Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

BAI SUY NIEM LE HAI THANH PHERO VA PHAOLO TONG DO

DẪN NHẬP

Khi nói về ơn gọi là nói về một tình yêu nhưng không của Thiên Chúa dành cho con người. Thật vậy, qua những lần Chúa Giêsu gọi các môn đệ, đặc biệt là Phêrô ta thấy: Ngài không dựa trên đức tính, không dựa vào khả năng tài giỏi, không dựa vào bằng cấp “nhưng dựa trên Lời của Ngài[1] như Phêrô đã khẳng định “dựa vào Lời Thầy, con sẽ thả lưới” (Lc 5,5). Chính vì tin vào “Lời” quyền năng của Đức Giêsu mà Phêrô đã thả lưới và nhất là ông đã đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu và quyết định theo Ngài. “Tiếng gọi này phát sinh không từ một mệnh lệnh, nhưng từ kinh nghiệm về một “Lời” mạnh mẽ và hữu hiệu, có thể không những tạo ra một mẻ cá lạ lùng, nhưng còn gây nên một tiếng “xin vâng” cho trọn một cuộc đời”.[2] Và trong suốt dọc dài cuộc hành trình theo Chúa, Phêrô sẽ còn khám phá ra sức mạnh của “Lời” chi phối và dẫn dắt cuộc đời ông. Để từ đây Phêrô nhận ra con  người thật của mình và hoàn toàn buông theo Ân sủng của Chúa. Cuối cùng Phêrô đã thưa lời “xin vâng” bằng chính cuộc sống và cái chết của mình.

  1. SIMON – Một Ngư Phủ Như Bao Người Bình Thường Khác

Là ngư phủ như bao người khác, Phêrô cũng đầy những yếu đuối, khuyết điểm, lỗi lầm. Cuộc đời ông gắn liền với sông nước nên khả năng hiểu biết của ông cũng giới hạn. Nét nổi bật nơi ông là sự nóng nảy bộc trực, tuy luôn theo sát Thầy trên mọi nẻo đường truyền giáo nhưng đầu óc của Phêrô vẫn còn ngu muội, chưa hiểu hết về Thầy và sứ mạng của Thầy. Trong trình thuật Đức Giêsu đi trên biển để đến với các môn đệ (x. Mt 14,22-31), ông được Đức Giêsu thông ban quyền thắng sự dữ  “đi trên mặt nước” nhưng vẫn nghi ngờ và lập tức, bị chìm ngay xuống dòng nước (x. Mt 14,29-30). Điều đó chứng tỏ Phêrô với một đức tin hèn kém[3]. Vì đức tin chưa đủ mạnh nên dù tuyên xưng Thầy là Đấng Kitô (Mt 16,16) Phêrô cũng không hiểu hết điều mình nói, nên liền sau đó ông đã bị Thầy mắng là “Satan” (x. Mt 16,22-23). Có lẽ Phêrô cũng quan niệm Đấng Mesia là một vị vua đến để giải phóng dân khỏi Đế Quốc Rôma như bao người, do đó ông không chấp nhận một Đấng Kitô phải đau khổ và phải chết (x. Mt 16,21-22). Phêrô cũng là một trong nhóm bộ ba được Đức Giêsu hay tỏ cho những biến cố quan trọng: cho con gái ông Gia-ia sống lại (Lc 8,51), biến hình(Lc 9,28-36) và trước khi Đức Giêsu bước vào cuộc thương khó (Mt 26,37). Vậy mà khi Đức Giêsu đau khổ nhất và cần Phêrô nhất thì ông lại ngủ mê mệt (x. Mt 26,36-46). Đặc biệt ông cũng là người hay thay đổi: vừa mới quả quyết với Thầy hồi chiều “dầu mọi người có vấp ngã…dầu có phải chết với Thầy con cũng không chối Thầy” (Mt 26,33.35). Thế mà đến đêm, đứng trước một tớ gái Phêrô đã bạc nhược chối Thầy đến ba lần: “Tôi không biết người ấy” bằng cách thề độc (x. Mt 26,72.74). Tuy nhiên, dù đã công khai chối Thầy, nhưng bản chất của Phêrô là một người hướng thiện, biết hối hận khi nhận ra mình sai lỗi. “Ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Mt 26,75b). Như thế, qua những trang Tin Mừng, chúng ta nhận ra chân dung thật của Phêrô – một con người chất phác, mạnh mẽ nhưng cũng đầy yếu đuối, và một PHÊRÔ vẫn còn đậm nét SIMON. Chỉ khi Phêrô đến với Đức Giêsu và được Ngài từng bước dẫn dắt, từ hèn nhát đến vững vàng, lúc đó “SIMON” mới chính thức trở thành “PHÊRÔ”.

  1. Sự Biển Đổi Của Simon trước và sau Mẻ Cá – Quyết Định Theo Đức Giêsu

Theo trình thuật Lc 5,1-11 dường như Chúa Giesu và Simon đã có mối quan hệ với nhau (x. Lc 5,3). Mặt khác, trước khi chính thức gọi Simon Đức Giêsu đã đích thân đến nhà và chữa bệnh cho mẹ vợ ông Lc 5,38-39. Vậy Simon đã gặp Chúa Giêsu khi nào? “Chắc hẳn ông bắt đầu bằng cách đứng trong đám đông, lắng nghe Người nói. Từ đó ông thán phục Người, và muốn được quen biết Người cách cá vị. Rồi từ cảm phục đến bị thu hút, do đó ông quyết định đi theo Người[4]. Còn theo (Ga 1,40-42) thì Simon được Anrê giới thiệu với Chúa Giesu. Có lẽ “từ giờ phút ấy, Phêrô cảm thấy bị thu hút bởi cái nhìn và con người của Chúa Giêsu. Nhưng ông chưa bỏ hẳn nghề chài lưới, vẫn đi theo lắng nghe những giáo huấn của Thầy, nhiều lần được chứng kiến các phép lạ của Thầy. Hẳn ông cũng có mặt trong bữa tiệc cưới tại Cana xứ Galilê”[5]. Nên sau khi chứng kiến mẻ cá lạ lùng (Lc 5,7) ông mới chính thức “bỏ lưới” để đi theo Chúa. Như thế ơn gọi của Simon đã được biến chuyển cách tiệm tiến: từ việc đến gặp – lắng nghe và chứng kiến những phép lạ – từ bỏ mọi sự (relictis omnibus) và quyết định theo Đức Giêsu. Động từ “theo Đức Giêsu” nói lên một sự lựa chọn dứt khoát nhờ “một cuộc gặp gỡ với một biến cố, một con người là điều mang đến cho cuộc sống một chân trời mới và một hướng đi mới[6]. Chính điều đó làm cho ông can đảm “Chèo ra chỗ nước sâu”. Như đề nghị của Thầy dù đề nghị đó xem ra nghịch lý với kinh nghiệm của ông. Nhưng vì được chứng kiến nhiều lần Ngài làm phép lạ: tiệc cưới Ga 2,9; chữa lành nhạc mẫu (Lc 4,38-39). Do đó, ông tín nhiệm vào Lời Đức Giêsu. “Chèo ra chỗ sâu”  έπ – ανάγαγδ εις το βάθος không phải là đi ra xa hơn nhưng là đi vào chiều sâu của cái hồ (giữa lòng cuộc sống cụ thể của ông). Lần đầu tiên ông tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Giêsu “dựa vào Lời Thầy con sẽ thả lưới”. Điều đó nói lên đức tin của Simon đã bắt đầu lớn. Và đức tin ấy được lớn dần sau khi chứng kiến mẻ cá lạ lùng, ông sấp mặt xuống dưới chân Đức Giesu điều đó cho thấy ông đã nhận ra quyền năng của Thiên Chúa hoạt động trong Lời của Thầy và “việc gặp gỡ trực tiếp với Thiên Chúa sống động trong con người Đức Giesu tác động nơi ông thật sâu xa…khi con người thình lình thấy mình chạm chán trực tiếp với Thiên Chúa. Lúc đó con người run sợ van xin cho được giải thoát khỏi sự hiện diện này. Trước khi ra khơi Simon gọi Đức Giesu là Epistata – Thầy, Rabbi nhưng sau mẻ cá Simon gọi Ngài là Kyrios-Đức Chúa vì ông nhận ra Đức Chúa đang hiện diện nơi Ngài[7]. Động từ “bái lạy” được gặp thấy nơi các μαуοι(x. Mt 2,11), một hành động nhìn nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa. Đây là điều mà trước đây các mục đồng đã được loan báo: Đấng Cứu thế, Đức Kitô, Đức Chúa Lc 2,11. Simon đã trải nghiệm quyền năng thực thụ của vị Chúa tể này, một kinh nghiệm về thần hiển như trong trường hợp Môsê (Xh 3,6) và Isaia (x. Is 6,5). Do đó, Phêrô nhận ra ông không ở trên cùng một bình diện với Người, vì đối diện với Người, ông là một kẻ tội lỗi. Khi đứng trước quyền năng và sự thánh thiện của một Thiên Chúa[8]. Như thế, ta thấy rõ sự biến chuyển của Simon trước và sau mẻ cá thật kỳ lạ điều đó được thể hiện qua việc ông đưa thuyền ra khơi (c. 4); chính ông công bố niềm tin vào lời Đức Giêsu (c. 5); chính ông gọi Người là “Lạy Chúa” (c. 8); và cuối cùng ông được mời trở thành “kẻ lưới người” (c. 10). Từ những nét son ban đầu ấy Simon được chọn cho một thừa tác vụ đặc biệt trong Hội Thánh. Nhiệm vụ của ông là nghe lời Chúa và di chuyển, không phải ra nơi mà kinh nghiệm dẫn đưa ông, nhưng nơi mà Thầy muốn ông đến. Và đó cũng là sự biến đổi từ cái tên cúng cơm SIMON thành PHÊRÔ.

  1. Từ SIMON Đến PHÊRÔ

Tên là người, chắc hẳn khi ba mẹ đặt tên cho chúng ta các ngài cũng muốn gởi gắm một thông điệp, một ý nghĩa nào đó vào cái tên mà nó sẽ gắn bó với chúng ta suốt cuộc đời. Cũng vậy, theo tin mừng Gioan thì ngay từ giây phút đầu tiên gặp Phêrô Chúa Giesu đã đặt cho ông một tên mới “Ngươi là Simon,…Ngươi sẽ được gọi là Cephas, nghĩa là Đá” (Ga 1,42). Còn theo Mattheu, mãi đến khi Phêro tuyên xưng đức tin lúc đó Chúa Giêsu mới chính thức đặt tên cho ông (Mt 16,16) “Chúng ta biết lúc ấy Phêrô đang mang cái tên cúng cơm là Simon. Đây là cái tên rất phổ biến đối với dân Dothái. Ngay trong Tân ước, cũng có tới ba nhân vật cùng có tên Simon được nhắc đến, đó là Simon nhiệt thành, Simon thành Kyrênê và Simon Phêrô. Với Maco khi Đức Giesu thành lập nhóm 12 Ngài cũng đặt tên cho Phêro “Người lập nhóm 12 và đặt tên cho Simon là Phêro” (Mc 3,16). Riêng Luca sau khi chứng kiến mẻ cá lạ và ông quyết định theo Đức Giesu thì lần đầu tiên tên Simon đi kèm với tên Phêrô (Lc 6,14). Việc Đức Giêsu đổi tên cho Simon muốn nói lên một mối liên hệ đặc biệt giữa Simon Phêrô và Đức Giêsu. Nhìn lại lịch sử dường như ai được đổi tên cũng đều là những người được Thiên Chúa giao cho nhiệm vụ quan trọng như Apram đổi thành Apraham (Cha của những người tin), Giacop thành Israel (từ tên một người thành tên của một dân tộc)…Khi đổi tên cho Phêrô Chúa Giesu cũng muốn trao cho ông một sứ mạng (Mt 16,18)‘Ta đã sẵn có những chương trình cho ngươi.’[9] Việc “Chúa Giêsu long trọng đặt tên mới cho Simon là Phêrô, tiếng Dothái là Kêphas, nghĩa là đá”; tiếng Hylap “Πέτρος- Petros[10]. Tiếng Hy Lạp petra mang nghĩa “grown rock, dãy núi đá, vách đá, hang động” và petros có nghĩa là “tảng đá nhỏ, đá lửa, đá để ném, tảng đá lăn”.[11] Trong Cựu Ước, đá là hình ảnh kiêu hùng, vì Đá ở đây là biểu tượng của Thiên Chúa. Bởi thế người Dothái mỗi lần cầu nguyện, họ thường nói với Chúa: Lạy Chúa, Ngài là Đá Tảng, Ngài là Thạch Động, là Núi Đá cho con ẩn mình, Ngài là Đá Cứu Độ…Được Chúa lấy tên đó mà đặt cho mình, hẳn là Simon rất hãnh diện. Và cũng chính qua tên đó mà Simon được gởi cho một căn tính mới, một vai trò mới, và một định mệnh mới. Cái tên mới đồng nghĩa với sứ mạng mới, mà sứ mạng mới của Simon là làm nền tảng cho Giáo hội Chúa Kitô[12]. Dù Simon đã được Chúa đặt tên mới là Phêrô. Nhưng điều này không có nghĩa là tính tình của Simon tự động thay đổi trong phút chốc. Con người mà Chúa gọi là Ðá Tảng, trên đó Giáo Hội Chúa được thiết lập, có lúc đã là Ðá cản đường (Mt 16,22-23); (Mc 8,33): Vâng! Tảng Đá Phêrô, đá chính hiệu, không bị nứt bể ngay từ đầu, mà lúc đặt móng xây rồi mới bị nứt. Không phải nứt một đường mà là ba đường. Mỗi lần chối Chúa là một đường nứt; đường nứt sau lớn hơn đường nứt trước, và có nguy cơ tách lìa khỏi Đức Kitô là Viên Đá Góc (Mt 27,69-75); (Mc 14,66-72), (Lc 22,55-62); (Ga 18,17-27). Vậy Chúa Giêsu có biết trước những điều này không, mà sao Ngài vẫn chọn tảng đá ấy? Không những Chúa biết mà còn biết rất rõ nên Chúa mới báo trước cho ông “Thầy đã thấy Satan sàng anh em như sàng gạo, Thầy đã cầu nguyện để anh khỏi mất lòng tin” (Lc 22,32), chính nhờ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đã làm cho vết nứt nơi tâm hồn ông liền lại. Hơn nữa ông còn sửa chữa bằng nước mắt. Tương truyền rằng thánh nhân đã khóc đến độ nước mắt chảy làm mòn cả hai gò má. Nước mắt ấy được các nhà tu đức gọi là “nước mắt hồng” vì nước mắt chảy ra từ trái tim sám hối. Nhờ đó tảng đá Phêrô chẳng những đã trở nên lành lặn mà còn cứng rắn hơn, vững chắc hơn. Chính Chúa Giêsu đã xác nhận điều này : “Dầu sức mạnh hỏa ngục có nổi lên cũng không làm gì được” (Mt 16,18). Nhưng đồng thời tảng đá ấy cũng “khiêm tốn” hơn, vuông đẹp hơn trước rất nhiều[13]

  1. Hiến Lễ Cuối Cùng

Nếu đặt hai bản văn Lc 5,1-11 // Ga 21,1-19 ta có cảm tưởng như hai bản văn này có sự tương đồng, khởi đầu ơn gọi của Phêro bằng việc chứng kiến mẻ cá lạ ở biển hồ Ghennexaret Lc 5,5.10 để rồi ông quyết định theo Đức Giesu và trở thành môn đệ. Thì hôm nay khởi đầu cho một hành trình và sứ vụ mới cũng được diễn ra ở biển hồ Tiberia Ga 21,6.15. Và có một sự trùng lặp khá bất ngờ: cả hai trình thuật đều cho thấy các ông vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được gì, việc Simon Phêro trở lại nghề đánh cá cho thấy lúc này các ông trở lại với con người cũ trước kia, trở lại tình trạng (chưa gặp Chúa) không có Chúa bên cạnh. Chính vì không có Chúa trong cuộc đời nên công  việc của các ông thất bại “chúng tôi đã thức suốt đêm mà không bắt được gì”. Chính trong biến cố ấy Chúa Giesu xuất hiện “Ngài đã đến gặp Phêrô và tỏ mình cho ông qua một phép lạ mẻ cá lạ lùng khác nữa. Điều này làm Simon nhớ lại phép lạ lần trước, khi Chúa Giesu mời gọi ông đi theo và hứa sẽ biến ông thành một ngư phủ chài lưới người ta”. Và cũng trong biến cố này Chúa Giesu tiếp tục gọi  Phêro “hãy theo Thầy” Ga 21,19.  Nếu lần gặp Phêro ở Ghennexaret Chúa Giesu chính thức gọi ông thì hôm nay trên biển hồ Tiberia này Ngài cũng chính thức trao cho ông một sứ mạng mới “hãy chăm sóc chiên của Thầy” Ga 21,14. Sau đó Ngài mạc khải cho Phêro về tương lai ông sẽ gặp phải Ga 21,18. Tức là Ngài cho ông biết trước về cái chết mà ông sẽ đón nhận. Thật vậy, trước kia có lần Đức Giesu đã vén mở cho ông về cái chết nhờ đó nối kết ông với con người và hành động của Đức Kitô “trong việc nộp thuế cho đền thờ, Đức Giêsu truyền cho ông bắt một con cá và dùng cùng một đồng tiền lấy trong miệng cá để nộp thuế cho phần Thầy và phần của Phêrô” (x. Mt 17,27). Khi tiên báo cho ông về cuộc tử nạn của mình (Mt, 17-19). Đức Giesu dường như muốn cho Phêro biết con đường mà ông sẽ đi cũng không thể khác con đường của Thầy đã đi: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Đồng thời Ngài cũng cho ông biết trước những khó khăn mà những người theo Ngài sẽ phải chịu để khi những điều ấy xảy ra ông không còn bỡ ngỡ, “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét…” (Mt 10,22). Tất cả những điều đó dường như Phêro đã quên, đã chôn theo vào huyệt đá của Đức Giesu sau cái chết của Ngài. Vì vậy biến cố ở biển hồ Tiberia sau phục sinh này Chúa gợi nhắc lại cho Phêro sứ mệnh mà ông đã nhận cách đây ba năm về trước khi Chúa chính thức đặt tên cho ông từ Simon thành Phêro. Từ đó ông hiểu được sứ mệnh Chúa trao cho mình quan trọng như thế nào. Ngài đã chia sẻ cho ông sứ mệnh loan báo Tin Mừng, nhất là chia sẻ cho ông phận sự làm Đá Tảng, hầu qua mối dây hiệp nhất và hiệp thông, nối kết những “viên đá” khác thành ngôi nhà Giáo Hội vững chắc. Hiểu được như vậy nên tương truyền rằng vào khoảng năm 64 thời bạo vương Nêro “Phê-rô quyết định đi khỏi Rôma tìm nơi trú ẩn. Trên con đường Appia, gần cửa Capena, ông đã gặp Chúa Giêsu vác thập giá trên vai. Phêrô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa đi đâu?” (Quo Vadis, Domine?). Chúa Giêsu đáp: “Thầy vào thành Roma để chịu đóng đinh một lần nữa”. Phêrô hiểu ra ẩn ý của Chúa. Ông trở vào thành và chịu tử đạo. Một sử gia cổ thời kể lại thánh nhân đã xin chịu đóng đinh ngược, vì thấy không đáng được chết như Thầy. Cuộc tử đạo này đã được thánh Clement, giáo hoàng kế nhiệm thứ XVI của thánh Phêrô ghi lại”[14]. Đến đây Phêrô đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mà Thầy Giêsu tin tưởng trao phó, ông xứng đáng nhận tên PHÊRÔ mà Thầy đã đặt.

KẾT

Qua hành trình đức tin của Phêro, ông đã bước một bước quyết liệt trong việc giải phóng bên trong con người của mình để cuối cùng ông chỉ sống và làm điều Chúa muốn (x. Mc 14,36b). Ông đạt được điều đó là nhờ vào sự huấn luyện của vị Thầy đại tài là Đức Giesu. Ngài dùng chính những yếu đuối, những cá tính, những lỗi phạm của Phêrô để huấn luyện và chuẩn bị một cách tốt nhất cho sứ mạng ông sẽ lãnh nhận. Từ đó giúp ông tập nhảy những bước nhảy trong đức tin tức là hy sinh những kế hoạch riêng, những tham vọng, sự an toàn của mình để hòa nhập vào kế hoạch của Chúa bằng cuộc sống phiêu lưu. Chúa thường xử dụng những gì thế gian coi thường, những con người yếu đuối, dốt nát… như các ngư phủ, tội lỗi như người thu thuế, hoặc ăn nói cà lăm như Môse (Xh 3,11);.. làm người cộng tác cho Chúa. Để qua những con người yếu đuối này, Chúa biểu lộ quyền năng cao cả của Ngài. Từ đó Chúa cũng muốn mỗi người chúng ta không được bi quan về những yếu đuối của mình, cũng như ơn gọi của Phêro đem lại thành công như mẻ cá lạ nhờ tình yêu nhưng không của Chúa thế nào thì ơn gọi chúng ta cũng vậy. Chúa cũng đang thực hiện một dự phóng trên cuộc đời chúng ta và Chúa chỉ cần chúng ta để Chúa hoàn toàn thực hiện kế hoạch của Ngài: lạy Chúa! Vâng Lời Chúa, con sẽ thi hành sứ vụ Chúa trao.

  1. Vinh Sơn

 

 

 

 

 

 

 

 

[1] Lm PX Vũ Phan Long,OFM – Đức Giesu và vị tông đồ đầu tiên (Lc 5,1-11 – CN5 TN-C)

[2] Ibid

[3]X.Lm. Micae Nguyễn Duy Hùng, MF- Tông đồ Phêrô theo Tin Mừng Matthêu -. CPANEL

[4] Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc –Trở nên môn đệ, Tin Vui Xuân Lộc – Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần I Mùa Vọng Năm …

tinvuixuanloc.vn › Suy Niệm › Mùa Vọng › Tuần 1

[5] Ibid

[6] Đức Thánh Cha Phanxico – Evangelii Gaudium. số 7

[7] Đức Thánh Cha Beneđicto XI – Đức Giê su thành Nazaret (phần I) tr.400-401

[8] X. Lm Px Vũ Phan Long Ofm – Đức Giêsu Và Vị Tông Đồ Đầu Tiên (luca 5,1-11 – Chúa Nhật TN V – C)

[9] Ibid

[10] Từ điển Kinh Thánh Anh – Việt, Nhà xuất bản từ điển bách khoa 2013 tr. 807

[11] Từ Nguyên Về Các Tên Gọi Phero, Wikipedia Tiếng Việt (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

[12] X. Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc Trở nên môn đệ; Norbert. https://www.google.com.vn/search?q=Lm.+Giuse+Nguy%E1%BB%85n+V%C4%83n+L%E1%BB%99c

[13] X. Lm. Đỗ Văn Thiêm – Giọt Nước Mắt Hồng(NXBTG. 2005)

[14] Từ Nguyên Về Các Tên Gọi Phero, Wikipedia Tiếng Việt (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ 6 Tuần Thánh

Đi đàng thánh giá: Vì yêu, Chúa đã chấp nhận trở nên đồng phận với loài người yếu đuối, mỏng giòn, nghèo khó, để rồi...

Thứ 5 Tuần Thánh

TAM NHẬT THÁNH “ Đây là điều răn của Thầy, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,...

Đây nén hương xuân, nén hương ân tình …

CHƯƠNG TRÌNH VUI XUÂN NGÀY MÙNG 2 TẾT QUÝ MÃO  2023 TRONG TINH THẦN HIỆP HÀNH “Đây nén hương xuân, nén hương ân tình, nén hương thành...

Cáo phó

“Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46) CÁO PHÓ Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh Đan Viện Xitô Thánh...

Nhịp đập thể thao

NHỊP ĐẬP THỂ THAO Ngay từ giây phút khởi đầu, nhịp đập thể thao đón xuân của Cộng Đoàn Vĩnh Phước chúng ta được khai...

Đôi lời chuyện vãn đầu xuân ….

ĐÔI LỜI CHUYỆN VÃN ĐẦU NĂM…       “Mùa xuân sang ta chúc nhau, bao ước muốn bao hy vọng, cùng rủ nhau mau bay về… về...