Canh Thức Đợi Chờ
Chúa Nhật I Mùa Vọng, Năm B, Mc 13,33-37
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Với Chúa nhật thứ I Mùa vọng, Hội thánh Công giáo chúng ta chính thức bước vào một Năm Phụng vụ mới, Phụng vụ Năm B. Phụng vụ Mùa vọng có hai đặc tính rõ rệt: vừa là mùa chuẩn bị Lễ trọng Giáng sinh – kính nhớ Con Thiên Chúa đến với nhân loại lần thứ nhất; vừa là mùa hướng lòng các tín hữu mong đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế (AC 39).
Bởi vậy, Phụng vụ Mùa vọng diễn tả tâm tình kêu van và mong đợi Chúa ngự đến: “Trời cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tội. Trời cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa Đấng cứu đời…” (Duy Tân – Trời Cao).
Thực ra, Chúa đã đến với nhân loại cách đây hơn 2000 năm rồi và hàng năm vào ngày 25-12, chúng ta vẫn long trọng mừng đại lễ sinh nhật Chúa. Chúa đã đến cắm lều “cư ngụ” sinh sống nơi trần gian vì yêu thương, vì muốn cứu chuộc nhân loại sa đắm. Chúa đã chịu chết, phục sinh và lên cõi vinh hiển. Nhưng Chúa vẫn mãi ở cùng chúng ta một cách mầu nhiệm cho đến tận thế nơi Hội thánh Công giáo, qua các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh thể. Và Chúa vẫn luôn hiện diện khi các tín hữu cầu nguyện, làm việc bác ái: Ở đâu có hai hay ba người họp lại nhân danh Ta, thì có Ta ở đấy giữa họ (x. Mt 18,20); mỗi lần các con làm việc bác ái cho một người bé mọn, thì đang làm cho chính Ta vậy (x. Mt 25,40).
Thế thì, Chúa đang sống giữa chúng ta, vậy thì tại sao ta còn phải mong đợi Chúa đến? Thưa! Ta mong đợi Chúa đến để được kết hợp trọn vẹn với Chúa, hưởng nhan Chúa tỏ cách tường “mặt giáp mặt” chứ không phải gặp “thiêng liêng”, “vô hình” như hiện tại, vì chính Chúa đã bảo đảm với ta: Thầy đi để dọn chỗ cho anh em, rồi Thầy sẽ đến đón anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó (x. Ga 14,2-3).
Vâng, chắc chắn Chúa sẽ đến đón mỗi người chúng ta về nhà Cha, nhưng không biết là 5 phút tới, ngày mai, tháng mốt, hay năm sau… không biết ngày nào, giờ nào.
Năm 1933, một chiếc phi cơ bay từ thành phố Viên – thủ đô nước Áo đến thành Vơ-ni nước Ý, chẳng may gặp nạn. Trong số hành khách, có một văn sĩ bị thương nặng và tắt thở. Hai giờ trước đó, ông ta còn dạo chơi tâm sự với người bạn. Ông nói: “Anh xem, ngày nay khoa học kỹ thuật đã đạt những tiến bộ kỳ lạ biết bao! Sáng nay, tôi còn ngồi uống cà phê ở Bá-linh, bây giờ tôi đang dạo chơi với anh ở thành phố Viên này, và tối hôm nay tôi sẽ ngồi ăn xúp ở khách sạn Vơ-ni”. Nhà văn đó ca tụng khoa học kỹ thuật như thể có phép mầu làm cho ông ta nắm bắt được cả thời gian trong tầm tay. Nhưng có ngờ đâu chỉ mấy giờ sau đó, thay vì ngồi ăn xúp ở khách sạn Vơ-ni, nhà văn đó đã phải đứng trước tòa Chúa để thưa lại với Chúa về cuộc sống của mình ở trần gian.
Sự chết đến bật ưng là vậy, ngày tận thế đến với mỗi người bất ưng là thế, cho nên tất cả chúng ta hãy canh thức đợi chờ. Kinh thánh Tân ước có ít nhất 12 lần nhắc tới từ canh thức, riêng trong đoạn Tin mừng hôm nay động từ này được nhắc tới 4 lần. Điều ấy cho thấy thái độ canh thức là qua trọng, là cần thiết, là không thể thiếu được trong cuộc đời kitô hữu. Chúa dạy chúng ta hãy canh thức. Nhưng canh thức như thế nào đây? Thưa! Canh thức như người lính canh gác nội thành. Những hình ảnh Đức Giêsu nêu ra rất cụ thể: “Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng” đấy chính là bốn phiên canh gác của lính Rôma, họ phải canh thức phải sẵn sàng nếu không địch thù sẽ đột nhập vào thành như thế tai họa sẽ khôn lường. Kitô hữu chúng ta cần luôn canh thức vì ma quỷ thù địch của chúng ta, như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé, thánh Phêrô nhắn nhủ chúng ta hãy lấy đức tin mà chống cự (x. 1Pr 5,9).
Dĩ nhiên, Kitô hữu canh thức ở đây không có nghĩa là không ngủ, vì đó là điều bất khả kháng. Kitô hữu canh thức ở đây không ở phương diện thể lý mà ở phương diện nội tâm: nghĩa là chu toàn bổn phận mà Chúa giao phó. Bổn phận của chúng ta là con cái Chúa, nên phải chu toàn bằng đời sống giữ mình sạch tội, siêng năng cầu nguyện gắn bó với Chúa là Cha của mình. Bổn phận chúng ta là anh chị em của nhau, nên phải yêu thương, tha thứ, phục vụ nhau, chu toàn trách nhiệm làm tu sĩ, linh mục, làm cha mẹ, làm vợ chồng con cái, làm công dân xây dựng tổ quốc. Và bổn phận cao quý của tất cả chúng ta là nên thánh như Cha trên trời.
Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu: “Muốn nên thánh, con hãy làm những việc thường nhật, có khi xem ra vô ý nghĩa. Nhưng con đặt vào đó tất cả niềm mến yêu của con” (ĐHV, 814). Ngay trong cảnh tù đày Đức hồng y vẫn chọn “sống giây phút hiện tại, lấp đầy nó với tình yêu”.
Ước chi chúng ta luôn sống sứ điệp Tin mừng hôm nay: canh thức, “sống giây phút hiện tại, lấp đầy nó với tình yêu”. Đấy thật là thái độ tích cực chờ đợi Chúa đến đón chúng ta vào hưởng hạnh phúc nước trời.
https://giaophandalat.com/bai-giang-chua-nhat-tuan-i-mua-vong-nam-b-cha-lasan-ngo-van-vy-o-cist.html