I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 24,37-44
“Quả thế, thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại.
“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.
II. SUY NIỆM
“CHỜ ĐỢI”
Mùa Vọng là Mùa chuẩn bị đón mừng Đại Lễ Giáng Sinh, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; đồng thời qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế (x. AC 39). Chính vì vậy mà trong Chúa Nhật đầu tiên của năm Phụng Vụ hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta nghe bài Tin Mừng về việc tỉnh thức và chờ đợi ngày quang lâm của Chúa Giêsu Kitô.
Tin vào ngày tận thế, tức ngày Chúa quang lâm là một trong những điểm nòng cốt của Kitô giáo. Hàng ngày, trong Thánh Lễ, các tín hữu tuyên xưng sau truyền phép: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến”.
“Chúa lại đến”. Đức Giêsu nói rằng thực tại thần linh này không đến một cách hiển nhiên có thể quan sát được. Một điều chắc chắn là có chung kết lịch sử, nhưng không một ai từ hàng chư thánh, các thiên thần đến loài người được biết về thời gian ngày tận thế.
1. Tính bất ngờ của ngày quang lâm.
Nước Thiên Chúa sẽ thành tựu ở một thời điểm mà không ai biết trước được vào ngày Chúa Giêsu sẽ quang lâm. Thiên Chúa quả thực đã đặt để trong lòng con người hạt giống của sự sống vĩnh cửu, hạt giống ấy chỉ có thể nẩy mầm trên thửa đất của hiện tại mà thôi: không thể đi vào vĩnh cửu mà không bước qua hiện tại, không thể yêu mến vĩnh cửu mà lại khước từ hiện tại.
Tính cách bất ngờ của Ngày Chúa Ðến, nên đòi hỏi các tín hữu phải luôn tỉnh thức. Tỉnh thức có nghĩa là dấn thân tích cực trong giây phút hiện tại, chứ không phải là ăn không ngồi rồi mà chờ đợi.
Chúa Giêsu dùng sự tích trong Cựu Ước để cảnh báo tính bất ngờ của một biến cố rất lớn lao và chắc chắn sẽ xảy đến. Đó là biến cố cánh chung, Chúa lại đến cách chung cuộc để cho ý nghĩa của mọi tạo vật được tỏ hiện.
Và để minh họa cho tính bất ngờ của ngày tận thế ấy, Chúa Giêsu dùng sự kiện cụ thể trong thời Cựu Ước, đó là lụt Đại Hồng Thủy thời Nôe để mời gọi chúng ta phải có thái độ sẵn sàng cho ngày ấy. Ngày tận thế sẽ đến bất ngờ và nhanh chóng và cái chết cũng đến với mỗi chúng ta bất ngờ như vậy. Vì thế, cần luôn tỉnh thức cầu nguyện và chuẩn bị hành trang thiêng liêng là làm việc lành phúc đức, để khi Chúa đến, Người sẽ gặp thấy chúng ta là những người đầy tớ trung thành và khôn ngoan và triều đại Thiên Chúa sẽ thuộc về chúng ta.
2. Một sự phân định dứt khoát.
Ngày tận thế, khi cuộc phán xét chung diễn ra. Đó là lúc chương trình của Thiên Chúa được hoàn tất, là ngày mà từng người đối mặt với vấn đề thiết yếu nhất của mình: được cứu độ hay không được cứu độ: “Ai sẽ được đem đi và ai bị bỏ lại”.
Hai người cùng làm một nghề, nhưng một người được đem đi và một người bị bỏ lại. Nghĩa là, lúc này, những người cùng trong một hoàn cảnh, sẽ đối xử bằng những cách đối nghịch nhau. Trong bối cảnh này, việc phân biệt đối xử giữa họ không phải là làm chức này cấp nọ, cũng không có nghề nghiệp nào là bảo đảm được cứu độ, không phải bậc tu trì hay giáo dân là được ưu tiên, nhưng sẽ được cứu độ dựa trên việc họ sẵn sàng như thế nào để đón chào Chúa đến. Ngày kẻ lành được thưởng công và kẻ dữ bị tiêu diệt. Chính vì thế, chúng ta được mời gọi sống trong tâm thế sẵn sàng đón Chúa quang lâm, trong khi vẫn dấn thân xây dựng trần thế tốt đẹp theo ý Chúa. Việc sẵn sàng đối diện với ngày Chúa đến không phải lo tích trữ đèn nến hay lương thực để đối phó (vì chỉ vô ích) mà hãy lo chuẩn bị tâm hồn trong sạch để xứng đáng với ngày Vua Công Chính ngự đến.
Với một tinh thần trách nhiệm và với một tinh thần phục vụ quên mình, Người Kitô hữu luôn dấn thân vào mọi ngõ ngách cuộc đời và làm chứng cho Tin Mừng khi sống chu toàn bổn phận của mình, khi sống hết trách nhiệm với tha nhân và trong tinh thần phục vụ quên mình. Có như vậy, mới đáng được Chúa thưởng công.
Lạy Chúa Giêsu,
cuộc sống mai sau được dệt bằng những gì chúng con đã nói và hành động nơi dương thế này. Xin cho chúng con trong khi hướng về quê trời thì cũng biết chu toàn bổn phận và trách nhiệm làm người con Chúa nơi cuộc lữ hành trần thế hôm nay, để khi Chúa đến, chúng con được cùng Chúa vào hưởng phúc bất diệt. Amen.
Hiền Lâm.