ĐƠN SƠ NHƯ TRẺ NHỎ?
Mạnh Tử nói: “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, Tuân Tử lại nói: “Nhân chi sơ tính bổn ác”. Còn Đức Giê-su thì nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (Mt 19, 15).
Chúng ta nhận thấy nơi quan điểm của Mạnh Tử và Đức Giê-su có những điểm tương đồng khi thấy tính “thiện” nơi trẻ nhỏ. Và chúng ta cũng có thể kể ra đây một số tính thiện nơi những trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ có tâm hồn rất đơn sơ, tin tưởng và cậy trông nơi cha mẹ. Chúng cũng rất trong sáng trong suy nghĩ và có thể nói là một tâm hồn “trong vắt”. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận quan điểm “nhân chi sơ tính bổn ác” và lý lẽ của Tuân Tử. Tuân Tử có lý khi cho rằng con người khi sinh ra đều mang mầm mống những điều xấu, và những tính tốt là do tập tành khi trưởng thành mà có – có lẽ ông đang nói về đàng suy xét. Giữa hai luồng tư tưởng như thế, chúng ta phải làm gì với lời mời gọi: Phải trở nên như trẻ nhỏ để được vào Nước Trời?
Thánh Phao-lô cho chúng ta một câu trả lời rất chính xác và rất cụ thể. Thánh nhân nói rằng: “Về đàng thiện sống như trẻ nhỏ thì được, còn về đàng suy xét, anh em đừng sống như trẻ nhỏ” (x. 1Cr 14, 20; 1Cr 13,11). Có gì đúng khi sống đàng thiện như trẻ nhỏ và có gì sai khi suy xét như trẻ nhỏ?
Đừng suy xét, phán đoán như trẻ nhỏ
Trong thực tế, chúng ta thấy trẻ nhỏ rất hay khóc và đòi nhiều thứ. Chúng đòi và muốn chơi cả những thứ không cần thiết và nhiều thứ còn gây nguy hiểm cho chúng, cũng như những người xung quanh, như chúng đòi chơi với dao, các vật sắc nhọn, lửa… Chúng đòi chơi cả những thứ nguy hiểm cho chúng vì chúng chưa đủ tầm hiểu biết để biết cái nào là có thể chơi và dùng được. Như thế lý do thứ nhất để không suy xét và phán đoán như trẻ nhỏ là vì suy xét trong sự thiển cẩn và thiếu hiểu biết.
Trong sự thiếu hiểu biết của trẻ nhỏ mà chúng cũng rất hay sống theo cảm tính. Trẻ nhỏ thích gì thì chúng muốn có được liền và ngay lập tức. Chúng bị chi phối nhiều bởi cảm tính, nên việc chúng làm thường bộc phát và bồng bột, cho nên cũng dẫn đến nhiều hậu quả xấu. Vì thế lí do thứ hai để không nên suy xét như trẻ nhỏ là vì trẻ nhỏ suy xét và phán đoán theo cảm tính.
Như thế về đàng suy xét và phán đoán chúng ta không nên làm như trẻ nhỏ. Nghĩa là chúng ta đừng suy xét và phán đoán một cách thiển cẩn, thiếu hiểu biết và theo cảm tính (để tình cảm yêu ghét chi phối). Trái lại:
Về đàng thiện chúng ta nên sống như trẻ nhỏ
Trong việc trẻ nhỏ thích gì đòi nấy, mặc dù chúng ta thấy đó là một sự thiện cẩn, thiếu hiểu biết, nhưng chúng ta vẫn nhận ra nơi những hành động của chúng một sự đơn sơ, chân thành. Chúng đòi vì chúng muốn, chúng thích – chúng sống đúng với tình cảm của chúng, chứ không hề tính toán. Đó là một sự chân thành, sống đúng với cái mình là mà người lớn cần phải học. Với người lớn lại rất khác, nhiều khi khát tới cháy cổ, nhưng vì sĩ diện, ta đây, nên dẫu có người mời nhưng vẫn nói một cách tỉnh bơ: Tôi không khát?!!?! Để sống là mình, sống thánh thiện, chúng ta nên học nơi trẻ nhỏ sự chân thành, có sao nói vậy.
Một tính thiện khác chúng ta cũng thấy nơi trẻ nhỏ là sự tin tưởng và phó thác nơi cha mẹ của chúng. Dù ngoài kia có bão táp sóng gió nhưng nếu một đứa trẻ được ngồi trong lòng mẹ thì nó vẫn vui vẻ chơi đùa. Nó cảm thấy bình an vì nó tin vào sự quan phòng che chở của ba má của chúng. Trong vòng tay của ba má, nó giám phó thác tất cả. Ngồi trên đôi vai của ba nó, nó có thể buông tay và chơi đùa vì nó phó thác và tin tưởng vào ba nó. Ở người lớn, vì nghĩ rằng mình lớn, có những khả năng, có tiền, nên người ta ít khi tin tường vào người khác. Người ta cậy dựa vào mình nhiều hơn mà ít cậy trông vào Thiên Chúa. Cho nên để sống bình an, để sống thánh thiện, chúng ta cần học nơi trẻ nhỏ sự tin tưởng vào người khác. Nhất là chúng ta cần tin tưởng và phó thác vào Người Cha trên trời.
Còn biết bao nhiêu điều tốt nơi một tâm hồn trẻ nhỏ chúng ta cần học hỏi, nhưng chỉ cần kể ra những đặc điểm trên (chân thành và đơn sơ, tin tưởng và phó thác) cũng đủ để chúng ta thấy về đường thiện chúng ta phải sống như trẻ nhỏ.
Như thế, Nước Trời là của những ai giống như trẻ nhỏ. Nhưng không phải sống cứ i chang như trẻ nhỏ là được, mà chúng ta cần chắt lọc và lựa theo công thức của Thánh Phao-lô: Về đàng phán đoán anh em đừng sống như trẻ nhỏ, nhưng về đường thiện sống như trẻ nhỏ thì được – sống một tâm hồn đơn sơ và chân thành.
Trong thời đại này, những tâm hồn đơn sơ như trẻ nhỏ có dễ gặp hay không? Một cuộc sống mà chúng ta nhận thấy, đơn sơ thì ít mà ẫu trĩ thì nhiều. Vậy đâu là nguyên nhân làm mất đi sự đơn sơ nơi con người ngày nay?
Hồi còn ở nhà tập, vì ham thích các chương trình trên máy tính, nên tôi rất hay mày mò học hỏi. Xui xẻo là không biết sao máy nó hỏng nhưng tôi cũng đã rất chân thành để trình bày và xin lỗi tập sư. Máy hỏng xong được mấy ngày thì tôi cũng được về phép 10 ngày trước khi vào năm Tập Nhất. Trong khi tôi về phép, tập viện có một cuộc họp. Khi đề cập đến máy tính hỏng, có người đứng lên phán một câu xanh rờn : Máy tính hỏng chỉ có thằng H làm chứ không ai hêt.!!!
Sau khi nghỉ phép, tôi trở lại cộng doàn, được mấy anh trong tập viện hỏi chuyện và cũng nói ít thông tin. Máy anh nói: em làm gì máy tính mà để người ta nói: Máy tính hỏng thì chỉ có thằng H chứ không có ai hết. Nghe câu nói tôi cũng rất đau lòng. Sau này nhiều lần tôi thấy máy tính hỏng (không phải tôi làm, vì từ lần đó tôi không còn sử dụng máy tính đó nữa) nhưng chẳng thấy ai thú lỗi và cũng không thấy anh L ( người đã phán câu xanh rờn về tôi), nói gì hết.
Nhiều năm sau tôi vẫn suy nghĩ về câu nói này, tôi thấy sống chân thành và đơn sơ trong xa hội này đâu có dễ. Cũng từ câu chuyện đó tôi nhận ra nguyên nhân của việc con người ngày nay sống không đơn sơ, nhưng giả dối và ấu trí. Đó chính là sống thiếu yêu thương nhưng lại đầy thù ghét.
Khi không có yêu thương, người ta sẽ tìm những lỗi lầm của nhau. Cùng với những thù ghét, người ta sẽ có gắng để hạ bệ nhau bằng mọi cách. Đương nhiên là người ta không thể đón nhận những lỗi lầm của nhau. Từ những chuyện đó người ta thường xây dựng xung quanh mình những hàng rào che chắn cho sự an toàn của mình. Người ta không còn có thể sống gần nhau lòng kề lòng, nói với nhau bằng bụng bảo dạ. Còn những người sai lỗi họ cũng rất sợ hãi mỗi khi đi thú lỗi, vì không biết có được tha thứ, đón nhận, hay lại phải nhận những lời mắng nhiếc như những gáo nước lạnh xối trên đầu. Qủa thật, nếu không có yêu thương thì người ta dễ mang những chiếc mặt nạ để che dẫu sự thật về chính mình và cũng khiến người khác phải làm như thế. Điều đó làm mất sự đơn sơ. Như thế, nguyên nhân của việc con người ngày nay thiếu đơn sơ chính là một cuộc sống thiếu tình yêu, tình yêu không tinh tuyền.
Chúng ta chỉ có thể sống đơn sơ và chân thành khi chúng ta có một tình yêu tinh tuyền và chỉ có tình yêu tinh tuyền mới làm người khác sống đơn sơ và chân thành. Tâm hồn đơn sơ chính là chìa khóa để mở của thiên đàng cho chúng ta. Vì đơn sơ không chưa đủ nhưng chúng ta còn được mời gọi suy xét và phán đoán trưởng thành.
ÂN TÂM