Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

CÁC BÀI VIẾT VỀ DỊCH BỆNH TRONG NGÀY BỔN MẠNG

TÂM THƯ GỬI TỚI

THIÊN ĐƯỜNG

                                                                                                                                               M. Innocentio

Mẹ yêu dấu!

      Hôm nay là ngày 01/10/2021, mười năm kể từ ngày con bước chân vào trung học. Con đã kể với mẹ rồi nhỉ? Bài tập về nhà đầu tiên của môn Ngữ Văn, “hãy viết một bức thư gửi cho một người đã mất.” Vậy là mẹ đã nhận được từ con ba ngàn sáu trăm năm mươi ba bức thư. Cũng khá nhiều đấy! Con ước được nhìn thấy nụ cười của mẹ khi mẹ nhận được thư con viết. Có lẽ, ngôn ngữ là một dạng năng lượng gần như siêu nhiên tồn tại giữa con người với con người, mang bộ não đóng kín trong vỏ sọ dày cả centimet  của chúng ta đi tới chỗ giao tiếp được.

      Nhưng từ lúc ấy tới giờ, con đã không kể với mẹ về một bí mật to lớn của riêng con. Lúc nhận được đề bài con đã nghĩ cái kiểu gì vậy chứ? Cứ như là những người đã chết ấy lại có thể đọc và hiểu được những gì người viết muốn nói. Hay là có hẳn ở trên thiên đường một bưu cục dành cho các linh hồn. Con hi vọng thế giới linh tượng của Platon tồn tại. Nhưng rồi khi về đến nhà, đặt ba lô xuống và ngồi vào bàn học nhìn chăm chăm trang giấy trắng thì những hàng chữ đầu tiên đã tuôn ra. Có lẽ lúc ấy con đã viết chỉ để ngôn ngữ được giải thoát mà thôi. Con tìm kiếm và trải dài những gì tồn tại trong con lên trang giấy chỉ vì con không biết mình phải nói chuyện với ai. Bởi vì con chẳng tin vào một điều gì thiêng liêng cả và cũng không tin vào cái chuyện tâm linh tương thông hay sóng điện não có thể cảm nhận được sự tương quan. Nhưng cứ viết như vậy lâu dần con cảm thấy không buồn như lúc đầu nữa, và giờ thì con tin mẹ luôn cảm thấy hạnh phúc khi đọc chúng.

Michel De Montaigne từng nói “Nếu tôi là một nhà văn, tôi sẽ biên soạn một cuốn sổ sinh tử, kèm theo một dòng ghi chú về những cái chết khác nhau của loài người: Ai dạy con người cách chết đồng thời dạy họ cách sống.” Nhưng tiếc một điều là con không phải nhà văn mẹ ạ, con là một bác sĩ nội trú năm thứ nhất. Bác sĩ nội trú luôn bận tối ngày ở bệnh viện. Và mẹ cũng biết trong khoảng thời gian này dịch bệnh viêm phổi đang ngày một phức tạp thì chúng con lại càng bận rộn hơn.

Nhưng có lẽ một cách nào đó ở thời điểm hiện tại các bác sĩ lại là những con người có khả năng làm khởi động những chuyến xe của hi vọng. Chúng con bắt gặp những con người trong tình trạng mong manh nhất, hoang mang nhất và riêng tư nhất. Không chỉ những người nằm trên giường bệnh mà thêm chúng con nữa cũng đang đương đầu với sự thống khổ và cả cái chết. Tối hôm nay, trong ca trực đêm, con đã nhìn thấy một xấp giấy trên bàn làm việc của bác sĩ chính. Đó là những đường uốn lượn tạo thành hình điện tâm đồ EKG. Con đã thận trọng suy xét nó và sau đó là xác định một cách chính xác đó là chứng rối loạn nhịp tim gây chết người. Mọi chuyện sáng tỏ và con không tài nào ngăn được nước mắt của mình. Cho dù cái xấp giấy ấy bắt nguồn từ đâu đi chăng nữa thì chủ nhân của nó cũng không còn sống nữa.

     Con ngồi đó, trong dãy hành lang của bệnh viên, có muôn vàn câu hỏi đan xen giữa sự sống, cái chết và ý nghĩa. Những câu hỏi mà tất cả mọi người đều phải đối mặt tại một thời điểm nào đó của cuộc đời. suốt thời gian qua, cuộc sống của chúng con đã phải thay đổi theo những cơn sóng của dịch bệnh. Đó là một đoạn đường dài. Vì thế, hơn bất kì lúc nào, mọi người phải ở bên nhau. Bởi vì căn bệnh kiểu này có thể mang mọi người đến bên nhau nhưng nó cũng hoàn toàn đủ sức mạnh để chia rẽ mọi người.

     Khi nhìn những bệnh nhân ngày ngày ra đi con mới nhận ra sức nặng của cái chết dần trở nên thật rõ ràng như thể sờ thấy được. Nó tràn ngập trong không khí, căng thẳng, đau đớn và nó có sức nặng đến ngạt thở. Mắt con giàn giụa, mạch đập dồn dập trên đầu. Quả thật chúng ta không biết tới những vật lộn đau đớn đưa ta tới thế giới này nhưng việc thoát ra khỏi nó thường không phải là một chuyện dễ dàng. Đôi lúc đã hết ca trực nhưng dường như con cũng bị lạc tỏng tình trạng ngây ngất, lòng vòng quanh bệnh viện đến tận hai giờ sáng mà không nhận ra.

Dần dần con cảm thấy như thể những mạch đơn lẻ về sinh học, cuộc sống và cái chết cuối cùng cũng đã bắt đầu đan quyện vào nhau. Như thể là một thế giới quan mạch lạc rõ ràng và ta nhận ra vị trí của mình trong đó. Là một bác sĩ, nhưng đồng thời chúng con cũng phải là những người bạn, là những người cùng đau chung nỗi đau với những người ở đây. Gặp gỡ các bệnh nhân tại những khoảnh khắc cong vênh, những khoảnh khắc chân thật nhất, nơi sự sống bị đe dọa. Nhiệm vụ của chúng con bao gồm việc hiểu được điều gì khiến cuộc đời của một người vào đây đáng sống, và có kế hoạch cứu giữ những điều đó nếu có thể, hoặc nếu không thể thì bên họ trong cuộc ra đi bình an.

Lúc 1 giờ 15 phút sáng, con nhìn thấy vị bác sĩ chính cùng ca trực với con đến bên giường bệnh của một sản phụ đang phải dùng mặt nạ oxy. Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi và muốn buông xuôi. Có lẽ sự hoang mang và cô đơn đã lấn át được tâm trí. Vị bác sĩ chính là một nữ tu, một người sống hoàn toàn cho Chúa, đã làm việc tại bệnh viện hơn mười năm. Chị đặt mặt nạ lên và giữ mãi trên khuôn mặt của sản phụ cho tới khi nhịp thở của bệnh nhân được ổn định hơn. Nữ tu ấy nhẹ nhàng.

Chị biết em rất mệt.” Chị dừng lại nhìn người phụ nữ nằm trên giường bệnh, cái bụng căng tròn dưới lớp chăn mỏng.

Vì quả thật mọi người ở đây ai cũng mệt mỏi và kiệt sức. Không có một người thân nào bên cạnh ngay lúc này là điều ta không thể tưởng tượng được, nó khiến cho ta không còn hi vọng. Nhưng còn có bọn chị ở đây mà, em không tin những người ở đây sao? Những gì các bác sĩ làm hay muốn những người nằm đây cố gắng cũng chỉ vì muốn tốt cho những người mà họ chăm sóc mà thôi. Chúng ta phải cố gắng không chỉ vì bản thân mình mà còn cả con mình và gia đình mình nữa. Chị thấy trên tay em có đeo tràng chuỗi Mân Côi. Thế nê, hãy tin tưởng vào Lòng Thương Xót của Chúa nhé. Chúa che chở tất cả chúng ta mà.”

Sản phụ nở một nụ cười, đưa ánh mắt cảm ơn nhìn người mặc trên mình bộ quần áo bảo hộ kín mít ngồi bên giường. Cái chết đến với tất cả chúng ta. Đến với con và các bệnh nhân của con, đó là định mệnh của con người – những cơ thể sống. Như thể mẹ đã ra đi vào mười năm trước vậy. Nhưng hầu hết mọi người trên thế giới đang sống cuộc đời với sự thụ động về cái chết. Thế nhưng chúng con, các bác sĩ lại được đào tạo nhiều năm để có thể chủ động vật lộn với cái chết, như Giacop đã vật lộn với thiên sứ vậy. Và trong khi làm việc đó, chúng con có cơ hội trực diện với ý nghĩa cuộc đời. Đôi lúc, đôi tay hay sự phán đoán của chúng con có thể sơ sẩy nhưng dù vậy vẫn phải vật lộn để giành chiến thắng cho bệnh nhân. Dù phải thức trắng cả đêm và không được về nhà, không tài nào ngủ bù vào ngày hôm đó nhưng chúng con vẫn luôn phải giữ cho mình tinh thần tích cực. vẫn biết rằng sẽ không có một ai đạt được sự hoàn hảo ngoài Thiên Chúa, nhưng mọi người có thể tin vào đường tiệm cận của tình yêu Thiên Chúa mà mọi người đang hướng tới.

Không ai ở bất cứ thời điểm nào lại có thể sống chỉ một mình và chỉ riêng một mình thôi. Cho nên, số phận của con người buộc phải chịu ảnh hưởng bởi những chọn lựa, những quyết định. Có người thì ảnh hưởng từ xa, nhưng cũng có những người bị ảnh hưởng trực tiếp và sát cạnh. Cũng như ngược lại, cuộc sống của ta cũng được hình thành và biến đổi bởi cách sống của người khác. Nhìn chị nữ tu ngồi bênh cạnh những bệnh nhân con dần nhận ra trong con có một sự chuyển động nào đó. Con nghĩ con đã bắt đầu muốn trở thành một nữ tu rồi mẹ ạ. Mẹ có nghĩ vậy không?

Con gái của mẹ. 

 

        Em…

 

 Covid em ơi! Em từ đâu đến

Em đến làm điên đảo dòng đời

Cả thế giới gào thét gọi tên em

Mà sao em vẫn an lòng đời vui sống?

 

Em có thấu bao người đau khổ

Em có biết lòng người nát tan

Em có hiểu nỗi buồn thương tang

Không một người thân ngày tiễn biệt.

 

Thôi em ơi cho thế giới chút thương

Mong em đi đừng vấn vương chi mãi

Tình thế gian với em nay đã cạn

Xin em nghĩ lại hãy quay lưng.

              M. Anna

 

HỒI HƯƠNG

                                                                                                                                                      

Đoàn người tấp nập hồi hương,

Lòng đầy cay đắng xót thương ngậm ngùi.

Sài Gòn hoa lệ bùi ngùi,

Tiễn đưa dân chúng đậm mùi mến yêu.

Cầu mong thoát dịch từng chiều,

Dân cư thoát cảnh liêu xiêu ngỡ ngàng.

Covid chớ có ngang tàng,

Làm mưa làm gió thương tang cõi lòng.

Người ơi sám hối sạch trong,

Quay đầu Quê cũ tìm vòng xót thương,

Quê hương thật đáng tựa nương,

Chính “Nhà Thiên Quốc”, con đường tiến lên.

 

   Từ nội thành Sài Gòn, kẻ trước, người sau, tập hợp thành đoàn đông đảo tiến ra. Xe máy. Xe ba gác. Xe đạp. Thậm chí đi bộ… Những người từng khao khát đổi đời trong thành phố hoa lệ, giờ đây ngậm ngùi rời khỏi mảnh đất hào phóng vì cơm áo gạo tiền. Sau chỉ thị 16 của chính phủ, người lao động nghèo hoàn toàn bế tắt. Không công ăn việc làm, không trợ cấp xã hội, không đủ lương thực, không tiền trang trải cuộc sống, và dịch bệnh hăm he đe dọa từng ngày. Để duy trì sự sống, họ đành chọn giải pháp trở về quê hương. Lời nhạc sĩ Hùng Lân đang vang vọng trên đất Việt: “Đã mấy mùa qua, lang thang giãi dầu. Tìm một an vui, tìm một nương náu, có thấy gì đâu, có thấy gì đâu, phù vân đấy thôi, hư vô một màu” (Hãy tiếp nhận con – Hùng Lân). Quả thật, cuộc hồi hương này vĩ đại hơn mọi cuộc hồi hương trong  lịch sử Việt Nam từ sau những năm 1975 đến nay. Hòa trong dòng người trốn dịch ấy, chúng ta – những đan sĩ của Đức Kitô có tâm tình gì?

                 Hướng về các tỉnh miền nam, đặc biệt tại Sài Gòn, Bình Dương trong những ngày qua thật đáng thương tâm, con số các ca nhiễm và tử vong do Covid 19 tăng cao từng giờ. Làm sao không xót xa cho được, khi những người đồng bào của chúng ta đang gặp hoạn nạn kinh hoàng như thế. Trong số họ có cả những người thân yêu, những người đồng hương với chúng ta. Nhìn các lao động nghèo lao đao trong cơn đại dịch, hao mòn theo thời gian thất nghiệp, lòng tôi nghẹn ngào đến ngộp thở. Không thể trách họ đã không tuân thủ chỉ thị 16, hay là không tôn trọng cộng đồng, không ý thức giữ gìn sức khỏe chung được. Tại sao vậy? Xin thưa, họ là những con người đang thực sự hiện hữu trong kiếp hiện sinh này; họ có nhân vị, có quyền tìm cách duy trì sự sống; họ không phải là những con rô bốt, những vật thí nghiệm cho các hệ tư tưởng; họ có quyền được yêu thương, quan tâm, giúp đỡ. Cuộc sống vốn đã khó khăn, vất vả, nay trong hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài, mọi sinh hoạt bị bóp nghẹt, người nghèo lại càng túng quẫn hơn gấp bội. Chứng kiến dòng người vượt nghìn dặm trường, đèo bồng nhau trên những chiếc xe thô sơ, mắt đỏ hoe, da cháy nắng, khuôn mặt phờ phạt hốc hác… thật khó kìm nén cảm xúc. Họ chỉ mong thoát cảnh đói khát, dịch bệnh, và được về quê đoàn tụ với gia tộc. Nơi đó, có rau ăn rau, có muối ăn muối, có chết cũng được chết nơi chôn nhau cắt rốn. Đời sống họ đáng trân trọng và đáng thương biết bao. Song hành với những người đang trên đường xuôi dòng hồi hương, có những người khác cũng hồi hương nhưng với một hình thái đặc biệt: hồi hương bằng món quà sẻ chia yêu thương, như cha ông xưa dạy “lá lành đùm lá rách” và hơn thế nữa “lá rách đùm lá rách hơn”.

                 Thương lắm Sài Gòn ơi! Thương lằm những người miền nam hiền lành chất phát! Vừa khi được tin đồng bào Miền Nam đang phải cảnh ngàn cân treo sợi tóc, các bệnh viện quằn quại do quá tải, nhiều người trong các khu vục cách ly thiếu thốn lương thực, thuốc men, nhà nhà rối bời lo lắng… thật không lúc nào Sài Thành thê lương đến mức độ như thế này. Ai nghe thấy cũng thương, ai nhìn thấy cũng bùi ngùi. Mọi người dân Việt trong nước cũng như hải ngoại, đều hướng về “Hòn ngọc viễn đông” và ôm ấp nó bằng cả trái tim đồng cảm. Người người góp nhặt bất cứ thứ gì có thể giúp đỡ cho vùng tâm dịch, từ hạt gạo, hạt muối, bó rau, củ mì, mì gói,… ai có ít cho ít, ai có nhiều cho nhiều. Từ khắp các buôn làng hẻo lánh, đến các vùng ngoại ô, từng xe rau cứu trợ lăn bánh trên hành trình yêu thương về vùng đất chết, với hy vọng vực lại sự hồi sinh cho những con người nơi đây. Họ làm việc miệt mài, chẳng kể thời gian, công sức.

          Chúng ta cũng không thể nào quên các chiến sĩ áo trắng đang từng giờ, từng phút chiến đấu với con virut quái ác Corona. Các vị đã hy sinh hạnh phúc cá nhân là những giây phút thân thương bên gia đình bé nhỏ, những giờ cùng con thơ ngồi xem phim hoạt hình, nghe chúng âu yếm gọi: ba ơi! mẹ ơi!… Giờ đây trong trận chiến không cân sức, họ phải dồn hết tâm, trí, lực vào công tác chữa trị cho bệnh nhân. Những giờ làm việc kéo dài, chế độ nghỉ ngơi thiếu hụt làm nhiều chiến sĩ mệt mỏi, thậm chí có người đã bị phơi nhiễm, một đi không trở lại. Thế nhưng, tình yêu, và lòng đạo đức nghề nghiệp trong trái tim họ vượt trên mọi khó khăn thách thức. Họ chiến đấu với Covid hết sức mình, bất chấp sự nguy hiểm luôn rình rập. Bên cạnh các chiến sĩ áo trắng, còn có các chiến sĩ áo xanh – trợ thủ đắc lực cho nhân viên y tế, họ là các bạn sinh viên trẻ, là các tu sĩ mang trong mình dòng nhiệt huyết chung tay góp sức dập dịch. Thay vì chọn cho mình giải pháp an toàn ở bên gia đình, tận hưởng những ngày được đoàn tụ với ba mẹ, anh chị em, họ chọn lấy cho mình một lý tưởng cao đẹp là góp sức cho công tác chăm sóc các bệnh nhân F0. Nhiều bạn trẻ chưa bao giờ động đến việc nhà, ấy thế mà nhìn cảnh  bệnh nhân đau đớn, thậm chí ra đi mà không có người thân bên cạnh, họ đã chạnh lòng, và rồi quyết định lên đường nhập đoàn các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch. Những công việc xem ra khó khăn cho một thư sinh như: vệ sinh khoa phòng, thay tả cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân vệ sinh, thay drap giường,… vẫn không thể làm nản lòng các chiến sĩ áo xanh. Các tu sĩ thiện nguyện thì không chỉ lên đường với một trái tim quả cảm, mà còn liên kết với tình yêu Đức Giêsu; họ không chỉ đến với một người bệnh bình thường, nhưng là đến với thân mình Chúa Giêsu đang đau khổ; họ không chỉ chăm sóc phần xác, mà còn chăm lo phần hồn cho các bệnh nhân; họ là sứ giả lòng thương xót Chúa giữa nhân loại khổ đau. Và còn biết bao anh hùng vô danh khác đang hy sinh cách âm thầm cho đồng bào dân tộc trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay. Đối với tôi mọi nghĩa cử yêu thương là một cuộc hồi hương thẳm sâu. Bởi lẽ Thiên Chúa là tình yêu, là nguồn cội mọi loài thụ tạo.  Vậy khi con người quy hướng vào tình yêu, chẳng phải con người đang hồi hương về nguồn cội hay sao? Như thế, tất cả mọi người đều đang trên một tiến trình hồi hương đích thực. Là đan sĩ, chúng ta đã làm gì để khởi động cho cuộc hành trình trở về?

          Thánh Phaolô thật chí lý khi minh định: mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Chúa. Trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư tại nước ta, mọi sinh hoạt đều bị ngưng trệ, cộng đoàn chúng ta cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Đứng trước thực trạng  ấy, ai lại không lo lắng cuộc sống sẽ chật vật, khó khăn. Nhưng phép mầu đã thực sự xảy ra, ách êm ái và gánh nhẹ nhàng của Thầy Giêsu không ngừng ôm ấp chúng ta, cho chúng ta nghỉ ngơi bồi dưỡng. Thời gian cách ly trở thành thời gian ân phúc cho cộng đoàn trên hành trình dâng hiến, giúp ta bén rễ sâu đời sống vào nền tảng Đức Kitô, và xác định quê hương thực  sự của chúng ta ở trên trời. Cuộc sống chậm lại, giúp chúng ta có nhiều thời gian lắng nghe hơn – nghe tiếng Chúa, nghe tiếng tha nhân, nghe tiếng gọi nội tâm; nhiều cơ hội nhìn nhận hơn – nhận ra phận người mỏng giòn như lời vịnh gia: “đứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở, thấp thoáng trên đường tựa bóng câu” (Tv 38, 7). Tôi xác tín cộng đoàn đang trở về – trở về với căn tính đan tu. Bấy lâu nay, trong vòng xoáy kiếp người, những nhu cầu: cơm, áo, gạo, tiền, chi phối đời sống chúng ta nhiều phương diện, đôi lúc làm ta xao lãng việc Chúa. Vì lơ là, sức đề kháng thứ “Covid chú quỷ ban trưa” suy yếu, nhiều biến chủng virut mới xuất hiện trong cộng đoàn như: tranh chấp, hơn thua, nói hành  nói xấu, ganh tị, không yêu thương nhau, lười biếng việc Chúa,… khiến đời sống chung mất bình an. Chúng ta phải diệt trừ thứ virut này càng sớm càng tốt, vì nó nguy hiểm hơn cả Covid 19. Covid 19 chỉ có thể giết chết thân xác, còn “Covid chú quỷ ban trưa” thì giết chết cả linh hồn. Giờ vàng là ngay giây phút này, chúng ta hãy tiêm cho mình vacxin sám hối, hầu có sức quay trở về tình  yêu thuở ban đầu, trở về với lòng thương xót Chúa. Cuộc hồi hương ấy mới giúp chúng ta là thầy dòng thật, thầy dòng thánh; giúp  chúng ta lắng  nghe tiếng gọi yêu thương của Đấng Tình Quân, lắng nghe tiếng cầu cứu của các linh hồn cô quạnh; giúp chúng ta tiếp năng lượng cho những lữ khách trần thế khác. Trên hành trình chứng nhân Tin Mừng, hãy hân hoan gieo hạt tình yêu, trồng cây sự sống. Để hành trình trở về được bền lâu, hãy làm như Thầy Giêsu, rửa chân cho nhau, nâng đỡ nhau, thương xót và tha thứ cho nhau. Hãy kiên trì và can đảm chạy trong cuộc thi đấu cao đẹp, vì “nẻo đường chính tôi theo cây gậy Chúa dẫn đường, dù vượt suối qua đồi hoặc qua ngàn tăm tối, tôi đâu có sợ chi, vì Chúa ở cùng tôi” (Chúa chăn nuôi tôi – Phanxico).

Sau cơn mưa trời lại sáng, rồi nhịp sống sẽ trở lại bình thường. Khi ấy, liệu con người có còn bước đi trên hành trình hồi hương không? Liệu con người có bị thứ virut vô cảm, hưởng thụ, chủ nghĩa thực dụng tấn công không? Hy vọng bài học yêu thương, bài học trân quý con người trong trận đại dịch này, sẽ ghi tạc vào tận tâm can chúng ta, để chúng ta luôn thức tỉnh về một cuộc hồi hương thiêng liêng đích thực.

Trong thung lũng đầy nước mắt này, mỗi người một phương cách, một con đường, một ý hướng để trở về. Ước mong sao vào ngày chung thẩm, tất cả mọi người sẽ được đoàn viên trong Vương Quốc tràn ngập ánh sáng của Đức Giêsu.

M. Phanxico Fatima

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ 6 Tuần Thánh

Đi đàng thánh giá: Vì yêu, Chúa đã chấp nhận trở nên đồng phận với loài người yếu đuối, mỏng giòn, nghèo khó, để rồi...

Thứ 5 Tuần Thánh

TAM NHẬT THÁNH “ Đây là điều răn của Thầy, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,...

Đây nén hương xuân, nén hương ân tình …

CHƯƠNG TRÌNH VUI XUÂN NGÀY MÙNG 2 TẾT QUÝ MÃO  2023 TRONG TINH THẦN HIỆP HÀNH “Đây nén hương xuân, nén hương ân tình, nén hương thành...

Cáo phó

“Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46) CÁO PHÓ Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh Đan Viện Xitô Thánh...

Nhịp đập thể thao

NHỊP ĐẬP THỂ THAO Ngay từ giây phút khởi đầu, nhịp đập thể thao đón xuân của Cộng Đoàn Vĩnh Phước chúng ta được khai...

Đôi lời chuyện vãn đầu xuân ….

ĐÔI LỜI CHUYỆN VÃN ĐẦU NĂM…       “Mùa xuân sang ta chúc nhau, bao ước muốn bao hy vọng, cùng rủ nhau mau bay về… về...