CÁM DỖ
(Lc 4,1-13)
Luân An, Phước Lý
Sống giữa xã hội Việt Nam hôm nay, chúng ta đang được chứng kiến một sự thanh lọc mạnh mẽ và quyết liệt trong nội bộ chính quyền ở các bộ ngành với chủ trương tinh gọn lại bộ máy nhà nước. Trong cuộc thanh lọc này, nhiều người phải rời khỏi chức vụ và nhiều người được giữ lại, đồng thời được cất nhắc lên các vị trí trong trong các bộ ngành. Người đi kẻ ở, mỗi người một tâm trạng, có kẻ vui, có người buồn. Phải nhìn nhận rằng, trong bộ máy chính quyền của Việt Nam trong một thời gian dài vừa qua có sự cồng kềnh bởi có quá nhiều bộ ngành mà nhiều khi trách nhiệm chồng lấn lên nhau. Hệ lụy của sự việc này là cách làm việc thiếu hiệu quả, lãng phí thời gian, thâm hụt ngân sách nhà nước, là cái cớ cho nhiều người lợi dụng để trục lợi cách bất chính.
Bên cạnh đó là vấn nạn mua quan bán chức. Dường như ai cũng mong cho mình có được một chức danh trong bộ máy chính quyền, dù lớn hay nhỏ, vì điều này mang lại cho họ không chỉ ích lợi vật chất mà cả địa vị cũng như danh dự trong xã hội. Với một trào lưu xã hội như thế thì cơn khát địa vị, danh vọng, chức quyền, sẽ vẫn mãi là một sự cám dỗ triền miên không chỉ với quan chức mà với nhiều người dân Việt.
Tin Mừng hôm nay kể lại cho chúng ta sự kiện Đức Giêsu bị qủy cám dỗ. Ngài không chỉ bị cám dỗ một lần mà tới ba lần, và cả bà lần đều liên quan tới vật chất, danh vọng và chức quyền (Lc 4,1-13).
Ăn uống là một như cầu thiết yếu. Đói thì phải ăn. Muốn ăn thì phải có cơm, có bánh. Nhưng có cơm, có bánh bằng cách nào mới là vấn đề. Không phải cứ có nhu cầu là phải thoả mãn ngay. Con người không chỉ có bản năng mà còn có lý trí và ý chí. Vì vậy, có những lúc bản năng đòi hỏi, nhưng con người phải phải dùng lý trí để xét xem sự đòi hỏi ấy có hợp lý, và có thực cần thiết hay không. Không phải cứ có nhu cầu là phải thoả mãn ngay: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”. Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu của ma quỷ khi Người cho biết con người không chỉ có đời sống thể lý mà còn có đời sống tâm linh.
Cùng với nhu cầu ăn uống là sự thèm khát quyền lực. Quyền lực là một cơn cám dỗ triền miên của nhân loại. Bởi khi có quyền thì nói gì người ta cũng nghe. Người ta vẫn thường nói, có quyền là có tất cả. Từ ngàn xưa, vua chúa các nước đã không ngừng gây chiến để tranh giành quyền lực. Ngày nay, trong các cuộc chiến mới, người ta không còn giết nhau bằng gươm đao, súng đạn, nhưng bằng quyền lực kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Tuy êm đềm nhưng cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Cơn cám dỗ về quyền lực thống trị không những không suy giảm mà còn mãnh liệt hơn. Đối diện với cám dỗ của quỷ, Đức Giêsu cho thấy, chỉ có quyền bính đến từ Thiên Chúa mới đáng được tôn thờ: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi”. Mọi quyền bính khởi đi từ con người chỉ là tạm bợ nay còn mai mất. Khi cám dỗ con người về quyền bính, quỷ muốn kéo con người xa Thiên Chúa, không còn nhìn nhận Thiên Chúa là cùng đích của đời mình
Nơi con người, các nhu cầu chẳng bao giờ thỏa mãn được. Quỷ biết rõ điều đó khi bày binh bố trận để cám dỗ Đức Giêsu: “Nếu ông là con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. Lời đề nghị nhằm khơi dậy quyền năng mà Ngài vốn có từ đời đời để kéo Ngài đi ra ngoài thánh ý của Chúa Cha. Nhưng Đức Giêsu đã không sập bẫy nó, ngược lại Ngài vạch trần âm mưu của nó. Qua đó, Người chỉ cho chúng ta con đường của người con hiếu thảo. Người con hiếu thảo tin cậy phó thác và luôn làm theo ý Cha, chứ không bao giờ dám thách thức Cha. Người con hiếu thảo vâng lệnh Cha sai bảo chứ không bao giờ dám sai bảo Cha.
Qua những tình huống mà quỷ bày ra trong bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy, cám dỗ của ma quỷ thật hiểm độc vì nó tiến từng bước từ thấp lên cao và tất cả nhắm vào những nhu cầu thiết yếu của con người. Người ta thường nói: “Mưa dầm thấm lâu”. Khởi đi từ nhu cầu thiết yếu là chuyện ăn uống: “Miếng ăn là miếng nhục”, khiến con người làm nô lệ cho dục vọng. Thứ đến là cướp mất tự do của con người khi xúi giục con người nô lệ cho ma quỷ. Và sau cùng đi đến chỗ chối bỏ Thiên Chúa, không coi Thiên Chúa là Cha.
Chúng ta đang sống trong những ngày đầu của Mùa chay. Đây là dịp thuận tiện để chúng ta trở về với chính mình, kiểm điểm lại cuộc sống, xem mình có còn vướng vào những cám dỗ nào như trên hay không? Để cùng với Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu, chúng ta vượt thắng mọi cám dỗ và sống trọn tâm tình người con thảo với Người.