Thứ Sáu, 25 Tháng 4, 2025

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 31 TN A

CHÚA NHẬT 31–A THƯỜNG NIÊN (Mt 23, 1-12)

     I. Giai thoại.

Năm 1935, tại một khu phố của thành phố New York, Hoa Kỳ, có một phiên tòa, bị cáo là một bà lão gầy ốm. Bà lão bị chủ cửa hàng bắt được và giải đến tòa vì tội ăn trộm một ổ bánh mỳ. Bà lão run rẩy vì sợ hãi, khuôn mặt cúi gằm vì xấu hổ.

Quan Tòa (là Thị Trưởng thành phố) hỏi bị cáo: “Bị cáo, bà bị tố là đã lấy trộm bánh mì, có đúng vậy không?” Bà lão cúi mặt xuống, ấp úng đáp: “Vâng thưa quan tòa, tôi thật sự đã lấy trộm”. “Vì sao bà lại lấy trộm? Có phải vì bà đói bụng không?” – quan tòa lại hỏi. “Thưa quan tòa, tôi đã rất đói. Nhưng nếu chỉ vì đói thì tôi đã không làm như vậy”, bà lão trả lời. “Đứa con rể của tôi đã bỏ ra đi, còn con gái tôi thì ốm liệt giường. Tôi cần chiếc bánh mì này để nuôi hai đứa trẻ đang chết đói…Chúng thực sự rất đói…” – Nói đến đây bà bật khóc.

Ngài Thị Trưởng thở dài. Ông nhìn khắp gian phòng một lượt, rồi quay sang bà lão và nói: “Bị cáo, tôi sẽ phải xử phạt bà, luật pháp luôn công bằng và không có ngoại lệ đối với bất kỳ cá nhân nào. Bà phải nộp phạt 10 đô-la hoặc bị giam 10 ngày trong tù. Bà chọn cái nào?”

Trong sự bế tắc tột cùng, bà lão đáp: “Thưa Quan Tòa, tôi xin bằng lòng chịu phạt. Nếu tôi có 10 đô-la thì đã không lấy cắp bánh mì. Vậy tôi xin được giam 10 ngày. Nhưng còn đứa con gái và hai đứa trẻ, ai sẽ chăm sóc chúng đây?”

Ngài Thị Trưởng khẽ mỉm cười. Ông rút trong túi ra 10 đô-la và bỏ vào chiếc mũ nổi tiếng của mình. “Đây là 10 đô-la tiền phạt, bà đã được tự do!”

Rồi ông lại hướng cặp mắt về phía những người tham dự phiên tòa: “Và bây giờ, mong các vị hãy nộp 50 xu tiền phạt. Tiền phạt để trừng phạt cho sự hờ hững của chúng ta, vì đã để một bà lão khốn khổ phải đi ăn cắp bánh mì nuôi những đứa trẻ đang chết đói. Hãy nộp tiền và đưa tất cả cho bị cáo”.

Tất cả mọi người có mặt tại phiên tòa khi ấy đều không khỏi kinh ngạc… Trong phút chốc, tất cả mọi người lặng lẽ đứng dậy, lấy ra 50 xu và bỏ vào chiếc mũ của ngài thị trưởng. Cách xử án của vị thẩm phán tuy có đôi chút ngược đời, nhưng lại khiến tất cả mọi người xúc động và đồng tình. Mặc dù hoàn cảnh của bà cụ rất đáng thương, nhưng tòa vẫn phải xử phạt bà, bởi luật pháp luôn công bằng và không có ngoại lệ đối với bất kỳ cá nhân nào. Đây là phiên tòa kỳ lạ nhất trong lịch sự của thành phố New York.

Quan Tòa đã cho mọi người thấy mỗi người phải biết đánh thức lòng trắc ẩn của mình, sống phải có lòng lương thiện, biết giúp đỡ những người khó khăn quanh mình, đừng chỉ vì biết bản thân mình mà thờ ơ với những mảnh đời khốn khó. Như thế cuộc sống mới có thể đầy tình yêu thương và nở hoa.

https://www.baomoi.com/dung-song-tho-o/c/22042830.epi

II.         Đây là một ngụ ngôn hay một giai thoại ? Chúng ta không đi tìm tính thực hư ở đây. Phải chăng hình ảnh vị Quan Tòa này, là mẫu gương các bậc lãnh đạo cần có, mà Chúa Giêsu muốn nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay.

Suốt thời gian loan giảng Tin Mừng trên đất Palestina, Chúa Giêsu thường phải đối phó với những bậc kinh sư và Pharisêu. Họ luôn luôn rình rập, bắt bẻ và mưu toan làm cho Chúa Giêsu mất thể diện và thế giá trước mặt dân chúng.  Đối với Hội Thánh sơ khai, họ cũng là một mối đe dọa lớn cho các tín hữu, vì họ tìm đủ mọi cách để lung lạc đức tin Ki-tô hữu. 

       Chúa Giêsu cho thấy :  Họ là những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn đối với dân chúng cả về mặt tôn giáo lẫn chính trị. Họ tự ý giải thích Lề Luật, trói buộc dân chúng trong trăm ngàn luật lệ và những điều họ gọi là truyền thống. Nhưng cá nhân họ lại là những kẻ tô son đánh phấn cho mình bằng những hình thức bên ngoài, che đậy tâm hồn rỗng tuyếch bằng những trang sức, như đeo hộp kinh, mang tua áo, để tỏ vẻ mình quan trọng. Họ tranh giành chỗ ngồi danh dự nơi công cộng, và tự mãn khi được người ta xưng hô họ bằng những mỹ từ trịnh trọng.

       Hình ảnh kinh sư và Pharisêu là hình ảnh hoàn toàn trái ngược với hình ảnh Chúa Giêsu, Đấng “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).  Do đó, khi Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng bắt chước lối sống và cách cư xử của nhóm người kinh sư và Pharisêu, Người muốn nói với mọi thành phần trong Hội Thánh về chân tính và chỗ đứng của họ. 

       Trong Chúa Giêsu và nhờ Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa nhận ta làm con cái Người, cho nên ta mới được làm con cái Người (x. Rm 8,16).  Vì là con của cùng một Cha trên trời, nên tất cả chúng ta đều là “anh chị em với nhau” (Mt 23,8b). Chúa Giêsu là Môsê Mới, được Thiên Chúa sai đến để dạy dỗ chúng ta. Vai trò của Người là mặc khải và dạy dỗ chúng ta tất cả những gì Thiên Chúa muốn nói với nhân loại (x. Dt 1,2).  Chỉ có Chúa Giêsu mới xứng đáng với danh hiệu Rabbouni (Thầy – Mt 23,8a). Chúa Giêsu là Thầy, dạy chúng ta thực thi hai điều quan trọng nhất là mến Chúa yêu người. Chúa Giêsu là vị Lãnh Đạo (x. Mt 23,11). của dân Israel Mới trên đường tiến về Đất Hứa vĩnh cửu Người chẳng những là vị dẫn đường mà còn là chính Đường đưa ta đến với Thiên Chúa (x. Ga 14,6).

       Lý do Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng gọi ai là cha, là thầy, là người lãnh đạo, là vì 1)- có những con người muốn chiếm địa vị của Thiên Chúa và Chúa Giêsu, dụ chúng ta đi theo họ và sùng bái họ; 2)- Chúa Giêsu muốn chúng ta biết chúng ta là “con” của Thiên Chúa, và muốn cho chúng ta biết các họ là ai đối với chúng ta, để chúng ta sống mối tương quan cho đúng nghĩa. Chúa Giêsu không có ý phá bỏ mọi danh xưng, địa vị và chức vụ của con người. Và với những người có địa vị và chức vụ, Chúa Giêsu dạy :  “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em” (Mt 23,11). 

III.        Lãnh đạo, theo giáo huấn của Chúa Giêsu là phục vụ.  Lãnh đạo là những công việc phải làm để phục vụ.  Cha, thầy hay vị lãnh đạo chỉ là những danh xưng giúp chúng ta nhận ra bổn phận của những người ấy. Họ là những-con-người-phục-vụ nối dài cánh tay của Chúa Giêsu và Hội Thánh của Người để chăm sóc và xây dựng những con người trong Hội Thánh ở trần gian. 

      Trong tâm tình đó, chúng ta đọc lại “Bài Giảng” của ĐTC Phanxicô trong Thánh Lễ Làm Phép Dầu, Thứ Năm Tuần Thánh, tại Vatican ngày 28.03.2013, để hiểu rõ hơn vai trò là cha, là thầy, là vị lãnh đạo “như lòng Chúa mong muốn” hôm nay (x. Gr 3,15), và để cầu nguyện cho nhau nhiều hơn.

 

(Toàn văn bài giảng bằng Việt ngữ của Lm Phi Khanh Vương Đình Khởi, ofm. Đàlạt, ngày 10-07-2013).

 

Anh Chị Em thân mến,

(1) Thật là một niềm vui cho tôi, khi được cử hành Thánh Lể Làm Phép Dầu đầu tiên trong cương vị Giám Mục Rôma. Với lòng trìu mến, tôi chào tất cả anh chị em, đặc biệt các anh em linh mục thân yêu, hôm nay, anh em cũng như tôi, nhớ lại ngày chịu chức thánh của mình.

(2) Các Bài đọc, và cả Thánh vịnh đáp ca nữa, nói với chúng ta về những “Người-Được-Xức-Dầu”: Người Tôi Trung của Thiên Chúa trong sách Isaia, vua Đavít, và Đức Giêsu, Chúa chúng ta. Cả ba Vị này có một điểm chung, là phép xức dầu, mà các ngài lãnh nhận, đều nhắm vào việc xức dầu cho dân Thiên Chúa gồm những tín hữu, mà các ngài là những đầy tớ phục vụ họ; mục đích của việc các ngài chịu xức dầu là để phục vụ người nghèo, người bị cầm tù, người bị áp bức…Một hình ảnh rất đẹp diễn tả ý nghĩa “hiện hữu cho tha nhân” hàm chứa trong Dầu Thánh, là hình ảnh tìm thấy trong Thánh vịnh 133: “Như dầu quý đổ trên đầu, xuống râu, xuống râu ông A-ha-ron, xuống gấu áo chầu của ông” (câu 2). Hình ảnh dầu chảy tràn, từ râu ông A-ha-ron xuống đến tận gấu lễ phục thánh thiêng của ông, là hình ảnh diễn tả phép xức dầu cho các tư tế, dầu đó, xuyên qua Người-Được-Xức-Dầu, chảy đến tận bờ cõi vũ trụ được biểu trưng bởi lễ phục.

(3) Lễ phục thánh thiêng của Vị Thượng Tế có rất nhiều hệ thống biểu tượng: một trong số đó là biểu tượng mang tên các con trai của ông It-ra-en, tên của họ được khắc trên những viên đá mã não trang điểm cho hai cầu vai của áo ê-phốt, là tiền thân của áo lễ — casula –chúng ta dùng ngày nay: sáu tên trên miếng đá ở cầu vai phải và sáu tên trên miếng đá ở cầu vai trái (x. Xh 28, 6-14). Trên túi đeo trước ngực cũng khắc tên mười hai chi tộc It-ra-en (x. Xh 28, 21). Điều này có nghĩa là: vị tư tế khi cử hành phụng tự thì vác trên vai mình chính dân đã được trao phó cho mình và mang tên của họ được khắc ghi trong tim. Khi khoác chiếc áo lễ khiêm tốn của chúng ta vào mình, điều này có thể giúp chúng ta cảm thấy thấm thía, trên đôi vai và trong trái tim, sức nặng và gương mặt  của dân tín hữu chúng ta, của các thánh và các Vị tử vì đạo của chúng ta, mà thời nay có không biết bao nhiêu mà kể!

(4) Từ vẻ đẹp của những gì thuộc về Phụng vụ, — mà không chỉ đơn thuần để trang trí và đáp ứng một sở thích thưởng thức cái đẹp nơi vải vóc, nhưng chính là sự hiện diện của vinh quang Thiên Chúa đang tỏa rạng nơi dân của Người, một dân sống động và được củng cố vững mạnh, bây giờ chúng ta hãy bước sang phần chú mục vào hành động. Dầu quý xức lên đầu ông A-ha-ron không chỉ ướp hương cho con người ông thơm tho, nhưng chảy tràn và chạm đến các “vùng ngoại biên”. Chúa sẽ nói rõ điều đó: ngài được xức dầu là vì người nghèo, vì người bị cầm tù, vì người bệnh tật và vì những ai buồn bã, cô đơn. Anh em thân mến, dầu xức không phải để ướp thơm bản thân chúng ta và lại càng không phải để lưu trữ trong bình, trong lọ, vì nó sẽ trở nên ôi khét…và cõi lòng sẽ trở thành đắng đót.

(5) Người ta nhận ra một linh mục tốt từ cách dân của ngài được xức dầu như thế nào; đây là bằng chứng rõ ràng. Khi dân chúng của chúng ta được xức bằng dầu hoan lạc, người ta sẽ nhận thấy: ví dụ, khi họ ra khỏi nhà thờ sau Thánh Lễ với gương mặt của người đã nhận được một tin mừng. Dân chúng của chúng ta ưa thích Tin Mừng được rao giảng với sức thấm nhập đầy thuyết phục của dầu xức, ưa thích khi Tin Mừng mà chúng ta rao giảng đi vào cuộc sống thường ngày của họ, khi Tin Mừng, giống như dầu xức cho ông A-ha-ron, chảy xuống tận đường viền của thực tế cuộc sống, khi Tin Mừng chiếu sáng cho những hoàn cảnh tột cùng, những “vùng ngoại biên”, nơi mà dân tín hữu bị đẩy vào nguy cơ bị xâm lăng bởi những kẻ muốn cướp phá đức tin của họ. Dân chúng cám ơn chúng ta vì họ cảm thấy rằng chúng ta đã đưa vào lời cầu nguyện của mình những thực tế đời sống thường ngày của họ, những đau khổ, những niềm vui, những lo âu và những hy vọng. Và khi họ cảm thấy hương thơm của Đức Kitô, Đấng-Được-Xức-Dầu, đến với họ qua chúng ta, họ được khích lệ để ký thác cho chúng ta tất cả những gì họ ước muốn đẩy lên tới Chúa: “Xin Cha cầu nguyện cho con, vì con có vấn đề này…”; “Xin chúc lành cho con”, “Xin cầu nguyện cho con”, đó là dấu hiệu cho thấy dầu xức đã đạt tới gấu chiếc áo choàng, bởi lẽ nó đã biến thành lời cầu khẩn, lời khẩn cầu của Dân Thiên Chúa. Khi chúng ta đứng trong mối tương quan như thế với Thiên Chúa và với Dân của Người, và ơn thánh đi xuyên qua chúng ta, lúc đó chúng ta là linh mục, là người trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Điều tôi cố ý làm nổi rõ là chúng ta phải làm cho ơn thánh luôn luôn hồi sinh, và phải thấy được bằng trực giác rằng, trong mỗi lời xin, đôi khi không đúng lúc, đôi khi thuần túy vật chất hoặc nói trắng ra là tầm thường – nhưng chỉ có dáng vẻ như thế thôi — , trong mỗi lời xin của dân chúng có chứa đựng một ước muốn  được xức bằng dầu thơm, vì họ biết chúng ta có thứ dầu đó. Nhận thức bằng trực giác và cảm nhận, như Chúa đã cảm nhận sự lo âu đầy hy vọng của người đàn bà bị bệnh xuất huyết, khi bà ấy chạm tới vạt áo choàng của Người. Thời khắc ấy của Đức Giêsu ở giữa đám dân chúng đang vây quanh Người từ mọi phía, thể hiện tất cả vẻ đẹp của A-ha-ron mang lễ phục tư tế và với dầu xức đang chảy xuống trên áo chầu. Đó là một vẻ đẹp ẩn dấu, chỉ tỏa rạng cho cặp mắt đầy lòng tin của người đàn bà đã bị bệnh xuất huyết ấy. Tuy nhiên, chính các môn đệ — những linh mục tương lai – đã không thấy được, không hiểu được: trong “vùng ngoại biên của cuộc hiện sinh”, họ chỉ thấy bề mặt của sự kiện đám đông đang chen lấn từ mọi phía làm Đức Giêsu nghẹt thở (x. Lc 8, 42). Trái lại, Chúa thì cảm nhận được sức mạnh của dầu xức mà Người đã nhận lãnh từ Thiên Chúa tràn đến viền áo choàng của mình.

(6) Như thế chúng ta cần phải đi ra để trải nghiệm phép xức dầu của chúng ta, trải nghiệm sức mạnh và tính công hiệu mang giá trị cứu chuộc của nó: tại những “vùng ngọai biên”, nơi có đau khổ, nơi có đổ máu, nơi có sự mù lòa đang ước muốn được nhìn thấy, nơi có những tù nhân của biết bao ông chủ độc ác. Ắt hẳn, không phải qua những tự lực thử nghiệm hoặc sự nội quan lặp đi lặp lại mà chúng ta gặp gỡ được Chúa đâu: các khóa học tự trợ giúp trong cuộc đời có thể hữu ích, nhưng sống đời sống linh mục của chúng ta bằng cách đi từ khóa học này đến khóa học khác, từ phương pháp này đến phương pháp nọ, sẽ  đưa chúng ta đến chỗ trở thành những đồ đệ của Pélage, đến chỗ làm giảm nhẹ sức mạnh của ơn thánh. Ơn thánh trở nên sinh động và tăng trưởng trong mức độ mà chúng ta, được thúc đẩy bởi đức tin, đi ra để trao ban chính mình và trao ban Tin Mừng cho tha nhân, trao ban cái chút xíu dầu xức chúng ta đang có cho những người không có tí nào cả.

(7) Linh mục nào mà ít đi ra khỏi chính mình, ít xức dầu cho dân chúng – tôi không nói “không xức tí nào cả”, bởi lẽ, cảm tạ Chúa, chính dân chúng “lấy cắp” được dầu của chúng ta -, Linh mục ấy sẽ đánh mất phần tốt nhất trong dân của chúng ta, đánh mất điều có khả năng kích hoạt phần sâu sắc nhất của trái tim linh mục. Ai không đi ra khỏi chính mình, thì, thay vì làm người trung gian, sẽ từng bước trở thành một người môi giới và một nhà quản trị. Tất cả chúng ta đều biết sự khác biệt: người môi giới và nhà quản trị “đã lãnh thù lao của mình rồi”, và bởi lẽ họ không đem chính mạng sống và chính trái tim mình ra để đánh cược, thì họ cũng không nhận được một lời cảm ơn trìu mến xuất phát từ trái tim của dân chúng. Chính từ đó phát sinh tâm trạng không thỏa mãn nơi một số Linh mục, và cuối cùng các vị này mang tâm thế buồn, trở thành những Linh mục buồn và biến chất thành một thứ nhà sưu tập đồ cổ hoặc đồ mới, thay vì làm những mục tử với “mùi của chiên” – vâng, chính đây là điều tôi xin anh em: anh em hãy làm những mục tử với “mùi của chiên”, mùi này phải được người ta cảm nhận –; và thay vì làm những mục tử ở giữa đoàn chiên của mình, và những người thả lưới gom người. Đúng là cái được gọi là cuộc khủng hoảng căn tính Linh mục đang de dọa tất cả chúng ta và nó được ghép vào với cuộc khủng hoảng của nền văn minh; tuy nhiên, nếu chúng ta biết chế ngự làn sóng của nó, chúng ta sẽ có thể ra khơi nhân danh Chúa mà thả lưới. Thật là một điều tốt, khi chính thực tế cuộc sống đưa đẩy chúng ta ra đi đến chỗ, mà cái thực chất của chúng ta là do ơn thánh mới có được, nay xuất hiện rõ ràng như ơn thánh thuần túy, ngay trong biển cả của thế giới hôm nay, nơi chỉ dầu xức – chứ không phải chức năng – là thực sự có giá trị, và chỉ những tấm lưới nào được thả xuống nhân danh Đấng, mà chúng ta đặt hết lòng tín thác vào Người, tức là Đức Giêsu, thì mới mang lại kết quả phong phú.

(8) Anh chị em tín hữu thân mến, anh chị em hãy ở gần bên các Linh mục của mình với lòng trìu mến và kinh nguyện, để các ngài luôn luôn là những Mục tử như lòng Chúa ước mong.

(9) Anh em Linh mục thân mến, nguyện xin Thiên Chúa Cha lại ban Thần Khí của sự thánh thiện vào trong chúng ta, chúng ta đã được xức bằng chính dầu Thần Khí, xin Chúa Cha lại ban Thần Khí của Người vào trong trái tim chúng ta thế nào, để dầu xức chạm tới được tất cả các “vùng ngoại biên”, nơi mà dân tín hữu của chúng ta đang chờ đợi và coi trọng dấu ấy nhất. Chớ gì dân chúng của chúng ta cảm nhận được chúng ta là những môn đệ của Chúa, cảm nhận được rằng chúng ta mang tên của họ như một tấm áo, rằng chúng ta không tìm kiếm một căn tính nào khác; và chớ gì, qua lời nói và việc làm của chúng ta, họ nhận được thứ dầu hoan lạc mà Đức Giêsu, Đấng-Được-Xức-Dầu, đã mang đến cho chúng ta. Amen.

 

(www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/CacDGH/Phanxico/05BanDichThuNamTT.htm)

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI