Thứ Năm, 28 Tháng Ba, 2024

BẢN ĐÚC KẾT – KHÓA TĨNH HUẤN TẬP SINH tại Đan viện An Phước.

 

Chủ đề:
NOI GƯƠNG CHA TỔ PHỤ
CÁC ĐAN SĨ XITÔ THÁNH GIA SAY MÊ THIÊN CHÚA.
 
 
Thành phần tham dự:
* Hai Viện phụ Phước Lý (Bảo Tịnh Chánh) và Châu Thuỷ (Gioan Boscô Thành)
* Quý cha giáo và phó giáo tập
* Quý thầy phụ tá
* Anh em Tập Sinh năm I & năm II của 8 Cộng đoàn
( Phước Sơn, CSNQ, CSĐD, Phước Lý, Thiên Phước, Phước Vĩnh, Châu Thuỷ và An Phước)
* Tổng số thành viên tham dự là 142
(gồm 127 tập sinh, 15 vị đồng hành )
 
Kính thưa Quý Viện Phụ, Quý Cha & Quý Thầy Phụ Tá trong Ban Huấn Luyện và tất cả anh em Tập Sinh tham dự khoá Tĩnh Huấn hôm nay.
Con xin được đại diện cho Ban Thư Ký trình bày bản tóm kết những bài chia sẻ của Quý Viện Phụ, Quý Cha, Quý Thầy và những gì anh em Tập Sinh đã cùng nhau thảo luận trong ba ngày qua xoay quanh chủ đề NOI GƯƠNG CHA TỔ PHỤ, ĐAN SĨ XITÔ THÁNH GIA SAY MÊ THÊN CHÚA.
Kính thưa cộng đoàn, khoá Tĩnh Huấn của chúng ta được khai mạc Tại Đan Viện Xitô Thánh Mẫu An Phước vào chiều ngày thứ 3, 13/04/2016 với sự hiện diện của Quý Viện Phụ, Quý Cha, Quý Thầy Phụ Tá trong Ban Huấn Luyện và 127 Tập Sinh của 8 Cộng Đoàn trong Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam.
Khoá Tĩnh Huấn được kéo dài trong 3 ngày (13-15/04/2016) và được kết thúc với chương trình văn nghệ giao lưu vào tối ngày 15/04 đầy sôi động của các tập sinh Xitô Thánh Gia Việt Nam.
Trong chương trình Tĩnh Huấn anh em Tập Sinh được Quý Viện Phụ, Quý Cha chia sẻ những đề tài giúp anh em Tập Sinh tìm hiểu và sống niềm Say Mê Thiên Chúa theo gương Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, Đấng sáng lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam.
Sau đây chúng con xin tóm lượt những gợi ý chia sẻ của Quý Viện Phụ, Quý Cha và phần thảo luận của anh em Tập Sinh trong mấy ngày qua.
 
A. Trước hết là bài chia sẻ của Viện Phụ Châu Thuỷ vào sáng ngày 13/04/2016
Nội dung bài chia sẻ gồm 3 ý chính:
– Thứ nhất: Say mê là gì ?
– Thứ hai: Cha Tổ Phụ say mê như thế nào ?
– Thứ ba: Cha Tổ Phụ thể hiện sự say mê và khát khao Thiên Chúa ?
– – – – – – – – – – – – – – – –
I/ Say mê là gì ?
Là khát vọng hướng về một đối tượng nào đó để rồi hình thành một lý tượng.
Có hai loại say mê.
* Say mê nhất thời (say mê bên ngoài).
Điều này được thể hiện qua việc ta say mê một công việc nào đó.
Ví dụ say mê Internet, ta bị cuốn hút vào đó chỉ vì để giết chết thời gian hoặc để thỏa mãn tính hiếu kỳ.
* Say mê thật.
Lòng say mê thật cần nơi đương sự phải có hy sinh, kiên trì, bền vững không giao động và có thêm sự cuốn hút.
Ví dụ trong tình yêu nam – nữ, để say mê nhau thì chấp nhận nhau và chấp nhận cả cái ưu và khuyết điểm của nhau, phải kiên nhẫn và đón nhận những khác biệt của nhau.
 
II/ Cha tổ phụ say mê như thế nào ?
“ Không Thầy anh em không làm gì được” (Ga 15,6). Đây là câu mà Cha Tổ Phụ đã chọn như là kim chỉ nam để ngài khiêm nhường cậy dựa vào Chúa; không cậy dựa vào sức riêng và ngài đã xác tín rằng: “Mọi sự điều hữu hạn chỉ có sự kính mến Chúa là vô hạn” (DN số 107 &150). Ngài còn xác tín thêm vào lời Cha Thánh Biển Đức nói về tinh thần người đan sĩ “Không lấy làm hơn Chúa Kitô” (Tl 4,21).
Cha Tổ Phụ đã say mê Thiên Chúa từ lúc còn rất trẻ và đã được đánh dấu cụ thể từ khi ngài gia nhập Hội thừa sai Paris, khí đó ngài đã bắt gặp tư tưởng của Thánh Augustinô, và tư tưởng này càng nung đúc tâm hồn ngài hơn: “Lòng con khoắc khoải cho đến khi được nghỉ an trong Chúa” (Tự thuật).
 
III/ Sự say mê TC được Cha Tổ Phụ thể hiện qua cuộc sống,
* Ngài luôn nói về Chúa.
Đối với Cha Tổ Phụ, Thiên Chúa luôn luôn có một chỗ đứng ưu tiên trong tâm tư của ngài, bởi thế mà ngài luôn nói về Chúa như là đối tượng quan trọng nhất và duy nhất.
* Trở nên giống Chúa.
Vì say mê Chúa nên ngài muốn giống Chúa trong mọi sự, cách riêng trong sự vâng phục, khó nghèo và khiêm nhường.
a/ Vâng phục
Đối với Cha Tổ Phụ, thánh ý Chúa được thể hiện qua các vị bề trên và ngài sẵn sàng đón nhận trong sự vâng phục, cụ thể như lúc ngài mới tới Việt Nam mặc dù còn khó khăn về ngôn ngữ, phong tục, tập quán nhưng khi Đức Giám Mục đặt ngài làm Giáo sư Tiểu Chủng Viện An Ninh, rồi sau đó tiếp tục sai đi coi sóc họ đạo Nước Mặn, làm cha xứ tại đây một thời gian ngài lại được gọi về làm giáo sư Tiểu Chủng Viện, ngài luôn luôn sẵn sàng đón nhận trong niềm tín thác không chút buồn phiền. Hoặc sau này khi đang khởi sự ở Phước Sơn thì được Đức Cha đề nghị đi Ngân Sơn, dù trong lòng cảm thấy Phước Sơn là nơi tốt hơn vì đã đặt nền móng cho Cộng Đoàn, nhưng ngài vẫn vui vẻ vâng theo ý Đức Giám Mục đi Ngân Sơn xem đất (DN tr. 124, 154). Cha Tổ Phụ đã thật sự sống đúng ý nghĩa tên gọi “Thuận” mà khi mới tới Việt Nam ngài đã nhận được.
b/ Khó nghèo
Noi gương Chúa Giêsu, Cha Tổ Phụ cũng sống tinh thần “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20).
Cụ thể hằng ngày ngài ăn uống rất đơn giản, khẩu phần chỉ là khoai, măng; không trứng, không thịt, không rượu, không thuốc lá… (HT tr.44).
Phòng ngủ chỉ đơn giàn có một cái gường, cái bàn làm việc, vài ba cái ghế và Ngài chỉ gối đầu bằng cục gỗ và đi chân đất (HT tr.45); ngài cũng sống đúng theo lệnh truyền của Thầy Giêsu “khi đi đường anh em đừng mang theo bao bị hay túi tiền…” (HT Tr.11 & Tr. 222).
Thậm chí trong những giây phút cuối đời, anh em muốn chuyển ngài đến một chỗ nằm tốt hơn nhưng ngài vẫn muốn nằm tại nhà liệt như mọi người”. (HT tr. 230).
c/ Khiêm nhường phục vụ
Như Chúa Giêsu đã phán “Con Người đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”( Mt 10,45), Cha Tổ Phụ đã sống tinh thần đó. Ngài đã khiêm nhường như Thầy Giêsu không ngần ngại hạ mình như một người đầy tớ. Ví dụ như một lần nọ ngài chân thành xin lỗi cha phó xứ của mình khi vì tiếp khách mà phải bị chậm trễ trong một bữa ăn (để cha phó xứ chờ lâu). Không dừng lại đó, trong công việc hằng ngày ngài giành riêng cho mình công việc được xem là “hèn hạ” nhất là dọn nhà vệ sinh và ngài đã làm công việc này cho đến giai đoạn cuối đời. Bởi vì, như thánh Phaolô ngài xác tín: “Chúng tôi điên dại vì Đức Kitô” (1Cr 4,10) và “Vì Đức Kitô chúng tôi đành mất tất cả” (Pl 3,7-8).
Như vậy, khi chia sẻ về cuộc đời Cha Tổ Phụ ta nhận thấy ngài thực sự có lòng khiêm tốn thẳm sâu, vì nếu không ngài đã không làm được những điều như thế.
Vậy, các Tập sinh chúng ta cũng được mời gọi học nơi Cha Tổ Phụ sống vâng phục, khó nghèo, khiêm nhường phục vụ như Chúa Kitô. Biết chạy đến với Chúa để có một con tim giống như Chúa như Cha Tổ Phụ. Nhờ sống niềm say mê Chúa, ta được thúc đẩy tìm đến với Chúa và khi đã gặp Chúa chúng ta vui mừng đánh đổi tất cả, để chiếm hữu Ngài như dụ ngôn viên ngọc quý trong Tin mừng. Như vậy, chúng ta sống say mê Thiên Chúa và cùng làm cho những người sống quanh ta cũng biết say mê phụng thờ Thiên Chúa.
 
B. Thứ hai là bài chia sẻ của Viện Phụ Phước Lý vào sáng ngày 14/04/2016
Nội dung bài chia sẻ gồm 2 ý chính:
I/ Tại sao chúng ta phải say mê yêu mến Thiên Chúa?
II/ Tập sinh say mê yêu mến Thiên Chúa qua những việc làm cụ thể
——————————-
I. Tại sao chúng ta phải say mê yêu mến Thiên Chúa?
Vì Thiên Chúa là cùng đích và cứu cánh của chúng ta.
Trong (DN số 141) Cha Tổ Phủ viết: “Sự kín nhiệm của lòng chúng ta hằng tìm Chúa, gặp gỡ, chuyện vãn, kết hợp và kính mến Chúa. Ấy là phước của chúng ta”.
Ngài còn viết trong Di ngôn số 107 và 113: “Chúng ta bỏ hết mọi sự mà vào dòng. Vậy hãy ra sức tìm Chúa trong mọi sự, trong bậc mình, siêng năng trong phận sự mình, ao ước và khao khát tìm Chúa và kính mến Người… bởi mọi sự điều vô ích trừ ra sự kính mến Chúa”.
Tình yêu đáp đền tình yêu:
Khi nói về đức mến, Di ngôn số 112 viết: “Thiên Chúa yêu thương chúng ta, nêu buộc chúng ta phải yêu mến Người… Chúng ta kính mến Người không thêm gì cho Người, nhưng để chúng ta được nhờ”.
Thánh Gioan Tông Đồ cũng đã quả quyết trong thư thứ nhất của ngài rằng: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ qua việc Ngài sai Con Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4,9). Và Ngài còn nói tiếp : “Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta trước và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10). Thánh Phaolô còn quả quyết mạnh hơn trong thư gửi giáo đoàn Rôma, ngài viết: “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân và Đức Kitô đã chết vì chúng ta” (Rm 5,6-11).
Như vậy, trong tình yêu đòi hỏi phải có sự tương tác của hai đối tượng, Thiên Chúa yêu thương chúng ta và ta đáp trả lại tình yêu Ngài. Dĩ nhiên khi chúng ta có đáp trả tình yêu Thiên Chúa, thì cũng chẳng thêm hay bớt gì cho Ngài.
Tuy nhiên, như thánh Bênađô đã dạy: “Thiên Chúa yêu ai thì Người không nhằm điều gì khác ngoài việc được yêu lại, vì Người biết ai yêu mến Người thì sẽ được hạnh phúc nhờ chính tình yêu đó” (Bài giảng của thánh Bênađô về sách Diễm ca, bài đọc kinh sáng lễ thánh Bênađô).
 
II/ Tập sinh say mê yêu mến Thiên Chúa qua những việc làm cụ thể
1/ Nguyện gẫm – Cầu nguyện
Trong Di ngôn số 107, Cha tổ Phụ nói: “Hãy chăm chú nguyện gẫm, hãy ra sức cho đặng nên một người hay nguyện gẫm… nếu trong nhà dòng này được như vậy thì vui biết mấy… sống thiêng liêng đích thực là như thế đó. Muốn sống thiêng liêng bề trong phải chăm lo nguyện gẫm”.
Như vậy, theo Cha Tổ Phụ: “Nguyện gẫm – Cầu nguyện làm nên đời sống thiêng liêng của chúng ta và làm nên chính con người đan sĩ”. Cuộc đời người đan sĩ phải thấm nhuần tinh thần cầu nguyện. Trong hành trình theo Chúa Kitô, đan sĩ tìm kiếm Thiên Chúa và ao ước phụng sự Người nên thường xuyên cầu nguyện.
Như vậy, tập sinh làm sao để giúp cộng đoàn say mê Thiên Chúa qua việc nguyện gẫm – cầu nguyện?
Trong sách ‘Luật sống’ đan sĩ Pierre Maria nói: “Nếu chúng ta muốn biết lý do, địa điểm, thời điểm và phương cách cầu nguyện như thế nào, hãy nhìn Chúa Giêsu và mãi mãi làm như vậy, vì chỉ duy có Ngài mới có thể dạy chúng ta cầu nguyện”.
Phần Cha Tổ Phụ ngài dạy: “Trong mọi việc chúng ta làm hằng ngày, hãy chăm chỉ coi Chúa Giêsu làm thế nào thì ra sức noi gương. Xem Chúa Giêsu đọc kinh thế nào, đứng ngồi cách nào, lúc đọc vinh danh Người cúi đầu thế nào, Người nguyện gẫm ra sao, ăn cơm và làm việc cách nào? Hãy xét từng việc từ sớm đến tối như vậy ai theo phận nấy để chúng ta sống cách tử tế và trọn hảo như Chúa Giêsu ở kề bên” (DN số136).
 
2/ Lectio Divina
Lectio Divina là gì?
– Là lắng nghe chúa nói với chúng ta qua Thánh kinh.
– Là việc nhẩm đi nhắc lại lời Chúa,
– Là chuyên chú lắng nghe Chúa nói với lòng ta,
– Là suy niệm kinh thánh trong chiêm niệm và cầu nguyện,
– Là đối thoại với Chúa Kitô trong đức tin.
 
3/ Lao tác
Trong việc lao tác cha tổ phụ dạy: “… ở nhà dòng này phải làm việc xác ai theo sức nấy… mạnh khoẻ thì làm việc nặng, yếu thì làm việc nhẹ… nhà dòng như một gia đình, cha con, anh em yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Việc xác là việc đền tội… là việc Chúa Giêsu đã làm và các thánh cũng đã làm để nuôi sống mình. Việc xác là việc có ích, giúp chúng ta cả phần hồn lẫn phần xác” (DN số 139).
Như vậy, làm việc không những có ích mà còn có tâm quan trọng trong đời sống đan tu còn nhàn rỗi sẽ đem đến nhiều nguy hại.
Tuyên Ngôn Đại Hội Toàn Dòng năm 2000, số 69 cũng viết: “Việc lao tác làm cho vũ trụ ngày càng hoàn hảo hơn và mọi ý định của Thiên Chúa được thực hiện nơi trần gian. Việc lao tác của chúng ta không chỉ là một phương diện chữa trị chứng nhàn cư hoặc là một thứ công việc cho qua thì giờ, mà còn là một phần nỗ lực của chúng ta nhằm đạt cho được sự hoàn thiện Kitô. Đồng thời, lao tác còn là một việc phục vụ huynh đệ giành cho cộng đoàn Đan viện và cho những người sống ngoài thế gian”.
Như vậy, khi Tập Sinh làm việc tử tế và có trách nhiệm là họ góp công góp sức để làm phát triển Cộng Đoàn của mình và làm sống lại tinh thần sống say mê Thiên Chúa của Công Đoàn.
 
4/ Sống tinh huynh đệ
Gia đình Đan viện được xây dựng bằng tình yêu siêu nhiên và cũng là chi thể mầu nhiệm Chúa Kitô. Do đó, các tu sĩ hãy mang lấy gánh nặng cho nhau (x Gl 6,2) và tôn trọng lẫn nhau trong tình bác ái huynh đệ (x Rm12,10). Vì yêu thương là chu toàn lề luật (x Rm13,10) và là dây liên kết sự trọn lành (Col 3,14). Hơn nữa, sự hiệp nhất huynh đệ loan báo Chúa Kitô sẽ đến
(x Ga13,35; 17,21).
Phần Cha Tổ Phụ ngài dạy: “Muốn biết chúng tôi có tính mến Chúa hay không, hãy xét coi chúng tôi có yêu anh em không… Sự kính mến Chúa có khi còn lầm, còn sự yêu thương anh em thì không lầm được. Muốn cho được yêu thương thì phải ra khỏi mình và bỏ mình đi…” (DN số 112).
Cuối cùng thánh Phaolô đã dạy các tín hữu Rôma rằng: “Anh em đừng mắc nợ nhau điều gì trừ ra món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu anh em thì đã chu toàn lề luật” (Rm 13,8).
 
5/ Sống thánh, để trở nên thầy dòng thánh
Để trở nên thầy dòng thánh, Di Ngôn số 134 và 135 dạy: “Chúa gọi chúng ta vô dòng không phải để sống khơi khơi nhưng là phải trở nên thầy dòng thật, thầy dòng thánh. Nếu không chúng ta sẽ là những kẻ lừa dối lòng tin mọi người bởi họ tưởng chúng ta là những ông thánh, nên họ xin chúng ta cầu nguyện”. Và Cha Tổ Phụ đã đưa ra những phương thế giúp ta tuân giữ là“bốn phải” “năm giữ” và “bảy lo”.
* Bốn phải:
– Phải cầu nguyện hãm mình,
– Phải tuân giữ luật dòng,
– Phải giữ ý bề trên cho kỹ,
– Phải kết hợp cùng Chúa.
 
* Năm giữ :
– Giữ luật dòng cho kỹ,
– Giữ trọn các điểm nhỏ mọn,
– Giữ chân tay cho nết na,
– Giữ con mắt,
– Giữ cách đi đứng cho nghiêm trang.
* Bảy lo:
– Lo nên thầy dòng thật,
– Lo kính mến Chúa,
– Lo kết hợp với Chúa,
– Lo vâng ý chúa mọi đàng,
– Lo tỉnh thức luôn mà nhớ đến Chúa,
– Lo đến phần rỗi kẻ khác,
– Lo cho thêm số người kính mến Chúa. (Dn 134; 135).
Và Cha Tổ Phụ kết luận: Muốn nên thánh phải giữa luật dòng, cha nhắc lại: muốn nên thánh phải giữ luật dòng.
Sau cùng, để sống say mê Thiên Chúa và giúp cộng đoàn sống say mê Thiên Chúa, các Tập Sinh cần sống lời khuyên của Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Rôma: “Vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức anh em thờ phượng Người” (Rm 12,1).
 
* Các câu hỏi gợi ý
1/ Anh em hãy chia sẽ với kinh nghiệm bản thân đã làm những gì để giúp cộng đoàn say mê Thiên Chúa?
2/ Trong đời sống thán hiến đan tu, anh em đã gặp những thuận lợi và khó khăn nào trong việc tìm kiếm say mê Thiên Chúa?
 
C. Thứ ba là bài chia sẻ của cha Gioan Kim Khẩu – Thiên Phước vào sáng ngày 14/04
Chúng con xin chân thành cảm ơn Cha Gioan Kim Khẩu đã chia sẻ cho chúng con đề tài Huấn Luyện vả dành cho chúng con buổi thảo luận rất bổ ích giúp anh em chúng con xác tín rõ ràng hơn về Đặc Sủng, Linh Đạo và Sứ Vụ trong ơn gọi chiêm niệm đan tu mà chúng con đang theo đuổi trong gia đình Xitô Thánh Gia Việt Nam.
Chúng con xin chân thành cảm ơn cha.
 
D. Thứ tư là phần tóm kết những chia sẻ của anh em Tập Sinh trong 3 ngày qua.
Trong phần tóm kết này chúng con xin được chia làm 4 phần:
Thứ nhất: Kinh nghiệm bản thân sống say mê Thiên Chúa và giúp Cộng Đoàn sống say mê Thiên Chúa.
Thứ hai: Những thuận lợi mà một số anh em Tập Sinh đã cảm nhận.
Thứ ba: Những khó khăn mà anh em tập sinh đang gặp phải.
Thứ tư: Những thao thức của anh em Tập Sinh.
————————–
* Thứ nhất: Kinh nghiệm bản thân sống say mê Thiên Chúa và giúp Cộng Đoàn sống say mê Thiên Chúa.
– Anh em có dành nhiều giờ để viếng Thánh Thể và nhất là khi phải đi xa vẫn luôn hướng về Thánh Thể.
– Cố gắng hát kinh phụng vụ sốt sắng, chú tâm đọc Kinh Thánh, Lời Chúa rõ ràng.
– Viếng đất thánh, và thường xuyên đọc lời nguyện tắt.
– Tự đặt ra kỷ luật sống cho mình để sống tốt hơn trong cộng đoàn.
– Nhiệt thành hết mình trong việc lao động hằng ngày.
– Khắt khe với bản thân, nhưng mở lòng với anh em.
– Anh em cảm nhận được nếu có đời sống cầu nguyện sâu xa thì sẽ được biến đổi.
– Anh em cố gắng nhiều trong những giờ kinh để tạo động lực cho mình và cho cộng đoàn, dù có những lúc rất mệt mỏi.
– Vui vẻ chấp nhận công việc được trao dầu không hợp với mình.
– Cảm thông, nâng đỡ, chia sẽ và động viên anh em sống quanh mình trong những lúc họ gặp khó khăn.
– Không nói xấu anh em nhưng luôn nói tốt về họ ngay cả những người không hợp ý mình.
– Tập kiềm chế tính khí của bản thân.
– Sự đón nhận những góp ý của anh em cũng làm cho người tập sinh trưởng thành hơn.
– Biết nói hai chữ xin lỗi, cảm ơn.
– Anh em có cố gắng đi sớm trong các giờ kinh và nghiêm trang trong cách đi đứng, quỳ ngồi trong nhà nguyện, điều này giúp rất nhiều cho những anh em khác trong cung cách phụng thờ Thiên Chúa.
– Trong giờ nguyện gẫm anh em chọn một câu Lời Chúa để suy niệm.
 
* Thứ hai: Những thuận lợi mà một số anh em Tập Sinh đã cảm nhận.
– Trong thời gian nhà tập, tập sinh được tạo nhiều thời gian để sống với Chúa.
– Những gương lành của các bậc trưởng thượng giúp anh em rất nhiều để lớn lên trong ơn gọi.
– Sự quan tâm của các tập sư và những vị hữu trách cũng là điều nung đúc tinh thần anh em.
– Môi trường nơi một số tập viện được bảo đảm tốt và thuận lợi cho việc cầu nguyện, suy tư và sống kết hợp với Chúa.
– Các nhu yếu phẩm trong đời sống hằng ngày được bảo đảm đầy đủ.
 
* Thứ ba: Những khó khăn mà anh em tập sinh đang gặp phải.
Đối lại với những thuận lợi trên, nhiều nơi anh em Tập Sinh còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống Tập Viện, như:
– Sự khác biệt vùng miền là điều khó khăn nhất trong tương quan huynh đệ.
– Trong vài cộng đoàn các vị hữu trách ít đồng hành cùng anh em và chưa quan tâm đủ ngay khi anh em ốm đau.
– Nội vi chưa được ổn định ở một sốn nơi, người ra vào còn quá nhiều nên ảnh hưởng đến bầu khí thinh lặng của tập viện.
– Cách chung anh em bị chi phối bởi công việc quá nhiều nên việc học tập bị gián đoạn có lúc học hai tuần, nghỉ ba tuần…
– Về mặt nhân bản và tu đức anh em chưa được chú trọng.
– Trong các công việc học tập và lao tác hằng ngày còn nhiều bất cập vì chưa có sự thống nhất giữa cha giám tập và quản lý.
– Một số gương xấu nơi các bậc đàn anh làm ảnh hưởng không nhỏ trong đời sống tập sinh.
– Nhiều nơi anh em chưa có tinh thần tin tưởng lẫn nhau thật sự.
 
* Thứ tư: Những thao thức của anh em Tập Sinh.
– Khao khát có môi trường thuận lợi để anh em Tập Sinh có thể dễ dàng sống kết hợp với Chúa.
– Anh em ước mong được hướng dẫn kỹ càng hơn trong môn học và đồng hành nhiều hơn.
 
Cuối cùng là phần chia sẻ những thao thức của anh em tập sinh trong buổi gặp gỡ cuối cùng với cha Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Nam:
– Trong vài Cộng Đoàn, việc sửa lỗi anh em chưa được thuyết phục, có những vị hữu trách dùng nhiều phương pháp chưa được trưởng thành và bất cập.
– Nhiều vị trưởng thượng trong các Cộng Đoàn (kể cả các linh mục)chưa có đời sống gương mẫu và nhân bản đủ, điều này làm ảnh hưởng nhiều đến anh em tập sinh.
– Đời sống nhân bản và thiêng liêng của anh em tập sinh chưa được chú trọng, anh em chưa được đáp ứng và nâng đỡ mỗi khi cần đến vị tập sư (Tập sư bận quá nhiều việc nên từ chối gặp gỡ anh em).
– Có vài nơi Tập sư thiếu sự tôn trọng và không lắng nghe ý kiến của anh em.
– Trong ứng xử hàng ngày, Tập sư chưa đủ công bằng, còn nhiều thiên vị tình cảm trong tương quan với các tập sinh, điều này gây nhiều khó khăn cho anh em trong Tập Viện.
– Tình trạng phán đoán lệch lạc của Tập Sư trong vấn đề tâm sinh lý của anh em gây cho anh em nhiều phiền toái và khó xử.
 
———————————————–
 
 Cuối cùng, chúng con ghi nhận ý kiến rất tích cực của Đức Viện Phụ Bảo Tịnh, Viện Phụ Phước Lý trong buổi thảo luận sáng ngày 14.04; ngài đã khẳng định những ý kiến và ưu tư của anh em Tập Sinh chúng con là rất tích cực và ngài khuyến khích chúng con hãy sống và thực hành hơn nữa những gì mình ưu tư và chia sẻ. Điều này giúp nâng đỡ và củng cố tinh thần anh em chúng con rất nhiều để mỗi ngày chúng con sống Say Mê Thiên Chúa hơn trong ơn gọi của mình. Chúng con xin chân thành cám ơn Viện Phụ.
 
Vâng, chúng chúng con xin hết lòng ghi ơn Quý Đức Viện Phụ, Quý Cha và Quý Thầy phụ tá trong Ban Huấn Luyện của Hội Dòng đã yêu thương tạo điều kiện cho anh em Tập Sinh chúng con có buổi gặp gỡ huynh đệ thân tình và bổ ích này.
Chúng con cũng không quên ghi ơn cha Bề Trên, Quý Cha và Quý Thầy cộng đoàn An Phước đã vất vả lo lắng cho chúng con trong những ngày Tĩnh Huấn này.
Kính chúc Quý Viện Phụ, Quý Cha, Quý Thầy và tất cả anh em Tập Sinh mỗi ngày cảm nghiệm được niềm vui và hạnh phúc trong niềm SAY MÊ THIÊN CHÚA theo gương Cha Tổ Phụ chúng ta.
 
 
Một số hình ảnh:
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sống ơn gọi trong niềm hân hoan

Tổng phụ Mauro-Giuseppe Lepori, O.Cist. Khóa học dành cho Tập sinh tại Sài Gòn, 19–22/ 06/ 2023   Chuyển ngữ: M.Galgano Trần Quốc Toàn, O.Cist. § 1. Ở...

Anh em là “muối cho đời” – Quốc Huyên (Châu Sơn)

      Anh em là “muối cho đời”  (Mt 5,...

Programme de Formation monastique au Père Abbé Président (M. Hiếu Liêm)

  LA FORMATION MONASTIQUE DE LA CONGREGATION CISTERCIENNE DE...

Nhật ký tĩnh huấn các anh em Khấn tạm: ngày thứ nhất – 19/04/2017 (Martin Phước Lý)

Nhật ký sinh hoạt TĨNH HUẤN ANH EM KHẤN...

Nhật ký tĩnh huấn Khấn tạm: ngày sinh hoạt thứ hai! (Martin Phước Lý)

Nhật ký TĨNH HUẤN KHẤN TẠM: NGÀY THỨ...

Nhật ký tĩnh huấn Khấn tạm: ngày sinh hoạt thứ ba! (Martin Phước Lý)

Nhật ký tĩnh huấn khấn tạm: ngày sinh...

TĨNH HUẤN KHỐI TẬP VIỆN DÒNG NỮ XITÔ TẠI ĐAN VIỆN CHÂU SƠN ĐƠN DƯƠNG (BbT)

TĨNH HUẤN TẬP VIỆN DÒNG NỮ XIÔ TẠI ĐAN...