấy đáng tiếc thay lại cho chúng ta cảm giác rằng lý tưởng đan tu đang thực sự là “chuyện đời xưa”! Nếu như các thánh Tổ phụ chỉ say mê Thiên Chúa, ngày nay người ta có quá nhiều thứ để say mê, đến nỗi say mê Thiên Chúa chỉ còn là “chuyện đời xưa”. Thay vì “say mê” theo nghĩa tốt, lại phải buộc dùng hạn từ “nghiện ngập” để thay thế: nghiện ma túy, nghiện tình dục, nghiện games và đặc biệt nghiện internet!… Chúng ta thử hình dung quỹ thời gian của một đan sĩ trong ngày sống: ngoài những giờ sinh hoạt chung của Cộng đoàn như cử hành phụng vụ, lao tác và ăn uống nghỉ ngơi, đan sĩ còn bao nhiêu thời gian cho cá nhân mình? Nếu không ý tứ, tình trạng “lạm phát” thời gian của chúng ta sẽ trở nên trầm trọng hơn vì một thứ “nghiện ngập” nào đó. Kết quả là quỹ thời gian bị thâm thủng, không còn thời gian dành cho Chúa trong khi thời gian dành cho mình lại quá nhiều: chúng ta đã trở nên một “người giàu có”. Nếu như vậy, chẳng lẽ Lời Chúa hôm nay lại ứng nghiệm với chúng ta sao: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10,24b.25)?Các thánh Tổ phụ, các bậc tiền bối, Cha Anh của chúng ta đã là những người nghèo của Tin Mừng thực sự khi các ngài dành ít thời gian cho mình và dành nhiều thời gian cho Chúa. Các ngài là những người say mê Thiên Chúa.
Duyệt lại quá khứ với những mẫu gương, những chứng tá và chứng nhân nơi các tổ phụ, của thánh Phêrô và của các đấng cùng thời với Chúa Giêsu tuy có vẻ xa xôi hoài cổ, không mấy gần gũi, nhưng rõ ràng vì vậy mà niềm tin của chúng ta ngày nay được nuôi dưỡng và củng cố. Những đan sĩ Xi-tô mừng kính ba Thánh tổ phụ của Dòng: thánh Roberto, thánh Alberico và thánh Stephano Hardingo, khi nhìn lại đời sống của các ngài trong vai trò viện phụ và một đan sĩ chiêm niệm, lòng trào tràn niềm vui, đầy tin tưởng phó thác và thấy trách nhiệm kế thừa gia sản đan tu đang chạm đến đôi vai gầy của mình.
Nguyện xin Ba Cha Thánh và Cha Tổ Phụ Benoit Thuận cầu bầu cùng Chúa cho chúng con, để nhờ ơn Chúa, chúng con can đảm dấn thân xây dựng đời sống đan tu trong Hội Thánh khi sống triệt để các giá trị Tin Mừng đã được đề nghị cho chúng con. Amen.