LỊCH SỬ LINH ĐẠO ĐAN TU
A- DẪN NHẬP
Định nghĩa các từ và nhóm từ :
– Lịch sử : Đó là sự nhận biết hay là mối tương giao với một quá khứ, với những biến cố thuộc quá khứ; đó là những sự kiện liên quan đến sự tiến hoá của một nhóm xã hội. Như vậy, lịch sử nhắm tới sự liên tiếp của các thế hệ và những biến cố trong thời gian. Lịch sử định vị trong chiều ngang.
Những biến cố này đã thành dĩ vãng, những con người đó đã thành người thiên cổ. Mặc dù có những lợi ích về khảo cổ hay gương sống hoặc bài học đi nữa, đó chỉ là những sự việc đã tiêu tan.
– Linh đạo: Là những gì liên quan đến đời sống thiêng liêng, sự sống của Chúa Thánh Thần trong chúng ta. Chính Thánh Thần Thiên Chúa Hằng Sống đến trong chúng ta, hoạt động trong chúng ta và dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Linh đạo định vị trong chiều dọc, không ngừng đi xuống để thúc đẩy sự đáp trả của chúng ta, sự đáp trả đó trở thành một sự đi lên.
– Lịch sử linh đạo: Là sự hội tụ hai chiều hướng ngang và dọc. Chính xác hơn, đó là chiều ngang của lịch sử được linh động trong mọi lúc bởi chuyển động của Thiên Chúa Hằng Sống, Đấng đến sống với con người (“vui chơi với con người” như diễn ngữ của sách Khôn ngoan). Chuyển động tự do của con người thích ứng với chuyển động của Thiên Chúa bằng hai cách:
a).Thoát ly tất cả những gì có thể trở thành chướng ngại vật cho hành động của Thiên Chúa, bằng cách từ bỏ những mãnh lực xấu có khả năng kìm hãm và tiêu tan hoạt động của Thiên Chúa. Đó chính là một cuộc chiến (đồng nghĩa với khổ chế) để hướng tới sự thanh luyện.
b).Vươn lên Thiên Chúa, để Thiên Chúa hoạt động bằng thái độ sẵn sàng, tín thác và cầu nguyện. Đó là Chiêm niệm.
Khổ chế và chiêm niệm là hai chuyển động liên kết với nhau.
Như vậy, nghiên cứu về lịch sử linh đạo là cố gắng nhận biết xuyên qua lịch sử, chuyển động của Thiên Chúa đến với con người và sự đáp trả của con người với Thiên Chúa; chúng ta nhận biết được điều đó nhờ vào những bản văn truyền lại cho chúng ta, những bản văn ấy được viết bởi những con người đó sống trong vòng ảnh hưởng của Thiên Chúa, hoặc do những người khác viết về họ. Như vậy, chỉ lịch sử mới có bản văn. Những văn bản này phác họa cho chúng ta diện mạo luân lý và thiêng liêng của các chứng nhân của Thiên Chúa, phản ứng của họ trước tác động của Thiên Chúa và cách thức họ đến với Thiên Chúa. Như vậy không có nghĩa là những điều đó bị chôn vùi, chết như lịch sử suông, nhưng là điều gì vô cùng sống động.
Cũng chính Chúa Thánh Thần đã tác tạo nên những diện mạo khác nhau của những con người mà chúng ta sẽ tìm gặp, Ngài ở trong chúng ta giúp chúng ta hiểu giáo huấn của họ, luồng sinh khí đó thổi trong họ và các bút tích của họ, để khi tiếp cận, chúng ta được biến đổi nên sống động. Chính Chúa Thánh Thần đưa chúng ta tiếp cận trong một tình bạn hữu với những con người luôn hiện diện với chúng ta qua các bút tích của họ.
– Đan tu: Đây là chọn lựa của chúng ta. Chúng ta chú tâm đến các đan sĩ, đặt sang một bên các Giáo Phụ không đề cập hoặc đề cập quá ít về đời sống đan tu. Chúng ta sẽ chỉ tập chú vào các tác giả thuộc nguồn gốc của đan tu trào, những người trở thành điểm đối chiếu căn bản cho các thế kỉ tiếp theo.
Như đã nói trên, việc học hỏi về lịch sử linh đạo đan tu này sẽ hướng chúng ta đến cuộc tiếp xúc cá nhân với Chúa Thánh Thần, Đấng đó hành động trong các đan sĩ đầu tiên là Cha Ông chúng ta trong đức tin. Đó chính là một cách học hỏi đọc sách thánh (lectio divina). Vì đối với thánh Biển Đức, đọc sách thánh có khả năng “dẫn đưa chúng ta tới đỉnh trọn lành”, đó là Kinh Thánh và các Thánh Tiến Sĩ, mà giữa các ngài phải kể đến: những tác phẩm của thánh Cassianô và của thánh Basiliô (Tu-luật, chương 73).