Chúa nhật 5, Phục sinh, Năm A, Ga 14,1-12
“Thầy ở đâu anh em cũng ở đó”
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Lời Tin Mừng hôm nay, rất tha thiết, rất xúc động bộc lộ tâm tình thương mến Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, trước khi Người bước vào Cuộc Vượt Qua: chịu khổ hình, chết, phục sinh và lên trời. Biết tâm trạng của các môn đệ đang phải buồn phiền sao xuyến trước sự ra đi của Thầy, nên Chúa trấn an các môn đệ: Đừng sợ hãi, nhưng hãy tin tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Vì rằng, Thầy đi dọn chỗ cho anh em và sẽ trở lại đón anh em đi với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó!
Ý muốn của Chúa Giêsu là quy tụ con cái đang tản mác khắp nơi về cho Thiên Chúa Cha. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở… để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó. Ai xa nhà, xa quê mà không mong mỏi có ngày được trở về nhà đoàn viên, có ngày hồi hương vinh quy bái tổ. Muốn được xum họp trong niềm vui như thế, thì nhất thiết con người tha hương phải nỗ lực không ngừng phấn đấu về mọi mặt.
Với kitô hữu, quê hương chúng ta ở trên trời. Chúng ta đang mong mỏi và từng ngày tiến về quê thật để cùng hưởng hạnh phúc viên mãn với các thánh bên Cha chúng ta ở trên trời. Muốn được như vậy, như thánh Phaolô nói: Chúng ta phải ra sức chạy bao lâu còn ánh sáng sự sống. những ngày sống ở trần gian sẽ quyết định số phận đời sau của chúng ta. Cho nên, ta cần nỗ lực thực thi điều răn Chúa dạy: Hãy yêu thương nhau, chu toàn bổn phận với nhau trong cuộc sống thường ngày.
Chúng ta biết rằng cách cho thì quý hơn là của cho. Mẹ Têrêsa cũng thường bảo rằng để có thể đem Chúa Giêsu đến với người khác, điều quan trọng chính là cách chúng ta thực hiện và điều chúng ta làm cho những anh chị em nghèo hèn. Mẹ đã kể lại một câu chuyện cảm động như sau:
Hôm ấy có một người lạ mặt đến thăm các bệnh nhân. Ông ta đến nhà vào lúc một Sơ vừa mới đem một người hấp hối từ ngoài đường về. Sơ này tìm thấy kẻ hấp hối đang nằm bất tỉnh bên ống cống, mình phủ đầy giòi bọ, trông thật ghê tởm. Thế nhưng, không chút ái ngại, Sơ ấy vẫn chăm sóc bệnh nhân cách kỹ lưỡng. Sơ nhặt từng con giòi, rửa sạch sẽ mọi chỗ, vừa làm vừa mỉm cười với tất cả lòng thương mến. Sơ làm việc cách thản nhiên, không bận tâm để ý đến ai cả. Trong khi đó, người khách lạ đứng ở một góc phòng quan sát từng cử chỉ của Sơ ấy. Sau cùng, người khách lạ kia đến gặp tôi và trút hết tâm sự:
– Thưa Mẹ, sáng nay con đến nhà này với tâm hồn của một kẻ vô thần. Lòng con đầy căm hờn và oán giận. Nhưng bây giờ. . . con ra về với một tâm hồn hoàn toàn đổi mới. Con bắt đầu tin vào Chúa, bởi vì con đã chứng kiến tình yêu của Chúa được diễn tả một cách cụ thể qua hành động và qua cách Sơ ấy đã đối xử với người hấp hối bẩn thỉu kia. Bây giờ con tin thật Chúa là tình yêu. Không có tình yêu Chúa trong tâm hồn, không thể nào có đủ nghị lực để yêu mến tha nhân được.
Mẹ Têrêsa chưa từng được biết người khách lạ kia là ai và cũng không biết rằng ông ta là kẻ vô thần.
Mẹ Têrêsa thường chia sẻ tư tưởng đó khi nhắc nhở các nữ tu Bác ái trong Tu hội của Mẹ rằng: “Chúng ta phải tỏ lòng biết ơn đối với Chúa, vì Người đã ban cho chúng ta những anh chị em nghèo khổ. Chính vì họ mà chúng ta có cơ hội tụ họp lại chung vai sát cánh làm việc với nhau”. Đối với Mẹ Têrêsa, người nghèo không phải là một gánh nặng, cũng không phải là những con người đáng xa lánh. Trái lại, họ chính là các vị ân nhân tinh thần của chúng ta, bởi vì qua họ, chúng ta có dịp để thực hiện Tình yêu Chúa. (Lm Đoàn Quang, CMC, Những Chuyện Mẹ Têrêsa Kể).
Xin cho chúng ta biết thực thi tình yêu tha nhân để đáng hưởng Tình Yêu viên mãn trong nhà Cha trên trời. Amen.