Tổng phụ Mauro-Giuseppe Lepori, O.Cist.
Khóa học dành cho Tập sinh tại Sài Gòn, 19–22/ 06/ 2023
Chuyển ngữ: M.Galgano Trần Quốc Toàn, O.Cist.
§ 1. Ở lại với Chúa Kitô
Trong những ngày này, cha muốn cùng với các con đào sâuchủ đề về ơn gọi của chúng ta là bước theo Chúa Giêsu Kitô trong chân lý, tình yêu và niềm hân hoan, như Cha Thánh Biển Đức và tất cả các Tổ phụ Dòng Xitô đã khao khát. Trong việc đào luyện bản thân và sống ơn gọi của mình, chúng ta phải luôn bắt đầu lại từ câu hỏi mà Cha Thánh Biển Đức đặt ra ở đầu Tu Luật khi trích dẫn Thánh vịnh 33: “Ai là người thiết tha được sống, ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc chứa chan?” (Tv 33,13).
Thánh Biển Đứcđã viết: «Đang khi tìm giữa đám đông người thợ mà Chúa muốn gọi, Người phán: “Ai muốn sống đời đời và mong thấy ngày hồng phúc”. Khi nghe lời đấy, nếu con thưa: “Dạ, con đây”; Chúa sẽ phán: “Nếu con muốn hưởng sự sống đích thực và vĩnh cửu, thì lưỡi con chớ nói lời xằng bậy và môi con chớ thốt lời gian dối; con hãy làm lành lánh dữ, hãy tìm kiếm và theo đuổi sự bình an”. Khi các đã thực thi các điều ấy, thì mắt Cha hằng theo dõi các con, tai các Cha hằng lắng nghe các con khẩn nguyện, và ngay khi các con chưa kịp kêu cầu thì Cha đã bảo: “Có Cha đây”. Anh em rất thân mến, còn gì ngọt ngào hơn Lời Chúa mời gọi chúng ta như thế? Này đây với tất cả lòng ưu ái, Chúa đã chỉ cho chúng ta con đường dẫn tới sự sống.» (Tu Luật, Lm 14-20).
Trước hết, cần lưu ý rằng Cha Thánh Biển Đức đã đặt vào môi miệng Chúa câu Thánh vịnh 33. Đó là việc Chúa rảo quanh giữa muôn người và hỏi: “Ai là người thiết tha được sống, ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc chứa chan?”Tức là: Ai là người khao khát sự sống và niềm hân hoan?
Do đó, cội rễ của tất cả mọi sự không phải là tâm hồn chúng ta khao khát được sống hay mong mỏi niềm hạnh phúc, nhưng chính Thiên Chúa mới là Đấng mong muốn sự viên mãn nơi sự sống của chúng ta. Thiên Chúa tự biến mình thành kẻ hành khất đối với nỗi khao khát hạnh phúc nơi lòng mỗi người. Giống như một người bán rong, Chúa rảo quanh giữa đám đông và nói lên sự mong muốn của mình là tìm cho được một người muốn sống một cuộc sống viên mãn và tận hưởng niềm hạnh phúc, một người ước ao sống trong niềm hân hoan.
Thiên Chúa tìm kiếm con người này như là “người làm công của Ngài”, như một người mà Ngài đã trao cho họ một sứ vụ. Tuy nhiên, điều kiện cần để đáp lại lời mời gọi của Người, điều kiện để sống ơn gọi làm người và ơn gọi riêng của mình, điều kiện để trở nên hữu dụng cho Thiên Chúa thì không phải là những khả năng hay phẩm hạnh, mà chỉ là sự khao khát được sống và sống hạnh phúc, nỗi khát khao được sống sung mãn. Ơn gọi căn bản của chúng ta là lờikêu gọi của một vị Thiên Chúa, Đấng đã tự làm cho mình trở nên kẻ hành khất đối với nỗi khát vọng hạnh phúc của chúng ta.
Cha Thánh Biển Đức đã làm nổi bật ba yếu tố nền tảng của huyền nhiệm con người trước mầu nhiệm Thiên Chúa. Những yếu tố này chính là câu hỏi củaThiên Chúa: “Ai là người thiết tha được sống, ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc chứa chan?”; con người đáp lại: “Thưa, con đây”; và Thiên Chúa đã đáp lại tiếng xin vâng của con người: “Có Ta đây, Ta đang ở đây!”.
Như thế, câu nói “có Ta đây, Ta đang ở đây!”của Chúa không chỉ là phần thưởng dành cho tiếng xin vângcủa con người, bởi vì Ngài đã nói “có Ta đây” đang khi Ngài rảo quanh giữa đám đông để tìm kiếm một người khao khát hạnh phúc. Câu nói “có Ta đây!” của Thiên Chúa là vĩnh cửu và là nguồn gốc của con người, và đó chính là Nguồn Cội. Thật vậy, để ám chỉ đến một câu nói của ngôn sứ Isaia, Cha Thánh Biển Đức đặt vào môi miệng Chúa lời sau đây: «Ngay cả trước khi con kêu cầu Ta, Ta sẽ nói với con: “Có Ta đây, Ta đang ở đây!”»
Nhưng đúng là ý thức của chúng ta nhận thức được rằng sự mong muốn hạnh phúc hình như đã nảy sinh trong chúng ta từ hư không. Có một sự che bớt đi sự uy nghi về Hữu thể nơi Thiên Chúa trước mặt con người, tạo ra sự khó khăn huyền nhiệm nơi tự do của chúng ta về khả năng khao khát Nguồn Cội và Cùng Đích vốn mang lại ý nghĩa và sự viên mãn của sự sống. Nguồn Cội và Cùng Đích hiện hữu, và cùng hiện diện trong Thiên Chúa là Đấng đã nói với chúng ta “có Ta đây!”, nhưng chúng không áp đặt, mà để con người có khả năng sống niềm khát khao khi đáp lại cùng Thiên Chúa “Thưa, con đây”. Đối với Thánh Biển Đức, nói “con đây” có nghĩa là khẳng định ước muốn của chính mình về sự viên mãn của sự sống. Bản tính của con người là khát khao hạnh phúc. Niềm khát vọng sự sống sung mãn chính là nơi mà con người được ban cho khả năng trở thành một ai đó, một ngôi vị, và hình ảnh của Thiên Chúa.
“Con đây” dường như là điều đơn giản nhất để có thể nói và khẳng định. Dường như nó quá đơn giản, quá rõ ràng khi con người nói “tôi đây” với bất cứ ai hỏi anh ta liệu anh ta có muốn sống và đón nhận hạnh phúc hay không. Thế nhưng, chính trong câu nói “con đây” đó, trong câu nói đơn giản “con đây” đó mà tất cả lại trở nên bế tắc, và giống như Chúa đã nhận thấy điều đó nơi chúng ta, nên Người đã hô lên “Có Ta đây, Ta luôn bên con, để trao ban cho con sự sống và sự hạnh phúc!” trong một sa mạc không sự sống, không bóng người, vô vọng. Do bởi tội nguyên tổ, con người cảm thấy khó thưa lên tiếng “con đây”; bởi vì người ta không thể nói “con đây” mà không để mình đối diện với “Chúa”, và không để mình phụ thuộc vào “Chúa” về mặt hữu thể học. Khi Thiên Chúa nói với con người: “Có Ta đây, Ta đang ở đây!”, thì chính Ngài đã tự xưng là“người đang nói” với con người để con người có thể thưa lên “con đây”.
Sự hạnh phúc mà Thiên Chúa đã hứa và ban tặng không phải là một cảm giác: đó là một sự viên mãn của sự sống, sự viên mãn nơi hữu thể con người chúng ta, của cái “con đây” làm người của chúng ta.
Vì lý do này, khi câu nói “Có Ta đây, Ta đang ở đây!” của Thiên Chúa là Nguồn Cội của mọi sự, được cất lên để tìm kiếm con người, thì như thể là Đấng Sáng Tạo đang tìm kiếm sự hoàn thành công việc của mình, công trình sáng tạo con người. Thiên Chúa muốn con người hãy hoàn toàn là chính mình.
Sự cứu chuộc hoàn tất việc tạo dựng, và vị Thiên Chúa đó vẫn miệt mài những bước chân mà rảo quanh giữa những đám đông của con người để có thể tặng ban sự sống và hạnh phúc; đó chính là Chúa Giêsu Kitô, Đấng Emmanuel, Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta, vị Thiên Chúa ngỏ lời với con người “Có Ta đây, Ta đang ở đây!” ngay trong chính thân xác của mình, ngay trong chính cái chết của mình. Và chính Người rảo quanh giữa đám đông, khát mong sựmong ước của chúng ta, khát khao làm dịu cơn khát của chúng ta, Thiên Chúa chịu đóng đinh trên Thập giá, Đấng mà ngay sau đó sẽ kêu lên: “Ta khát!” (Ga 19,28), đã để trái tim Người bị đâm thâu để trở nên nguồn sống cho chúng ta.
Như Chúa Giêsu nói với người đàn bà Samaria: «Nếu chị biết ân phúc của Thiên Chúa và ai là người nói với chị: “Xin cho tôi uống nước” [“Tôi khát”], thì chínhchị đã xin Ngài và Ngài sẽ ban cho chị nước hằng sống.» (Ga 4,10)
Điều quan trọng là khi suy nghĩ và đào sâu ơn gọi của mình, chúng ta luôn bắt đầu từ đây, tức là từ Chúa Giêsu, Đấng khát cơn khát của chúng ta, Đấng khát khao sự mong muốn được sống và khát khao tận hưởng hạnh phúc của chúng ta, để làm dịu cơn khát của chúng ta. Chúng ta phải bắt đầu từ điều này mỗi ngày, mỗi giây phút, trong mỗi lời cầu nguyện của chúng ta, trong mỗi hơi thở, và trong mỗi nhịp đập của con tim.
Ngay cả Thánh Bernardo, để đánh thức nỗi ước mong hoán cải, cũng thường lặp đi lặp lại câu hỏi: “Bernarde, ad quid venisti? – Bernardo, ngươi đến đây để làm gì?” (Guglielmo,viện phụ Đan viện Thánh Teodoro, Vita prima, I, 4; PL 185, 238).
“Họ thấy nơi Ngài cư ngụvà ở lại với Ngài”
Vì lý do này, mỗi người chúng ta phải luôn khơi lại cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa, khi cách này hay cách khác mà Chúa Giêsu nhìn đến chúng ta với tình yêu dịu ngọt và mời gọi chúng ta ở lại với Ngài. Có nghĩa là chúng ta phải luôn bắt đầu lại từ cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa Kitô, nhưchúng ta đã sống cái ngày đã nảy sinh ở trong lòng của chúng ta sự quyết định bước theo Ngài mãi mãi, một cuộc gặp gỡ giống như cuộc gặp gỡ của chính Thánh Gioan đã mô tả về mình chính mình và Thánh Anrê:
«Hôm sau, ông Gioan lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế? ” Họ đáp: “Thưa Rabbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” Người bảo họ: “Đến và sẽ thấy.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.» (Ga 1,35-39).
Điều quan trọng đối với chúng ta, để sống ơn gọi của mình, là phải hiểu được làm thế nào mà Anrê và Gioan đã tìm thấy nơi ở vào ngày hôm đó, hay đúng hơn là một nơi để có thể “cư ngụ”, để rồi từ đó là nơi mà có thể “ở lại” và lớn lên, giống như là một nơi thiêng liêng để các ngài có thểgắn bó với Chúa Giêsu Kitô. Ngày đó các ngài không biết nhiều về nơi Chúa Giêsu cư ngụ. Có lẽ các ngài đã không bao giờ tới ngôi nhà đó, hay thậm chí là ngay cả Chúa Giêsu cũng không ở lại đó lâu, vì “hôm sau Chúa Giêsu muốn rời đi Galilê” (Ga 1,43). Nhưng ngày hôm ấy, hai môn đệ đầu tiên đã khám phá ra nơi mà các ngài có thể ở lại với Chúa Giêsu: “Các ông đến và thấy chỗ Người cư ngụ, và ở lại với Người ngày hôm đó” (Ga 1,39). Đó là sự khám phá và đón nhận mạc khải của Đức Kitô –“Hãy đến và sẽ thấy” (Ga 1,39) – nơi mà chúng ta có thể ở lại với Người, không chỉ một ngày, mà là suốt cả cuộc đời, trong mỗi phút giây, cho dù chúng ta ở đâu hay bất cứ điều gì có thể xảy ra, hay bất cứ cuộc gặp gỡ nào chúng ta có.
Cũng giống như Anrê và Gioan, chúng ta cần một nơi ở rộng lớn, trong đó chúng ta có thể chào đón tất cả mọi người, bắt đầu từ chính mình, từ những ước muốn của mình, từ sự cần thiết được cứu chuộc và sống sung mãn, rồi sau đó là tất cả những ai, qua ơn gọi của chúng ta, mà bước vào trong cuộc đời của chúng ta: các thành viên trong cộng đoàn, những người được ủy thác cho chúng ta, dù ở gần hay ở xa: chẳng hạn, những người mà Thiên Chúa muốn chúng ta cầu nguyện cho họ, đó là toàn thể Giáo hội và toàn thể nhân loại. Sự gặp gỡ với Chúa Kitô đưa chúng ta bước vào một nơi cư ngụ mà không chỉ giới hạn trong những chiều kích hạn hẹp của sự sẵn sàng, lòng quảng đại, khả năng, sự kiên nhẫn của chúng ta, nhưng là được rộng mở trong những chiều kích của Thánh Tâm của Chúa Kitô, đó là những chiều kích của vô tận. Nếu chúng ta bước vào đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng chính cuộc sống của chúng ta, con tim của chúng ta cũng rộng mở để rồi mang những chiều kích không còn bị giới hạn bởi sựhạn hẹp của chúng ta, nhưng là khả năng đón nhận toàn thể hoàn vũ.
Thánh Biển Đức viết rằng «một khi đã tiến bộ trong đời tu và đức tin, chúng ta sẽ chạy trên đường giới răn Thiên Chúa với lòng phấn khởi (dilatato corde) bởi sự ngọt ngào khôn tả của tình yêu (inenarrabili dilectionis dulcedine).» (Tu Luật, Lm 49)
Chúng ta hãy hình dung hai Tông đồ trẻ tương lai là Anrê và Gioan khi các ngài thấy mình ở trong ngôi nhà đó với Chúa Giêsu, để chiêm ngắm và lắng nghe Chúa suốt ngày. Các ngài đã có kinh nghiệm gì? Trong nghĩa nào mà các ngài đã nhận thấy một ngôi nhà mới cho mình, cho cuộc sống cho mình, cho tất cả những gì có thể lấp đầy tuổi thanh xuân của mình, cho tất cả những mối tương quan có được nơi cuộc sống của các ngài? Chắc chắn các ngài đã có kinh nghiệm rằng khi ở với Chúa Giêsu, các ngài sẽ có một khả năng đầy huyền nhiệm về việc mở rộng không gian và thời gian, khiến cho cuộc sống và con tim của các ngài có khả năng đón nhận mọi người và mọi vật, một sự đón nhận không sợ hãi, không tính toán, không phòng thủ.
Sự mở rộng này được gợi ý bởi cách Gioan sẽ thuật lại tình tiết này trong Tin Mừng của ngài. Ngài nói rằng “lúc đó khoảng bốn giờ chiều” (Ga 1,39). Ngài đã không nói tại sao ngài có một trí nhớ tốt về quá khứ, nhưng là bởi vì trên thực tế của ngày hôm đó và vào giờ đó, đối với ngài và Thánh Anrê, thời gian đã dừng lại, nó đã dừng lại vào lúc bốn giờ chiều. Nhưng không phải vì từ sau khoảnh khắc đó thì không còn gì cả, mà vì từ khoảnh khắc đó thì cuộc đời của các ngài bước sang một thời kì mới, một thời kì mở rộng, một thời gian vĩnh cửu. Và cả không gian nữa: từ khi các ngài cư ngụ trong ngôi nhà đó, không gian mà các ngài bắt đầu sống không còn bị giới hạn nữa, nhưng nó được mở rộng ra vô tận.
Dĩ nhiên, cũng như chúng ta, các ngài đã không ít lần trở lại thu mình vào trong những giới hạn của thời gian và không gian do chính các ngài đặt định, chứ không phải từ sự hiện diện và tình yêu của Chúa Giêsu.Tuy nhiên, kể từ ngày gặp gỡ đó, mỗi lần thu mình vào những giới hạn cũ, các ngài sẽ luôn cảm nhận thấy như là một sự phản bội, một vết thương nơi tâm hồn, một kinh nghiệm của sự trống rỗng. Khi bước vào trong ngôi nhà của Chúa Kitô vào giờ đó, các ngài đã vĩnh viễn đi vào một nơi cư ngụ khiến các ngài không còn có thể lưu trú ở bất cứ đâu ngoài nơi cư ngụ bên Chúa Kitô, bên ngoài sự hiện diện của Người, bên ngoài sự hiệp thông với Người.
Giuđa đã đi đến tận cùng của con đường phản bội đó, và để mình trượt dài cho đến tận cùng trong sự trống rỗng, xa cách Chúa Giêsu. Ông không tìm được một nơi cư ngụ nào ngoài tình bạn hữu với Chúa Kitô, bởi vì ngay cả đối với chính ông cũng không thể có được một nơi cư ngụ nào khác, về không gian và thời gian nơi cuộc sống của ông, ngoài nơi cư ngụ mà Chúa Kitô đã chào đón ông vào trong ngày gặp thấy ông. Ông đã không chỉ tự tử bằng cách treo cổ, nhưng còn bằng cách rời bỏ nơi cư ngụ của Chúa Kitô, rời bỏ khỏi sự “ở lại” với Chúa Giêsu: “Anh ta cầm lấy miếng bánh, liền ra đi. Lúc đó đã là ban đêm.” (Ga 13,30). Ra khỏi nơi cư ngụ của Chúa Kitô, Giuđa nhận thấy mình đang ở trong một không gian và thời gian của đêm tối, một nơi vô nghĩa, một nơi trống rỗng, là nơi mà không thể đặt chân vào và không thể bước đi (là nơi của sự treo cổ!), và là một thời gian bị ngưng lại, không có hiện tại và không có tương lai…
Ít lâu sau đó, với những lời trong suốt Bữa Tiệc Ly, có lẽ Chúa Giêsu cũng nghĩ đến Giuđa khi nói: “Không có Thầy, anh em không thể làm gì được” (Ga 15,5), câu này có thể được dịch, có lẽ hay hơn, như sau “Xa cách Thầy, anh em không thể làm gì được”. Ở lại với Chúa Kitô không chỉ là một người song hành, một người ở bên cạnh người khác; nhưng nằm trong nội hàm, một sự thuộc về trong toàn thể, nhưng không bao giờ là một sự loại trừ nào đó; đó là một sự ở lại, một sự hiện hữu trong Ngài, như các thư của Thánh Phaolô và Thánh Gioan cũng đề cập.
Điểm kiên định nội tâm
Clemente Rebora, một nhà thơ người Ý, là người đã trở lại và cũng là cha đẻ của phái Rosminiano, đã viết trong một bài suy niệm về Lễ Giáng Sinh: “Khi tâm hồn không tìm thấy điểm kiên định nội tâm, nó lang thang khắp chốn để hướng tới những dục vọng bên ngoài vốn chả có ích lợi gì, bởi vì chúng không bao giờ tương ứng với sự thật đích thật bên trong.”
Điểm kiên định nội tâm được tìm thấy khi con tim khám phá ra nơi cư ngụcủa Chúa Kitô, là nơi mà con tim có thể ở lại với Người. Theo căn ngữ, sự kiên định cũng là một hạn từ ám chỉ tới nơi cư ngụ: cum-sistere, tức là ở lại cố định, ở lại với, và kéo dài. Ở lại với Chúa Kitô, trong Chúa Kitô, là sự kiên định nội tâm vững chắc mà chúng ta có thể có được. Nội tâm theo nghĩa là sự kiên định của bản ngã của chúng ta, cái làm cho chúng ta thực sự là chính mình. Đó là một “điểm”, như Rebora đã nói, bởi vì nó là một địa điểm chính xác, một trung tâm cho mọi thứ xoay quanh, mọi thứ đều cần nó như là bản lề để có trật tự và hài hòa. Nếu không có sự cố định này, những gì Rebora nói quả là chính xác: “nó lang thang khắp chốn để hướng tới những dục vọng bên ngoài vốn chả có ích lợi gì, bởi vì chúng không bao giờ tương ứng với sự thật đích thật bên trong”, nghĩa là chúng không tương ứng với con tim của chúng ta, với những gì nó được tạo ra, ước muốn và yêu thương từ Thiên Chúa. Một đứa trẻ vô gia cư, không cha không mẹ, không gia đình, không mối tương quan chắc chắn, nó không thể lớn lên như một chủ thể, như một cái “tôi” xác định, duy nhất. Thậm chí nó không thể chơi đùa. Chúng ta cũng giống vậy, nếu không nhờ Giáo hội và trong Giáo hội, chúng ta sẽ không thể nào tìm thấy nơi cư ngụ của chúng ta nơi Chúa, nơi cư ngụ chúng ta về một sự kiên định nơi Chúa Kitô.
Thánh Biển Đức đã vẽ một bức tranh biếm họa về các tu sĩ lười biếng, qua đó đã cảnh báo chúng tamột cách rõ ràng để chống lại sự tàn phá vốn có khả năng phá hủy sựkiên định nơi bản ngã của chúng ta, và sau đó làm cho mọi hình thức ơn gọi, mọi sứ mạng của sự sống trở nên sai lầm và cằn cỗi. Ngàiviết: «Loại thứ ba thật đáng ghét, đó là các đan sĩ tự tu. Họ không được một tu luật nào là bậc thầy kinh nghiệm tôi luyện như vàng được tinh luyện trong lò, nên tính nết vẫn còn ủy mị như chì [chính xác là: không chắc chắn]; qua cách sống, họ chứng tỏ còn mê theo thói đời. Hiển nhiên là họ lấy việc cắt tóc đi tu mà dối Chúa. Họ sống từng hai, từng ba, hoặc một mình, không có chủ chăn. Họ không thuộc đàn chiên Chúa [tức là: họ không ở với Chúa Kitô], nhưng sống một đàn riêng. Lề luật của họ là thỏa mãn các dục vọng! Hễ điều gì họ nghĩ hoặc ưa thích thì họ cho là thánh thiện. Còn điều gì không vừa ý, họ cho là không nên» (TL 1,6-9).
Nhưng nếu Thánh Biển Đứclên án điều này ngay từ đầu Tu Luật, thì ngài không làm vậy để nói rằng những ai đã vào các đan viện thì tốt lành hơn: ngài làm thế vì chúng ta ý thức được rằng sự bất ổn này, sự thiếu kiên định này là một khuynh hướng mà tất cả chúng ta đều có ở nơi mình, ngay từ khi có nguyên tội, tức là có trước khi chúng ta sinh ra, và vì điều này, chúng ta cần được trợ giúpđể bước theo Chúa Kitô để tìm ra nơi cư ngụ của Người, ở đâu và bằng cách nào để chúng ta có thể ở lại với Người, để cho phép mình được biến đổi từ chì thành vàng, nhờ ân sủng của Người, nhờ cùng sống với Người. Tôi có thể nói rằng điều này đang trở nên thời sự hơn bao giờ hết vì các phương tiện truyền thông mới, đối với mọi người, đã trở thành một phương tiện chưa từng có là luôn có thể làm cho tâm trí và con tim của chúng ta bị phân tán và lang bang.
Ý thức được điều này, rằng đây chính là vấn đề, cũng giúp chúng ta hiểu điều quan trọng là phải tìm kiếm và để cho mình được đào luyện về ơn gọi mà chúng ta đã được đón nhận, đặc biệt là trong những năm đầu tiên của tập viện và khấn tạm. Điều quan trọng là chúng ta tìm thấy được “đàn chiên” của Chúa và người mục tử của chúng ta là người nuôi dưỡng chúng ta và bảo vệ chúng ta. Và rồi chúng ta thấy rằng cuộc hành trình này, từ tâm trí lơ đễnh và lang bang để đi đến sự hồi tâm mà khám phá lại sự kiên định nội tâm khi ở lại với Chúa Kitô, chúng ta sẽ luôn phải sống lại nó, chọn lại nó, ở lại đó một lần nữa, cho đến hơi thở cuối cùng. Nhưng chính vì lý do này, điều quan trọng là chúng ta thực hành, để học biết nó; việc “trở về nhà” này, giống như người con hoang đàng, việc trở về này để thấy nơi cư ngụ của Chúa Kitô và để ở lại với Người, lắng nghe lời Người và chiêm ngưỡng dung nhan của Người.
Habitare secum
Đối với chúng ta, điều rất quan trọng là hãy suy niệm về cách thức mà chính Thánh Biển Đức đã sống sự hoán cải, từ tình trạng đầu óc bị phân tán sang tình trạng kiên định nội tâm này. Đọc lại cuộc đời của ngài đã được Thánh Giáo hoàng Gregorio Cả kể lại trong cuốn sách thứ hai của ngài về “Những cuộc đối thoại”, một tác phẩm được viết ra với sự chú tâm vàoThánh Biển Đức là một mẫu gương về sự lớn lên trong đời sống Tin Mừng, bất chấp mọi yếu đuối và cám dỗ.
Khi nói về Cha Thánh Biển Đức, Thánh Gregorio đãđề cập đến sự kiên định nội tâm, về sự hồi tâm của ngài, về sự ở lại trong Chúa Kitô, tất cả được tóm lại trong câu: “habitare secum – ở lại với chính mình”. Thánh Gregorio nói về chiều kích này nơi cuộc đời Thánh Biển Đức, nơi mà tổ phụ của đời sống đan tu Tây phương đang trải qua sự chuyển đổi từ đời sống ẩn tu, trong hang Subiaco, sang đời sống cộng tu, khi thành lập 12 đan viện tiên khởi. Đó là một bước rất quan trọng. Thánh Biển Đức đã trưởng thành trong đời sống đan tu và bắt đầu thu hút những người khác tin tưởng và xin nhận ngài là linh phụ. Nhưng một cộng đoàn các đan sĩ không có bề trên lúc đó đã khăng khăng xin ngài làm viện phụ, mặc dù đây là một cộng đoàn có những phong tục hoàn toàn không phù hợp với sự nghiêm khắc khổ hạnh của Thánh Biển Đức. Sau nhiều do dự, ngài đã chấp nhận, nhưng rồi ngay sau đó cộng đoàn này đã hối hận về sự lựa chọn này vì họ không muốn thay đổiđời sống dễ dãi của mình. Đến mức họ muốn đầu độc ngài, nhưng khi Thánh Biển Đức làm dấu thánh giá trên li rượu độc, li rượu đó đã bị vỡ ra.
Phản ứng của Cha Thánh Biển Đức không phải là một cuộc chạy trốn vội vàng, cũng không phải là một lời trách móc hay một hình phạt nghiêm khắc. Thánh Gregorio viết: «Ngài đứng dậy ngay lập tức và với vẻ mặt niềm nở và tâm hồn bình tĩnh, ngài triệu tập các đan sĩ lại và nói với họ những lời này: “Hỡi anh em, nguyện xin Thiên Chúa toàn năng thương xót các anh em!” (…) Và rồi ngài trở về nơi cô tịch [Subiaco] mà ngài vô cùng yêu thích, sống một mình với chính mình (habitavi secum) dưới ánh mắt trìu mến của Đấng nhìn xuống từ trời cao.” (Đối thoại, II, Chương 3)
Trước khi suy niệm về sự kiên định nội tâm này, chúng ta hãy nói ngay rằng chính từ thời điểm chính xác này mà hạt giống của sự thánh thiện đan tu của Thánh Biển Đức đã thực sự bắt đầu nảy mầm. Đức hạnh của ngài bắt đầu thu hút nhiều người muốn học hỏi nơi ngài về cách thức đặt mình chú tâm vào việc phụng sự Thiên Chúa. Do đóThánh Biển Đứcđã thiết lập 12 đan viện trong vùng, mỗi đan viện từ 12 đan sĩ trở nên, trong đó có một số các đan sĩ là người mà chính ngài đã trực tiếp đào tạo. Đó là một khởi đầu không ngừng đơm hoa kết trái, dù trải qua biết bao biến cố của lịch sử, từ 15 thế kỷ qua.
Nhưng đối với Thánh Gregorio, rõ ràng là sự phong nhiêu này bắt nguồn từ habitare secum dưới con mắt của Thiên Chúa.
Vì điều này, câu chuyện tường thuật về Cha Thánh ngay lập tức bị gián đoạn bởi cuộc đối thoại với mộtnhân vật hư cấu tên là Phêrô, anh ta hỏi ngài (Thánh Gregorio): “Con không thể hiểu rõ ý nghĩa của câu nói: Ngài (Thánh Biển Đức) ở lại với chính mình”.
Do đó, Đức Giáo hoàng Gregorio diễn tả bằng một nhận xét ngắn để nói về ý nghĩa và giá trị của sự kiện định nội tâm, chính xác là một chiều kích mà từ đó ơn gọi và sứ vụ của một người đi gieo giống tìm ra nơi mảnh đất màu mỡ để cho hạt giống đơm hoa kết trái. Trong đó, ngài (Thánh Gregorio) đã đưa ra một định nghĩa chi tiết hơn về ý nghĩa của điều gọi là habitare secum:
“Vị đáng kính của chúng ta [Thánh Biển Đức] mà tôi đã nói rằng ngài đã ở lại với chính mình bởi vì, luôn cẩn thận nhìn lại mình, luôn để ý mình dưới cái nhìn của Đấng Tạo Hóa và luôn kiểm điểm của lương tâm của mình, ngài không để con mắt tinh thần của mình hướng ngoại bao giờ.” (Đối thoại, II,3)[1]
Thánh Gregoriođào sâu hơn nữa về ý nghĩa tổng quátcủa hạn từ habitare secum. Cha chỉ muốn lưu ý một số khía cạnh mà cha nghĩ có thể hữu ích cho chúng ta trong việc hiểu những gì chúng ta phải trau dồi trong ơn gọi của mình. Về cơ bản, đối với Thánh Gregorio và Thánh Biển Đức, sự kiên định nội tâm là bảo vệ chúng ta dưới ánh sáng của ánh mắt đầy yêu thương của Thiên Chúa. Đó là để cho cái nhìn của Đấng Sáng Tạo xác định giá trị cuộc đời của chúng ta, chứ không phải bất kỳ cái nhìn nào khác, của chúng ta hay của bất cứ ai. Cái nhìn của Thiên Chúa là cái nhìn sáng tạo chúng ta, hình thành nơi chúng ta hình ảnh của Người Con yêu dấu. Do đó, đó là một cái nhìn thanh tẩy chúng ta, phục hồi hình ảnh thần linh trong chúng ta. Vì lý do này, đó không phải là một cái nhìn mang đến sợ hãi, như Adam và Eva đã nghĩ, nhưng là để kiếm tìm, chính xác là không làm chosợ hãi; tiên vàn là cái nhìn của Thiên Chúa giúp chúng ta sống tin tưởng ngay cả giữa nhữngbách hại đang vây bọc quanh cuộc sống chúng ta. Chúng ta đừng quên rằng Thánh Biển Đức đã trở lại habitare secum ngay sau khi thoát khỏi một vụ ám sát, ngay sau khi cảm nhận được sự thù địch của cả một cộng đoàn chống đối mình. Chúng ta hãy mường tượng những cái nhìn chằm chằm nhắm vào Thánh Biển Đức của những đan sĩ hư hỏng này! Tuy nhiên, Thánh Gregorio đã thuật lại: ngài đã nhìn họ “với khuôn mặt bình yên và tâm hồn thanh thản”.
Ở lại trước nhan Chúa như là những người con thảo
Tóm lại, chúng ta có thể tóm tắt tất cả thái độ của Thánh Biển Đức trong habitare secum dưới cái nhìn của Đấng Tạo Hóa bằng cách nói rằng:ngài ở lại trước mặt Thiên Chúa với tư cách là một người con, ngài để cho Chúa Cha nhìn mình như Chúa Giêsu được Chúa Cha nhìn ngắm khi Ngài chịu Phép Rửa và khi Hiển Dung. Và điều này đã làm cho “lòng phó thác với tình con thảo” lớn lên lòng trong lòng Thánh Biển Đức, chắc chắn là luôn được Chúa Cha bảo vệ. Đây cũng là bí quyết về sự phong nhiêu của ngài, vì ai để cho mình được ánh mắt của Chúa Cha rọi chiếu thì lớn lên trong tình con thảo cho đến khi trở nên giốngnhư Chúa Cha. Chúa như là Cha, Chúa Giêsu Kitô cũng như là Cha, tình cha trong Chúa Thánh Thần. Dưới cái nhìn của Chúa Cha, chúng ta được trao ban để lớn lên trong tình phụ tử của Con Thiên Chúa, một tình phụ tử đầy tình huynh đệ và đầy lòng thương xót, như tình phụ tử mà Thánh Biển Đức đã dành cho các đan sĩ hư hỏng một lần nữa, trước khi từ giã họ: ngài gọi họ một cách chính xác là “anh em”,và cầu khẩn lòng thương xót của Chúa cho họ.
Thánh Gregorio nhấn mạnh chiều kích kiên định nội tâm này của Thánh Biển Đức bằng cách đưa ra mẫu gương của đứa con hoang đàng trở về với chính mình:
«Ví dụ, người ta có thể nói rằng ngài là một người di cư đến một vùng xa xôi, lãng phí tài sản thừa kế đã nhận được, làm đầy tớ cho người ta, bị buộc phải chăn heo và trong khi mấy con heo đó ăn đậu muồng nhưng anh ta lại khổ sở vì đói? Tuy nhiên, sau đó, khi ký ức về những tài sản đã bị mất xâm chiếm anh ta, Tin mừng đã viết về anh ta như sau: “Khi hồi tâm lại, anh ta tự nhủ: có bao nhiêu người làm công trong nhà của cha tôi với cơm dư gạo thừa!”. Điều đó có nghĩa là trước đó anh ấy đã đi ra khỏi chính mình, nếu không thì anh ấy đã trở lại với chính mình từ đâu?
Vì vậy, để kết thúc, cha muốn mời gọi các con hãy suy nghĩ lại về bản thân, đời sống cầu nguyện và sự suy niệm, sự thinh lặng, những suy nghĩ và con tim của các con. Chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có ở lại trong habitare secum không? Có một nơi cư ngụ với Thiên Chúa, mà ở đó chúng ta ở lại dưới cái nhìn của người cha, trong đó con người của chúng ta sống dưới ánh mắt trìu mến của Chúa thấm nhập lương tâm của chúng ta và biến đổi chúng ta thành những đứa con trung tín, có khả năng trở nên cha hiền đượm tình huynh đệ với tha nhân, và có lòng thương xót không? Nói cách khác, chúng ta có sự kiên định nội tâm không? Có phải chúng ta đang tìm kiếm nó? Chúng ta có ươm trồng nó không? Liệu chúng ta có tìm lại được nó sau hàng ngàn sự hoang tàn của cuộc sống, của mỗi ngày, và trên hết là của những suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta không? Như đã xảy ra với cha, dĩ nhiên là người lớn hơn các con nhiều tuổi, nhưng chúng ta đều nhận ra rằng chúng ta thường xuyên ở bên ngoài ngôi nhà này, chúng ta thiếu sự kiên định nội tâm, chúng ta không vun trồng sự habitare secum. Vậy chúng ta hãy thường xuyên quay trở lại lời cầu nguyện đầu tiên của Thánh Anrê và Thánh Gioan: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Nghĩa là, Lạy Chúa, xin hãy hướng dẫn chúng con, đưa chúng con trở lại nơi cư ngụ này với Chúa, với Chúa Cha, nơi mà Chúa ở với chúng con và đổi mới chúng con theo hình ảnh của Chúa.
§ 2. Kho báu và viên ngọc quý
Điều mà cha chia sẻ với các con vào ngày hôm qua cũng chính là điều đã được đề cập trong bài diễn văn của Đức Hồng Y Ratzinger, sau này là Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, ở Subiaco, nơi mà ngài “đã sống với chính mình dưới cái nhìn của Thiên Chúa”, vào đêm trước ngày mất của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, có một đoạn rất hay sau đây:
“Điều chúng ta cần trên hết vào thời điểm này trong lịch sử là những con người, nhờ đức tin soi sáng và sống động, hãy làm cho Thiên Chúa trở nên đáng tin cậy trên thế giới này. Lời chứng tiêu cực của những Kitô hữu là nói và sống chống lại Thiên Chúa, nó đã làm lu mờ hình ảnh của Thiên Chúa và mở ra cho sự vô tín. Chúng ta cần những con người luôn chú tâm chiêm ngắm Chúa, từ đó mà có thể học biết được về nhân tính thực sự. Chúng ta cần những người có sự thông hiểu được ánh sáng của Chúa soi sáng và có trái tim được Chúa mở ra, trong cách thức mà sự thông hiểu của họ có thể truyền sự thông hiểu cho người khác và trái tim của họ có thể mở rộng tới trái tim của người khác. Chỉ nhờ những con người được Thiên Chúa chạm đến, Thiên Chúa mới có thể làm cho con người trở lại với Ngài. Chúng ta cần những con người như Thánh Biển Đức ở Norcia, là người mà cũng có thời kỳ mà tâm hồn bị phân tán nhiều và sa sút về đời sống thiêng liêng, nhưng đã đưa mình vào trong sự cô tịch cùng cực nhất, để rồi sau tất cả những cuộc thanh tẩy mà ngài phải trải qua, thì đã quay trở lại ánh sáng, trở lại và sáng lập ở Monte Cassino, một thành phố ở trên núi, với rất nhiều di tích, đã tập hợp các sức mạnh để hình thành một thế giới mới. Do đó, Thánh Biển Đức, giống như Abraham, đã trở thành tổ phụ của nhiều dân tộc.” (HY Joseph Ratzinger, “Châu Âu trong cơn khủng hoảng các nền văn hóa”, Subiaco, 1 tháng 4, 2005)
Tìm lại niềm vui
Năm tháng càng trôi qua và càng già đi, cha hy vọng cũng sẽ trưởng thành hơn trong ơn gọi và sứ mệnh của mình, và cha càng nhận ra rằng chủ đề của niềm vui thực sự quan trọng. Chúng ta thường nhìn niềm vui giống như chúng ta nhìn đến trẻ thơ, nghĩa là, như thể đó là một cảm giác tuyệt vời, làm cho thích thú, được mọi người yêu mến, nhưng sớm muộn gì cũng qua đi, và do đó nó được coi như không thực sự cần thiết đối với sự trưởng thành trong cuộc đời của chúng ta, đối với việc thực hiện đúng nhiệm vụ và bổn phận của chúng ta. Ở sự giới hạn mà chúng ta nghĩ về nó với sự luyến tiếc, nhưng là giống như sự chấp nhận không tìm kiếm nó, như sự hồn nhiên của tuổi thơ. Và điều này cũng xảy ra trong việc sống đời Kitô hữu, trong việc sống ơn gọi và thực thi sứ vụ trong Giáo hội.
Trên hành trình của mọi ơn gọi, sớm muộn gì người ta cũng cảm thấy mệt mỏi, có lẽ do sự thù địch của người khác hay của ma quỷ. Khi chúng ta gặp phải sự chống đối, bất đồng, thù địch, mệt mỏi, yếu đuối, hiển nhiên và chắc chắn chúng ta trở nên buồn bã, chúng ta mất đi sự thanh thản, chúng ta mất đi niềm vui.
Chúng ta thường thấy mình nằm trong tình huống này trong cuộc đời. Những khoảng thời gian mà nỗi buồn dường như dâng lên như thủy triều; những khoảng thời gian mà các con thức dậy vào buổi sáng để suy nghĩ về những lý do khiến các con buồn bã và thất vọng hơn là hy vọng. Điều đã cứu chúng ta không phải là giải pháp cho những vấn đề, nghịch cảnh hay những hạn chế của chúng ta trong việc sống ơn gọi của mình – tất cả những điều sẽ không bao giờ ngừng gây khó khăn cho chúng ta. Điều đã cứu chúng ta luôn luôn là ân sủng tái khám phá niềm vui, hoặc nếu các con muốn, các con có thể coi là sự tái khám phá niềm vui như một ân sủng, như một sự ngạc nhiên, và tái khám phá ra nguồn sống, ơn gọi, sứ mệnh ở trong đó.
Thường thì việc khám phá lại niềm vui này là một điều mang lại sự ngỡ ngàng, do đó, đó là món quà của lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã tìm thấy ta, giống như con chiên lạc, thông truyền cho ta niềm vui của Ngài, niềm vui của tình yêu Ngài đã mở tiệc mừng khi cứu chuộc và đưa những người lạc lối trở về, hay ít là đã mất phương hướng. Tuy nhiên, với thời gian, kinh nghiệm về sự ngỡ ngàng này đã trở thành ý thức là ta cũng phải tìm kiếm niềm vui này, tái khám phá nó, đòi hỏi nó, chính xác là để không dừng lại mãi chỉ như là một cọng rơm bị vùi dập bởi nỗi buồn sầu, nỗi buồn sầu bị dồn nén, nơi chính nó, nó giống như một dòng nước xoáy trên sông, thay vì để ta tiếp tục chảy ra biển, nó lại kéo ta xuống đáy bùn sâu là nơi mình sẽ bị chết ngạt.
Trở lại như trẻ thơ
Cha đã nói trước rằng chúng ta thường coi niềm vui như là tuổi thơ hồn nhiên của mình, nghĩa là với nỗi nhớ nhung về sự chịu đựng. Nhưng dưới ánh sáng đức tin, chúng ta biết rằng sự nhìn nhận hoài cổ này là một lập trường ngoại giáo, không phải là tinh thần Tin mừng. Tại sao? Vì Đức Kitô đã loan báo cho chúng ta biết:
“Ngay lúc đó, các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: ‘Vậy thì ai là người lớn nhất trong vương quốc thiên đàng?’ Bấy giờ Chúa Giêsu gọi một em bé đến, đặt em vào giữa các ông và nói: “Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không trở lại và trở nên như trẻ nhỏ, thì sẽ không bao giờ được vào Nước Trời. Vì thế, ai trở nên bé nhỏ như em bé này, sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời. Và ai nhân danh Thầy mà tiếp đón một đứa trẻ như vậy, là đón tiếp Thầy.” (Mt 18,1-5)
Nếu Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta hoán cải để trở nên giống trẻ thơ, điều đó có nghĩa là nó có thể thực hiện được, và tuổi thơ không phải là một quá khứ để tiếc nuối, nhưng là chân trời khả dĩ cho sự hoán cải của chúng ta, cho sự trưởng thành nhân bản và Kitô giáo của chúng ta, cho sự trưởng thành của ơn gọi và sứ mạng của chúng ta. Trong sâu thẳm, Chúa Giêsu chuyển đổi tuổi thơ của chúng ta từ quá khứ đến tương lai, từ phía sau u tối của chúng ta hướng đến chân trời mà chúng ta đi tới.
Thật vậy, điều này cũng đúng với niềm vui, bởi vì, cha có thể nói rằng, một đứa trẻ gắn liền với khả năng tự nhiên là vui tươi, thể hiện niềm vui của lòng mình, trong mối tương quan với mọi người và với cuộc sống. Tuy nhiên, tất cả những điều này, Chúa Giêsu không đề nghị chúng trở về quá khứ, nhưng như một chân trời rộng mở về một cuộc hành trình hoán cải, như một điều gì đó chúng ta có thể và phải thực hiện: “nếu các con không thay đổi và trở nên như trẻ thơ”.
Các con ít nhiều gì thì cũng đang ở giai đoạn đầu của hành trình ơn gọi của mình, các con vẫn đang trong quá trình đào tạo. Nhưng chính vì lý do này, cha thiết tưởng, chúng ta cần phải đào sâu điều mà luôn có thể tạo nên một khởi đầu mới, sự trở về cội nguồn, sự tái thiết từ những nền tảng, bởi vì các con sẽ thấy, và cha nghĩ là các con đã thấy rồi, rằng Nước Chúa được xây dựng theo cách này, nó được xây dựng nơi chúng ta như thế, và cũng nơi chúng ta để có thể loan báo Nước Chúa cho người khác. Chúng ta “gây dựng” không phải vì chúng ta làm những điều vĩ đại, nhưng vì chúng ta có lòng khiêm tốn để luôn bắt đầu lại từ những nền tảng, từ sự khởi đầu, khởi đầu của cuộc sống, khởi đầu của ơn gọi, sứ mệnh, công việc.
Tóm lại, chúng ta nhìn thấy ai trên những đỉnh cao, dĩ nhiên là từ xa, thì không phải là người xây dựng cho đời sống chúng ta, nhưng là người biết cách bắt đầu lại mỗi ngày. Vì cho dù người đó ngày nào cũng leo lên từ dưới lên tới đỉnh, thì việc người ấy liên tục bắt đầu lại cũng giống như không ngừng quay lại đón ta, dắt tay ta leo núi. Thật vậy, các vị thánh sống như thế, và vì điều này mà các ngài giúp đỡ chúng ta. Điều xây dựng chúng ta nơi các thánh, và điều giúp đỡ chúng ta, không phải là nhìn thấy các ngài trong vinh quang, nhìn thấy họ trên đỉnh núi, mà là nhìn thấy các ngài hành trình mỗi ngày từ vực thẳm thung lũng đi lên đỉnh.
Thậm chí, toàn thể Giáo hội, trong mọi thời đại, chỉ lớn lên bằng cách không ngừng trở lại sự khởi đầu vĩnh cửu của nó, đó là Lễ Hiện Xuống, là biến cố mà trong đó Chúa Thánh Thần làm cho tất cả các môn đệ cùng có chung với sự khởi đầu của sự Truyền Tin mà sứ thần loan báo cho Đức Maria và lời xin vâng “Này con đây!” của Mẹ, sự khởi đầu nhập thể của Ngôi Lời, sự khởi đầu của lời kêu gọi đối với Phêrô và tất cả các tông đồ, sự khởi đầu mọi cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trong Tin Mừng, sự khởi đầu của việc loan báo Chúa Kitô, tức là Tin Mừng, sự khởi đầu của bữa Tiệc Ly, Cuộc Khổ Nạn và Cái Chết của Đấng Cứu Chuộc, và với sự khởi đầu tuyệt đối của Sự Phục Sinh. Đó là lý do tại sao chúng ta đọc Kinh Truyền tin ba lần trong ngày, nghĩa là chúng ta nhớ lại buổi đầu của Kitô giáo, khi Ngôi Lời Thiên Chúa trở nên xác phàm nhờ lời thưa “Xin vâng!” của Đức Trinh Nữ Maria.
Tất cả những điều này có một sự cộng hưởng tâm lý và tinh thần, cũng như thể chất nơi chúng ta: niềm vui, huyền nhiệm của niềm vui, ân sủng của niềm vui. Nhưng chúng ta phải hiểu ý nghĩa của nó, và để mình được dạy dỗ bởi Lời Chúa và kinh nghiệm của các thánh.
Niềm vui ghì chặt nỗi khổ đau
Cha phải nói rằng thật là may mắn cho cha khi phải chuẩn bị những bài nói chuyện này, bởi vì cha đã thực hiện việc này trong một tháng nghỉ phép mà cha được phép sau hơn 12 năm thi hành chức vụ Tổng Viện phụ, và điều này bắt đầu một nhiệm vụ 10 năm mới. Cha phải đối diện với một giai đoạn khó khăn, một trong những thời điểm mà cha đã chia sẻ với các con trước đó, đó là người ta nhận ra rằng sự quan tâm đến con người và cộng đồng dần dần nhấn chìm trái tim mình vào trong vũng bùn của nỗi buồn sầu, bóp nghẹt hơi thở của hy vọng. Suy ngẫm về niềm vui đã đưa cha trở lại trọng tâm của câu hỏi mà từ đó cha được gọi để tiếp tục cuộc hành trình của mình.
Cũng chính thời điểm này, trên thế giới cũng xảy ra nhiều điều rất nghiêm trọng, chẳng hạn như chiến tranh ở Ukraina và biết bao những vụ thiên tai lớn, v.v. Hoặc là, xung quanh chúng ta luôn có những người đau khổ vì bệnh tật và chết chóc, v.v. Tất cả những điều này, chúng ta phải nhớ là chúng ta không thể suy niệm và nói về niềm vui, nếu niềm vui này không dành một vị trí quan trọng cho nỗi khổ đau của nhân loại. Một điều kiện không thể thiếu của niềm vui đích thực là không được chỉ trích bất cứ điều gì về sự đau khổ của con người, nếu không ta sẽ muốn có nó, không quan tâm nó, không tin đó là niềm vui đích thực, và sẽ là dối trá nếu đề cập đến nó. Nhưng làm sao niềm vui của ta có thể cùng tồn tại với nỗi đau khổ của nhân loại?
Niềm vui và yêu thương
Và ở đây chúng ta đề cập đến một khía cạnh mà chúng ta sẽ phải khám phá thêm; đó là mối liên hệ không thể tách rời giữa niềm vui đích thực và yêu thương. Một niềm vui lên án nỗi khổ đau là một niềm vui ích kỷ, co cụm và khép kín. Niềm vui Kitô giáo, niềm vui của Chúa Kitô, mà Người hứa ban cho chúng ta, là niềm vui không thể tách rời yêu thương.
Và ở đây rõ ràng là nếu Chúa Giêsu hứa ban cho chúng ta niềm vui, thì Người không phải hứa ban cho chúng ta niềm vui tầm thường nào đó; nhưng Người hứa cho chúng ta niềm vui của Người là niềm vui chứa đựng tất cả bản chất của nó trong tình yêu của Thiên Chúa: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.” (Ga 15,9-11)
Niềm vui viên mãn của chúng ta là niềm vui của Chúa Kitô ở trong chúng ta. Đây là một điều thiết yếu để hiểu và sống.
Chúa Kitô nói với chúng ta về tình yêu của Người và của Chúa Cha, Người nói với chúng ta rằng trong tình yêu của Người cho chúng ta, chúng ta được ban cho Tình Yêu Ba Ngôi của Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần để chúng ta có thể cư ngụ trong đó, qua sự vâng lời. Tất cả điều này, Chúa đã nói với chúng ta để niềm vui của Người có thể ở lại trong chúng ta và là một niềm vui trọn vẹn.
Vì lý do này, bài suy niệm của cha vào ngày hôm qua về việc ở lại trong Chúa Kitô, về “điểm kiên định nội tâm”, về habitare secum của Thánh Biển Đức, để nêu ra sự cội nguồn và nền tảng của niềm vui Kitô giáo, niềm vui của Chúa Kitô nơi chúng ta, điều mà chúng ta nhất thiết phải sống sứ vụ của đời mình theo tinh thần Tin Mừng, như một Tin Mừng mà sự tốt lành và sự mỹ miều của nó được coi là niềm vui tràn ngập con tim và được thông truyền cho mọi người.
Kho báu và viên ngọc quý
Nhưng khi nào chúng ta thực sự hạnh phúc? Ví dụ, khi nào niềm vui được khơi lên nơi tâm hồn một đứa trẻ? Về cơ bản, khi người ta tìm thấy một kho báu, một thứ quý giá hơn bất cứ thứ gì khác, thứ mà lòng mình cho là quan trọng hơn bất cứ thứ gì khác.
Theo nghĩa này, tôi không bao giờ mệt mỏi khi suy niệm và mời gọi những người khác suy niệm về hai dụ ngôn thiết yếu, đó là dụ ngôn về kho tàng giấu kín và viên ngọc quý trong Tin Mừng Matthêu.
“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.
“Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy. (Mt 13,44-46)
Hai dụ ngôn rất ngắn này về Nước Trời giúp chúng ta hiểu được điều muốn diễn tả về niềm vui được ưa thích hơn.
Có một cấp độ giữa sự tương đồng của hai dụ ngôn kho báu và viên ngọc quý. Người đàn ông tìm thấy kho báu chôn giấu trong cánh đồng, thì ông đi bán tất cả những gì ông ta có và mua cánh đồng đó. Rốt cuộc, ông ta kiếm được kho báu với giá của cánh đồng, và khi kết thúc mùa gặt, ông ta thấy mình sở hữu kho báu, cũng như cả cánh đồng nữa. Bây giờ ông ta trở nên giàu có hơn trước rất nhiều, bởi vì tài sản của ông ta có giá trị ngang với thửa ruộng, và quan trọng hơn, bây giờ ông ta còn sở hữu kho báu.
Dụ ngôn này cho chúng ta thấy rằng với Chúa Giêsu, chúng ta luôn được đón nhận; cúng ta có thể nói là Chúa Giêsu không bao giờ lừa dối chúng ta, ngay cả khi chúng ta mất tất cả, và Chúa Giêsu ban cho chúng ta một kho tàng vô giá so với giá trị của những gì chúng ta có thể cho đi. Và thêm vào đó nữa là niềm vui: “rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.” Cội rễ của Tin Mừng là từ bỏ mọi sự, nhưng nếu nó không phải niềm vui thì nó thực sự không phải là “tin mừng”, thực sự không phải là điều dành cho Chúa Kitô là kho tàng của sự sống, và không diễn tả “tin vui và hạnh phúc” của Tin Mừng.
Điều cho thấy rằng, cha thiết nghĩ, dường như dụ ngôn viên ngọc quý cho chúng ta thấy một giai đoạn mới, một sự đào sâu và nội tâm hóa dưới sự lập luận về tính triệt để của Tin mừng. Người thương gia đi tìm ngọc trai quý giá, nhưng vào một ngày mà anh ta tìm thấy viên ngọc trai quý giá và tuyệt đẹp mà anh ta chưa bao giờ thấy, anh ta liền đi bán tất cả những gì anh ta có và mua viên ngọc đó. Viên ngọc đó đáng giá tất cả những gì anh ta đang sở hữu, và điều này có nghĩa là anh ta thấy mình không sở hữu gì khác ngoài viên ngọc đó. Giống như người kia, anh ta không thấy mình là chủ sở hữu của một cánh đồng trong đó có một kho báu được cất giấu, một cánh đồng vẫn có thể được sử dụng để trồng rau và trái cây, hoặc để xây một ngôi nhà bằng tiền từ kho bạc. Thế nhưng, vì muốn sở hữu viên ngọc, anh ta thấy mình nghèo như một kẻ hành khất. Chúng ta phải tưởng tượng cảnh anh ta đi khắp thành thị và thôn quê, ăn mặc rách rưới, mặt mày hớn hở vui vẻ, áp chặt bàn tay cầm viên ngọc vào lòng. Vì anh ta không còn gì, anh ta không còn tiền để mua nhà và két sắt để cất giữ viên ngọc quý đó. Anh ta phải, và muốn, mang nó bên mình luôn, bất cứ nơi nào anh ta đi. Trước đây, anh ta sở hữu nhiều thứ; bây giờ anh ta chỉ còn một viên trai nhỏ, nhưng giá trị bằng tất cả những thứ còn lại.
Những người biết anh ta và nhìn vào anh ta thì nhận ra rằng người đàn ông này đã thay đổi. Trước hết, họ thấy rằng anh ta đã thay đổi bởi anh ta đã từ bỏ mọi thứ. Trước đây anh ta có cánh đồng, ngôi nhà, một cửa hàng ngọc quý, một con lừa, hai con bò, ba con cừu, một chiếc xe, mười chiếc áo chùng, ba chiếc áo choàng, v.v. Bây giờ anh ấy không còn gì, hoàn toàn không có gì, nhưng anh ta đang hạnh phúc. Anh ta điên hay là anh ta đang sở hữu thứ gì đó mà nó đáng giá ngang với tất cả những thứ khác, và thậm chí là hơn tất cả những thứ khác. Và khi người ta thấy rằng anh ta không bị điên, và được biết rằng anh ta đang ôm trong lòng một viên ngọc vô cùng quý giá, thì mọi người đã hiểu rằng viên ngọc quý đó phải có giá trị vô cùng lớn, chính xác là nó đáng giá hơn tất cả những thứ khác và nó củng cố nơi con người này là không có một thứ của cải nào khác khiến anh ta có thể làm ra.
Viên ngọc quý là tình yêu của Chúa Kitô
Viên ngọc trai này là tình yêu của Chúa Kitô; chúng ta hiểu điều này khi Chúa Giêsu nhìn người thanh niên giàu có với sự trìu mến và đề nghị anh ta sống dụ ngôn viên ngọc quý sát mặt chữ: «Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.”» (Mc 10,21).
Đây là sự ưa thích của Chúa Kitô, và là cội rễ của Tin Mừng: tình yêu của Chúa Kitô dành cho chúng ta và tình yêu của chúng ta dành cho Ngài là một viên ngọc quý có giá trị hơn tất cả mọi sự, một viên ngọc quý làm cho tách biệt mọi thứ, không sầu muộn, bởi vì viên ngọc quý này đáng giá hơn tất cả mọi sự. Từ bỏ mọi sự, nhưng lại đón nhận lại mọi sự. Từ bỏ một điều gì với giá trị tầm thường như trăm ngàn thứ khác, nhưng lại nhận lại lớn lao hơn rất nhiều, nằm một thứ mà không ai có thể cướp khỏi tay chúng ta.
Và nếu một người thực sự giữ chặt nơi trái tim mình viên ngọc quý này là thứ đáng giá hơn tất cả những thứ, và điều này thì người ta có thể nhìn thấy, và người ta phải nhìn thấy, trong cách trong sự tương tác với mọi thứ và trong mối tương quan với mọi người. Không có gì bị coi thường, nhưng mỗi người hoặc mỗi vật đều được chứng nhận rằng giá trị của nó được bao bọc trong viên ngọc tình yêu của Chúa Kitô. Người nào tách mình ra khỏi mọi sự và mọi người để đón nhận tình yêu của Chúa Kitô thì sẽ loan báo cho mọi người và mọi vật rằng giá trị đích thực của họ chính là tình yêu bao la này.
Đặc biệt là khi bắt đầu bước vào chương trình huấn luyện cho đời sống đan tu, điều quan trọng là chúng ta hãy tự hỏi xem chúng ta có thực sự muốn đi vào khái niệm của viên ngọc quý Nước Trời không, hay chúng ta có thực sự giữ chặt viên ngọc tình yêu của Chúa Kitô trong lòng mình không; tức là chúng ta ưa thích Chúa Kitô hơn mọi sự không, và sự ưa thích này có đặt định mọi lựa chọn, phán đoán, lời nói và việc làm mỗi ngày hay không. Các con biết, hai lần trong Tu Luật, Thánh Biển Đức đã đề cập đến sự ưu tiên dành cho Chúa Kitô phải là căn tính của người đan sĩ: “Không lấy gì làm hơn tình yêu của Chúa Kitô” (TL 4,21) và “Tuyệt đối không lấy gì làm hơn Chúa Kitô” (TL 72,11). Và trong chương nói về sự vâng lời, Thánh Biển Đức dạy rằng sự vâng lời không chậm trễ “là nhân đức của những người không quý chuộng gì hơn Chúa Kitô.” (TL 5,2). Mỗi lần đó thì như thể là Thánh Biển Đức đang nói về kho báu và về viên ngọc quý.
Lúc nào chúng ta cũng phải xét mình xem chúng ta có ưa thích Chúa Giêsu hơn tất cả mọi sự không, và liệu điều này có đặt định tất cả mọi sự mà chúng ta sống hay không. Không thành vấn đề nếu chúng ta chắc chắn phải trả lời rằng điều này vẫn chưa hoàn toàn thực sự đạt được, và chúng ta vẫn còn cách rất xa sự ưa thích tuyệt đối này. Ngay cả khi kết thúc cuộc đời, sự ưa thích Chúa Kitô nơi chúng ta chắc chắn sẽ vẫn chưa hoàn hảo. Điều quan trọng là chúng ta cần nhận ra rằng đây là một kho báu mà chúng ta muốn có; trên tất cả, đây là niềm vui thực sự của chúng ta. Khi đó chúng ta sẽ không khó để cầu xin Chúa ban cho như là một ân sủng, chúng ta sẽ không quên xin điều đó, chỉ xin điều này thôi, bởi vì mọi thứ khác đều chứa đựng trong đó và lan tỏa từ đó.
Ngoài ra, khi chúng ta bắt đầu cuộc hành trình ơn gọi, khi bước chân vào đan viện, ban đầu chúng ta như có được mảnh đất chứa đựng kho báu, và trong cánh đồng này mọi người vẫn làm nhiều việc như trước đây. Tuy nhiên, theo thời gian, ý niệm về kho báu sẽ trở nên riêng tư hơn, thâm sâu hơn. Chúng ta không thể hài lòng khi biết rằng kho báu được giấu trong ruộng; đang khi vun trồng mảnh ruộng, với sự liều lĩnh, chúng ta quên rằng ẩn giấu kho báu, là mảnh ruộng mà chúng ta đã mua nó, từ bỏ mọi sự để mua nó. Chúng ta luôn có nguy cơ bận tâm nhiều hơn về rau salad, hoặc ít là những củ khoai tây hoặc cà rốt được tìm thấy dưới bề mặt vài cm chứ không phải là bận tâm về kho báu mà đang ẩn giấu dưới cánh đồng và để tìm thấy nó thì chúng ta phải đào sâu hơn một chút, chúng ta phải hy sinh món salad hoặc khoai tây mà mảnh ruộng đó sản xuất ra. Chúng ta được kêu gọi đào sâu xuống. Một đan sĩ trong đan viện của tôi đã nói với tập sinh chúng tôi rằng những ai muốn tìm thấy mỏ dầu thì không phải đào một trăm cái hố sâu một mét, mà chỉ đào một cái hố sâu một trăm mét. Tóm lại, chúng ta được mời gọi gắn bó mật thiết hơn với tình yêu của Chúa Kitô, luôn giữ chặt nó trong lòng, như viên ngọc quý duy nhất mà chúng ta sở hữu, và như thế cuộc sống của chúng ta với sự từ bỏ sẽ trở nên lời loan báo cho thế giới rằng viên ngọc này có một giá trị rất lớn đối với tất cả mọi người.
Cá nhân cha rất buồn khi thấy việc “quảng bá ơn gọi” đối với đời sống đan tu, hoặc những hình thức khác của đời sống thánh hiến, hay đối với chức linh mục thừa tác, thì lại chỉ khoe khoang về mảnh ruộng chứ không phải là về kho báu đang ẩn giấu ở đó; hoặc là khoe khoang về trang sức được gắn vào đó chứ không phải là chính viên ngọc quý giá đó. Dường như việc đi theo Chúa Kitô được khoe khoang nhiều hơn về những con đường và những lối mòn đã đi qua hơn là chính Chúa Kitô mà người ta bước theo. Và điều này cũng ảnh hưởng đến việc huấn luyện: việc huấn luyện lại chú trọng đến những gì ơn gọi đòi hỏi hơn là vào chính Đấng là tác giả của ơn gọi và là Đấng kêu gọi chúng ta. Dĩ nhiên cũng cần phải quan tâm đến mọi đòi hỏi của ơn gọi, và đôi khi thực hành nó là điều rất quan trọng. Nhưng hãy cẩn thận đừng làm như điều mà Tin Mừng đã nói “vứt ngọc trai cho heo” (xem Mt 7,6), tức là bận tâm đến những hệ quả mà làm như viên ngọc chẳng có giá trị gì, như thể là những hệ quả đó còn có giá trị hơn cả ngọc quý. Những hệ quả, mảnh ruộng chỉ có giá trị vì có kho báu, vì có viên ngọc, và nếu sự lưu tâm và sự kiếm tìm của chúng ta luôn luôn nhằm tới việc tìm kiếm kho báu, viên ngọc, còn không thì mọi thứ trở nên như rơm rạ và bùn đất, ngay cả khi nó là vàng.
Vì lý do này, quan trọng là, dưới ánh sáng của hai dụ ngôn kho báu và viên ngọc quý, chúng ta hãy tự hỏi đâu là sự ưa thích thực sự đã quyết định cuộc đời chúng ta, và liệu sự ưa thích này, kho báu hay viên ngọc quý này, có thay đổi điều gì đó trong cuộc đời chúng ta, trong tất cả các yếu tố của cuộc đời chúng ta hay không. Bởi vì nếu chúng ta không nhận thức được điều này, chúng ta sẽ không thể nhận biết được niềm vui đích thực, thì như thế thì không thể nào loan truyền niềm vui đích thực đó cho tha nhân và cho toàn thế giới được.
§ 3. Ý nghĩa của niềm vui
Niềm vui luôn là điều bất ngờ
Hai dụ ngôn về kho báu và viên ngọc quý mà chúng ta đã suy gẫm giúp chúng ta hiểu một điều cơ bản để hiểu thế nào là niềm vui. Niềm vui đích thực luôn là sự ngạc nhiên khi khám phá ra một kho báu, một viên ngọc trai. Niềm vui được liên kết với món quà của một kho báu. Điều này có nghĩa là niềm vui vẫn tồn tại, hoặc được tìm thấy, đào sâu, canh tân, ở mức độ mà việc khám phá ra kho báu, tìm ra viên ngọc trai vẫn tồn tại, tìm thấy, đào sâu và canh tân.
“Khám phá” điều gì đó khác với việc làm ra hoặc tạo ra nó. “Khám phá” có nghĩa là gặp gỡ một thực tại vĩ đại và tuyệt mỹ mà ta cảm thấy được trao tặng nhưng không, và ngay cả khi ta đã phải thực hiện một cuộc hành trình dài để khám phá nó, ta đã phải gặp không ít khó khăn trong một cuộc tìm kiếm lâu dài. Khi các con tìm thấy kho báu, ngay cả khi các con đã khó khăn để đào nó, các con sẽ nhận ra là một món quà nhưng không, vượt qua bất cứ thứ gì các con có thể đánh đổi trong cuộc tìm kiếm.
Ví dụ, chúng ta hãy nghĩ đến các nhà chiêm tinh. Họ đã thực hiện một cuộc hành trình dài để đến Belem! Họ biết là sẽ tìm được một hài nhi, nhưng khi đến nơi họ cảm thấy hết sức ngạc nhiên về một món quà mà họ không lường trước, một món quà không tương xứng so với hành trình dài của họ, không tương xứng với những gì họ đã dự đoán, chuẩn bị, trù tính.
“Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại.Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng.Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến.” (Mt 2,9-11)
Những món quà của các nhà chiêm tinh không tương xứng vì chúng được chuẩn bị để dâng tiến cho hoàng tử của đức vua. Họ đã đến đó giống như nữ hoàng Saba đến với Salomon. Họ đã ở ngôi nhà đó, trong ngôi nhà tồi tàn, có lẽ nửa xây bằng đá gạch hoặc là gỗ, chung quang đó có vài con cừu hoặc dê, hay là gà, ở một nơi với sự bốc mùi phân chuồng, cộng với mùi khói lò sưởi, và của pho mát làm tại nhà… chúng ta hãy tưởng tượng họ phải cảm thấy bị bối rối thế nào khi cầm vàng, hương liệu quý, trầm hương và một dược… trong tay. Họ phải cảm thấy không tương xứng, thậm chí có thể nói là đảo ngược. Không phải sự nhỏ bé và nghèo khó của Chúa Giêsu và của Thánh Gia không tương xứng với giá trị của những món quà của họ, hay là giá trị của con người của họ. Đó là những món quà, nhân vị, ý tưởng của họ về đứa trẻ không tương ứng với giá trị của những gì họ khám phá ra.
Cho đến bây giờ, họ luôn thích thú khám phá những thực tại bên ngoài quý giá hơn chính họ, giống như những gôi sao mà họ khám phá ra trên bầu trời. Nhưng giờ đây, họ gặp phải một thực tại mà bên ngoài thì chả có giá trị gì đối với họ, với những gì họ là, họ biết và họ sở hữu.
Tuy nhiên, ngay ở chính đỉnh cao nhất về giá trị hiển nhiên mà họ đã theo đuổi, thì ngôi sao sáng đã dừng lại, đứng chựng lại, rồi hạ xuống, sau đó biến mất vào một nơi chẳng có giá trị gì đó là “nơi Hài Nhi được tìm thấy” (Mt 2,9 ).
Các nhà chiêm tinh có thể khó chịu, cười nhạo trò lừa bịp mà họ đã tin tưởng một cách ngây thơ, rồi bắt đầu lại từ đầu với tất cả những gì họ có… Có một chút giống như Naaman người Syria đã tức giận vì Elia sai ông xuống tắm ở sông Giođan để chữa lành bệnh phong cùi (x. 2 V 5,11 tt).
Thay vào đó, điều gì xảy ra với các nhà chiêm tinh ? Tại sao họ không rời đi? Tại sao họ bước vào, phủ phục và tôn thờ, một cách quá vô lí? “Một niềm vui rất lớn lao” xảy ra với các nhà chiêm tinh. Một niềm vui mà họ cảm thấy khi nhìn thấy ngôi sao dừng lại. Nhưng họ đã nhìn thấy ngôi sao này được hai năm, vì vậy ngôi sao không phải là lý do khiến họ vui mừng.
Cụ thể là nó đã dừng lại và chỉ về một nơi chốn, mục tiêu, mục đích của tất cả sự tìm tòi nơi lòng họ. Sự dừng lại của ngôi sao vén mở ra sự hiện diện của Hài Nhi. Họ chưa nhìn thấy Người, chưa vào nhà, vẫn chưa thấy gì cả, nhưng trái tim họ đã hiểu tất cả, điều đó có nghĩa đã bước vào với Hài Nhi rồi, và đã cảm nhận được niềm vui khi gặp Người.
Khi bước vào, như cha đã nói, họ có thể phải trải qua một sự thất vọng khủng khiếp, một trong những sự thất vọng có thể giết chết niềm vui ngay lập tức. Nhưng không! “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người.”.
Họ bước vào, rồi thấy… và cho tới lúc này thì chưa có gì đặc biệt cả, cho tới lúc đó thì mọi thứ vẫn có thể xảy ra với họ: ở lại hay rời đi, nhận biết hay từ chối, yêu mến hay khinh thường. Điều bất thình lình xảy ra nơi họ là sự lựa chọn kỳ lạ nhất, điên rồ nhất, rõ ràng là không phù hợp nhất đối với nơi họ bước vào, càng không phù hợp hơn với những gì họ nhìn thấy: họ phủ phục và tôn thờ.
Quen nghĩ về các nhà Chiêm tinh như những bức tượng nhỏ trong hang đá, chúng ta nghĩ về cảnh tượng này như thể đó là điều hiển nhiên, như thể ở sự giữa bước vào và nhìn thấy, phủ phục và tôn thờ không có một bước nhảy vọt nào trong sự tự do, trong lương tâm, trong lòng của những con người này.
Từ gặp gỡ đến tôn thờ
Nhưng chúng ta hãy làm một bước nhảy khác trong giây lát, một bước nhảy của Tin Mừng và một bước nhảy trong cuộc đời của Chúa Kitô, một bước nhảy khoảng 30 năm, nhưng cũng là một bước nhảy đưa những gì các nhà Chiêm tinh đã sống và chọn lựa đến gần chúng ta hơn, gần hơn với những gì có thể xảy ra trong sự tồn tại của chúng ta.
«Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? “Đức Giêsu đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.”Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.”Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi. “Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.» (Mc 10,17-22)
Đâu là sự khác biệt giữa bi kịch mà các nhà Chiêm tinh đã trải qua và bi kịch mà người thanh niên giàu có đã trải qua? Ở mức độ của sự tự do, ở mức độ của con tim, của cuộc gặp gỡ với sự hiện diện của Chúa Kitô, với sự nghèo khó của Chúa Kitô, với cú sốc về sự hiện diện của Thiên Chúa khiêm nhường theo cách đơn giản nhất của con người, ở mức độ của tất cả mọi người, ở mức độ mà tất cả điều này thì không có sự khác biệt giữa các nhà Chiêm tinh và người thanh niên. Cũng như không có sự khác biệt giữa nhà Chiêm tinh và những người chăn chiên ở Bêlem, giữa nhà Chiêm tinh và cụ già Simeon, giữa nhà Chiêm tinh và Gioan Tẩy Giả, giữa nhà Chiêm tinh và các tông đồ, giữa nhà Chiêm tinh và Zakeu, người phụ nữ Samaria, hay Nicôđêmô, v.v.
Dĩ nhiên, trong đoạn về các nhà Chiêm tinh, tất cả tập trung trong nửa câu: “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người.” (Mt 2,11a). Nhưng điều này giúp chúng ta hiểu rõ hơn, tóm gọn vào bản chất, những gì đã xảy ra, về mặt tích cực cũng như tiêu cực, đối với chàng thanh niên giàu có, hoặc đối với Nicôđêmô, người phụ nữ Samaria, v.v.
Đối với mỗi người trong số họ, cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu là một tác động với việc trao tặng những gì có thể mang đến sự hoàn thành cho cuộc tìm kiếm có ý thức hay vô thức của toàn bộ cuộc sống; và đối với mọi người, đó là vấn đề lựa chọn, quyết định. Đó là cái gì? Thưa, đó là vấn đề quyết định đi từ gặp gỡ sang tôn thờ.
Đó là vấn đề quyết định đi từ kinh nghiệm về một sự hiện diện, bằng cách này hay cách khác, làm chúng ta ngạc nhiên, quấn hút chúng ta, nhưng cũng làm cho chúng ta cảm thấy tự mâu thuẫn về hình thức mà chúng ta không lường trước được – chẳng hạn như hình ảnh của một Hài Nhi nghèo hèn, hay là một người đàn ông trưởng thành nhưng lại người sống nghèo khó, không của cải và không quyền lực, giống như là một người đầy tớ, bị nhiều người khinh thường đến mức muốn loại trừ –, đó là vấn đề quyết định đi từ kinh nghiệm về sự hiện diện này đi đến việc nhận biết rằng chính sự hiện diện này là điều quý giá nhất cho tôi và cho mọi người; sự hiện diện đáng kính nhất mà chúng ta có thể gặp được. Và sự nhìn nhận tôn thờ này được diễn tả theo một cách là phó thác cả cuộc đời mình cho Đấng Hiện Diện này, để rồi phủ phục để dâng hiến và phó thác hoàn toàn cho Ngài.
Sự phủ phục tôn thờ của các Nhà Chiêm tinh có nghĩa là các ngài thực sự nhận ra giá trị tuyệt đối của Hài Nhi, đến mức mà các ngài đã để cho trọn vẹn con người của các ngài được đồng hóa bởi giá trị tuyệt đối này, hoàn toàn bị kho báu này chiếm lấy, trong phạm vi dường như tầm thường và hạn chế của kho tàng này mà trong thực tế là Đấng nắm giữ vũ trụ trong tay và tất cả vạn vật trong đó.
Câu chuyện về người thanh niên giàu có giúp chúng ta hiểu tất cả những điều này về mặt tiêu cực. Giống như các nhà Chiêm tinh, người thanh niên giàu có bước vào nơi Chúa Giêsu đang ở, và dường như đã quyết định điều mà các nhà Chiêm tinh đã bày tỏ, bởi vì anh ta bắt đầu bằng sự phủ phục: “… có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người ..”. Nhưng nó vẫn chỉ là một sự phủ phục bề ngoài, tức là thừa nhận Chúa Giêsu là Rabbi và là người có thể đưa ra câu trả lời có thế giá cho câu hỏi của mình về ý nghĩa của sự sống, nhưng không nhận ra rằng chính Chúa Giêsu là Câu trả lời cho câu hỏi này. Nó diễn ra giống như đối với các Nhà Chiêm tinh, sau cuộc hành trình dài, đã khao khát nhận được lời tiên tri của Chúa Giêsu về các vì sao thay vì thừa nhận rằng chính Chúa Giêsu là tất cả những gì họ đang tìm kiếm. Do đó, khi nhận ra sự tìm kiếm chân thành nơi trái tim của người thanh niên này, Chúa Giêsu trao hiến chính mình cho anh ta, bởi vì – Ý nghĩa trọn vẹn và toàn bộ cuộc sống mà nó đáng để từ bỏ mọi thứ –, nhưng người thanh niên không còn sấp mình thờ lạy như các nhà Chiêm tinh nữa, bởi vì sự tôn thờ này này có nghĩa là trao hiến cho Chúa Giêsu tất cả cuộc sống của mình, tất cả những gì anh ta là và tất cả những gì anh ta có. Và sau đó, anh ta đã rời đi. Ở trước Chúa Kitô, hoặc là chúng ta thờ phượng với tất cả những gì chúng ta là, kể cả tội lỗi, sự bất lực để hoàn toàn từ bỏ chính mình, để có đức tin, và để từ bỏ của cải của để theo Ngài, v.v., hoặc chúng ta sẽ rời đi: Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (Mc 10,22)
Niềm vui và nỗi buồn
Nhưng giữa chàng thanh niên giàu có với các nhà Chiêm tinh, hoặc với Zakeu, người phụ nữ Samaria, hay là với các thánh, như Thánh Phanxicô Assisi, thì đâu là sự khác biệt lớn để đưa ra một ví dụ quan trọng và kiểu mẫu? Có phải chẳng là khả năng? Hay có lẽ là lòng tốt? Hay cũng có thể là lòng khiêm tốn, hay một nhân đức nào khác? Nếu đúng như vậy thì có lẽ là không ai có thể bước theo Chúa Giêsu được, ngoại trừ Đức Maria Rất Thánh. Vậy đâu là sự khác biệt lớn giữa nhà Chiêm tinh và người thanh niên giàu có ? Đối với cha, dường như sự khác biệt cơ bản là giữa niềm vui và nỗi buồn.
Gặp gỡ Chúa Giêsu, các nhà Chiêm tinh tìm thấy niềm vui, còn người thanh niên giàu có thì lại thấy nỗi buồn. Hay đúng hơn: người thanh niên giàu có khi gặp Chúa Giêsu đã không đón nhận niềm vui mà các nhà Chiêm tinh tìm thấy ở nơi Chúa, và khi không nhận thấy niềm vui, người thanh niên chỉ còn lại một mình với nỗi buồn.
Theo nghĩa nào? Theo nghĩa mà chúng ta đã nói ở trên: đó là niềm vui gắn liền với việc tìm ra một kho báu. Đó chính là Chúa Giêsu là Người đã nói về kho tàng với người thanh niên giàu có, chứ không nói về kho tàng bất kì nào đó: “Anh sẽ có kho tàng ở trên trời” (Mc 10,21). Các nhà Chiêm tinh giữ niềm vui lớn lao được ngôi sao loan báo qua sự hết lòng tôn thờ Chúa Giêsu. Những nhà khôn ngoan phương Đông này, giàu có và quyền lực khá lớn để có thể đến trình diện trước mặt vua Herode, bây giờ đang phủ phục thờ lạy Hài Nhi nghèo hèn trong vòng tay yêu thương của Mẹ của Người, với cử chỉ đó các ngài hoàn toàn dâng hiến chính bản thân cho Người, các ngài nhìn nhận Người như kho báu của cuộc đời của các ngài. Thế nhưng, người thanh niên đã không nhìn nhận Chúa Giêsu như một kho báu, để rồi từ đó mà anh ta đánh đổi tất cả để có nó, bởi anh ta đã coi thường Chúa Giêsu, theo nghĩa là: anh ta đã đưa ra một cái giá rẻ mạt cho Chúa Giêsu, nên anh ta đã đánh mất niềm vui anh có thể tìm thấy nơi Ngài, một niềm vui vô cùng lớn lao, cao ngất đến tận trời, như là một kho báu.
Hiểu rằng niềm vui gắn liền với kho báu, và kho báu duy nhất có thể đưa đến niềm vui là Chúa Kitô, là điều quan trọng nhất cần nhận ra trong cuộc sống và ơn gọi. Nhưng đó là sự hiểu biết qua trải nghiệm, qua sự ngạc nhiên, như cha đã nói trước đây. Một sự hiểu biết mà trong đó niềm vui tự nó là lý chứng cho chính nó. Niềm vui thực sự trong chúng ta là một cảm giác thực chứ không phải là một ý thức. Giống như chúng ta nhìn thấy ánh sáng bằng thị giác, giống như chúng ta nghe âm thanh bằng thính giác, giống như chúng ta chạm vào đồ vật bằng xúc giác, giống như chúng ta cảm nhận được mùi hương và mùi hôi bằng khứu giác, và thưởng thức hương vị bằng vị giác, như thế niềm vui là một cảm giác mà qua đó chúng ta cảm nhận được một thực tại huyền nhiệm hay thực tế. Đó là điều gì? Thực tại của kho báu, của viên ngọc trai, là điều có giá trị hơn tất cả, là điều mang lại giá trị cho mọi thứ, là điều không bao giờ mất giá trị, không bao giờ mất đi sự vững chắc, là điều trường tồn (đó là: “bạn sẽ có một kho báu trên Trời”):
“Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.” (Mt 6,19-21)
Ở đây, niềm vui đích thực của chúng ta ở nơi mà trái tim của chúng ta ở lại với kho báu đích thực của mình, với kho báu bất diệt và vĩnh cửu của chúng ta, mà không ai và không gì có thể lấy đi khỏi chúng ta. Niềm vui ở nơi chúng ta là cảm giác về kho tàng bất diệt, một kho báu không thể chuyển nhượng, một kho tàng vĩnh cửu và trường tồn.
Khi giác quan này không tìm thấy hoặc không đón nhận món quà của kho báu, nó sẽ bị tan ra trong nỗi buồn. Nó giống như bị mù hoặc điếc, hay đúng hơn là giống như thị giác luôn sống trong bóng tối, hoặc giống thính giác bị bịt tai hoàn toàn. Sau đó, một người nào đó tin rằng sẽ nhìn thấy những hình ảnh hoặc hình dạng mà anh ta có trong bộ não, hoặc tin rằng bản thân anh ta nghe thấy âm thanh, giọng nói hoặc tiếng chuông trong tai. Nhưng đó không phải là lý do mà anh ta đã có thị giác và thính giác. Các giác quan được trao cho chúng ta để nhận thức những thực tại khác với chúng ta, nhưng cũng tương ứng với chúng ta, như nhìn thấy một phong cảnh đẹp, bầu trời đầy sao hoặc một khuôn mặt thân thiện, hoặc giống như nghe tiếng chim hót, hay bản nhạc tuyệt vời, giọng nói của một người thân yêu hoặc những lời nói cho chúng ta biết sự thật. Hoặc giống như, đối với khứu giác, ngửi thấy mùi thơm của một bông hoa, hay mùi thơm của thức ăn ngon…
Ý nghĩa của niềm vui được trao cho chúng ta để khám phá ra kho báu của mình, nhận ra nó, biến nó thành của mình, sở hữu nó, theo nghĩa sâu sắc của thuật ngữ thì nó không có nghĩa là “tư nhân hóa”, nhưng theo ý nghĩa là đưa đến cho nó sự ưu tiên mà chỉ một mình nó xứng đáng, và để lựa chọn để được trao tặng cho chúng ta một trái tim có khả năng hân hoan. Và đây, niềm vui là ý nghĩa đặc thù nơi trái tim chúng ta. Giống như đôi mắt được ban cho chúng ta để nhìn, trái tim được ban cho chúng ta để vui mừng. Và giống như đôi mắt được tạo ra để tìm kiếm ánh sáng, trái tim được tạo ra để tìm kiếm kho báu, viên ngọc quý.
Nhưng sự giống nhau này cần được làm rõ. Chúng ta được ban cho thị giác để nhìn thấy ánh sáng, nhưng ánh sáng cũng có thể tiết lộ điều gì đó tồi tệ cho chúng ta. Sự xấu xa là một thực tại mà đôi mắt lảng tránh, không muốn dừng lại, bởi vì nó không hoàn toàn tương ứng với món quà của thị giác. Thông thường, nếu không có cái nhìn méo mó như nhiều người ngày nay, thị giác của chúng ta khi nhìn thấy cái gì xấu xa, nó sẽ tiếp tục tìm kiếm trong thực tại đó cho đến khi tìm thấy nét đẹp ẩn chứa rồi nó mới ngơi nghỉ, dừng lại, chiêm ngưỡng, và cảm thấy trọn vẹn. Người ta không bao giờ muốn rời mắt khỏi vẻ đẹp thực sự. Con tim cũng vậy, niềm vui của con tim: như Thánh Augustino nói, con tim sẽ không có bình an cho đến khi nó tìm thấy kho tàng lớn lao nhất của nó. Sau khi đã tìm thấy, con tim sẽ dừng lại, nghỉ ngơi, chiêm ngắm, tận hưởng. Niềm vui là cảm giác cho phép năm giác quan đạt đến đối tượng cuối cùng của chúng. Niềm vui là cảm giác của các giác quan.
Và đây, Chúa Kitô là kho báu tương ứng ở mức độ cao nhất với cảm giác vui mừng trong lòng chúng ta.
Nhưng nếu điều này là đúng, thì nghịch lý thay, niềm vui lại là một vấn đề nghiêm trọng. Niềm vui là điều nghiêm trọng nhất trong cuộc sống. Và trong những ngày này, cha muốn cùng với các con đón nhận niềm vui một cách nghiêm túc, để giúp chúng ta đón nhận Chúa Kitô một cách thật sự, niềm vui đích thực của chúng ta, Niềm vui của niềm vui của chúng ta, để mà từ đó mà ơn gọi của chúng ta là từ bỏ mọi sự để theo Người.
Sự giàu có chiếm chỗ Chúa Kitô
«Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.» (Mc 10,21- 22)
Tài sản lớn mà người thanh niên sùng đạo và lương thiện này đang sở hữu, thì tự bản thân nó không phải là điều xấu. Vấn đề là tại thời điểm đó, người thanh niên này đã chọn tất cả tài sản của mình như một sự thay thế cho kho báu lớn nhất mà anh ấy có thể sở hữu, tức là anh ta đã chọn chúng để thay thế cho Đức Kitô.
Trong Tin Mừng và trong suốt lịch sử Giáo Hội, có nhiều vị thánh giàu có đã gắn bó với Chúa Kitô mà không cần phải tách mình ra khỏi của cải vật chất. Nhưng nơi nội tâm, sự giàu có của các ngài không phải là sự lựa chọn thay thế cho kho báu mà Chúa Giêsu dành cho các ngài. Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ đến Giuse người Arimathe. Nhưng đối với người thanh niên này, kho báu của Đức Kitô đã được dâng tặng hoàn toàn cho anh, hay đúng hơn là “đã được ban cho”, nhưng anh ta đã không còn bất cứ chỗ trống nào cho một kho báu nào khác, ngay cả là những kho báu về vật chất.
“Chúa Giêsu chăm chú nhìn anh, yêu mến anh và nói với anh: (…) Anh hãy theo tôi!”
Tất cả quà tặng về kho báu đều chứa đựng trong những lời này, trong biến cố này, trong kinh nghiệm này, trong việc hiến dâng của Chúa Giêsu cho đời sống của người thanh niên này. Rõ ràng rằng, kho báu đã được trao cho anh ta, mà anh ta không cần phải đào xới nơi cánh đồng, và không cũng cần mua cánh đồng ẩn chứa kho báu. Kho báu là một viên ngọc quý mà Chúa Giêsu đặt trực tiếp vào tay, chính xác hơn là đặt trực tiếp trong trái tim. Anh ta chỉ cần cầm lấy, chỉ cần đón nhận. Vì lý do này, anh ta có thể từ bỏ cánh đồng giàu có, hoặc đời sống tôn giáo hà khắc, hoặc là đời sống trung thực khắt khe, bởi vì bây giờ chúng không còn cần thiết để có được kho báu, chúng không còn là cánh đồng ẩn giấu kho báu nữa. Kho báu đã được tìm thấy, kho báu đã lộ ra ánh sáng. Món quà tặng đã hoàn thành.
Tại sao anh ta lại không đón nhận? Bởi vì anh không biết trân trọng. Anh ta so sánh nó với tài sản của mình và lòng anh ta đã sai lầm. Người thanh niên giàu có coi thường kho báu, anh ta coi thường Chúa Kitô. Và điều này có nghĩa là anh ta không thích nó, anh ta thích thứ khác hơn. Và đây chính là một vấn đề, đó là niềm vui. Bởi vì người ta thích cái mà người ta đặt để niềm vui của mình vào đó. Người thanh niên quyết định đặt niềm vui vào chính sự giàu sang của mình. Liệu anh ta có thể tìm thấy niềm vui trong cái mà nó không phải là Chúa Kitô, đối lập với Chúa Kitô là Đấng mà chúng ta đã gặp gỡ khi Người tự mạc khải như là kho báu tuyệt đối nơi trái tim chúng ta, nơi cuộc đời chúng ta? Đây là điều đáng buồn nhất trong câu chuyện về người thanh niên giàu có, và trong tất cả những câu chuyện tương tự, kể cả những điều mà đôi khi chúng ta cảm thấy nơi chính mình hoặc nhìn thấy nơi người khác: đó là khi đặt niềm vui vào sự giàu có của mình, người thanh niên này đã đánh mất nó hoàn toàn, anh ta cũng đánh mất niềm vui trong sự giàu có của mình.
Ta luôn tự an ủi mình khi nghĩ rằng chàng thanh niên giàu có đó chính là thánh sử Marco, là người đã kể lại những gì đã xảy ra cho mình trong lần gặp gỡ đầu tiên với Chúa Giêsu, bởi vì ngài là người duy nhất nhận ra ánh mắt yêu thương của Chúa Giêsu dành cho mình, và trong cuộc đời của một người môn đệ ngài sẽ còn có những lúc thăng trầm về lòng trung thành trong bước đường theo Chúa Kitô. Và có lẽ vì lý do này mà sau đó ngài đã muốn theo Chúa Giêsu đến Gethsemane, nơi mà ngài không chỉ để lại tất cả tài sản của mình, mà ngay cả quần áo của mình nữa… (xem Mc 14,51-52).
Nhưng đó là một niềm an ủi nhỏ bé, bởi vì biết bao lần chúng ta thấy các anh chị em, các linh mục hay những người được thánh hiến qua lời khấn dòng, những người được hiểu là những người không ưa thích gì hơn ngoài Chúa Kitô, nhưng lại sống trong buồn phiền; chúng ta thấy rằng, mặc dù rằng họ chọn bước theo Chúa Giêsu nhưng lại không ưa thích Người hơn tất cả ngàn thứ khác, vì thế họ buồn phiền cho dù khi họ đang bước theo Chúa Kitô. Nhưng ít ra chàng thanh niên giàu có này cũng đã đưa ra một chọn lựa rõ ràng, do đó nỗi buồn của anh ta cũng trở nên rõ ràng, hiển nhiên trong sự cảm nhận và hợp lý khiến anh đứng dậy, và có lẽ chính sự rõ ràng này đã đưa anh ta trở lại với Chúa Giêsu. Nhưng những ai bước theo Chúa Kitô với sự buồn sầu, sau khi tuyên bố từ bỏ tất cả vì Người thì có lẽ còn đáng thương hơn những người từ chối ơn Chúa kêu gọi. Bởi vì nó giống như chọn lựa bước theo Chúa Kitô nhưng không lại không bước theo Người; và cũng giống như ở với Người mà lại không ở lại với Ngài. Đó chính là trường hợp của Giuđa.
Nói như vậy, cha nói điều này trên hết là vì bản thân cha, và mỗi người phải tự nhận ra điều đó. Thời gian càng trôi qua, chúng ta càng phải khám phá ra rằng chúng ta có nguy cơ có một điều gì khác được ưa thích hơn Đức Kitô, đó là một mối đe dọa thường xảy ra, một con quỷ luôn rình rập trước ngưỡng cửa tâm hồn chúng ta. Và thế là chúng ta có nguy cơ chọn nỗi buồn của chàng thanh niên giàu có, và an phận ở trong đó. Chúng ta đánh mất đi sự hứng khởi đối với niềm vui đích thực của chúng ta!
§ 4. “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9)
Phần tốt nhất
“Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (Kh 3,20)
Việc dừng lại để ở lại trong sự hiện diện của Chúa Kitô là kho tàng không gì có thể phá hủy, không ai có thể cướp khỏi tay chúng ta, cũng không bao giờ rỉ sét, và không tan rã bao giờ. Và vì thế, đó là niềm vui vô tận, niềm vui trọn vẹn, “niềm vui lớn nhất” của các Chiêm tinh, và của tất cả những ai đã gặp gỡ Chúa Giêsu.
Hiểu được điều này, cảm nghiệm được điều này, là nền tảng cho mọi đời sống Kitô hữu được kêu gọi nên trọn lành trong sự thánh thiện, và do đó nó cũng là nền tảng cho ơn gọi đan tu của chúng ta. Thánh Marco đã diễn tả điều đó thật tuyệt vời và hết sức đơn giản khi viết rằng Chúa Giêsu “lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn, và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ. (Mc 3,13-15)
Sự ở lại với Chúa Giêsu không chỉ là một giai đoạn đầu tiên trong việc theo Chúa Kitô và trong thực thi sứ vụ: nhưng đó là bản chất, linh hồn và cùng đích. Cùng đích cho các tông đồ và cũng là cùng đích cho tất cả những ai mang nơi mình sứ vụ tông đồ. Vậy tại sao họ được sai đi rao giảng, tại sao họ có thể trừ quỷ, nếu không phải để mọi người được đón nhận Tin Mừng, để có thể đón nhận kho báu trong sự hiệp thông và tình bạn với Chúa?
Làm sao để sinh nhiều hoa trái?
Vào năm 1984, khi cha có một tháng tìm hiểu tại đan viện Hauterive, nơi mà sau này cha đã gia nhập, có một điều đặc biệt là, chương 15 của Tin mừng theo Thánh Gioan đã thực sự thu hút và làm cha choáng ngợp, đặc biệt là các câu 1-17. Trước hết, bởi vì ở đó cha đã tìm thấy câu trả lời dứt khoát cho vấn đề mà cha đang đặt ra là liệu cuộc sống của cha sẽ không còn hữu dụng nữa nếu cứ tiếp tục trong một ơn gọi mang tính tông đồ hơn, điều mà cha đã tập trung vào cho đến nay. Trong khi cha đang tự hỏi mình câu hỏi này về sự phong nhiêu của đời mình, thì đây chương 15 này của Tin mừng theo Thánh Gioan đã đánh động cha, đặc biệt là câu 5: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm được gì”.
Cha hiểu rõ ràng rằng vấn đề của mọi ơn gọi không phải là mường tượng nơi nào và bằng cách nào mà chúng ta sẽ có thể đơm hoa kết trái, nhưng là khám phá ra là ở đâu và bằng cách nào mà chúng ta có thể ở lại với Chúa Kitô và Ngài ở lại trong chúng ta, tức là ở đâu và bằng cách nào mà chúng ta có thể hiểu rằng Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta và mời gọi chúng hãy nên một với Người, sống tình bạn hữu với Người.
Đây là lý do tại sao không có ơn gọi nào tốt hơn ơn gọi nào. Ơn gọi tốt nhất bao giờ cũng là ơn gọi mà mỗi người được mời gọi sống kết hợp với Chúa Giêsu.
“Ở lại trong tình yêu của Thầy”
Gioan 15,1-17 đã thu hút cha rất nhiều trong tháng tìm hiểu ở đó, đến nỗi khoảng 4 tháng sau, từ khi cha trở thành thỉnh sinh, cha đã suy ngẫm về nó mỗi ngày, cũng như trong suốt thời gian tập viện. Tin mừng theo Thánh Gioan, cũng giống như toàn bộ Sách Thánh, là một hố rất sâu không có đáy, và sẽ không bao giờ cạn. Thực sự, sau gần biết bao nhiêu năm dài, cha dường như luôn đọc chương 15 này giống như là trong lần đầu tiên đọc nó, và chỉ đến bây giờ thì cha mới bắt đầu hiểu được ý nghĩa của nó như thế nào đối với cuộc đời mình.
Và điều này cũng xảy ra với cha khi cha đang chuẩn bị cho các buổi hội thảo này. Trước hết, cha muốn giải thích thêm với các con về một đoạn Tin mừng:
«Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.» (Ga 15,9-13)
Sự thờ kính Chúa Kitô không có nghĩa là ở trong một căn nhà đóng kín, trong một đền thờ được dành riêng, hay trong một tháp ngà: nhưng là ở lại trong tình yêu của Người, tình yêu mà Chúa Giêsu yêu chúng ta y như Người được Chúa Cha yêu, nghĩa là một tình yêu đến với chúng ta đã tỏa sáng, tỏa sáng từ Chúa Cha đến Chúa Con và từ Chúa Con đến chúng ta. Đây là bản chất của tình yêu của Thiên Chúa, bản chất đích thực và thực tại của mọi tình yêu. Niềm vui được ở lại trong Chúa Kitô sẽ bị dập tắt, sẽ bị bóp nghẹt nếu chúng ta nghĩ là ở lại trong Người mà không ở lại trong tình yêu của Người.
Trong chúng ta luôn có khuynh hướng chiếm hữu kho báu cho riêng mình, sở hữu nó mà không gắn bó với nó, không đi vào trong nó, vào bản chất của nó. Đây là một cám dỗ lớn, bởi vì nó giống như muốn sở hữu Thiên Chúa mà không đón nhận tình yêu ở nơi Ngài là Đấng mà Ngài là, là quà tặng mà Ngài dành cho thế gian. Một cơn cám dỗ muốn chiếm hữu Chúa Giêsu nhưng lại không loan báo về Người, không để Người sống trong chúng ta với tình yêu vô biên.
Cho dù đòi hỏi chúng ta một cách rõ ràng là hãy yêu mến tha nhân đến mức hy sinh mạng sống của mình, nhưng những lời của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly lại được bắt đầu và cô đọng trong một kêu gọi và sự trao hiến thiết yếu mà chúng ta sẽ không bao giờ ngừng chú tâm vào: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9c).
Anh em hãy yêu mến nhau như Chúa Cha yêu Chúa Con
Thật vậy, trước khi nói với chúng ta: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”, Chúa Giêsu nói với chúng ta một trong những điều phi thường nhất trong Tin Mừng: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”. Chúa Kitô không thể nói với chúng ta bất cứ điều gì vĩ đại hơn, bởi vì Ngài nói với chúng ta một điều vô hạn mà nó đến chạm vào chúng ta, đến gắn chặt vào cá nhân chúng ta. Còn gì cao cả hơn tình yêu của Chúa Cha dành cho Chúa Con trong quà tặng Thánh Thần? Không có gì có thể lớn lao hơn, bởi vì đó là một tình yêu vô hạn, bởi vì đó là chính Tình yêu mà là tất cả thực tại khả hữu, tất cả thực tại và là nguồn gốc của mọi thực tại. Không có gì không được tạo thành và không có gì được tạo ra lại tồn tại bên ngoài tình yêu này. Thiên Chúa không tồn tại bên ngoài tình yêu này.
Không có ân sủng nào lớn hơn, không có tình yêu nào lớn hơn, không có kho tàng quý giá hơn cho chúng ta là được Con Thiên Chúa yêu thương như Chúa Cha yêu thương Người. Cả cuộc đời cũng không đủ để suy ngẫm và nhận ra ý nghĩa của những lời này đối với chúng ta. Và thực sự, chúng ta sẽ đi đến sự vĩnh hằng để chiêm ngưỡng, đón nhận và sống những gì mà những lời đó đề cập.
Khi Chúa Giêsu nói thêm: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”, chính trong âm vang của những lời trước đó mà chúng ta phải hiểu điều này có nghĩa là gì.
Trên hết, chúng tôi hiểu rằng yêu cầu ở lại trong tình yêu của Người, nhưng hơn là một đòi hỏi thì đó là một quà tặng của Người cho chúng ta, một sự dâng tặng cho chúng ta. Như thể Ngài nói: “Đây là không gian vô tận nhưng hoàn toàn riêng tư của tình yêu của Ta dành cho con cũng chính là tình yêu mà Chúa Cha yêu mến Ta, thì các con tùy ý đón nhận. Ta không thể trao cho các con một món quà nào lớn hơn được. Quà tặng này chính là cuộc đời Ta, bởi vì Ta sống cho tình yêu của Chúa Cha, Ta chính là quà tặng của Ngài, và món quà này được trao cho các con vô điều kiện, quà tặng lớn lao cho đến nỗi chết trên Thập giá. Trong tình yêu này các con có thể bước vào và ở lại. Các con bước vào đó, sống trong đó, luôn ở trong đó! Và nếu các con rời đi, nếu các con đánh mất sự định cư này, nếu các con rời khỏi tình yêu của Ta, cánh cửa vẫn rộng mở, các con luôn có thể quay lại. Bởi vì ngay cả khi các con đã sa ngã, và thậm chí còn hơn thế nữa nếu các con đã sa ngã và cất bước rời đi, Ta vẫn yêu các con như Chúa Cha yêu Ta.”
Sự ở lại của người môn đệ Chúa yêu
Toàn bộ Tin Mừng và các thư của Gioan, cũng như của Thánh Phaolô, đã diễn tả lời loan báo vô tận này, không thể cạn kiệt.
Thật vậy, Tin Mừng Gioan không khép lại với một kết thúc đóng:
«Ông Phêrô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giêsu thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu trong bữa ăn tối và hỏi: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy? “Vậy khi thấy người đó, ông Phêrô nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao? “Đức Giêsu đáp: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy.” (Ga 21,20-22)
Gioan sẽ ở lại cho đến khi Chúa Kitô trở lại, không hẳn là luôn sống, không chết, mà là một “sự ở lại” khác, một “menein” khác, một sự ở lại gắn liền với sự trở lại Chúa Kitô, với sự hiện diện của Chúa Kitô. Người môn đệ được Chúa Giêsu yêu, tức là người môn đệ ở lại trong tình yêu của Người, sẽ ở lại trong Giáo hội, cũng như ở giữa chúng ta và trong mỗi người chúng ta cho đến cùng. Thật vậy, ơn gọi này, trở nên người môn đệ này, liên quan đến mỗi người chúng ta là những người môn đệ của Chúa Kitô: mỗi một người, bởi vì mọi người đều được Chúa Kitô yêu mến như Chúa Cha yêu thương Người, và do đó mọi người được mời gọi ở lại trong tình yêu của Người.
Ít nhất chúng ta cũng phải nghĩ đến điều đó mỗi khi đến với Thánh Thể. Chúng ta cũng phải nghĩ về điều đó mỗi khi cầu nguyện, hay mỗi suy niệm Thánh Kinh và Tin Mừng.
Điều quan trọng nhất trong cuộc sống và trong ơn gọi là luôn ngỡ ngàng và mở lòng ra với Chúa Giêsu, Đấng nói với chúng ta: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. Sau đó, chúng ta sẽ không bao giờ ngừng hiểu ra điều này có nghĩa là gì; và mỗi ngày, mỗi phút giây, điều này sẽ nói với chúng ta biết bao điều khác, chẳng hạn như có nghĩa là hãy dừng lại để cầu nguyện, hoặc đôi có nghĩa là thúc giục chúng ta hãy chăm chỉ làm việc khi phục vụ anh chị em và người nghèo với tình mến nồng nàn. Nhưng cũng đôi khi, nó có nghĩa là hãy chịu đựng trong sự hiến dâng một cách âm thầm, chẳng hạn như khi ốm đau, và còn những lúc khác thì lại mừng vui và chuyện trò vui vẻ với anh chị em của mình. Phạm vi của những cách thức mà chúng ta có thể ở lại trong tình yêu của Đấng Kitô là vô tận. Bởi vì từ thẳm sâu, vấn đề không phải là làm gì hay sống ra sao, mà nơi nào đó để con tim của chúng ta lưu lại. “Vì của cải ngươi ở đâu thì lòng dạ của ngươi ở đó.” (Mt 6,21)
Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ không được chung phần với Thầy
Nhưng làm sao có thể ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô?
Sau khi rửa chân cho các tông đồ, Chúa Giêsu ngồi xuống chỗ của mình và bắt đầu bài giảng dài và cao siêu qua những lời nói cuối cùng của mình. Ngay lập tức Chúa đã nói một điều gợi hiểu tới câu “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” (Ga 15,9), đó là: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13,34).
Chúng ta thường giản lược điều răn về yêu thương huynh đệ thành một thứ “sao chép” mà chúng ta cố gắng “đính kèm” vào cuộc sống của mình như là một noi gương Chúa Kitô hoặc các thánh. Chúng ta sớm nhận ra rằng có điều gì đó không ổn. Vậy sai lầm nằm ở đâu? Rốt cuộc, đó chính là vấn đề của Phêrô: “Con sẽ thí mạng con vì Thầy!” (Ga 13,37)
Khi Chúa Giêsu nói: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”, về cơ bản, Người mạc khải cho chúng ta bí quyết để không rơi vào ảo tưởng là có thể bước theo Chúa Kitô qua việc tuân giữ các lề luật và giới răn, hoặc noi theo các gương lành, chứ không phải nhờ hồng ân mà chính Chúa đã tự hiến thân mình để trao ban cho chúng ta, đó là quà tặng mà Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục tuôn đổ xuống Giáo hội và xuống trên mỗi người chúng ta. Thực ra, vấn đề không phải chỉ là yêu như Chúa Giêsu, mà là yêu bằng tình yêu của Chúa Giêsu. Chúa Kitô không nói: “Hãy ở lại trong tình yêu”, mà là: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”.
Nếu yêu thương chỉ đơn giản là bắt chước Chúa Giêsu, thì Phêrô thực sự có thể hy sinh mạng sống của mình cho Chúa như lời thánh nhân đã tuyên bố. Theo một nghĩa nào đó, ngài có thể rửa chân cho các môn đệ ngay lập tức mà không cần phải chờ xem sau đó Chúa Giêsu đang làm gì. Chúa Giêsu biết rằng tấm gương tượng trưng mà Chúa đã làm bằng cách rửa chân cho các Tông đồ không thể được bắt chước trước khi Chúa Tử Nạn và Phục Sinh, trước ngày Lễ Ngũ Tuần. Có thể nói, khi chịu chết trên Thập giá cho chúng ta, Chúa Giêsu đã không “giới hạn” tình yêu mà Ngài dành cho chúng ta: Người đã trao ban cho chúng ta tình yêu của Người, Người đã trao cho chúng ta con tim của Người như là nguồn mạch và chủ thể của tình yêu của Người trong chúng ta, qua chúng ta.
Vì lý do này, khi Người nói với chúng ta: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”, Người tiên báo về thực tại mới – bắt đầu từ sự Tử Nạn và Phục Sinh, Thăng Thiên và Hiện Xuống – sẽ mãi mãi dành cho chúng ta, điều đó cho phép chúng ta yêu như chúng ta chưa bao giờ yêu, như chúng ta chưa bao giờ có thể yêu mà không có Chúa Kitô. Toàn bộ đời sống Kitô hữu là để đón nhận ân sủng này, để sống đức ái này. Và tất cả các ơn gọi trong Giáo hội là để sống điều này, trong hàng ngàn khía cạnh của tình yêu duy nhất và phổ quát của Chúa Kitô.
Khi Phêrô đứng trước mặt Chúa Giêsu vào buổi sáng hôm ấy trên bờ biển Galilê, Chúa Giêsu không còn nói với thánh nhân: “Anh sẽ hiểu Thầy, hoặc là sau này anh sẽ theo Thầy”. thế nhưng lúc này mọi sự đã hoàn tất và Phêrô có thể đi vào quà tặng về sự sống của mình qua quà tặng sự sống của Chúa Kitô. Khi được hỏi ba lần: “Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?”, Chúa Giêsu đã đưa Phêrô đến chỗ nhận thức rằng thánh nhân không có đủ tình yêu nơi mình để yêu mến Chúa Giêsu, và yêu mến Người hơn tất cả, như Chúa Giêsu hỏi Phêrô trong lần đầu tiên (x. Ga 21,15). Chúa Giêsu xin ngài một tình yêu vô biên mà giờ đây Phêrô biết mình không có. Ngài được tạo dựng ở nơi ngài như một khoảng trống rỗng, và giờ đây Chúa Giêsu có thể lấp đầy ở khoảng trống đó bằng Chúa Thánh Thần, bằng tình yêu của Ngài mà Người đã nhận được từ Chúa Cha. Với sự nghèo khó này nơi tâm hồn, giờ đây Phêrô có thể ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô, không còn lo lắng về việc phải tự mình yêu mến. Ngài có thể ở lại đó, bởi vì sự nhận thức khiêm tốn về mình do sự chối bỏ Thầy, nhưng trên hết là nhờ sự tha thứ của Chúa Giêsu, không có điều kiện nào khác ngoài tình yêu, đã cho phép tình yêu của Chúa Giêsu chiếm lấy ngài trong chính mình để đưa ngài đến nơi, mà theo cách nói của con người, ngài không muốn: chịu tử đạo để “làm sáng danh Thiên Chúa” (Ga 21,19).
Điều này có nghĩa là một điều cơ bản: không ai sống ơn gọi và sứ mệnh của mình mà không ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô. Nếu không ở lại thì không thể bước đi, và cũng không thể chạy. Ngay cả Cha Thánh Biển Đức cũng trình bày ơn gọi của chúng ta như một cuộc chạy đua: “Khi chúng ta tiến bộ trên cuộc hành trình của đời tu và đức tin, chúng ta chạy trên con đường các giới răn của Chúa với một trái tim căng tràn bởi sự ngọt ngào khôn tả của tình yêu” (Tu Luật, Lm 49 ). Vì lý do này, sau khi trao phó cho Phêrô sứ vụ chăm sóc đàn chiên, Chúa Giêsu liền nói cho thánh nhân biết làm thế nào để có thể bước đi, bằng cách có thể ở lại với Người, trong Người, trong tình yêu của Người: “Hãy theo Thầy!” (Ga 21,19.22)
Người ta không thể ở lại trong tình yêu của Đức Kitô mà không bước đi theo Người. Đó là, không luôn luôn ở bên Ngài trong mọi bước đi. Bởi vì tình yêu của Chúa Kitô là tình yêu của chính Chúa Kitô, tình yêu của Ngài.
Và tình yêu không phải là hơi nước hay hương thơm vẫn còn đọng lại trong không khí. Tình yêu của Đức Kitô là Người yêu mến chúng ta, là chính Ngôi vị của Người luôn yêu thương chúng ta, nghĩa là trong mọi phút giây. Bước theo sau, trước tiên là vấn đề học hỏi, là vấn đề hiệp thông, thân tình với Chúa, về mối tương quan, sự lắng nghe, sự hỏi han, và sự ôm ấp.
“Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!”
Điều này luôn cho phép chúng ta nhận được từ Chúa Giêsu quà tặng niềm vui của Người.
“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.” (Ga 15,9-11)
Vì lý do này, nếu chúng ta muốn sống trọn vẹn ơn gọi của mình, thì dấn thân chính yếu và liên lỉ mà chúng ta phải có là liên lỉ và lặp đi lặp lại lời cầu xin về sự hiện diện của Chúa Giêsu. Đó là lời dạy cuối cùng trong Kinh Thánh, nằm trong phần cuối cùng của sách Khải Huyền:
«Thần Khí và Tân Nương nói: “Xin Ngài ngự đến!” Ai nghe, hãy nói: “Xin Ngài ngự đến!” Ai khát, hãy đến; ai muốn, hãy đến lãnh nước trường sinh mà không phải trả tiền.
Đấng làm chứng về những điều đó phán rằng: “Phải, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến.” Amen, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!
Chúc mọi người được đầy ân sủng của Chúa Giêsu.» (Kh 22,17.20-21)
Khi có bất cứ nhu cầu nào mà chúng ta đang thiếu thốn, bất cứ ân sủng hay sự giúp đỡ nào chúng ta cầu xin Thiên Chúa, cho chính chúng ta hay cho người khác, chúng ta chỉ cần khẩn nài và tin tưởng: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!”. Nếu Chúa Giêsu đến, với Người chúng ta được trao ban mọi sự. Như Thánh Phaolô dạy chúng ta: “Vậy còn phải nói gì thêm nữa? Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? (Rm 8,31-32)
Trước sự hiện diện của Chúa Kitô, chúng ta được trao ban để hiệp nhất với Người, để ở lại trong tình yêu của Người, và để lấp đầy niềm vui của Người để chiếu tỏa niềm vui đó cho mọi người.
[1] “Hunc ergo venerabilem virum secum habitasse dixerim, quia in sua semper custodia circumspectus, ante oculos Conditoris se semper aspiciens, se semper examinans, extra se mentis suae oculum non divulgavit.”