Chúa Nhật 33 TN – A
(Mt 25,14-30)
LÀM VIỆC MỚI ĐƯỢC HƯỞNG NIỀM VUI CỦA CHỦ
M. Giacôbê Nguyễn Vĩnh Nghiêm, An Phước
Không ai muốn mình phải khổ, chịu nhiều cay đắng và bất hạnh. Ai cũng muốn mình có một cuộc sống hạnh phúc, được hưởng những điều tốt lành. Tuy nhiên nhiều người muốn được hưởng niềm vui, hạnh phúc nhưng không muốn làm việc, không muốn đổ mồ hôi. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho”. Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta cái nhìn như thế qua dụ ngôn các nén bạc. Vậy để được hưởng niềm vui của chủ trước tiên người ta phải siêng năng và kiên trì làm việc thì mới đạt được kết quả tốt. Đồng thời người ta phải nỗ lực để được vào hưởng niềm vui vĩnh cửu trong Nhà Chúa. Chúng ta cùng nhau đi vào chi tiết trong nội dung bài suy niệm hôm nay.
1. Một vài chú thích
Trước tiên chúng ta cùng nhau tìm hiểu một số hạn từ khó hiểu trong kinh thánh, đó là yến bạc. Theo cách tính của người Do thái xưa, một yến bạc Israel, tức là một talanton khoảng 35kg bạc, một talanton Hy lạp khoảng 21-26kg bạc, tương đương 10.000 quan tiền, mà một quan tiền tương đương một ngày công. Như thế một yến bạc tương đương với 10.000 ngày công[1]. Một người phải làm việc trong khoảng 20 năm mới có được số tiền này. Đây là số tiền rất lớn. Có người đặt vấn đề tại sao ông chủ không giao cho mỗi người số bạc ngang nhau? Sở dĩ ông giao cho mỗi người một số bạc khác nhau vì ông biết “tùy theo khả năng của mỗi người”. Cho nên ở đây chúng ta thấy ông chủ rất công bằng và đầy yêu thương. Không hề bắt ép hay thiên vị ai cả. Thứ đến yến bạc ấy muốn ám chỉ điều gì? Yến bạc ấy muốn ám chỉ đến khả năng của từng người như: tài năng, công việc, ơn gọi, thời gian, trách nhiệm, tiền bạc và cả Tin Mừng họ đã lãnh nhận. Một khi hiểu ý nghĩa của yến bạc thì mỗi người phải hành động, nghĩa là phải siêng năng làm việc để có kết quả như ông chủ mong muốn.
2. Phải siêng năng mới có kết quả tốt
Chắc chắn mỗi người trong chúng ta đều muốn nghe lời này của ông chủ: “Khá lắm. Anh đúng là đầy tớ tài giỏi và trung thành. Được giao ít mà anh đã trung thành thì tôi sẽ giao nhiều cho anh” (Mt 25,21). Tuy nhiên làm sao để có thể được hưởng lời chúc phúc này? Để được hưởng lời chúc phúc này, trước tiên những người đầy tớ này phải rất nỗ lực làm việc, vận dụng mọi khả năng của mình, chớp mọi thời cơ để làm cho những nén bạc của ông chủ sinh lời. Đây mới là điều quan trọng vì là ý muốn của ông chủ. Thật thế bất cứ người đầy tớ nào cũng phải làm theo ý chủ. Trong kinh doanh, điều quan trọng là phải sinh lời, tiền đẻ ra tiền. Một điều khác mà mọi đầy tớ phải quan tâm và lưu ý, đó là người đầy tớ phải trung thành để khi ông chủ trở lại đòi anh ta thanh toán sổ sách, anh phải thật rõ ràng và công tâm, không hề có sự gian lận trong việc sinh lời này. Ông chủ đã tin anh và giao cho anh số tiền lớn để sinh lợi thì anh phải đáp lại lòng tin của chủ và nỗ lực làm việc. Giả sử nếu anh ta lười biếng thì có thể hưởng được lời chúc phúc ở trên đây không? Chắc chắn là không. Anh ta sẽ nghe lời chúc dữ của ông chủ như tên đầy tớ biếng nhác kia: “Anh thật là đầy tớ xấu xa và biếng nhác. Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi thì đáng lý anh phải gửi số bạc của tôi vào ngân hàng để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời. Hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 25, 26.28.30). Có người đặt câu hỏi tại sao ông chủ lại đối xử khắt khe với người thứ ba? Sao ông không cho anh ta cơ hội? Chúng ta chú ý đến chi tiết: “Sau một thời gian lâu dài”. Nghĩa là sau khi giao cho mỗi người số bạc mình muốn, ông chủ đã đi xa và sau một thời gian lâu dài ông mới quay lại tính sổ với mỗi người. Như thế khi ông chủ đến không ai có thể nói tôi không đủ thời gian sinh lợi những nén bạc ông đã giao. Vì ông đã cho mỗi người một thời gian rất lâu rồi. Sau khi phân tích các nhân vật trong dụ ngôn, mỗi người chúng ta phải làm thế nào để được hưởng niềm vui của chủ?
3. Mỗi người chúng ta sẽ phải nỗ lực sinh lợi để được vào hưởng niềm vui trong Nước Trời
Như đã nói ở trên, mỗi yến bạc đó chính là khả năng, thời gian, ơn gọi, chức vụ, công việc, tiền bạc và ngay cả Tin Mừng chúng ta đã lãnh nhận nữa. Có người sống đến cả trăm tuổi, người thì 90, người thì 80, người khác thì 70 hay 60 tuổi…mỗi người tùy theo lượng thời gian Chúa ấn định cho. Như thế chúng ta thấy Chúa rất công bằng với mỗi người. Không hề có một chút thiên vị nào ở đây, vì “ông đưa cho mỗi người tùy khả năng riêng của từng người”. Nhiệm vụ của mỗi người là phải sinh lợi. Tại sao ông trách người lãnh một yến? Vì anh ta lười biếng, không chịu sinh lời với số bạc ông giao. Anh ta đã đào lỗ chôn số bạc đó. Nên khi trở lại ông đã trách anh tại sao không gửi số bạc vào ngân hàng để khi tôi đến, tôi có thể thu cả vốn lẫn lời chứ. Mỗi người chúng ta phải dùng mọi khả năng Chúa ban để làm cho mình được cứu độ và làm cho những người xung quanh có một cuộc sống hạnh phúc; nghĩa là phát triển những nén bạc là khả năng Chúa ban để phục vụ tha nhân, giúp đỡ họ trong hoàn cảnh và khả năng của mình, mỗi người tùy theo khả năng riêng của mình, không ai giống ai.
Tóm lại, Tin Mừng ngày hôm nay mạc khải cho chúng ta chân dung một ông chủ quảng đại, đầy yêu thương và công bằng, có cái nhìn rõ ràng về các đầy tớ của mình là từng người trong chúng ta. Ông chủ ấy là chính Thiên Chúa. Ngài biết rõ khả năng, tính cách và hoàn cảnh sống của mỗi người và Ngài giao phó những nén bạc của Ngài cho từng người tùy theo khả năng mỗi người. Điều quan trọng là mỗi người chúng ta biết làm lợi theo khả năng của mình, để đến ngày Chúa ấn định chúng ta ra trình diện trước Chúa mà không phải xấu hổ nghe lời Chúa trách: “Tên đầy tớ lười biếng và vô dụng kia, hãy ném nó ra bên ngoài ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng”. Nhưng chúng ta sẽ nghe lời chúc phúc của Chúa: “Khá lắm. Anh chính là đầy tớ tài giỏi và trung tín. Hãy vào hưởng niềm vui của chủ anh”.
[1] x. PX VŨ PHAN LONG OFM, Các Bài Tin Mừng Mát Thêu Dùng Trong Phụng Vụ, tái bản lần 1, Nxb Tôn Giáo, 2017, tr. 392.