BÁNH HẰNG SỐNG
(Ga 6,51-58)
M. Damasceno, Phước Lý
Ngày nay, có nhiều người nghĩ rằng họ “ăn để mà sống” chứ không phải “sống để mà ăn”. Thế nhưng, thực tế lại cho thấy một số người hầu như chỉ “sống để mà ăn” hơn là “ăn để mà sống”. Lịch sử cho thấy, con người vẫn không ngừng tranh giành nhau vì miếng cơm manh áo. Một điều hết sức hiển nhiên như dấu chứng hùng hồn cho thấy con người ngày nay cần một điều gì đó hơn là những của ăn vật chất bình thường. Một thứ lương thực có thể làm cho con người trở nên hạnh phúc hơn, viên mãn hơn. Lương thực ấy chính là Đức Giêsu – Bánh Hằng Sống: “Tôi là Bánh hằng sống từ trời xuống, ai đến với Tôi không hề phải đói, ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ”.
Bài Tin mừng hôm nay được trích trong diễn từ về Bánh trường sinh của Đức Giêsu. Những người nghe Đức Giêsu rao giảng là những người chất phác, bình dân. Họ chỉ để ý đến những gì thuộc phạm vi thường ngày như làm lụng, nghỉ ngơi, ăn uống…. Đối với những nông dân Galilê, việc hóa bánh ra nhiều mà họ vừa được chứng kiến và nếm hưởng trước đó, là một việc kém diệu kỳ hơn Manna, vì đó là thứ bánh bình thường Đức Giêsu đã ban cho họ, một loại bánh không phải “từ trời xuống”. Chính Đức Giêsu đã bắt đầu từ những nhu cầu vật chất đó, khởi lên trong họ những khát vọng cao hơn, thuộc bình diện tôn giáo và thiêng liêng. Sau đó Ngài dẫn họ đến chân lý cao siêu hơn: “Chính tôi là bánh trường sinh”. Câu này được Đức Giêsu xác định lại cách rõ ràng khi Người nói: “Thịt Tôi thật là của ăn, Máu Tôi thật là của uống” (Ga 6,15).
Đức Giêsu là Bánh hằng sống, Bánh từ trời, Bánh ban sự sống thần linh. Thịt máu Ngài đã trở thành lương thực, trở thành của ăn của uống giúp con người đi vào thế giới của Thiên Chúa để kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Bánh này trổi vượt hơn Manna trong sa mạc mà tổ tiên dân Israel đều đã được ăn. Vì thế, ai ăn bánh này sẽ được sống vĩnh cửu trong Vương quốc của Thiên Chúa.
Đối với những người có khuynh hướng về ẩm thực, không có điều gì kỳ diệu hơn việc ăn uống. Thật thế, một đứa trẻ lỡ nuốt phải một cái cúc áo, mẹ nó không nói nó đã ăn cái cúc ấy, nhưng là nó nuốt nhầm cái cúc áo. Bởi vì ăn bao giờ cũng phải có một sự kết hợp và biến đổi giữa chủ thể và đối tượng, phải có một sự hòa lẫn nào đó. Thức ăn sẽ biến thành thịt máu con người. Đó là một điều kỳ diệu. Bí Tích Thánh Thể là một mầu nhiệm lạ lùng của Thiên Chúa. Thánh Thể trở thành lương thực nuôi dưỡng con người như lời Người đã nói: “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga 6,53). Thánh Thể còn đưa con người hiệp thông với Thiên Chúa vì Đức Kitô là Thiên Chúa: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,56-57).
Khi con người hiệp thông với Đức Kitô trong Thánh Thể thì nên một với Người, cùng một thân mình, cùng một dòng máu với Người. Thánh Cyrillo thành Jerusalem viết: “Như thế, chúng ta trở thành những người mang Đức Kitô, có Mình và Máu Người thâm nhập khắp toàn thân… chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa”. Con người được trở nên giống Thiên Chúa. Vì thế trong các Bí tích thì Bí tích Thánh Thể được coi là Bí tích cao trọng nhất. Nhưng để được bánh ban sự sống thì Chúa Giêsu đưa ra điều kiện: “Đến với Ngài và tin vào Ngài”. Quả đúng như vậy: Bánh ban sự sống đã có sẵn rồi, nhưng nếu ta không đến thì làm sao có được thứ bánh ấy và nếu không tin thì làm sao có được sự sống đời đời.
Ngày nay, người ta ưu tư về nạn đói cơm bánh, vấn đề muôn thuở của con người; điều đó là đúng và thật khẩn thiết. Thế nhưng, người ta dễ quên bên cạnh đó cũng tồn tại “cơn đói” đời sống vĩnh cửu, “cơn đói” Thiên Chúa, “đói” Lời của Ngài. Chúa dạy chúng ta khi lo toan vì cơm bánh ăn hằng ngày thì cũng đừng quên tìm kiếm “Bánh bởi trời đích thực” là tấm bánh hằng sống Ngài ban cho những ai tin vào Ngài. Chính vì thế, hơn bao giờ hết, người Kitô hữu ngày nay phải được Thánh Thể dưỡng nuôi. Đức Kitô hiện diện nơi bí tích Thánh Thể, trở nên chiếc cầu nối giữa Thiên Chúa và nhân loại, giữa cõi vĩnh hằng và thế giới thụ tạo. Họ phải kín múc được nguồn sống đích thật.
Việc chiêm ngưỡng về ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể luôn là một điều hữu ích. Vì càng thấu hiểu hơn về tình yêu trong Bí tích Thánh Thể sẽ làm cho người Kitô hữu yêu mến Chúa Giêsu và Giáo hội nhiều hơn. Và khi nhận được sức sống từ Bí tích Thánh Thể, họ thông chuyển sức sống ấy cho những người khác nhờ những sứ vụ riêng của mình. Có Chúa trong mình, người Kitô hữu sẽ đến với thế giới với một phong thái mới, tinh thần mới, chất men mới. Nhờ họ, thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn, vì Thiên Chúa tiếp tục “nhập thế” bằng con đường của các Kitô hữu của Ngài. Amen.