Thứ bảy, 5 Tháng mười, 2024

CŨ QUA MỚI TỚI – CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM C

 

CŨ QUA MỚI TỚI

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM C

            Đan Viện Phước Hải

Chúng ta đã đi được hơn một nửa Mùa Chay Thánh và gần bước vào tuần lễ Vượt Qua, tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa. Lời mời gọi cải biến con người cũ để mặc lấy con người mới trong Đức Kitô càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Cuộc đời của Kitô hữu là một cuộc lữ hành, vượt qua đời này để tiến về đời sau, đòi hỏi phải luôn đi tới, phải đổi mới, canh tân mỗi ngày, phải nhảy theo nhịp điệu hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, vì thế chúng ta không được phép ù lì, ươn ái hay dậm chân tại chỗ. “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu.(Rm 13,12)

Đoạn trích sách Giôsuê mà chúng ta đọc hôm nay đánh dấu một cuộc đổi mới trong hành trình của Israel: “Hôm nay Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Ai Cập… Con cái Israel đóng trại ở Ghingan và cử hành lễ Vượt Qua…hôm sau, họ đã dùng thổ sản trong xứ.” (Gs 5,9a.10-12). Israel đã chấm dứt cuộc xuất hành khỏi Ai Cập và đã vào Đất Hứa bình an, chấm dứt cuộc sống du mục để an cư lạc nghiệp. Họ không còn làm nô lệ cho ngoại bang nhưng được trở thành những con người tự do, con cái của Thiên Chúa. Chúng ta cũng cần có cuộc xuất hành, vượt qua chính mình, vượt qua những thói hư tật xấu, những tệ lậu, những dục vọng thấp hèn, những kiêu căng ngạo mạn, dối trá, đen tối trong ta để trở về hoà giải với Thiên Chúa và tha nhân “Chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa.” (2Cr 5,20b) Để nhờ được hoà giải với Thiên Chúa, chúng ta có được sự đổi mới là cuộc đời công chínhvà sự sống đời đời trong Đức Kitô: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2Cr 5,21)

Qua nội dung các bài đọc hôm nay, chúng ta nhận ra rằng để có thể đổi mới chúng ta cần bước vào con đường hoán cải và từ bỏ; từ bỏ nẻo xưa lối cũ, cải đổi cuộc sống hiện tại để thi hành điều Chúa muốn đối với mình. Dân Israel phải từ bỏ Ai Cập và các ngẫu tượng của nó để vào Đất Hứa cùng với Thiên Chúa của mình; con người cần trở nên thọ tạo mới nhờ hoà giải với Thiên Chúa và kết hợp với Đức Kitô, như vậy: “Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi.” (2Cr 5,17). Hẳn nhiên muốn có cái mới phải chấp nhận bỏ cái cũ đi. Một khi đã muốn vào Đất Hứa là vùng đất tràn trề sữa và mật như lời Thiên Chúa hứa thì đừng có tiếc nuối củ hành, củ tỏi, dưa gang, dưa bở ở Ai Cập nữa. Bài Tin Mừng cũng mô tả cho ta về cuộc hoán cải của một người con, đại diện cho nhân loại trở về với cha mình là chính Thiên Chúa. Câu chuyện được Đức Giêsu kể là một câu chuyện bất hủ của mọi thời, câu chuyện hay nhất trong Tin Mừng, câu chuyện có một không hai chỉ thấy ở Tin Mừng Luca mà thôi. Câu chuyện này hay và đáng quý ở chỗ nó đã bộc lộ rõ nét khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa là Đấng giàu tình thương và hay tha thứ…

Mở đầu đoạn Tin Mừng là một câu gây ấn tượng: “Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng.” (Lc 15,1). Điều này gây khó chịu cho những người Pharisêu và kinh sư khiến họ phải xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” (Lc 15,2). Thái độ của họ cũng dễ hiểu thôi, vì Đức Giêsu là một bậc thầy nổi tiếng, Người có uy quyền trong cả lời nói với việc làm, được mọi người ngưỡng mộ vậy mà lại đi giao du với bọn tội lỗi thì quả là khó chấp nhận với não trạng của Do Thái giáo là tách biệt ô uế và thanh sạch, hơn nữa ai mà chẳng biết cái định luật của cuộc sống là “Gần mực thì đen, ngưu tầm ngưu mã tầm mã” dù là dân tộc nào đi chăng nữa,chẳng lẽ Đức Giêsu lại không biết đến chuyện này, chẳng lẽ Ngài lại không sợ bị ô uế bởi đám người tội lỗi đó khi hạ mình xuống để làm bạn với họ? Cái ông Giêsu này cư xử thật kỳ quặc, thật không giống với bất kỳ bậc thầy nào ở trong Israel.

Hẳn nhiên là trong đám đông những người đi theo Đức Giêsu không phải chỉ có những người thu thuế và tội lỗi không mà còn có đủ loại người khác nhau, nhưng Đức Giêsu lại có sức thu hút đặc biệt đối với loại người này và Ngài cũng tỏ lòng ưu ái đặc biệt đến họ “Người khoẻ không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”(Lc 5,31). Sở dĩ Đức Giêsu có sức thu hút đám người tội lỗi bởi vì ‘Đói thì ăn, khát thì uống’, Ngài có thể thoả mãn cơn đói khát của họ, đói khát sự công chính, sự lương thiện, thiếu gì thì bù nấy. Điều mà các người Pharisêu và kinh sư không thể cho họ vì sợ ô uế thì chính Đức Giêsu đã cho họ niềm hy vọng được đổi đời như trường hợp của anh chàng Giakêu ở Giêrikhô. Nếu Chí Phèo của Nam Cao mà sống cùng thời với Đức Giêsu thì có lẽ anh cũng hoà vào đám đông mà vui vẻ làm môn đệ của Đức Giêsu chứ không phải chết tức tưởi như vậy.

‘Không vào hang cọp thì làm sao bắt được cọp con’. Đức Giêsu biết rất rõ việc mình lân la qua lại với những người tội lỗi sẽ gây dư luận đàm tiếu và nhiều điều phiền phức bởi tầng lớp giáo sĩ Do Thái giáo. Nhưng tư tưởng Thiên Chúa thì không như tư tưởng loài người. Bất chấp sự chống đối của những kẻ có máu mặt, Ngài thản nhiên thi hành sứ mệnh với dáng vẻ của một bông Sen “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Nhưng để tỏ ra tôn trọng giới Pharisêu và kinh sư là những bậc vị vọng trong dân và cũng là để có thể hoán cải vài người trong số họ chăng, nên Đức Giêsu mới kể cho họ nghe dụ ngôn này. Dụ ngôn người Cha nhân hậu, đại diện cho Thiên Chúa, một người cha đau khổ vì yêu.

Một người cha có hai đứa con trai, đứa con thứ thì ăn chơi chác táng, hoang đàng. Chưa đợi cha chết đã đòi chia gia tài để trẩy đi xa ăn chơi, phung phí ngoài tầm kiểm soát của cha. Đến khi xa cơ lỡ vận, tiền cũng hết, mà bạn cũng chẳng còn. Trong cảnh cùng cực, cô thân cô thế, không còn chỗ nào để dựa thì anh phải tự lực cánh sinh, hạ mình đi chăn heo cho một kẻ ngoại đạo. Nhục nhã thay, anh đói đến độ muốn ăn đậu muồng của heo mà cũng không ai cho ăn. Tiền mất, tình mất, nhân phẩm cũng mất, mạng sống cũng đang bị đe doạ. Trong lúc thấy mình đã mất hết mọi sự, thấm thía nỗi khổ, nỗi nhụccuộc đời thì anh bỗng nhớ tới là mình vẫn còn có một người cha với mái nhà sung túc, có kẻ ăn người ở với cơm dư gạo thừa… Anh đã chuẩn bị một bài diễn văn cảm động với ước muốn quay về mái nhà ấm áp ấy. Một điều ngạc nhiên, quá sức mong đợi “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra, ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để” (Lc 15, 20), và không đợi anh nói hết lời, người cha còn cắt ngang lời anh để hối thúc gia nhân: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (Lc 15,22-24)

Đây là hình ảnh đẹp nhất của câu chuyện và làm nên giá trị của câu chuyện. Nếu là một người cha bình thường thì có lẽ ông đã mang chổi ra mà đánh đuổi đứa con ngỗ nghịch, bất hiếu, phung phá gia sản của gia tộc; “Thương thì cho roi cho vọt”, trước khi cho vào nhà thì phải dạy cho nó một trận nên thân mới được. Nhưng ông đã không hành động như vậy, thoáng thấy nó từ xa, không đợi nó tới xin lỗi, không hề tỏ ra một chút tức giận, hình như ông chẳng còn nhớ tới tội xưa lỗi cũ của nó nữa. Không màng giữ thể diện và phong thái của một người cha, người chủ trong nhà, ông vội vàng chạy ra ôm nó mà hôn, không phải hôn một cái mà hôn tới tấp, hôn như chưa bao giờ được hôn nó vậy. Ồ lạ thật, tình yêu đã làm cho con người quên mất bản thân, quên đi cái thể diện và địa vị của mình để hạ mình xuống với kẻ mình yêu, tình yêu đã làm cho người ta hoá ra hồn nhiên, đơn sơ như trẻ nhỏ, cũng chính tình yêu khiến người ta dễ quên, quên đi những lỗi lầm thiếu sót của nhau, “Yêu nhau củ ấu  cũng tròn” là vậy. Không cần ra việc đền tội, cũng chẳng cần một hình thức khắt khe nào để thử thách lòng thành của đứa con hoang đàng, ông chủ liền khôi phục phẩm giá, nhân cách và sự tự do cho cậu bằng cách bảo gia nhân mang nhẫn, mặc áo đẹp và xỏ giày cho cậu. Tình yêu đã khiến ông không màng đến những lời đàm tiếu và dèm pha có thể đã hình thành trong dư luận, nhất là từ chính đứa con trai cả, đứa con mà ông vẫn nghĩ nó thương ông và trung thành với ông. Nhưng thực ra nó chỉ thương bản thân nó, thương cho cái quyền gia trưởng và quyền lợi mà nó sẽ được hưởng trọn vẹn khi thằng em phung phá vừa rời khỏi nhà. Và khi nó trở về thì anh đâm lo, càng đáng lo hơn khi anh thấy cha mình tỏ ra quá nhân từ với đứa em. Sự phẫn nộ của anh lúc này đã bộc lộ chân tướng giả hình của anh bấy lâu, và anh bắt đầu kể công với cha:“Đã bao nhiêu năm trời hầu hạ cha, chẳng bao giờ trái lệnh…”(Lc 15,29). Thật tội nghiệp cho người cha già, đúng là “cha mẹ thương con vô bờ, vô bến, còn con nuôi cha mẹ thì kể tháng kể ngày”. Có đứa con trai mà ông cứ lầm tưởng nó ở gần ông, trung thành với ông nhưng thực chất nó lại ở xa ông và không hiểu ông. Chính sự đố kỵ với người em đã bộc lộ con người tính toán, hẹp hòi của anh.Hình ảnh người con trai cả là ẩn dụ cho các kinh sư, biệt phái, những ai tự cho mình là công chính, lương thiện mà khinh khi, dè bỉu kẻ khác.

Hình ảnh của cả hai người con đều tồn tại trong mỗi người chúng ta, có lúc ta hoang đàng, tội lỗi như con thứ làm Chúa buồn, cũng có lúc ta lại tỏ ra công chính thánh thiện cách phô trương mà xa cách đồng loạinhư người con cả cũng làm Chúa buồn. Còn Thiên Chúa là người cha chỉ biết yêu, yêu và đau khổ vì yêu mà vẫn yêu. Ông không chỉ hạ mình đối với người con trai nhỏ khi ngày ngày ra đường trông ngóng nó về, nên thoáng thấy bóng nó ông đã lao ra để ôm, hôn nó, và tha thứ cho nó trước khi nó ngỏ lời xin lỗi ông. Mà đối với người con cả cũng thế, anh giận dỗi không chịu vào nhà thì ông lại phải xuống nước, hạ mình một lần nữa ra cửa để năn nỉ anh: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,31-32)

Người cha tuyệt vời đó chính là Thiên Chúa của chúng ta đó các bạn. Ngài yêu thương từng người trong chúng ta và không muốn mất một đứa con nào. Thiên Chúa luôn yêu thương, nhân từ và kiên nhẫn với chúng ta, nhưng không vì thế mà ta ỷ lại hay chần chừ, lần lữa quay về với Người. Mùa Chay Thánh là mùa Thiên Chúa thi ân, và nó đang trôi qua rất nhanh nếu chúng ta không ý thức sửa mình và sống kết hợp với Thiên Chúa thì ta sẽ lại đánh mất cơ hội một lần nữa. Thiên Chúa đang chờ đợi ta như người cha đợi con trở về, nào ta hãy đứng lên và đi về với Người.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nữ Đan Viện Phước Hải: 47 năm hiện diện trên vùng đất Bãi Dâu, Vũng Tàu

Kỉ niệm Khai Sinh Nữ Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Phước Hải (1976_25-12_2023)   Hôm nay, cả trái đất mừng rỡ reo hò vì giữa...

Tu trào đan tu (phần kết)

DÒNG XITÔ   Cuộc cải tổ của Dòng Cluny (910) đã đem lại cho Giáo hội nói chung và đan tu nói riêng nhiều sức...

Những tượng Chúa Kitô Vua lớn nhất trên thế giới

  NHỮNG TƯỢNG CHÚA KITÔ VUA LỚN NHẤT TRÊN THẾ GIỚI   1.Tượng Chúa Kitô Cứu Thế ở Rio de Janerio – Brazil   Tượng Chúa Kitô Cứu...

HÌNH ẢNH ĐAN VIỆN PHƯỚC HẢI

      NHÀ TĨNH TÂM LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT   HÌNH CỘNG...

LƯỢC SỬ NỮ ĐAN VIỆN XI-TÔ THÁNH MẪU PHƯỚC HẢI

    LƯỢC SỬ NỮ ĐAN VIỆN XI-TÔ THÁNH MẪU...

MỪNG LỄ SINH NHẬT ĐỨC MẸ (Phước Hải)

  MỪNG LỄ SINH NHẬT ĐỨC MẸ  Khai sinh và...

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ TA-PAO (Phước Hải)

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ TA-PAO      Ngày lễ suy tôn...

HÌNH ẢNH CỘNG ĐOÀN

      ...

ĐỨC TỔNG PHỤ VIẾNG THĂM ĐAN VIỆN PHƯỚC HẢI

   Hồng Ân Thiên Chúa Bao la Muôn đời con...

Một số hình ảnh TAM NHẬT THÁNH (Nữ Đan viện Phước Hải)

TAM NHẬT THÁNH Tam nhật Thánh là cao điểm...