ĐỨC TRINH NỮ TIN – VÂNG
(Suy niệm về biến cố Truyền tin: Lc 1, 26-38)
M. Lasan Châu Sơn
Theo mạc khải Kinh Thánh, mỗi khi Thiên Chúa muốn tuyển chọn ai cộng tác với Ngài thì Ngài đặt cho họ một tên mới như: Apram → Apraham để kêu gọi ông làm tổ phụ dân đông đảo (x. St 17,5; Rm 4,7), Xarai → Xara khi cho bà thành mẹ chư dân (x. St 17,15-16). Simon → Phêrô khi trao cho ông sứ mạng lãnh đạo Giáo Hội (x. Mt 16,8; Ga1,42). Cũng vậy, trong biến cố Tuyền tin, Thiên Chúa qua miệng của sứ thần đã gọi Đức Maria bằng tên mới: “Đấng đầy ơn phúc” (Lc 1,28), để đề nghị Đức Maria vào một phận vụ có ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại đó là làm Mẹ Đấng Cứu Thế.[1] Đức Maria đã có thái độ như thế nào trước lời đề nghị này?
Điều thật vĩ đại đã xảy ra tại Nazarét, là khi vừa nhận được lời đề nghị của Thiên Chúa, “Đấng đầy ơn phúc” (Lc 1,28) đã đón nhận với thái độ khiêm hạ, tin – vâng: “Này tôi là tôi tá Chúa tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” (Lc 1,38). Lời đáp này làm nổi bật tâm tình tín thác của người Do Thái thời Cựu Ước khi được Chúa kêu gọi để phục vụ Dân Riêng, họ đã tự bày tỏ mình là tôi tớ của Thiên Chúa như Môsê (x. Xh 4,10; 14,31), Ápraham (x. St 26,24), Isaác (x. St 24,14), Giacóp (x. Xh 32,13; Ed 37,25), Giôsuê (x. Gs 24,29), Đavít (x. 2Sm 7,8)… Vào thời Tân Ước, Đức Maria cũng đáp lại lời Thiên Chúa bằng hành vi tự do suy phục qua việc bày tỏ tâm tình muốn là “Nữ tỳ của Chúa”, với thái độ vâng phục của đức tin trước kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Đức Maria được đề nghị chấp nhận một chân lý chưa hề xảy ra trong lịch sử, theo sấm ngôn của Isaia: “Này đây trinh nữ sẽ thụ thai, sinh một con trai, đặt tên là Emmanuel” (Is 7,14). Khi đáp “Fiát”, Đức Maria sẵn sàng bỏ lại tất cả những dự định, chương trình sống của bản thân để “Tin” theo kế hoạch của Thiên Chúa, trong một hoàn cảnh xem ra hết sức phi lý:
Đức Maria được hỏi để làm một điều vượt quá khả năng của con người. Một điều không thể tin được nếu không dựa trên Đức tin vào Thiên Chúa toàn năng. Đức Maria được hỏi ý kiến để trở nên Mẹ Thiên Chúa bởi phép Chúa Thánh Thần, mà không có sự can thiệp của con người. Đức Maria được hỏi ý kiến để đảm nhận vai trò của một người mẹ mà chưa có cưới xin, ở trong một xã hội sẽ ném đá những phụ nữ rơi vào tình huống này. Không như nhiều ngôn sứ, Mẹ không kháng cự lại, không từ chối. Mẹ đã thưa Fiát. Mẹ đã hoàn toàn phó thác bản thân cho Thiên Chúa. Đây không phải là cách đáp trả của một thiếu nữ ngây thơ. Đây là cách đáp trả của một con người đặt hết niềm tin tưởng vào Thiên Chúa của mình.[2]
Do đó, lời “Fiát” của Đức Maria “Là tột đỉnh của mọi thái độ tôn giáo trước Thiên Chúa, vì nó diễn tả cách cao vời nhất thái độ thụ nhận với sự mau mắn chủ động, diễn tả sự trống rỗng sâu thẳm với sự sung mãn lớn lao nhất”.[3] Đó là lòng tín thác của một người tôi tớ được thốt lên qua lời “Fiát”, như Giáo phụ Origene chú giải: “Với lời đáp đó Đức Maria như muốn thưa lên với Thiên Chúa: Này con đây, con là bảng viết, xin văn nhân cứ viết những điều Người muốn, xin Chúa của vạn sự dùng con theo tôn ý của Người”[4].
Khi được Truyền tin, cũng như Dacaria, Đức Trinh Nữ đã đặt cho sứ thần một câu hỏi, nhưng với thái độ và nội dung hoàn toàn khác với Dacaria. Nếu Dacaria muốn biết một dấu chỉ để tin:“Dựa vào đâu mà tôi biết được điều đó? Tôi đã già và vợ tôi đã cao niên” (Lc 1,18), thì Trinh nữ Maria chỉ muốn biết cách thức thi hành ý Thiên Chúa như thế nào: “Việc ấy sẽ xảy ra như thế nào? Tôi không biết đến người nam” (Lc 1,18.34). R. Veritas nhận định: “Câu hỏi của Đức Maria chỉ cho thấy Đức Maria muốn biết ai là cha của người con mà người sẽ cưu mang, đồng thời nêu bật ý thức của Đức Maria về sự yếu đuối khó nghèo của mình”. [5] Theo thánh Giáo phụ Augustinô: “Đức Maria tìm hiểu cách thức, chứ không nghi ngờ về sự toàn năng của Thiên Chúa”.[6] Vì thế, lời Fiát của Đức Maria là lời diễn tả lòng tin trọn vẹn vô điều kiện.
Hơn nữa, khung cảnh diễn ra hai cuộc Truyền tin cũng góp phần làm nổi bật lòng tin mạnh mẽ của Trinh nữ Maria. Thiên thần Truyền tin cho ông Dacaria đang khi ông là một đại Tư tế: thông hiểu Kinh Thánh và đang dâng hương trong Đền thờ (x. Lc 1,5-25). Trái lại, thiên thần Truyền tin cho Trinh nữ Maria – một thiếu nữ bình thường, trong xóm nghèo Nazarét (x. Lc 1, 26-38). Thế nhưng, hai hoàn cảnh ngược nhau đó, lại tạo ra hai kết quả trái với lẽ thường. Vị đại Tư tế đã không tin sứ điệp của Thiên Chúa. Nhưng cô thôn nữ Maria đã tin.[7] Diễn tiến sau hai cuộc Truyền Tin, Dacaria bị câm vì không Tin. Còn Đức Maria được tiến sâu vào mầu nhiện Thiên Chúa, trở nên Mẹ Thiên Chúa bởi đã Tin.[8] Do đó, “Chúng ta trân trọng Đức tin cao cả của Đức Maria, nhất là khi chúng ta đối chiếu với khuynh hướng của con người xưa nay đòi phải có những dấu hiệu khả giác thì mới tin. Ngược lại, việc chấp thận ý Chúa của Đức Trinh Nữ chỉ dựa trên lòng kính mến Chúa mà thôi”.[9] Đúng như lời thánh Augustinô quả quuyết: “Trinh nữ Maria đã hạ sinh trong niềm tin, niềm tin ấy có trước khi thụ thai… Mẹ đã sinh hạ Đức Kitô trong tâm hồn trước khi cưu mang trong lòng dạ”.[10]
Bên cạnh đó, Đức tin của Đức Maria nhắc lại Đức tin của tổ phụ Ápraham, người đã tin cậy vào một mình Thiên Chúa đến nỗi không ngần ngại “hiến tế đứa con duy nhất” của mình. Nên ông được Thiên Chúa chọn làm tổ phụ của một dân đông đúc (x. St 15,5-6; 22,15-18; Rm 5,17).[11] Vào thời Giao Ước Mới, Đức Maria nhờ lòng tin của mình đã góp phần quyết định việc thực hiện mầu nhiệm Nhập thể, khởi đầu và tóm lược tất cả mầu nhiệm cứu độ của Đức Giêsu.[12]
Trong Đức Maria, Thiên Chúa một lần nữa kêu mời con người đến hưởng ơn cứu độ. Nhờ Đức Maria đã tin mà “Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Đó là ý nghĩa sâu xa mà các Giáo phụ đã đặt cặp sóng đôi Eva- Maria: “Eva khi còn là trinh nữ, đã đón nhận lời con rắn và đã sinh hạ sự bất tuân và sự chết. Ngược lại, Đức Maria, trinh nữ, khi đón nhận trong lòng tin và niềm vui, Tin Mừng mà thiên sứ Gabriel mang đến, đã thưa “xin hãy thành sự cho tôi theo lời ngài”.[13] Những gì mà trinh nữ Eva đã buộc lại bởi cứng tin thì nhờ lòng tin của Trinh nữ Maria, Thiên Chúa lại rộng mở đón hết thảy mọi người. Như vậy, chữ Eva, nay nhờ Trinh Nữ Maria đã đổi thành Ave đem bình an cho đời.[14] Vì thế, không lạ gì: “Các thế hệ tín hữu đã coi đoạn Tin Mừng về biến cố Truyền tin như là đoạn văn phát biểu rõ ràng nhất về lòng tin của Đức Maria”.[15]
Lạy Mẹ Maria – Mẹ Của Lòng Tin xin giúp chúng con sống đức tin với thái độ vâng phục thánh ý Chúa khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.
[1] X. RM, số 7-11; GLCG, số 2676; R. Veritas, Vinh Quang Mẹ Thiên Chúa, tr.30-33.
[2] Patricia McCarthy, C.N.D. Lời Đem Lại Bình An, Chuyển ngữ Montfort Phạm Quốc Huyên, O.Cist, Nxb Tôn giáo, tr. 83.
[3] Lm Nguyễn Văn Tuyên, Đức Maria Mẹ Ngôi Lời Nhập Thể, Nxb Tôn giáo, 2000, tr. 70; x. Raniero Contalamessa, Đức Maria Gương Mẫu Cho Giáo Hội, Tủ Sách Thánh Mẫu Học, tr. 54.
[4] Raniero Contalamessa, Đức Maria Gương Mẫu Cho Giáo Hội, Tủ Sách Thánh Mẫu Học, tr. 54.
[5] R. Veratas, Vinh Quang Mẹ Thiên Chúa, tr.37.
[6] Gioan Phaolô II, Những Bài Huấn Giáo … tr. 103.
[7] X. Jean Galot, S.J. Đấng Đầy Ơn Phúc, Chuyển ngữ Lm Bênađô, CMC, Nxb Tôn giáo, tr.47; Gioan Phaolo II, Những Bài Huấn Giáo…, tr. 103.
[8] X. Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Sách Các Bài Đọc, Tập 3, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1999, tr. 656; Jean Galot, S.J. Đấng Đầy Ơn Phúc, Chuyển ngữ Lm Bênađô, CMC, Nxb Tôn giáo, tr.47.
[9] Gioan Phalo II, Những Bài Huấn Giáo…, tr. 103.
[10]Augustinô, Sermo 293, PL 38, 1327; x. Gioan Phalo II, Những Bài Huấn Giáo…, tr. 105.
[11] X. GLCG, số 144-149; RM, số 14.
[12] Gioan Phaolô II, Những Bài Huấn Giáo…, tr. 105.
[13] Raniero Contalamessa, Đức Maria Gương Mẫu Cho Giáo Hội, Tủ Sách Thánh Mẫu Học, tr. 55.
[14] X. CGKPV, Thánh Thi Kinh Chiều Lễ Đức Maria.
[15] NMI, số 4.