Thứ Tư, 25 Tháng 6, 2025

CÙNG CHÚA GIÊSU BƯỚC VÀO CUỘC THƯƠNG KHÓ

CHÚA NHẬT LỄ LÁ – NĂM A

(Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mt 26,14-27,66)

CÙNG CHÚA GIÊSU BƯỚC VÀO CUỘC THƯƠNG KHÓ

(M.Benado) 

Hôm nay, Giáo hội bắt đầu bước vào tuần thánh, một tuần lễ trọng đại nhất trong năm phụng vụ và Chúa nhật lễ Lá là Chúa Nhật khởi đầu cho cuộc thương khó của Chúa. Với các bài đọc Lời Chúa hôm nay, Giáo hội muốn cho mỗi người chúng ta chiêm ngắm cuộc thương khó của Chúa Giêsu một cách tổng thể dưới hai khía cạnh lịch sử và đức tin.

  1. Hình ảnh người tôi trung đau khổ

Qua bài đọc thứ nhất hôm nay trích từ sách ngôn sứ Isaia (chương 50,4-7), đây là một trong bốn bài ca miêu tả người tôi tớ của Giavê Thiên Chúa. Xưa nay trong truyền thống Kitô giáo, luôn xem hình ảnh người tôi tớ Giavê như ám chỉ một sự hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa, trung thành với thánh ý Thiên Chúa cho dù phải chịu bắt bớ, tù đày và đau khổ.

Mặt khác, trong các khoa chú giải Kinh Thánh, hình ảnh người tôi tớ Giavê cũng được đồng hóa theo nhiều hoàn cảnh khác nhau: có khi đó là hình ảnh Isaia, khi thì hình ảnh của Giêrêmia, khi khác là hình ảnh Đấng Cứu Thế toàn dân Israel. Tuy nhiên, trong Isaia II (chương 40-55) lại đề cập đến cảnh sống lưu đày bên Babylon của dân Israel. Dó đó, có thể bài ca này cũng đề cập đến cảnh sống đầy khổ ải, nỗi khổ nhục thê thảm nơi cảnh lưu đày của dân tộc này: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50,6). Tất cả hình ảnh trên đây diễn tả cảnh sống nhục nhã, bị khinh miệt và khổ đau mà dân Israel phải chịu trong thời lưu đày. Họ mất hết nhân phẩm, bị khinh rẻ như một kẻ tử tù.

Những hình ảnh của tôi tớ Giavê đau khổ đó đã tiên báo trước cuộc khổ nạn của chính Chúa Giêsu. Trong thời Tân Ước, người tôi tớ đau khổ ấy là hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế chịu khổ nạn, chịu đóng đinh và chịu chết trên cây thánh giá. Thánh giá là dấu chỉ của ơn cứu độ và ơn thánh Ngài ban cho con người. Chúa Giêsu đã hoàn toàn vâng phục và trung thành bước trọn con đường thương khó; đó là chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha. Nên Ngài sẵn sàng chấp nhận mọi đau khổ và cái chết nhục nhã trên thánh giá. Qua đó, Ngài dạy cho chúng ta biết ý nghĩa và giá trị ơn cứu độ.

Hình ảnh người tôi tớ đau khổ trong thời Cựu Ước cũng được Thánh Phaolô tiếp tục quảng diễn trong bài đọc hai trích từ thư Philiphê (chương 2,6-11). Hình ảnh người tôi tớ đau khổ bây giờ không còn phải là dân Israel bị lưu đày, hay bất cứ ngôn sứ nào khác, nhưng chính là Đức Giêsu Kitô. Đây có thể được coi là bài ca thương khó của Giáo hội nói lên tất cả mầu nhiệm tự hủy của Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Khi nhập thể làm người, Đức Giêsu đã làm trọn thánh ý của Thiên Chúa Cha với thân phận phàm nhân. Điều đó trái ngược với nguyên tổ loài người, khi ông bà Ađam và Evà đã kiêu ngạo từ chối địa vị thụ tạo của mình để muốn trở thành Thiên Chúa. Vì thế, nguyên tổ loài người đã phá hủy chương trình Thiên Chúa đối với loài người ngay trong thời tạo dựng (x. Rm 5,15). Ngược lại, từ địa vị Thiên Chúa, Đức Giêsu đã tự hạ mình làm người, chấp nhận khổ nhục y như một tên nô lệ, một người tôi tớ để trao ban cho loài người cả ngai vàng con Thiên Chúa. Con đường Chúa Giêsu đã đi là con đường của khổ đau và thập giá, là con đường của khiêm hạ và hy sinh; dưới cái nhìn của loài người thì đó là một thất bại. Nhưng đó lại là con đường duy nhất dẫn đến ơn cứu độ, đúng như lời tác giả thư Do thái đã khẳng định: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,7-9).

  1. Những chặng đường thập giá đau thương

Chúng ta đã nghe hoặc được đọc bài Thương Khó nhiều lần và hầu như đều đã biết được những gì xảy ra trong đó. Thế nhưng, để chiêm ngắm một cách sâu xa về các chặng đường thương khó đó, có lẽ chúng ta còn nhiều thiếu sót. Vì thế, trong ngày Lễ Lá năm nay, chúng ta cố gắng dừng lại lâu hơn để suy gẫm một vài chặng đường thương khó của Chúa Giêsu để thông phần với những đau khổ của Ngài.

– Bữa tiệc vượt qua đầy đau thương (Mt 26,17-29)

Dẫu biết rằng kế hoạch của Chúa Cha đã có từ trước. Để ban ơn cứu độ cho nhân loại, Ngài đã sai chính Con Một đến chịu khổ hình và chịu chết trên thập giá. Nhưng đứng về khía cạnh con người, chúng ta nhận thấy được nỗi đau thương của Chúa Giêsu khi phải chứng kiến những người môn đệ thân tín phản bội lại chính mình. Có thể nói, trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã rất đau khổ và giằng xé nội tâm, khi Ngài phải nói lên tất cả sự thật về sự phản bội của môn đệ Giuđa, hay những bất trung của các môn đệ khác: “Thầy bảo thật, một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Mt 26,21). Nghe tin ấy, ai cũng muốn rằng kẻ nộp Thầy không phải là mình, cho nên mọi người lần lượt hỏi Chúa: “Thưa Thầy, Chẳng lẽ con sao?” (Mt 26,22). Chúa Giêsu không trả lời dứt khoát và chỉ rõ tên, nhưng Ngài đã ám chỉ qua câu nói: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy” (Mt 26,23). Qua đó, Ngài để cho các môn đệ tự vấn lương tâm, và nhiều môn đệ đã nói “thưa Thầy, chẳng lẽ con sao”? Và ngay cả chính Giuđa, kẻ phản bội nộp thầy cũng nhẫn tâm thưa lên điều đó.

Các môn đệ đã đi theo Thầy bao nhiêu năm, đã cùng song hành trên mọi nẻo đường rao giảng Tin Mừng. Đặc biệt hơn, các ông còn được Thầy kêu gọi từ những con người nghèo khổ, thất học để quy tụ thành một gia đình thiêng liêng. Rồi chính Ngài đã giáo huấn các ông trở nên con người hoàn thiện hơn, tri thức hơn, can đảm hơn. Nhưng giờ lại có kẻ can tâm phản bội nộp Thầy không thương tiếc. Không còn nỗi đau khổ nào lớn hơn. Đúng như lời Kinh Thánh: “Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (Ga 13,18).

– Chúa Giêsu hoàn toàn cô đơn trước một Thượng hội đồng đầy những bất công và vô trách nhiệm (Mt 26,57-75)

Từ đám đông dân chúng đến các thượng tế, và cơ quan công quyền đều không tìm ra được một lý do nào kết tội Đức Giêsu theo luật nhà nước Do Thái lúc bấy giờ. Lý do chính khiến Ngài bị kết án chính là sự ganh ghét của giới lãnh đạo tôn giáo (x. Mt 27,18), và sự hèn nhát của cơ quan công quyền, mà đại diện là tổng trấn Philatô, khi ông nói: “Tôi vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các ngươi liệu lấy” (Mt 27,24). Giới lãnh đạo tôn giáo biết Ngài vô tội: Các thượng tế và toàn thể Thượng hội đồng cố tìm chứng gian buộc tội Ðức Giêsu để kết án tử hình. Nhưng họ tìm không ra, mặc dầu có nhiều kẻ đã đứng ra làm chứng gian (x.Mt 26,59-60). Nhưng họ quyết tâm giết Ngài vì Ngài được dân chúng mến phục và ủng hộ. Qua việc dân chúng đón rước Ngài vào thành cách long trọng chứng tỏ điều đó. Lòng người thay đổi thật nhanh, cũng đám đông đó, hôm trước vừa trải thảm, cắm cờ, tay cầm cành lá thiên tuế reo hò tung hô Đức Giêsu, con vua Đavít. Nhưng hôm sau họ lại đồng thanh la lên kết án Chúa, buộc tội Chúa: “Đóng đinh nó vào thập giá!” (Mt 27,24).

Chúa Giêsu đã đi đến sự cô đơn tột cùng, khi các môn đệ thân tín cũng chối bỏ và chạy trốn hết, một mình ông Phêrô đứng ở xa xa theo dõi; dân chúng và các thượng tế thì hùa nhau mà kết án Chúa; cơ quan công quền thì vô trách nhiệm và đầy những bất công. Có lẽ may chăng chỉ còn Mẹ Maria, môn đệ Gioan và một số phụ nữ nhiệt thành đi theo thì cũng chỉ đứng nhìn mà xót thương cho nỗi đau khổ của Chúa Giêsu.

– Trên đỉnh đồi Gôngôtha, Chúa chịu chết đau thương

Thánh sử Matthêu đã trình thuật rõ ràng ba thời khắc đau thương của Chúa Giêsu trên đỉnh đồi Gôngôtha: Ngài chịu đóng đinh vào thập giá (27,32-38) – Ðức Giêsu bị nhục mạ (27,39-44) – Ðức Giêsu trút linh hồn (27,45-56).

Tại đỉnh đồi Gôngôtha Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá và trút linh hồn. Cuộc thương khó kết thúc ở đây, nhưng là giai đoạn cam go nhất. Chúa Giêsu đã phải chịu cực hình, chịu đóng đinh vào thập giá, đau đớn thể xác là thế mà vẫn chưa đủ; Ngài còn phải chịu những đau đớn tinh thần trước những lời nhục mạ của dân chúng và các nhà lãnh đạo Do thái nữa. Chúa Giêsu đi đến tột cùng của sự cô đơn, khi chính những môn đệ thân tín nhất cũng bỏ rơi Ngài.

Khi chiêm ngắm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, chúng ta cũng tự vấn lương tâm mình, giữa đám dân chúng bạc tình bạc nghĩa ấy, liệu có bạn, có tôi…? Trong cuộc sống hằng ngày, không ít lần chúng ta đã “tham gia” vào cuộc đóng đinh và cái chết đau thương của Chúa Giêsu đấy! Đó là những lúc chúng ta bỏ quên Chúa; sống một đời sống ích kỷ, tham lam, đầy hận thù chia rẽ và thiếu lòng thương xót với tha nhân. Hôm nay, có lẽ hai hình ảnh mô tả Chúa Giêsu như Người Tôi Trung đau khổ (Isaia 50,4-7) và mầu nhiệm tự hủy của Chúa Giêsu Kitô (Philípphê 2,6-11), là những động lực thúc giục chúng ta hãy tháp nhập những đau khổ cuộc đời chúng ta vào cuộc thương khó của Chúa. Chúng ta hãy để cho hai hình ảnh ấy về Chúa Giêsu luôn hiện rõ trong tâm hồn chúng ta, nhắc nhở chúng ta nhận biết giá trị vô biên của cuộc thương khó. Chúng ta đón nhận ân huệ đó với lòng biết ơn. Vì đó là tình yêu cứu độ, tình yêu tự hiến đến kỳ cùng và là ân huệ nhưng không của Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con sẵn sàng cùng Chúa bước vào cuộc thương khó và tử nạn, không phải chỉ bằng việc tham dự đầy đủ các lễ nghi, nhưng còn bằng việc thông dự thật sự vào những khổ đau của Chúa. Để qua đó, con học được nơi tấm gương của Chúa về tinh thần vâng phục thánh ý Chúa Cha. Chúa đã trao ban tình yêu cứu độ nhân loại, một tình yêu đến kỳ cùng trên đỉnh cao thập giá. Xin Chúa thêm sức để con bước trọn con đường mà Chúa đang mời gọi con trong cuộc sống hằng ngày, để thông phần vào mầu nhiệm tình yêu của Chúa trên đỉnh đồi Gôngôtha. Amen

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ sáu, ngày 27 tháng 6 Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu Mt 11,25-30 Dom. Mai Đăng Minh; CĐ: Thiên Phước Thánh Tâm Chúa Giêsu Mở Ra Vì Yêu Hôm nay chúng ta long trọng...

Ngày 24-06, lễ Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả “Tên cháu là Gioan” – Ơn gọi và sứ mạng từ lòng mẹ

Ngày 24-06, lễ Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả "Tên cháu là Gioan" – Ơn gọi và sứ mạng từ lòng mẹ Lasan Ngô Văn Vỹ,...

24/6 Lễ Sinh Nhật thánh Gioan Tẩy Giả, Lc 1,57-66.80: Người con của ân phúc

    NGƯỜI CON CỦA ÂN PHÚC (Lc 1,57-66.80) Lam Châu, Phước Lý Theo Tin Mừng Luca, ông Dacaria và bà Elisabeth đều thuộc dòng tộc tư tế Aharon...

Chúa Nhật Kính Mình và Máu Chúa Kitô: Thánh Thể – Bí tích Tình Yêu, nguồn sống

Chúa Nhật Kính Mình Và Máu Thánh Chúa Kitô Thánh Thể – Bí Tích Tình Yêu, Nguồn Sống Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôm nay, trong niềm...

29/6: Lễ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô

  Suy niệm  Lễ kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô M. Tadeo OCist, Fatima Lễ kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô không chỉ là...

Lễ Chúa Ba Ngôi: Ba Ngôi sống trong ta

Lễ Chúa Ba Ngôi CHÚA BA NGÔI SỐNG TRONG TA (Mt 28,16-20) Luca, CĐ Phước Thiên Chúa Ba Ngôi là một trong những mầu nhiệm trung tâm của...

Lễ Chúa Ba Ngôi: Mầu Nhiệm Tình Yêu

MẦU NHIỆM TÌNH YÊU  M. Teresa Avila Thảo- PH       Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi muôn đời vẫn là một chân lý cao...

Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống: Thần Khí…

    THẦN KHÍ (Cv 2,1-11; 1Cr 12, 3b-7.12-13; Ga 20, 19-23)    M. Teresa Avila Thảo, Phước Hải      Trong hành trình làm người, mỗi người đều...