KHO TÀNG ĐÍCH THỰC
(1V 3,5.7-12; Rm 8,28-30; Mt 13,44-52)
Đan Viện Phước Hải
Truy tìm kho tàng là một trong các nội dung hấp dẫn và được khai thác nhiều trong điện ảnh, gameshow cũng như trong các hình thức giải trí khác. Điều này cho thấy tâm lý chung của con người ai cũng thích kho tàng và muốn có được kho tàng bằng mọi giá, dù phải trải qua vất vả, nguy hiểm, khó khăn. Có nhiều loại kho tàng khác nhau, và điều gì người ta thao thức kiếm tìm thì đó chính là kho tàng đối với họ. Lời Chúa trong Chúa Nhật XVII Thường niên hôm nay trình bày cho chúng ta về Kho Tàng đích thực mà mọi người đáng ước mong.
Bài đọc 1 (1V 3,5.7-12): Kho tàng của sự khôn ngoan
Vị vua trẻ của Israel, Salômôn vừa mới lên ngôi với nhiều băn khoăn, thao thức. Đức Chúa hiện đến với ông trong giấc mộng và phán: “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho” (1V 3,5b). Tựa như Lọ Lem gặp ông Bụt, Aladin gặp Đèn Thần. Salômôn liền chớp lấy cơ may có một không hai này: “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái” (1V 3,9a). Tuy trẻ người nhưng không non dạ như ông nghĩ, ta thấy Salômôn có một ước mong rất chín chắn, đáng là vị minh quân của Israel.
Lời nguyện xin của vua làm đẹp lòng Thiên Chúa vì nó không ích kỷ cho riêng mình mà vì ích chung cho toàn dân. Vua không xin sống thọ, của cải giàu sang, hay mạng sống quân thù như các bậc quân vương khác hằng mong đợi mà chỉ xin có được ơn biện phân sáng suốt. Và Chúa đã đáp lời ông: “Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp” (1V 3,12).
Salômôn đã biểu lộ một sự khôn ngoan hơn người khi chọn cho mình một kho tàng cao quý trổi vượt mọi kho tàng xoàng xĩnh khác của thế gian. Ơn biện phân không phải dễ dàng có được nếu không phải bởi ơn trên. Salômôn là vị hoàng đế gần nhất với thánh vương David, thân phụ ông, vì thế “gần đèn thì sáng”, có lẽ ông đã học được nơi tiên đế lòng kính sợ và tín thác vào Thiên Chúa. Trong tương quan với dân, ông không đứng ở vị thế của kẻ thống trị toàn quyền, nhưng là trung gian giữa Thiên Chúa và dân nên mới gọi dân là dân của Chúa chứ không phải dân của mình (x. 1V 3,9).
Lòng khiêm tốn của Salômôn đẹp lòng Chúa, nên Chúa ban cho vua hơn cả những gì vua đã xin: đất nước hòa bình, yên ổn, hưng thịnh, sạch bóng quân thù… Lịch sử Israel, thời kì hưng thịnh nhất là dưới triều của Salômôn. Vào cuối đời, do yếu đuối, lòng vua ngả theo các bà vợ ngoại đạo mà bất trung với Thiên Chúa, nhưng vị nể cha ông là David, Thiên Chúa chỉ giáng phạt dòng họ của ông sau khi ông đã lìa đời. Nhưng Thiên Chúa vẫn trung tín với lời Ngài hứa, sau Salômôn, không ai được khôn ngoan như ông.
Bài đọc 2 (Rm 8,28-30): Đức Giêsu – Con đường dẫn đến kho tàng và là chính kho tàng
Thiên Chúa là Đấng rộng rãi và quảng đại muốn ban tặng kho tàng quý giá cho những ai yêu mến Người: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28a). Không như các vị vương bá trần gian chỉ chăm lo cất giữ kho tàng của cải của mình vì sợ người khác lấy trộm mất. Họ lo lắng như vậy là phải, bởi kho tàng của họ chỉ giới hạn và có thể bị hao hụt hay hư hại, còn Thiên Chúa giàu có vô biên làm chủ thứ kho tàng bất tận, bất hoại và muốn ban phát rộng rãi cho những ai thực sự muốn chiếm hữu thứ kho tàng giá trị đó. Như vậy, do lòng nhân hậu và thương yêu, Thiên Chúa chủ động “khoe” kho tàng cho con người trước khi con người muốn có kho tàng.
Đâu là con đường dẫn tới kho tàng? “Những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người” (Rm 8,29a). Nhiều người cảm thấy e ngại với ơn tiền định vì cho rằng mọi sự đã nằm sẵn trong sự an bài của Thiên Chúa kể cả ơn cứu độ. Nếu như vậy thì con người đâu còn tự do nào để chọn lựa, và đâu cần gì phải hy sinh phấn đấu chi cho mệt? Sự thực, Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ, đó chính là ý định từ đầu, sự tiền định của Thiên Chúa. Nhưng chỉ những ai được kêu gọi biết đón nhận mặc khải và tin yêu Thiên Chúa qua Con một của Người là Đức Giêsu Kitô và nên đồng hình đồng dạng với con của Người mới xứng đáng hưởng ơn cứu độ. Do đó, những ai Thiên Chúa đã biết từ trước và tiền định cho hưởng kho tàng cứu độ chính là những người yêu mến và noi gương Đức Giêsu. Như vậy, Đức Giêsu chính là kho tàng quý giá mà Chúa Cha muốn ban tặng cho nhân loại và cũng là con đường dẫn ta tới kho tàng đích thực là Nước Trời.
“Những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính…cho hưởng phúc vinh quang” (Rm 8,30). Ta thấy Thiên Chúa luôn ở thế chủ động kêu gọi, hướng dẫn và đề ra chương trình, chỉ vẽ con đường cho con người tìm đến kho tàng ơn cứu độ, vì biết rằng tự sức chúng ta chẳng thể làm được gì nên chúng ta phải luôn tin tưởng và tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa đối với đời mình.
Tin mừng (Mt 13,44-52): Cái giá phải đánh đổi cho kho tàng đích thực
Kho tàng đích thực đang dần được hé lộ và rõ ràng hơn dưới sự mặc khải và giáo huấn của Đức Giêsu: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng, …như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đep. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (x. Mt 13,44-45).
Kho tàng dù được phát hiện do vô tình bắt gặp nhờ lòng quảng đại của Thiên Chúa hoặc do con người cố công bỏ sức tìm kiếm chăng nữa thì sau đó phải có một quyết định và hành động dứt khoát, không chần chừ kẻo cơ hội vuột mất. Đó chính là phải trả giá, phải đánh đổi bằng những thứ khác cũng có giá trị lớn nhất đối với mình lúc đó, hoặc đòi hỏi gắt gao hơn là đánh đổi bằng tất cả mọi sự mình đã có, đang có, và có thể sẽ có. Phải đổi kho tàng dưới đất để lấy kho trên trời, đừng như chàng thanh niên giàu có nọ muốn có sự sống đời đời làm gia nghiệp nhưng không chịu từ bỏ của cải anh đang có để theo Chúa (x. Mc 10,17-27).
Để có sự đánh đổi tương xứng, con người cần xin Thiên Chúa ơn biện phân khôn ngoan như Salômôn để biết mình nên làm gì và làm như thế nào cho đúng, cho đẹp, cho hợp ý Chúa kẻo tốn công lại mất cả chì lẫn chài.
“Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá… người ta nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài” (Mt 13,47.48). Chính chọn lựa và định hướng sống của ta lúc này quyết định cho tương lai của ta mai sau.
“Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” (Mt 13,51a) Câu hỏi này, Chúa Giêsu như nhằm cảnh tỉnh những ai đang nghe Người giảng rằng, đây là một bài giảng quan trọng cần được nắm bắt để thực thi cho đúng nhằm đạt được sự sống vĩnh cửu, chính là kho tàng đích thực.
Lạy Chúa, giữa bao nhiêu sự hấp dẫn ở đời này, xin cho chúng con biết chọn lựa và tìm kiếm kho tàng đích thực chỉ có được nơi Chúa. Amen.