Chúa nhật 2 MC – B
“HÃY VÂNG NGHE LỜI NGƯỜI”
Đv. Đức Mẹ Fatima, Thụy Sĩ
Bài Tin Mừng của thánh sử Marco nói về việc Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor, như là một sự chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ trước cuộc khổ nạn mà Chúa Giêsu sắp sửa bước vào.
Khi các Tông đồ đi theo Chúa Giêsu, Ngài rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho dân chúng và cả họ nữa: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Ngài, vì Ngài giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1,22). Ngài chữa lành các bệnh tật, quỷ ám, đến độ dân chúng kinh ngạc nói với nhau: “Thế nghĩa là gì? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh !” (Mc 1,27). Ngài còn làm nhiều phép lạ như hóa bánh ra nhiều, ra lệnh cho sóng biển yên lặng, làm cho kẻ chết sống lại, v.v.
Ngài làm tất cả những điều đó vì yêu thương chúng ta và để minh chứng Ngài là Đấng Cứu Thế đầy quyền năng mà nhân loại đợi trông đã đến giữa họ.
Dẫu các Tông đồ đã nghe giảng dạy, đã thấy các phép lạ Chúa Giêsu làm, cách riêng những lời Chúa Giêsu loan báo là Ngài sẽ lên Giêrusalem chịu khổ nạn, nhưng Ngài biết trước là họ sẽ không thể chấp nhận thực tế phũ phàng, như đã có lần Phêrô ngăn cản Ngài, không cho Ngài đi lên Giêrusalem. Biết họ sẽ bị sốc nặng, nên Ngài đã dẫn ba Tông đồ thân tín lên núi cao, tại đây Ngài đã tỏ vinh quang chân thực của Ngài ra cho các Tông đồ được thấy. Ngài đã đàm thoại với hai vị đại tiên tri thời Cựu Ước về cuộc khổ nạn sắp tới của Ngài. Chúa Cha đã lên tiếng chứng nhận Ngài: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Điều quan trọng mà Chúa Cha muốn nói với chúng ta là “hãy vâng nghe lời Người.” Vì Người sẽ hướng dẫn chúng ta đi đúng con đường mà Thiên Chúa muốn, đó là con đường cứu độ chúng ta.
Hôm nay các Tông đồ đã được chứng kiến con người thực của Thầy mình: một Thiên Chúa vinh quang, đã nhập thể. Họ đã được chiêm ngưỡng trước vinh quang của Thầy mình, để sau này, khi họ chứng kiến cuộc khổ nạn của Thầy họ sẽ không thất vọng, mất niềm tin vào Ngài.
Sau khi tỏ vinh quang cho các môn đệ chiêm ngưỡng, Chúa Giêsu không muốn họ say sưa trong ánh vinh quang của Ngài mà cắm lều ở lại trên núi, nhưng Ngài mời gọi họ xuống núi, trở lại đời thường, đối diện với những thử thách, khó khăn của cuộc sống hằng ngày nhưng với một cái nhìn lên cao hơn, tin vào Ngài, một Thiên Chúa đã nhập thế, người Thầy và là người bạn đồng hành với họ trong cuộc sống hằng ngày.
Tuy là đã được Thầy Giêsu dạy bảo trong suốt ba năm, nhìn thấy quyền năng của Thầy qua các phép lạ, được Thầy nhiều lần loan báo trước khổ nạn mà Ngài sẽ phải đón nhận vì ơn cứu độ nhân loại, như lời Ngài nói: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh ! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác (…) Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 23-24, 32). Nhưng khi cuộc khổ nạn xảy ra, các môn đệ đã hổn loạn, mất niềm tin, tan tác, quay trở về quê quán, nghề nghiệp củ. Chúa Giêsu sống lại đã phải hiện ra nhiều lần để quy tụ họ lại, tái lập niềm tin cho họ bằng nhiều lần hiện ra : Ngài đã sống lại và để lại ngôi mộ trống; hiện ra với bà Madalêna; hiện ra với các môn đệ; đồng hành và giải thích cuộc khổ nạn và sống lại của Ngài cho hai môn đệ trên đường đi Emmau; nói với Toma: hãy đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy để con tin là Thầy đã sống lại như lời Thầy đã loan báo trước; Ngài hiện ra ở biển hồ Tibêria và ăn uống với các môn đệ.
Sau khi trở thành kitô hữu hay được Chúa kêu gọi tận hiến cho Ngài, được học biết về Ngài qua những trang Kinh Thánh. Đã đọc, đã suy niệm, đã gặp gở Ngài qua những giờ cầu nguyện, giờ đây chúng ta hãy sống đức tin vào Ngài khi đối diện với những khổ đau, những thử thách đức tin trong đời sống. Trước những thánh giá nặng nề xảy ra, đôi khi làm chúng ta chao đảo, đức tin như tan biến. Nhưng nếu chúng ta cứ khiêm hạ đặt niềm tin vào Chúa, một cánh cửa sổ nhỏ sẽ mở ra giúp chúng ta tìm thấy ánh sáng niềm tin.
Thử thách đức tin là phương pháp giáo dục mà Thiên Chúa muốn giúp chúng ta trưởng thành trong đời sống đức tin và đức mến. Khi thử thách xảy ra, chúng ta thường đau khổ, mất phương hướng, đôi khi còn buồn trách Chúa, nhưng nếu chúng ta vẫn luôn bám trụ vào Ngài, sự trung tín của chúng ta sẽ được Chúa trợ lực, soi sáng giúp chúng ta dần dần hiểu ra thánh ý Chúa qua biến cố xảy ra. Từ đó chúng ta sẽ vui lòng đón nhận sự đau khổ và dâng lên Chúa như một của lễ hiến tế, chấp nhận đi vào con đường thanh luyện mà Thiên Chúa đang dành cho mình.
Một tâm hồn luôn trung tín với Chúa qua những sự thanh luyện đức tin và đức mến, đức tin của tâm hồn đó sẽ trở nên vững mạnh, được Chúa dùng để nâng đỡ đức tin của những anh chị em khác. Amen.