SỰ BẢO ĐẢM
(Cv 13,14.43-52; Kh 7,9.14b-17; Ga 10,27-30)
Mai Ca, CĐ Phước Thiên
Ai trong chúng ta cũng luôn khát vọng có một sự bảo đảm vững mạnh, vì sự dữ và các mối nguy hiểm vốn không thể phủ nhận. Chúng gây ra cho chúng ta sự sợ hãi nhất định và khiến chúng ta bất an. Chính vì thế, các bài đọc của ngày Chúa nhật hôm nay, Chúa Nhật Chúa Chiên Lành hay Chúa Giêsu – Mục Tử Nhân Lành, thắp lên cho chúng ta một tia hy vọng về sự bảo đảm mạnh mẽ và bền vững mà Thiên Chúa dành cho từng người chúng ta.
Đức Giêsu nói: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10,27-28). Có lẽ không điều gì an ủi chúng ta hơn những lời khẳng định này của Chúa Giêsu. Ngài đã hy sinh tính mạng để bảo vệ chúng ta trong ơn cứu độ của Ngài, nên Ngài đích thực là vị Mục tử mạnh mẽ và đầy tình thương. Ngài luôn gìn giữ và không bao giờ buông bỏ chúng ta, bởi Ngài yêu chúng ta “đến cùng” (Ga 13,1). Không những thế, Ngài còn củng cố một sự bảo đảm chắc chắn hơn, đó là sự bảo vệ của Chúa Cha: “Không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha” (Ga 10,29). Quyền năng của Chúa Cha mạnh mẽ hơn tất cả mọi quyền lực. Do đó, chúng ta được yên tâm. Hơn nữa, Chúa Cha không chỉ bảo vệ, mà còn bao bọc chúng ta trong sự sống bền vững. Sách Khải Huyền tỏ lộ: Chúa là “Con Chiên sẽ chăn dắt và dẫn đưa chúng ta tới nguồn nước trường sinh” (Kh 7,17). Nguồn nước đó chính là Thần Khí được Chúa Giêsu đề cập đến trong Tin mừng Gioan chương thứ tư (x. Ga 4,5-42). Thần Khí đem lại sự sống dồi dào, làm cho chúng ta “không còn phải đói, phải khát” nữa.
Quả thật, Chúa Giêsu chính là Vị Mục tử đích thực, Ngài mời gọi tất cả, không loại trừ bất kỳ ai, quy tụ về một đàn chiên duy nhất để được Ngài chăn dắt và bảo vệ. Tuy nhiên, có một sự thật không thể phủ nhận rằng, trong thời đại ngày nay, chúng ta bị phủ sóng bởi quá nhiều tiếng ồn, gây xáo động sự tĩnh lặng bên trong cũng như bên ngoài, khiến chúng ta khó khăn để nghe được tiếng mời gọi của Chúa. Nhất là tiếng nói của quyền lực, nhu cầu muốn kiểm soát và lòng ganh tị, là những tiếng nói gây chia rẽ chống lại việc chúng ta lắng nghe và bước đi dưới sự bao bọc của một vị mục tử duy nhất.
Bài đọc thứ nhất cho thấy vì lòng đố tỵ, ganh tức mà người Do Thái đã khước từ lời Thiên Chúa (x. Cv 13,45). Cho nên, nếu chúng ta để cho tiếng nói của sự ganh tỵ lên tiếng, chúng sẽ lấn át tiếng nói của Chúa. Bởi lẽ, tiếng của Chúa là tiếng của tình thương và hiệp nhất, xóa bỏ lòng hận thù và chia rẽ. Còn ganh tỵ, thật ra là tiếng nói xuất phát từ cảm giác thua kém, vì thế chúng muốn kiểm soát và đòi quyền lực để che lấp nỗi yếu hèn của chính mình. Dẫu vậy, chúng ta không bao giờ có thể phá bỏ sự mặc cảm này khi chỉ hạ thấp người khác để nâng cao mình lên. Nếu thế chúng ta sẽ liên tục cảm thấy bị tấn công và ra sức đề phòng, và cuối cùng chúng ta chỉ uất ức, bực tức, cô lập, chia rẽ và bất an.
Trong tất cả những xáo động đó, Chúa Giêsu vẫn réo gọi từng người chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta bước ra khỏi những ồn ào để lắng nghe tiếng gọi yêu thương và nhân ái của Ngài. Vậy, ngày hôm nay, nếu chúng ta nghe tiếng Chúa, chúng ta đừng cứng lòng. Hãy đến với Chúa, gia nhập đàn chiên Chúa để được Ngài chăm sóc, bảo vệ chúng ta trong nguồn sống bất tận, đó là sự bảo đảm mạnh mẽ và vững chắc nhất mà Chúa Giêsu vị Mục Tử Nhân Lành đã dành sẵn cho chúng ta.
Nguyện xin Thiên Chúa là Cha nhân từ và Chúa Giêsu vị Mục Tử đích thực chở che, bảo vệ và quy tụ chúng con trong tình yêu thương và quyền năng của Ngài.