Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH B

CHÚA NHẬT 3-B PHỤC SINH

 

Alleluia. Chúa đã sống lại thật. Chúa Giêsu Phục Sinh lại hiện ra cho các môn đệ. Họ sợ hãi vì tưởng mình thấy ma. Người đã trấn an và thuyết phục họ, bằng việc mời họ nhìn coi và kiểm chứng các vết thương của Người đã chịu (x. Lc 24,39-43). Chúa Giêsu Phục Sinh, Người yêu thương chiều chuộng và mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh để xác tín hơn về Người.

 

+ Lạy Chúa, Kinh Thánh được coi như lá thư Thiên Chúa viết cho tất cả mọi người qua trung gian dân tộc Do Thái. Chúa Giêsu cũng được coi là lá thư, là biểu tượng tình yêu của Thiên Chúa cho con người (x. Ga 5, 39.47). Nhưng chúng con chưa chú tâm vào việc đọc Kinh Thánh để biết về Chúa Giêsu.

Xin Chúa thương xót chúng con.

+ Lạy Chúa, Chúa Giêsu là tột đỉnh mặc khải của Thiên Chúa cho con người. Qua Chúa Giêsu, con người biết hơn về tình yêu của Thiên Chúa một cách tuyệt vời, bởi vì Người là chính Lời Thiên Chúa nhập thể. Nhưng chúng con chưa chú tâm vào việc đọc Kinh Thánh để biết về Chúa Giêsu.

Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

+ Lạy Chúa, Kinh Thánh không được viết để dạy chân lý khoa học. Kinh Thánh được viết ra để giúp con người biết hơn về Thiên Chúa và tình yêu của Ngài đối với con người. Kinh Thánh muốn giúp con người biết hơn về Chúa Giêsu là Dung Nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa ban cho con người. Nhưng chúng con chưa chú tâm vào việc đọc Kinh Thánh để biết về Chúa Giêsu.

Xin Chúa thương xót chúng con.

 

CHÚA NHẬT 3-B PHỤC SINH

(Cv 3,13-15.17-19; 1 Ga 2,1-5a; Lc 24,35-48)

 

I.          Ngụ ngôn xưa kể rằng : có một c quạ thấy thân mình đã đen, tướng đi thô kệch, và lại thường bị người ta xua đuổi. Trong khi những con bồ câu đã  trắng, lại còn được người ta yêu quý. Chú quạ tự nghĩ giá mình có bộ lông trắng và dáng đi nhẹ nhàng như bồ câu, chắc là sẽ được yêu thương.

Nghĩ là làm. Chú quạ liền bay tới vùi mình vào đống vôi để có được màu trắng như những con bồ câu. Sau khi tắm mình trong vôi bột và tập lại dáng đi, chú quạ soi mình bên dòng nước, tưởng mình cũng xinh trắng và dáng đi giống như bồ câu rồi. Chú quạ liền bay tới nhập bọn với bầy bồ câu. Lúc mới nhập bầy, quả thật không con nào trong bầy bồ câu để ý. Nhưng một thời gian sau, trong bầy bồ câu nhớn nhác hỏi nhau, anh chàng bồ câu nào mà dáng đi trông thô kệch vậy. Vài con bồ câu đánh bạo đến hỏi thăm, thì được chú quạ trả lời bằng một giọng khàn khàn. Lại nhằm lúc ấy trời đổ mưa, bao nhiêu bột vôi trắng trên mình chú quạ bắt đầu trôi đi, màu đen của lông xuất hiện. Bầy bồ câu xúm lại xem … Chú quạ hoảng hồn, xấu hổ, liền bay đi mất.

            Lời bàn: ‘làm sao lấy vải thưa che mắt thánh’. Căn tính mình là gì, không thể ‘nín thở qua cầu’, thời gian sẽ phơi bày tất cả. Vì như Chúa Giêsu đã dạy : “cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai” (Mt 7,20).

 

            II.         Trong các Thư của thánh Gioan, ngài thường sử dụng quy luật “xem quả biết cây”. Ngài nhìn hiệu quả để biết nguyên nhân, để truy tìm căn tính đích thực của Kitô hữu. Ngài thường dùng cụm từ “căn cứ vào điều này”, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa (như là trái), là tiêu chuẩn để nhận ra mình là những người yêu thương anh chị em (như là cây) (x. 1 Ga 2,1-5).

            Cái biết thánh nhân nói đến ở đây, không chỉ là một ý niệm trừu tượng về Thiên Chúa. Nhưng là cái biết vượt ra ngoài lý trí để đi vào lãnh vực tâm linh (x. Lc 1, 31-34). Đó là cái biết thúc bách Kitô hữu có một mối tương quan đích thực với Thiên Chúa và sống kết hiệp với Người (x. Ga 15).

            Thực hành mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, là đặc tính căn bản của Kitô hữu, là căn tính của Kitô hữu. Kitô hữu là những người đã được sinh lại qua Bí Tích Rửa Tội, nhờ sự chết và sống lại của Chúa Giêsu. Mối tương quan ấy đã biến đổi thân phận của Kitô hữu, từ một kẻ “xa lạ, thù địch” đối với Thiên Chúa trở thành “thánh thiện tinh tuyền và không có gì đáng trách trước mặt Người” (x. Cl 1,21-22). Để Kitô hữu được làm con và được gọi Thiên Chúa là “Abba, Cha ơi!” (x. Gl 4,6). 

Do Lòng Chúa Thương Xót, cái “biết” này, khởi sự từ Thiên Chúa. Người yêu thương chúng ta vô điều kiện và đã thực hiện “kế hoạch yêu thương của Người đã định từ trước trong Chúa Giêsu” (x. Ep 1,9). Và Chúa Giêsu trở nên “con đường” (Ga 14,6) để Thiên Chúa đến với con người, và con người trở về cùng Thiên Chúa là Cha của con người.

            Để sống mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, là “biết Thiên Chúa”, thánh Gioan nêu lên vài điểm mời Kiô hữu thực hành :

            1.  Không phạm tội. Vì khi phạm tội, Kiô hữu bị trở lại tình trạng trước khi được phục hồi thiên chức là con Thiên Chúa. Do đó, với tâm tình hiền phụ, ngài tha thiết nhắn nhủ Kiô hữu : Hỡi các con là những người con bé nhỏ của cha… các con đừng phạm tội. Mà lỡ có ai phạm tội, đừng bao giờ quên rằng, các con có một Đấng đã chịu chết để đền tội cho các con. Người đã sống lại, và Người đang giang rộng vòng tay để đón chờ các con như đón chờ những đứa con hoang đàng trở về nhà (x. Lc 15,11-32). Đó là Chúa Giêsu, là “Trạng Sư” của các con (x. 1 Ga 2,1).

            2.  Tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa. Kitô hữu tuân giữ điều răn của Thiên Chúa, để làm cho căn tính ấy trở nên rõ ràng và chắc chắn. Theo 3 bước : 1)- Kitô hữu khiêm nhượng vâng phục theo Lề Luật. 2)- Kitô hữu muốn và chọn sự nghèo khó, sỉ nhục, và ao ước được coi là ngu dại vì Chúa Giêsu, để nên giống như Chúa Giêsu. 3)- Kitô hữu tôn trọng và quan tâm nhu cầu của người khác, để đồng cảm và phục vụ. Nhờ 3 bước này, việc tuân giữ các điều răn của Chúa sẽ trở nên lòng yêu mến Chúa (x. Ga 14,21; 1 Ga 2,5).

            Như vậy, theo cái nhìn của thánh Gioan, lối sống của người Kitô hữu sau khi Chúa Phục Sinh, đó là sống theo phong cách những người con cái Chúa và anh chị em với nhau. Kitô hữu luôn là những người có mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa và với mọi người. Mẫu số chung của Kitô hữu là sống tình yêu của Đấng Phục Sinh. Vì thế, mỗi lần Đấng Phục Sinh hiện ra, không những nhằm mục đích minh chứng Chúa đã sống lại thật, hoặc để củng cố đức tin cho các môn đệ, mà còn để chuẩn bị các ngài thi hành sứ vụ làm chứng nhân cho Người. 

Đấng Phục Sinh muốn Kitô hữu làm chứng nhân cho Người bằng cách: “Phải nhân danh Người mà loan giảng Tin Mừng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem (từ môi trường thân quen), kêu gọi họ thống hối để được ơn tha tội” (x. Lc 24,47). Giáo huấn của Người được tóm tắt trong một điệp khúc: “Anh em hãy thống hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).

            Chúa Giêsu được sai đến trần gian là để chiến thắng tội lỗi và giúp nhân loại chia sẻ chiến thắng ấy.  Người đã chiến thắng tội lỗi bằng vâng phục và yêu mến (x. Pl 2,6-11). Đức vâng phục và lòng mến của Người đã khiến Người chấp nhận cái chết nhục nhã trên thập giá để xóa bỏ tội lỗi cho con người (x. Cv 3,18). Và đó cũng lại là chính lý do để Thiên Chúa cho Người sống lại, trở thành Đấng Phục Sinh, Đấng ‘Dung Nhan Lòng Chúa Thương Xót’ cho ai đến với Người.

 

III.        Alleluia. Chúa đã sống lại thật. Người đã sống lại để mặc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, luôn luôn yêu thương chúng ta. Chân lý này đã được Kinh Thánh truyền lại. Các môn đệ Chúa Giêsu đã được “mở trí để hiểu Kinh Thánh”. 

             “Mở trí” là mở rộng trái tim để đón Chúa Giêsu vào trong tâm hồn, nhất là để cho Người và lối sống của Người ảnh hưởng và thay đổi chúng ta tận căn rễ. Việc “mở trí”, thúc bách chúng ta theo chân Chúa Giêsu để “nên thánh” (x. Mt 5,48; Lv 19,21; Pr 1, 16). 

Trong Tông Huấn “Gaudete et Exsultate” (Vui mừng và Hân hoan, ngày 09-04-2018) ĐTC Phanxico đề nghị 10 điểm:

1 –  Sống thực căn tính Kitô. 

Chúng ta chỉ nên thánh khi sống với tình thương, và trao tặng chứng tá của mình trong đời sống hàng ngày (14).

2 – Sống dưới tác động của Thần Khí.

Để Thần Khí xâm chiếm và giải thoát chúng ta ra khỏi sự yếu đuối của tính ích kỷ, của tiện nghi, của kiêu ngạo (65).

3 – Hành động theo Lòng Chúa Thương Xót.

Muốn làm vinh danh Chúa và thánh hóa đời mình, hãy làm việc, và phấn đấu sống theo tinh thần của lòng thương xót (107).

4 – Trau dồi tính khiêm tốn

Sự thánh thiện mà Thiên Chúa ban cho Hội Thánh phải đi qua con đường sỉ nhục của Con Thiên Chúa (118).

5 – Hãy ở trong niềm vui

“Vị thánh là người sống vui vẻ và có tinh thần hài hước. Họ vẫn giữ thực tế nhưng họ rọi sáng cho người khác với tinh thần tích cực và đầy hy vọng” (122).

6 – Dám loan giảng Phúc Âm

Thánh thiện là nói thẳng, nói thật: là dám loan giảng Phúc Âm, để lại một dấu ấn cho thế giới này (129).

7 – Không bao giờ cam chịu! 

Chúng ta hãy mở mắt, mở tai và nhất là mở lòng, hãy để mình xúc động với những gì xảy ra chung quanh, được đánh động bởi Lời hằng sống và hiệu quả của Đấng Sống Lại (137). 

8 – Cầu nguyện mỗi ngày.

“Tôi không nghĩ trong thánh thiện mà lại không có cầu nguyện, dù không nhất thiết phải cầu nguyện lâu giờ hay sốt sắng” (147).

9 – Chuẩn bị cuộc chiến.

“Các vũ khí cực mạnh Chúa ban : đức tin được diễn tả trong lời cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, dâng thánh lễ, giờ chầu, bí tích giải hòa, các việc làm bác ái, đời sống cộng đoàn và dấn thân làm việc truyền giáo” (162). 

10 – Học hỏi để phân định cái gì Chúa muốn cho mình

“Phân định” để biết sự việc đó là do Thần Khí, hay nó bắt nguồn từ thế gian, từ quỷ. Đây là một ơn chúng ta phải xin (16). “Sự vĩ đại lại này lại được cho thấy trong những gì đơn giản và bình thường hàng ngày” (169).

(x. phanxico.vn)

            Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con tín thác vào Chúa. Xin Chúa ‘mở trí’ cho con hiểu lời Chúa hướng dẫn con trong Kinh Thánh, để con ứng dụng 10 điểm ĐTC Phanxicô dạy bảo con vào hành trang ‘nên thánh’. Con tạ ơn Chúa. Alleluia.

 

10 LỜI KHUYÊN CỦA ĐỨC PHANXICO

ĐỂ NÊN THÁNH

By  phanxico.vn

10/04/2018

pelerin.com, Agnès Chareton, 2018-04-09

 

Tông huấn Vui mừng và Hân hoan, Đức Phanxicô cho chúng ta một tài liệu vui mừng và  sáng rõ. Sau đây là mười lời khuyên để nên thánh. 

1 –  Con đừng biểu diễn! 

“Để là thánh, không nhất thiết phải là giám mục, linh mục hay nam nữ tu sĩ. (…) Chúng ta tất cả được gọi để nên thánh khi sống với tình thương và trao tặng chứng tá của mình trong đời sống hàng ngày”. 14

“Tôi thích thấy sự thánh thiện nơi dân kiên nhẫn của Chúa: nơi các phụ huynh yêu thương dạy dỗ con cái, nơi những người đàn ông, đàn bà làm lụng để đem cơm gạo về cho gia đình, nơi những người bệnh, nơi các nữ tu lớn tuổi tiếp tục vui cười. Với một lòng kiên trì luôn đi tới đàng trước mỗi ngày, tôi thấy sự thánh thiện của Giáo hội chiến đấu. Và vì thế, thường thường sự thánh thiện “ở cửa bên cạnh”, nơi những người sống gần chúng ta, họ là phản ảnh sự hiện diện của Chúa hay nói một cách khác, họ là “tầng lớp trung lưu của thánh thiện”. 7.

2 – Cẩm nang đi đường: Tám Mối Phước Thật

“Tám Mối Phước Thật không có một chút gì gọi là nhẹ nhàng hoặc bề ngoài, ngược lại là đàng khác; vì chúng ta chỉ có thể sống với Tám Mối Phước Thật nếu Thần Khí xâm chiếm chúng ta với trọn sức mạnh của Ngài và giải thoát chúng ta ra khỏi sự yếu đuối của tính ích kỷ, của tiện nghi, của kiêu ngạo”. 65

“Tâm hồn khó nghèo, đó là thánh thiện!” 70; “Phản ứng lại với một tâm hồn dịu dàng, đó là thánh thiện!” 74; “Biết khóc với người khác, đó là thánh thiện!” 76; “Tìm công chính với đói và khát, đó là thánh thiện!” 79; “Nhìn và hành động với lòng thương xót, đó là thánh thiện!” 82; “Giữ tâm hồn trong sạch, không gì làm cho tình thương bị vướng bẩn, đó là thánh thiện!” 86; “Gieo hòa bình chung quanh chúng ta, đó là thánh thiện!” 89

3 – Con muốn yêu thương? Hãy hành động.

“Ai thật sự muốn làm vinh danh Chúa bằng chính cuộc đời mình, ai thật sự mong muốn thánh hóa đời mình để vinh danh Chúa, họ được gọi để tận hiến, để làm việc, để phấn đấu sống theo tinh thần của lòng thương xót”. 107

“Khi tôi gặp một người ngủ trong đêm lạnh giá, tôi cho rằng đây là một cái gì bất ngờ bắt tôi phải dừng lại, một người phạm pháp không có việc làm, một trở ngại trên đường đi của tôi, một phiền nhiễu cho lương tâm tôi, một vấn đề mà tôi phải giải quyết với các chính trị gia, và cũng có thể là một cái rác làm bẩn nơi công cộng. Hay tôi có thể phản ứng bằng đức tin, đức ái của tôi, nhận biết nơi họ cũng là một con người có cùng nhân phẩm như tôi, một tạo vật được Người Cha yêu thương vô cùng, một hình ảnh của Chúa, một người anh em đã được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc. Đó cũng có thể là một tín hữu kitô!” 98 

4 – Trau dồi tính khiêm tốn

“Tính khiêm tốn chỉ có thể bám rễ trong tâm hồn qua các điều sỉ nhục. Không có sỉ nhục thì không có khiêm tốn, không có thánh thiện. Nếu bạn không thể nào chịu đựng, không đau khổ vì một vài sỉ nhục, thì bạn không thể nào khiêm tốn, không đi trên con đường thánh thiện. Sự thánh thiện mà Thiên Chúa ban cho Giáo hội phải đi qua con đường sỉ nhục của Con Thiên Chúa. Và đó là con đường!” 118

“Tôi không nói sỉ nhục là một cái gì dễ chịu, bởi vì như thế là ma-sô, nhưng tôi nói đó là con đường để noi gương Chúa Giêsu, để lớn lên trong sự kết hiệp với Ngài”. 120 

5 – Hãy ở trong niềm vui

“Vị thánh là người sống vui vẻ và có tinh thần hài hước. Họ vẫn giữ thực tế nhưng họ rọi sáng cho người khác với tinh thần tích cực và đầy hy vọng”. 122

“Tôi không nói đến niềm vui của chủ nghĩa tiêu thụ và cá nhân chủ nghĩa lan tràn ở một vài loại văn hóa ngày nay. Bởi vì tiêu thụ chỉ làm tâm hồn nặng thêm; nó chỉ có thể cho lạc thú nhất thời chóng qua, nhưng không cho niềm vui đích thực”. 128 

6 – Dám rao giảng Phúc Âm

“Đồng thời thánh thiện cũng là nói thẳng, nói thật: là dám rao giảng Phúc Âm, để lại một dấu ấn cho thế giới này”. 129

“Thiên Chúa luôn mới mẻ, luôn thúc đẩy chúng ta lên đường, đi ra khỏi môi trường quen thuộc để đến các vùng ngoại vi, các biên giới. Chúa hướng dẫn chúng ta ở đó, nơi nhân loại bị tổn thương nhất, nơi con người dưới hình thức bề ngoài hời hợt, theo đám đông, nơi có những người luôn đi tìm câu trả lời cho ý nghĩa đời mình”. 135 

7 – Không bao giờ cam chịu! 

“Vì theo thói quen, chúng ta không còn đương đầu với sự dữ, chúng ta “mặc kệ” để cho sự việc cứ thế mà đi hoặc để cho người khác quyết định. Nhưng chúng ta hãy để Chúa đến thức tỉnh, đến lay động chúng ta trong giấc ngủ, đến giải thoát chúng ta khỏi tình trạng trơ ì. Chúng ta hãy đương đầu với thói quen, chúng ta hãy mở mắt, mở tai và nhất là mở lòng, hãy để mình xúc động với những gì xảy ra chung quanh, được đánh động bởi Lời hằng sống và hiệu quả của Đấng Sống Lại. 137

8 – Cầu nguyện mỗi ngày. Và lại bắt đầu cầu nguyện lại

“Tôi không nghĩ trong thánh thiện mà lại không có cầu nguyện, dù không nhất thiết phải cầu nguyện lâu giờ hay sốt sắng”. 147

“Tôi muốn nhấn mạnh, cầu nguyện không phải chỉ dành cho một vài người được ưu đãi, nhưng cho tất cả chúng ta, vì ‘tất cả chúng ta đều cần giây phút thinh lặng của sự hiện diện này’. Lời cầu nguyện tin tưởng là phản ứng của tâm hồn mở lòng ra diện đối diện với Chúa, khi chúng ta tắt đi tất cả tiếng động ồn ào để lắng nghe tiếng nói dịu ngọt của Chúa vang lên trong thinh lặng”. 149

“Tôi dám xin anh chị em: Anh chị em có giây phút nào thinh lặng trước sự hiện diện của Chúa, không hấp tấp vội vã, để Chúa nhìn mình không? Anh chị em có thấy ngọn lửa của Chúa đốt cháy tâm hồn mình không? Nếu anh chị em không để Chúa khơi lên bằng sức ấm, bằng sự dịu dàng của tình yêu Ngài thì anh chị em sẽ không có ngọn lửa và như thế làm sao anh chị em có thể làm tâm hồn người khác bừng lên bởi chứng từ và lời nói của mình?” 151

9 – Chuẩn bị cuộc chiến.

“Đời sống kitô là một cuộc chiến liên lỉ. Phải có sức mạnh và can đảm để cự lại với cám dỗ của ma quỷ và để loan báo Tin Mừng. Cuộc chiến đấu này rất cao đẹp, bởi vì nó giúp cho chúng ta dâng mừng Thiên Chúa chiến thắng trong đời sống chúng ta”. 158

“Chúng ta sẽ không chấp nhận sự hiện hữu của ma quỷ, nếu chúng ta chỉ nhìn theo các tiêu chuẩn thực nghiệm và không có chiều kích siêu nhiên. Chính xác, chúng ta xác quyết sức mạnh ma quỷ ở giữa chúng ta, giúp chúng ta hiểu vì sao sự dữ đôi khi đã có quá nhiều sức mạnh tàn phá”. 160

“Như thế chúng ta đừng nghĩ quỷ là một huyền thoại, một biểu tượng, một hình ảnh hay một ý tưởng. Sự sai lầm này làm cho chúng ta buông tay, lơ là chú ý và bị cám dỗ nhiều hơn”. 161

“Chúng ta có các vũ khí cực mạnh Chúa ban cho chúng ta: đức tin được diễn tả trong lời cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, dâng thánh lễ, giờ chầu, bí tích giải hòa, các việc làm bác ái, đời sống cộng đoàn và dấn thân làm việc truyền giáo”. 162

10 – Học hỏi để phân định cái gì Chúa muốn cho mình

“Làm thế nào để biết sự việc đó là do Thần Khí, hay nó bắt nguồn từ thế gian, từ quỷ? Phương cách duy nhất là phân định, đòi hỏi một khả năng lý luận tốt hay hợp theo lẽ thường. Đó là một ơn chúng ta phải xin”. 166

“Thường thường điều này thể hiện qua những việc nhỏ, những việc có vẻ như không đáng kể, nhưng sự vĩ đại lại được cho thấy trong những gì đơn giản và bình thường hàng ngày”. 169

“Điều thách thức ở đây là ý nghĩa đời sống của tôi trước mặt Chúa Cha, Đấng biết tôi và yêu thương tôi, ý nghĩa đích thực của đời tôi mà không ai biết tôi hơn Ngài”. 170

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

 

Mười lời khuyên của Đức Phanxicô để nên thánh

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI