Thứ sáu, 27 Tháng mười hai, 2024

Chúa Nhật VIII Thường Niên, năm C: “LỄ CHÚA BA NGÔI” (Đv Phước Vĩnh)

SUY NIỆM VỀ CHÚA BA NGÔI

Ga 16, 12-15

    Micael – Phước Vĩnh

Chuyện kể: Có một cuộc thảo luận của nhóm các thầy dòng trẻ diễn ra rất sôi nổi về đề tài “Chúa Ba Ngôi” mà chúng ta mừng lễ hôm nay. Dựa trên giáo huấn căn bản: Trong Thiên Chúa Ba Ngôi có Ba Ngôi vị. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Ôi! Điều này thật không thể nào hiểu nổi. Thế rồi, họ bàn đến vấn đề thứ hai xem Ba Ngôi cùng hành động thế nào? Nhưng rồi lại đi vào bế tắc vì vấn đề quá siêu nhiên, vượt quá sự hiểu biết của họ. Bí quá, họ đành phải nhờ cậy đến Cha Bề trên, Ngài đang ngồi hút thuốc lào ngoài hiên nhà. Thưa Cha, Cha có thể khai sáng cho chúng con hiểu và biết thế nào là Một Thiên Chúa có Ba Ngôi, và hoạt động của Ba Ngôi được không ạ? Cha Bề Trên trầm ngâm giây lát rồi hỏi: Thầy Minh có biết chơi guita không? Dạ có! Vậy cây đàn guita gây ra tiếng nhạc thế nào? Có ba sự việc liên đới với nhau. Nghệ thuật âm nhạc hay là tâm trí bảo ta điều gì phải làm, bàn tay thì gẩy; dây tạo ra tiếng đàn, nhưng cả hai việc cùng với dây tạo ra âm thanh. Cả ba cùng làm, dẫu rằng việc riêng của dây là tạo ra tiếng đàn. Và Cha kết luận: Thiên Chúa Ba Ngôi hoạt động cũng giông giống như thế.

1. Một Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm.

Nói đến mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, là nói đến lãnh vực siêu nhiên vượt quá sự hiểu biết của con người. Thánh Augustino đã cảm thấy khó hiểu trước hành động của em bé lấy vỏ sò đong nước biển và đổ vào cái lỗ trên bờ cát. Tuy thế, em bé đã cho Ngài biết, việc em làm còn dễ hiểu hơn việc Ngài muốn suy luận về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Vậy phải chăng con người không thể hiểu biết về Thiên Chúa? Con người có thể chiêm nghiệm Thiên Chúa theo sự hiểu biết của loài người. Trước những vấn nạn hóc búa này, Giáo Hội đã dùng nhiều cách để hướng dẫn và khai sáng cho con cái mình phần nào hiểu hơn về chân lý quan trọng này.

* Lối hiểu biết thuần túy

Một trong những kinh nguyện mà người Công giáo chúng ta học từ tấm bé là làm dấu Thánh giá. Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, hành động thánh đó nhắc nhở chúng ta rằng. Có Ba Ngôi trong Một Thiên Chúa, và Ngôi Hai đã chết trên thập giá vì tất cả nhân loại tội lỗi chúng ta, và điều gì một trong Ba Ngôi làm thì cũng là Ba Ngôi làm nhưng mỗi Ngôi một việc riêng biệt. Sách GLCG dạy cho ta biết: Chúng ta tuyên xưng Chúa Cha là Đấng sáng tạo muôn loài, Chúa Con là Đấng cứu chuộc, Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa. Mặc dầu, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần không hiện hữu như Chúa Con khi nhập thể mang thân xác. Thế nhưng, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần vẫn liên kết trong một với Chúa Con trong tương quan yêu mến, và hoạt động giữa Ba Ngôi Thiên Chúa như một hình tròn không có điểm khởi đầu và kết thúc, đó là hình tròn của sự hiệp nhất và yêu thương. Vì thế, Chúa Giêsu đã tự khẳng định: “Ta không ở một mình, nhưng có Ta và Cha” (Ga 8,16). Còn về Ngôi Ba, thánh Luca nói: “Chúa Giêsu đầy Thánh Thần, trở về xứ Galilea” (Lc 4,14). Như vậy, nếu trên bình diện siêu nhiên, thì con người không thể nào hiểu thấu về Thiên Chúa, nhưng khi xét trên góc độ của tình yêu thì chúng ta có thể khẳng định biết Thiên Chúa. Bằng cách nào? Thưa có hai cách.

2. Biết bằng lý trí

a. Qua thiên nhiên. Thánh Thomas Aquino đã đưa ra năm nguyên lý để nhận biết Thiên Chúa. Trong đó, nguyên lý “Đệ nhất” xem ra là dễ hiểu. Nguyên lý Đệ nhất là mọi vật không tự sinh ra nó, mà phải có cái trước nó sinh ra nó. Vậy khi ta nhìn vào mọi sự kỳ vĩ trong vũ trụ, ta có thể khẳng định phải có bàn tay của Thượng Đế sáng tạo nên. Vì chỉ có Thiên Chúa là Anpha và Omega mà thôi. Điều này đã được St. Gioan minh Chứng: “Lúc khởi thủy đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1).

b. Qua giáo huấn của Giáo Hội. Thánh Gioan đã từng xác tín: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8), và St. Thomas Aquino đã dựa trên nền tảng này để diễn giải về Chúa Ba Ngôi như thế này: Chúa Cha yêu Chúa Con, và Chúa Con cũng yêu Chúa Cha cùng một trật đã Nhiệm xuất ra Chúa Thánh Thần trong cùng một trật.”

c. Qua Kinh thánh. Trong bài giảng đầu tiên của St. Phêrô cho dân Do thái, Thánh Tông đồ đã trình bày hoạt động của Ba Ngôi: “Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa (Chúa Cha) đã cho sống lại… Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Khí đã hứa, để Người đổ xuống: (Cv 2,32-33). Trong bài giảng cho dân ngoại tại Athene, St. Phaolo cũng đã trình bày: “Thiên Chúa (Chúa Cha) Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó…để rồi đi tới chổ Thiên Chúa đã làm cho Vị này (Chúa Con) sống lại từ cõi chết” (Cv 13,22-31). Và rõ ràng hơn nữa. Thánh Gioan Tông Đồ đã diễn tả thể theo lời Thầy Giêsu đã nói: “Thầy ở trong Chúa Cha, và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,11). Tất nhiên, Thánh Thần cũng ở trong Chúa Cha và Chúa Con.

d. Và cuối cùng dựa trên tín điều mà Thánh Công Đồng Nicea (325) và Công Đồng Contantinople (381) đã tuyên bố: “Chúng tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất; Đức Kitô đồng bản thể với Cha, được sinh ra chứ không phải tạo thành. Đức Kitô là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Thánh Thần là Chúa.”

2. Biết bằng cách sống

a. Yêu: Thánh Gioan dạy chúng ta rằng: “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa, phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 7-8). “Nếu ai nói, tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Vậy ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 4,20-21). Như vậy, chỉ khi ta thật lòng yêu mến nhau, nghĩa là biết bỏ mình, hạ mình để tạo sự hiệp nhất, tạo niềm vui và hạnh phúc cho nhau, thì lúc đó ta mới dám khẳng định tôi biết Thiên Chúa và yêu mến Thiên Chúa của tôi.

b. Tuân giữ lề luật. Thánh Gioan dạy: “Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng, chúng ta biết Thiên Chúa đó là chúng ta tuân giữ điều răn của Người. Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối” (1Ga 2,3-5). Tuân giữ điều răn là sống trong sự thật, không dối trá điêu ngoa, không vụ lợi ích kỷ; tuân giữ điều răn là lối sống công bình, bác ái, vị tha và yêu thương; tuân giữ điều răn là sống trong sạch không vương vấn tội lỗi. Thánh Gioan nói: “Phàm ai ở lại trong Người thì không phạm tội, còn ai phạm tội thì đã không thấy Người và cũng chẳng biết Người” (1Ga 3,6). Vì “Ai phạm tội thì là người của ma quỷ” (1Ga 3,8). Họ là kẻ không biết Thiên Chúa.

3. Kẻ không biết Thiên Chúa. Thánh Goan khẳng định “phàm ai không sống công chính thì không thuộc về Thiên Chúa, ai không yêu thương anh em mình cũng vậy” (1Ga 3,10). Vậy không biết Thiên Chúa thì không thuộc về Thiên Chúa, mà không thuộc về Thiên Chúa thì sẽ phải chết. Vì: “Ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống” (1Ga 5,12). Hơn nữa “Kẻ nào không chịu tin vào Người Con thì không được sự sống nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy” (Ga 3, 36).

Ngày hôm nay, Giáo Hội mừng long trọng lễ Chúa Ba Ngôi. Điều đầu tiên Giáo Hội muốn dạy chúng ta phải hết lòng cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi vì biết bao ơn lành mà Chúa đã dành tặng ban cho chúng ta. Thiên Chúa Cha đã tạo nên ta và ban cho ta ân sủng phong phú nhất không chỉ là một con người với đầy đủ ý chí, lý trí và tự do, mà còn được làm con cái của Thiên Chúa, là anh em của Đức Giêsu Kitô qua bí tích rửa tội.  Chúa Con đã vì tội lỗi của ta, mà chấp nhận chết thay để cứu độ ta, và Chúa Thánh Thần hằng nâng đỡ cùng thánh hóa cuộc sống mỗi ngày, cho ta thêm can đảm để kiên vững trong đức tin.

Điều thứ hai, Giáo Hội cũng muốn nhắc nhở ta phải ý thức hơn mỗi khi làm dấu thánh giá. Vì đó là cử chỉ tuyên xưng niềm tin vào Chúa Ba Ngôi. Làm chứng cho Chúa Ba Ngôi, thì cũng phải sống và hoạt động như Chúa Ba Ngôi. Hoạt động đó chính là yêu, yêu Chúa và yêu mọi người, cùng tuân giữ các giới răn của Chúa.

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi. Công cuộc truyền giáo đã được Ngôi Hai khởi sự cách đây hơn hai ngàn năm rồi. Thế nhưng, còn biết bao người trên mặt đất này chưa được nhận biết Chúa. Trong đó, cũng có biết bao người là Kitô giáo, nhưng sống như không biết Chúa. Và tệ hơn nữa, vì đam mê quyền lực, tiền tài, danh vọng mà không thiếu những kẻ sống vô cảm, dửng dưng rồi bỏ Chúa ra đi.

Xin Ngôi Ba Thiên Chúa, dùng ngọn lửa đức tin để nung nóng tâm hồn chúng con, khai sáng cho chúng con được nhận biết Chúa là Cha, Đấng giàu lòng thương xót mà trở về cùng Cha, được hiệp nhất trong vòng tròn viên mãn, vòng tròn yêu thương trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giáng Sinh – Lễ Ban Ngày (Is 52,7-10; Hr 1,1-6; Ga 1,1-8) Ngôi Lời Đã Làm Người Và Sống Giữa Chúng Ta

Giáng Sinh - Lễ Ban Ngày (Is 52,7-10; Hr 1,1-6; Ga 1,1-8) Ngôi Lời Đã Làm Người Và Sống Giữa Chúng Ta Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Giáng Sinh – Lễ Rạng Đông (Lc 2,15-20) Chúa Kitô Mặt Trời Công Chính

Giáng Sinh - Lễ Rạng Đông (Lc 2,15-20) Chúa Kitô Mặt Trời Công Chính Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôm nay, muôn dân đã được thấy ơn...

Giáng Sinh – Lễ Đêm (Lc 2,1-14)  “Yêu Nhau Muôn Sự Chẳng Nề…”

Giáng Sinh - Lễ Đêm (Lc 2,1-14)  “Yêu Nhau Muôn Sự Chẳng Nề…” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong khung cảnh huy hoàng của Đêm Thánh vô...

Lễ Vọng Giáng Sinh (Mt 1,1-25) Đức Giêsu – Thiên Chúa Làm Người

Lễ Vọng Giáng Sinh (Mt 1,1-25) Đức Giêsu - Thiên Chúa Làm Người Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bầu khí háo hức rạo rực mừng kỷ...

Lễ Giáng Sinh: Con Thiên Chúa nhập thể làm người và nhập thế cứu người

    Lễ Giáng Sinh 2024 CON THIÊN CHÚA NHẬP THỂ LÀM NGƯỜI VÀ NHẬP THẾ CỨU NGƯỜI Đaminh-Hạnh Lê Văn Chương, Phước Hiệp Hôm nay, ngày 25/12 chúng ta...

Chúa Nhật IV Mùa Vọng C (Mk 5,2-5; Hr 10,5-10; Lc 1,39-45) Đức Trinh Nữ vội vã lên đường

Chúa Nhật IV Mùa Vọng C (Mk 5,2-5; Hr 10,5-10; Lc 1,39-45) Đức Trinh Nữ Vội Vã Lên Đường Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúng ta...

Chúa Nhật III Mùa Vọng C (Xp 3,14-18; Pl 4,4-7; Lc 3,10-18) Gặp Chúa qua muôn nẻo đường

Chúa Nhật III Mùa Vọng C (Xp 3,14-18; Pl 4,4-7; Lc 3,10-18) Gặp Chúa Qua Muôn Nẻo Đường Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Phụng vụ lời...

Chúa Nhật III Mùa Vọng, C, Lc 3,10-18: Trở về với sự thiện

    TRỞ VỀ VỚI SỰ THIỆN (Lc 3,10-18) M. Mai Đăng Minh, CĐ Thiên Phước Con người ngay từ đầu được sinh là nhân chi sơ tính bản...

Chúa Nhật III Mùa Vọng, Lc 3,10-18: Niềm vui nhận biết Đấng Cứu Thế

    Niềm vui nhận biết Đấng Cứu Thế  (Lc 3,10-18)            Đan sĩ M. Paula Đình, Châu Thủy Khởi đi từ bài đọc II,...

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Lc 1,26-38) Trở nên vô nhiễm giữa thế giới “ô nhiễm”

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Lc 1,26-38) Trở Nên Vô Nhiễm Giữa Thế Giới “Ô Nhiễm” Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ. O.Cist Giữa bầu...

Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội – Mầu nhiệm tội lỗi

  LỄ MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI MẦU NHIỆM TỘI LỖI Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên, Châu Sơn Đơn Dương Hôm nay, chúng ta suy niệm về con...

Chúa Nhật II Mùa Vọng C (Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) Để Chúa đến trong cuộc đời

Chúa Nhật II Mùa Vọng C (Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) Để Chúa Đến Trong Cuộc Đời Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa trong Chúa...