Đón nhận ơn cứu độ qua tâm tình cầu nguyện
Suy niệm Tin mừng Lc 5, 12-16, (Thứ Sáu sau lễ Hiển Linh)
M. Lasan Châu Sơn
Chúng ta đang ở những ngày cuối cùng của Mùa Giáng Sinh – mừng kính mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể Làm Người ban ơn cứu độ cho chúng ta.
Thật đúng ý nghĩa đó Tin mừng hôm nay, giúp chúng ta đón nhận ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã ban tặng qua tâm tình Cầu Nguyện. Thánh Luca mở đầu đoạn Tin mừng với lời cầu nguyện của người phong cùi: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Mới nghe qua chúng ta thấy lời Cầu nguyện của anh cùi này có vẻ như hững hờ, thiếu tin tưởng, có sự dè chừng nào đó… nhưng có đúng như vậy không?
Nếu chúng ta tìm hiểu sách, báo, phim ảnh nói về cuộc sống của những người cùi, hoặc một lần tận mắt chứng kiến những mảnh đời bất hạnh với thân xác cùi lở, vi trùng Hansen ăn hết cả tay chân, mắt mũi… chúng ta cảm nhận được một phần nào nỗi đau khổ của người cùi! Đó là đang nói về những người cùi trong thời đại hôm nay dù đã có thuốc chữa trị, được cộng đồng đón nhận, cảm thông và giúp đỡ. Còn những bệnh nhân cùi thời Chúa Giêsu, thì những nỗi đau đớn thể xác và tinh thần họ phải chịu thật là khủng khiếp hơn nhiều.
Theo quan niệm của người Do thái, bệnh cùi là căn bệnh đáng ghê tởm, là hình phạt nhãn tiền của Thiên Chúa dành cho người tội lỗi. Bệnh nhân cùi bị loại ra khỏi gia đình, cộng đoàn và xã hội. Họ không được đến gần ai và đi đâu, làm gì cũng phải đeo cái chuông bên mình và hô to: “ô uế, ô uế” để mọi người tránh xa. Người cùi còn hơi thở, còn sự sống nhưng thực tế cộng đồng coi họ như đã chết. Chính vì vậy mà, lời cầu xin của người cùi hôm nay phát ra từ tận cùng của sự đau khổ của anh: “Lạy Ngài, nếu Ngài muốn xin cho tôi được sạch”. Đây thực là một lời Cầu nguyện thống thiết, bộc lộ một đức tin chân thành phó thác trong tình thương của Chúa. Vừa thấy Chúa Giêsu anh ta nhào tới, phục sát chân Chúa, như một đứa trẻ ùa vào lòng cha mình, anh không còn sợ hãi những cấm đoán của Luật cũ…
Tâm lý học cho chúng ta thấy rằng một số người khi gặp đau khổ, họ dễ có thái độ buông thả, giải khuôi trong men rượu, hút sách… Trái lại, với người có lòng tin chân thành, thì càng gặp những khó khăn ngặt nghèo họ càng tin vào Chúa, bám vào Chúa vị cứu tinh duy nhất có thể giải thoát họ khỏi tình trạng tồi tệ đó. Điều đó thật đúng với người cùi hôn nay, anh khiêm tốn nài xin, tin tưởng tuyệt đối nơi Chúa Giêsu: “Nếu Ngài muốn, xin cho tôi được sạch”. Lời này có thể sánh với lời xin vâng đầy tín thác của Đức Maria “Xin cứ làm cho con theo như ý Chúa muốn”.
Trước lòng tín thác tuyệt đối của người cùi. Chúa Giêsu đã âu yếm đụng vào thân thể cùi lở của anh, chữa lành và cho anh sự bình an.
Như vậy, người cùi trong bài Tin mừng hôn nay dạy chúng ta bài học đón nhận ơn cứu độ qua tâm tình Cầu nguyện chân thành, khiêm tốn, tín thác nơi Chúa. Đó cũng là lẽ sống của người đan sĩ, như các tổ phụ gọi “đời sống Cầu nguyện là bạn trăm năm của đan sĩ”; “Cầu nguyện là gương soi của đan sĩ”, nhờ đó đan sĩ nhận ra con người thật của mình, từ đó mới có thể Canh tân đời sống mỗi ngày cho tốt hơn.
Ước chi Lời của Chúa giúp chúng ta nhận ra căn bệnh cùi lở của mình; đó là tội lỗi, tính hư tật xấu… để Chúa chữa lành. Tuy nhiên, muốn được Chúa chữa lành chúng ta phải tha thiết cầu xin qua Các Giờ Kinh Nguyện chung – riêng, qua lao động chân tay cũng như trí óc… qua mọi sinh hoạt của đời sống đan tu.
Chỉ trong đời sống kết hiệp với Chúa như thế, chúng ta mới có thể phục vụ cộng đoàn, phục vụ anh chị em mình cách chân thành vô vị lợi, như Mẹ Têrêxa Calcututa nói: “Không có tình yêu chân thật với Thiên Chúa, thì không thể chân thành phục vụ tha nhân được”.
Lạy Chúa, xin sáng soi cho chúng con biết việc phải làm cùng khi làm. Xin Chúa giúp cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.