“CỨ ĐỂ LÚA VÀ CỎ LÙNG CÙNG LỚN LÊN CHO TỚI MÙA GẶT”
(Mt 13,24-43)
Tùng Linh, Phước Lý
Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta ba dụ ngôn: Dụ ngôn cỏ lùng, dụ ngôn hạt cải, dụ ngôn men trong bột. Tuy nhiên, chúng ta chỉ xét đến dụ ngôn cỏ lùng. Đọc dụ ngôn cỏ lùng, chúng ta tự hỏi, ông chủ này có biết nghề nông, nhất là nghề trồng lúa thế nào không khi cho cỏ lùng sống chung với lúa suốt mùa cho đến mùa gặt? Vì cỏ lùng là loại cỏ dại, nó sẽ ăn hết phân, hết đất và bóp nghẹt cây lúa. Tuy nhiên, điều nghịch lý của con người là điều thiện hảo của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu, Người là Đấng giàu lòng thương xót.
Dụ ngôn là một nét đặc trưng của Kinh Thánh, bởi vì Chúa Giêsu thường sử dụng dụ ngôn để minh họa các giáo huấn của Ngài, với các hình ảnh thực tế ngay trong đời sống thường nhật nhưng mang ý nghĩa cao siêu thuộc thượng giới. Ngài ưa dùng dụ ngôn, có lẽ vì loại văn này độc đáo. Thật vậy, Kinh Thánh xác nhận: “Ngài không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn” (Mt 13,34; Mc 4,34). Trong các Phúc Âm Nhất Lãm, có khoảng 35 dụ ngôn.
Mở đầu dụ ngôn, Chúa Giêsu nói: Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: ‘Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?’ Ông đáp: ‘Kẻ thù đã làm đó!’ Đầy tớ nói: ‘Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?’ Ông đáp: ‘Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi (Mt 13,24-30).
Theo giải thích của Chúa Giêsu, người gieo giống tốt là Con Người, qua đó Người ám chỉ chính Người là người được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian gieo hạt giống tốt vào cánh đồng ruộng của thế gian, và hạt giống tốt đó là con cái Nước Trời. Khi mọi người đang ngủ thì kẻ thù đến gieo cỏ lùng vào ruộng lúa. Chúa Giêsu giải thích kẻ thù đó không ai khác chính là ma quỷ và cỏ lùng đó chính là con cái ác thần.
Khi lúa mọc lên thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ thấy thế liền nói với ông chủ: “Ông có muốn chúng tôi ra nhổ cỏ lùng và gom lại không?”. Đầy tớ ở đây Chúa Giêsu không giải thích cho chúng ta biết đó là những người nào, chứng tỏ người đầy tớ được hiểu theo nghĩa rất rộng và phong phú. Khi nghe các đầy tớ trình bày phương án diệt cỏ lùng để cứu lúa, ông chủ liền nói: “Các anh đừng làm như thế, sợ rằng khi nhổ cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa” (Mt 13,29). Qua lời này của ông chủ, chúng ta có thể hiểu là cỏ lùng là loài cỏ dại, có hình dạng rất giống cây lúa, có thể một cách vô tình chúng ta không để ý có thể nhổ lúa thay vì nhổ cỏ lùng. Khi nói về điều này, tôi nhớ rất rõ, năm 2000 khi tôi bắt đầu sống trong đan viện, tôi được sai đi làm ruộng, cụ thể là nhổ cỏ lúa, cụ thể hơn nữa là nhổ cỏ lùng. Tôi lội xuống ruộng và cần mẫn nhổ. Có một thầy khác đi ngang thấy tôi đang làm liền nói, sao em lại nhổ hết lúa lên vậy. Lúc này tôi mới để ý là cỏ lùng giống y như lúa, cho nên thay vì nhổ cỏ tôi đã nhổ lúa. Thầy dạy cho tôi cách phân biệt giữa lúa và cỏ lùng, cỏ lùng có gốc trắng hơn cây lúa. Tuy nhiên tôi cũng tiếp tục lầm lẫn, vì khi quan sát thật kỹ mới có thể phân biệt được. Và cũng có thể hiểu lời của ông chủ là do rễ của cỏ lùng cùng bám đất chung với rễ lúa, khi nhổ cỏ lùng lên thì lúa cũng sẽ bị bật gốc, trong câu chuyện trên tôi cũng gặp trường hợp thứ hai như thế này.
Giải pháp của ông chủ đưa ra là cứ để cỏ lùng và lúa cùng lớn lên cho tới mùa gặt. “Công cuốc, công cày là công bỏ; công làm cỏ mới là công ăn”. Làm cỏ là một khâu không thể xao nhãng trong nghề nông. Gieo trồng mà không làm cỏ thì chắc chắn “xôi hỏng, bỏng không”; “mất cả chì lẫn chài”. Ngay cả chút “giống” bỏ ra cũng chẳng mong thu lại được, nếu không chịu làm cỏ[1]. Một giải pháp thất thu rất lớn đối với ông chủ. Vì cây lúa sẽ kém phát triển và đem lại sản lượng rất thấp cho mùa gặt.
Ta thử nhân cách hóa cây lúa và cỏ lùng thì vấn đề sẽ được hiểu như thế nào? Lúa được hiểu như những người tốt, cỏ lùng được hiểu như những người xấu. Theo như ý các đầy tớ thì phải tiêu diệt hết những người xấu để những người tốt phát triển lên. Theo như ý ông chủ, cũng là Thiên Chúa đầy lòng thương xót, nhân hậu từ bi, đầy lòng trắc ẩn thì cứ để người xấu và người tốt sống chung với nhau, cùng tồn tại và phát triển đến thời cánh chung, Thiên Chúa sẽ sai những thợ gặt là các thiên thần tách biệt những người tốt và những người xấu, người tốt sẽ được hưởng phước đời đời, người xấu sẽ bị quăng vào lửa đời đời.
Sở dĩ Thiên Chúa muốn cho những người xấu cũng tồn tại với những người tốt là vì Người yêu thương người lành, kẻ dữ như nhau: “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45). Người muốn những người xấu cùng tồn tại với những người tốt là vì Người muốn những người xấu có cơ hội sám hối để trở thành những người tốt. Bởi vì Chúa không muốn thấy kẻ dữ phải diệt vong nhưng muốn nó trở thành người tốt. Người chờ nơi họ lòng thống hối để được thứ tha (x. Rm 2,4). “Thiên Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (x. Ed 18,23). Người kiên nhẫn đợi chờ vì Người là Đấng hoàn thiện, là Cha từ nhân, Đấng chậm bất bình và rất mực khoan dung.
Qua hình ảnh cỏ lùng sống chung với lúa, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, trên thế gian này, thiện và ác lẫn lộn với nhau, nên ta không thể nào tách biệt được lúa với cỏ lùng, cũng như khử trừ mọi điều dữ được[2]. Chỉ mình Thiên Chúa mới tỏ tường đâu là lúa, đâu là cỏ lùng. Chỉ có Chúa mới là Đấng thấu tỏ mọi bí ẩn tâm can con người, và Người kiên nhẫn chờ đợi đến ngày cánh chung.
Có một chi tiết chúng ta cần chú ý, là ma quỷ đã sai những đầy tớ của nó gieo những hạt cỏ lùng vào ruộng lúa. Vậy những người đầy tớ đó là ai? Cũng như các đầy tớ của ông chủ ruộng, đầy tớ của ma quỷ cũng được hiểu rất rộng và phong phú.
Đầy tớ của ông chủ cũng được hiểu là mỗi người chúng ta, đầy tớ của ma quỷ cũng có thể được hiểu là mỗi người chúng ta. Vì đường phân chia giữa thiện và ác đi qua trong tâm hồn mỗi người chúng ta[3], và ranh giới giữa con cái Thiên Chúa và con cái của ma quỷ thật mong manh, như Luxiphe là một thiên thần của Thiên Chúa nhưng vì kiêu ngạo bất tuân đã trở thành ma quỷ. Và Chúa Giêsu cũng cảnh báo mỗi người chúng ta, anh em đừng làm tôi hai chủ, thà gắn bó với chủ này mà khinh dễ chủ nọ, anh em đừng vừa làm tôi Thiên Chúa vừa là tôi ma quỷ.
Như đã nói ở trên, chúng ta làm đầy tớ của ma quỷ khi chúng ta được nó sai đi, hay nói cách khác chúng ta tự nguyện cộng tác với ma quỷ để gieo hạt cỏ lùng vào ruộng lúa tốt của anh chị em mình. Có thể hiểu chính xác hơn khi dựa vào giáo huấn của Chúa Giêsu, anh em đừng làm cớ cho ai vấp phạm, ai làm cớ cho người khác vấp phạm thì buộc cối đá vào cổ nó mà ném xuống biển. Nhiều khi xét lại mình, tôi cũng thấy mình đã nhiều lần làm cớ cho người khác vấp phạm. Tôi đã khiến cho người tốt trở thành người không tốt. Đó là tôi dụ dỗ người khác vào con đường xấu của nhậu nhoẹt, chơi bời, chống đối, v.v…
Cũng như các đầy tớ của chủ ruộng, nhiều khi chúng ta cứ tưởng mình có chuyên môn sâu rộng và sẵn sàng đưa ra những đề nghị “bóp chết” người khác. Nhưng không, Chúa không muốn chúng ta làm như thế! Chúa muốn một điều khác hơn, mà chúng ta muốn biết điều đó là gì thì hãy bình tâm suy xét cẩn thận cùng với lời cầu nguyện.
Đọc dụ ngôn cỏ lùng, chúng ta cần phải có thái độ khoan dung và kiên nhẫn đối với những người tội lỗi. Cỏ lùng trong ruộng thì luôn là cỏ lùng, nhưng con người xấu có thể biến đổi trở thành con người tốt, tội nhân có thể trở thành thánh nhân. Vì thế, chúng ta cũng phải làm gì đó để xóa tan “cỏ lùng” nơi những người đang sống xung quanh chúng ta.
Thánh Augustinô nói: “Kẻ dữ người lành đều là con cái Chúa, được Chúa thương yêu tất cả, chúng ta cũng phải thương yêu nhau và phải có thái độ khoan dung”. Thánh Phaolô cũng căn dặn rằng: “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,12-14).
______________________
[1] www.mtgthuduc.net, Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
[2] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tin Mừng Chúa Nhật Năm A, p 227.
[3] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tin Mừng Chúa Nhật Năm A, p 228.