Chủ Nhật, 8 Tháng Chín, 2024

Giáo trình Linh đạo Đan tu I – Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

VII. THÁNH PACÔMIÔ VÀ ĐỜI SỐNG VIỆN TU (292-346)

1.Ngọn lửa rơm Pacômiô?

2.Đời sống thánh Pacômiô

3.Tu luật và tổ chức “cộng đoàn đan tu” (koinônia)

4.Linh đạo Pacômiô

a.Lưỡng diện

b.Kết hợp với Thiên Chúa

– Kinh Thánh

– Thần vụ

c.Hiệp nhất huynh đệ: cộng đoàn đan tu

– Tất cả là của chung

– Hệ quả

+Cùng chung một nếp sống

+Nghèo khó

+Lao động

+Tuân phục

+Cộng đoàn của tha thứ

5.Kết luận

——- + ——-

1.Đan tu Pacômiô, ngọn lửa rơm ?

  Lối sống đan tu do thánh Pacômiô thiết lập có thể được so sánh một cách nào đó với ngọn lửa rơm. Hai câu trả lời: đúng và khơng.

  Đúng theo nghĩa là ngọn lửa rơm bùng phát rất mạnh mẽ, tỏa sức nóng và chiếu sáng rất mạnh, nhưng lại không kéo dài. Cũng vậy, đan tu của thánh Pacômiô phát triển rất nhanh. Ngay khởi đầu của tu trào đan tu, đan tu Pacômiô cũng có thể gọi là Dòng, nghĩa là toàn bộ được tổ chức, có luật lệ và tổ chức. Điều đó đáng biểu dương. Đó là một Dòng rất quan trọng: thánh Hiêrônimô nói đến năm mươi ngàn (50.000) đan sĩ, nhưng ngài nói quá và con số khoảng chừng mười ngàn là hợp lý. Dầu vậy, với con số đó cũng rất ư là quan trọng!

  Đan tu Pacômiô toả nhiệt và ánh sáng mạnh mẽ, vì các đan sĩ Pacômiô rất uy tín vào thời đó. Dù cách xa thành phố Alexandria, nhưng biết bao người đã đến gặp gỡ họ. Cassianô là một ví dụ điển hình.

  Cuối cùng, như ngọn lửa rơm không kéo dài: sau sự phồn vinh tuyệt vời, đan tu Pacômiô tàn lụi nhanh chóng. Ngay đầu thế kỉ thứ năm, chẳng còn gì nữa.

  Nhưng không đúng theo nghĩa là ngọn lửa rơm chỉ để lại tro tàn, ảnh hưởng của hình thái đầu tiên của viện tu thật lớn trong Giáo hội. Không phải do linh đạo khá nghèo nàn, nhưng do hệ thống luật lệ. Đan tu Pacômiô in đậm dấu ấn trong đan tu thời sau: Bộ Luật Đông Phương được trước tác từ Luật Pacômiô. Tu luật Biển Đức cũng in vết của luật Pacômiô: người ta tìm thấy 20 đoạn minh chứng điều đó.

  Hơn thế nữa, Bộ Luật Pacômiô cũng ảnh hưởng đến các hội dòng đối nghịch với đan tu, như dòng Tên.

2.Đời sống thánh Pacômiô

Pacômiô là ai? Thật khó mà biết, vì người ta bảo tồn rất ít bút tích của ngài: một vài bài giáo lý hay Bộ Luật, nhưng lại có bốn bản khác nhau, và không chắc chắn là Pacômiô viết ra. Ngài cũng chẳng viết tự thuật, mà có đến tám chín cuốn tiểu sử do các môn sinh của ngài viết. Ngay sau khi ngài chết đã có một sự rạn nứt giữa các môn sinh và mỗi nhóm viết tiểu sử về tổ phụ để bảo vệ quan điểm của mình. Như vậy, mỗi cuốn tiểu sử trình bày vị tổ phụ dưới những khía cạnh khác nhau.

    Trong tám chín cuốn tiểu sử đó, có ba tiểu sử quan trọng hơn, vì nó còn nguyên vẹn hay gần như thế. Người ta phân biệt các cuốn tiểu sử này theo ngôn ngữ được sử dụng: Tiểu sử bohaïrique, Tiểu sử Saidique (là hai thư thổ ngữ của tiếng copte), và Tiểu sử Hi Lạp. Những cuốn tiểu sử khác chỉ là những tảng văn vụn vặt.

    Pacômiô cũng là người Ai-Cập như Antôn, nhưng là dân ngoại. Sinh vào năm 292 trong một gia đình nông dân khá giả, ở Sneth bên bờ sông Nil. Pacômiô có ít ra một người anh và một em gái.

    Ai-Cập lúc đó sống dưới sự đô hộ của đế quốc Roma. Năm 312 hoàng đế Maximin Daia cần nhiều lính để chống lại Licinius. Thanh niên bị thu gom và cưỡng bức quân dịch. Pacômiô và một số thanh niên chung số phận và bị giải về Alexandria. Họ bị giải đi như những tội phạm và xuôi dòng sông Nil đến Thèbes, là một thành phố lớn để tiếp đó là hành trình ban đêm. Họ bị quân lính nhốt vào các nhà tù thành phố, và ở đó, các kitô hữu đã đến thăm viếng mang lương thực và cứu trợ họ.

    Pacômiô tuy là người ngoại đạo nhưng cảm kích trước tình bác ái của các kitô hữu. Điều đó im đậm trong cuộc đời của chàng: kitô hữu đối với chàng là người làm điều thiện cho mọi người. Tư tưởng này in đậm trong chàng và sẽ ảnh huởng đến quan niệm của chàng về đời đan tu sau này: một đời sống phụng sự Chúa và phục vụ anh em.

  Bản văn 1. Tiểu sử Bohaїrique

 “Sau những cuộc bắt đạo, Constantin đại đế là hoàng đế kitô giáo đầu tiên trị vì tại Constantinople. Nhưng một thủ lãnh muốn chiếm đoạt đế quốc, nên gây chiến với hoàng đế. Hoàng đế đi chiêu dụ những thanh niên to lớn, vững mạnh để xung vào đội quân và chống lại kẻ thù của Thiên Chúa.

  Pacômiô tuổi đôi mươi. Dù rằng anh chẳng mạnh khoẻ gì, nhưng vì họ cần nhiều binh lính, nên anh cũng bị bắt. Anh cùng với những người khác bị đưa xuống thuyền, anh ngước mắt lên trời và thở dài: “Lạy Chúa Giêsu, xin cho ý Chúa nên trọn.” Thuyền dọc theo sông Nil. Tại thủ đô Thèbes, họ nhốt những người bị bắt vào ngục. Nhưng vào buổi chiều, những người trong thành phố có thể đến viếng thăm và cung cấp lương thực, vì họ thấy những người này thật khốn khổ. Pacômiô hỏi những người cùng đi: “Họ là ai vậy? Dù họ không biết chúng ta, thế tại sao họ lại tốt với chúng ta như vậy?” Họ trả lời anh: “Đó là những Kitô hữu. Họ đối xử tốt với chúng ta vì tình yêu Chúa Trời.” Pacômiô không ngủ được. Anh cầu nguyện suốt đêm: “Lạy Chúa Giêsu, là Đấng Kitô, Thiên Chúa của mọi thánh nhân, xin tình thương Chúa mau xuống trên con. Nếu Ngài giải thoát con, con sẽ phục vụ tất cả mọi người suốt cuộc đời con.” Buổi sáng hôm sau, họ bị dẫn xuống thuyền và thuyền cập bến thành phố Antinoé. Trong thời gian họ ở đó, hoàng đế chiến thắng quân thù. Ông ra lệnh tha tất cả và gởi họ về quê hương bản quán. Pacômiô đi về phía nam, đến miền thượng Thébaїde. Anh vào một ngôi nhà thờ làng tên là Chênesêt. Anh học giáo lý và nhận bí tích thanh tẩy. Ngay đêm ngày anh được rửa tội, anh có một thị kiến. Sương trời rơi xuống đầu anh, nó liền trở thành một tảng mật ong trong tay mặt của anh, và khi thấy như vậy, mật ong chảy xuống, lan tràn trên khắp trái đất. Một tiếng nói với anh: “Pacômiô, việc đó sẽ xảy ra nay mai.”

  Chiến tranh chấm dứt, Pacômiô được trả tự do tại Antinoé. Xuôi dòng sông Nil, nhưng không để trở về quê. Chàng muốn phụng sự Chúa, và như Antôn, chàng sống nơi bìa làng Chênesêt nơi chàng lãnh bí tích thanh tẩy vào năm 313.  Chàng muốn phục vụ mọi người như lời nguyện ước. Sau đó, chàng tìm thụ giáo nơi một nhà khổ hạnh sống ở bìa làng. Và cũng như Antôn, chàng bị nhiều thử thách. Như vậy, tổ phụ đời viện tu không có tư tưởng tạo cái mới mà sống như Antôn. Nhưng Thiên Chúa lại cho chương trình khác.

  Vào năm 320, Pacômiô từ giã nhà khổ hạnh Palamon để sống trong một ngôi làng bỏ hoang tên Tabennêse và luôn luôn với ý định sống đời ẩn sĩ.

  Bản văn 2. Tiểu sử Bohaїrique: “Pacômiô tìm cách để trở thành đan sĩ, khi nghe nói đến một ẩn sĩ cao niên quí danh Palamon. Anh đến viếng thăm vị đó. Vị cao niên ngó qua cửa sổ và nói giọng nhát gừng: “Có việc gì không?” – “Thưa cha, nếu đẹp lòng cha, con muốn trở thành đan sĩ với cha.” – “Không, anh không có thể được. Làm đan sĩ rất ư là cực nhọc. Nhiều người đến rồi lại ra đi.” – “Nhưng cha cứ cho con thử rồi cha sẽ thấy.” – “Nhưng phải tập một thời gian tại gia đã. Còn tôi, điều tôi làm rất ư là cực nhọc. Vào mùa hè, tơi không ăn uống trước khi mặt trời lặn; còn mùa đông thì ba ngày ăn có một lần. Tôi chỉ dùng bánh với muối, không dầu không rượu. Tôi thức đến nửa đêm, thường thì suốt đêm để cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa.” Pacômiô khiêm tốn trả lời: “Tất cả những điều đó, con đã thử trước khi đến nơi cha, con tin tưởng rằng với sự trợ giúp của Thiên Chúa và lời cầu nguyện của cha, cha sẽ an tâm về con.” Palamon mở cửa đón tiếp Pacômiô. Sau khi thử thách một thời gian, vị ẩn sĩ trao áo đan sĩ cho Pacômiô. Tất cả cùng sống chung một đời hy sinh và cầu nguyện. Cả hai cùng sản xuất chiếu.”

    Người anh tên là Gioan đến thăm. Và đây vào một đêm Pacômiô có một thị kiến:

   Bản văn 3: “Ngày kia Pacômiô và người anh đi gặt lúa gần làng Tabennêse nơi họ cư trú. Họ cầu nguyện với nhau như thói quen làm. Đoạn Pacômiô đi cách một đoạn và ngồi đó một mình. Chàng buồn sầu, trái tim sầu não: Chàng muốn biết ý Chúa. Trời sẩm  tối, và này một người sáng láng hiện ra đứng trước mặt chàng và hỏi: “Sao buồn thế?” Chàng trả lời: “Tôi thật sự muốn biết điều Thiên Chúa muốn về tôi.” Người đó hỏi: “Bạn thật sự muốn biết ý Chúa chứ?” Pacômiô trả lời: “Vâng.” Người ấy nói: “Ý Chúa là bạn hãy phục vụ con người và làm họ hoà giải với Thiên Chúa.” Pacômiô tức giận trả lời: “Tôi đi tìm ý Chúa mà ông lại nói là tôi phải phục vụ con người!” Người ấy nhắc lại ba lần: “Ý Chúa là bạn phục vụ con người và kêu gọi họ đến với Ngài.” Sau đó, Pacômiô không còn thấy gì nữa. Khi ấy, chàng nhớ lại lời cam kết của chàng với Chúa ngày mà chàng được người ta giúp đỡ khi còn ở trong tù với các bạn đồng hành. Chàng đã hứa: Nếu Ngài giải thoát tôi, tôi sẽ phục vụ tất cả mọi người trọn cuộc đời tôi.”

  Những ngày sau đó, có điều khác biệt xảy ra giữa chàng và người anh. Gioan muốn sống đời ẩn sĩ và sống trong căn chòi nhỏ, trong khi đó Pacômiô, sau thị kiến, muốn xây dựng một đan viện.

  Dần dần người ta tuôn đến với Pacômiô, vì ngài có ơn qui tụ mọi người chung quanh mình. Các bạn trẻ tuôn đến để được giáo huấn, và trung thành với ý hướng ban đầu, Pacômiô phục vụ họ. Trước gương lành của Pacômiô, các bạn trẻ nói với nhau: “Nào chúng ta hãy sống và chết với con người này, bởi vì ngài hướng dẫn chúng ta thẳng tiến đến Thiên Chúa.” Nhưng cũng có nhiều người không dấn thân đủ cũng đến và làm hủy hoại dự tính của Pacômiô. Pacômiô kinh nghiệm thất bại và rút ra bài học. Bài học là đan viện không phải là hợp tác xã, và rằng muốn tạo dựng một cộng đoàn, phải có một hệ thống kinh tế có khả năng hàn chặt cộng đoàn. Với thử nghiệm đầu tiên, Pacômiô trung thành với ánh sáng nhận được khi trở lại, phục vụ mọi người, và nhận được từ họ của ăn. Và ngài ra một luật như sau: Mỗi người phải lo cho đủ sống và quản trị của cải của mình, và phải lo đủ nuôi dưỡng mình và khách trú. Anh em mang đến cho Pacômiô phần của họ và họ dàn xếp với nhau. Nhưng thật ra, đó mới là phòng trọ gia đình chứ chưa là một cộng đoàn.

  Bản văn 4. Tiểu sử Bohaїrique: “Chúa Quan Phòng gởi ba người đến với Pacômiô: Pchentoch, Sourous và Pchoї. Họ nói với Pacômiô: “Chúng con muốn làm đan sĩ với ngài.” Pacômiô trả lời: “Các anh có thể bỏ cha mẹ để theo Chúa Cứu Thế không?” Sau đó ngài thử thách họ và nhận thấy tấm lòng họ tốt lành. Ngài trao cho họ áo đan sĩ và họ lãnh nhận với niềm vui sướng. Ngài giúp họ dần dần tiến lên trong đời đan tu. Ngài dạy họ nhất là phải từ bỏ thế gian, gia đình và chính mình. Ngài dạy họ bước theo Chúa Cứu Thế và mang lấy thập giá. Ngài huấn luyện họ theo Sách Thánh và họ mang lại nhiều hoa trái. Pacômiô muốn cất khỏi các tập sinh mọi nỗi lo lắng, ngài nói với họ: “Công việc của các con là suy niệm Thánh vịnh, Kinh Thánh, và nhất là Phúc Âm.” Ngài cũng tự nhủ mình: “Họ còn là những tập sinh. Họ không có khả năng phục vụ người khác.” Và chính ngài kiêm luôn mọi việc của đan viện: trồng rau, bếp núc, dọn bàn ăn, giữ cửa, ý tá. Khi ấy các tập sinh nói với ngài: “Thưa cha, việc đó làm cho chúng con buồn phiền. Tại sao cha làm việc một mình?” Pacômiô trả lời: “Người ta có quên tâm hồn mình không khi quay guồng kéo nước? Thiên Chúa biết rõ cha vất vả: ngài sẽ gởi đến cho cha những bạn đồng hành.” Như thế gương lành của ngài phấn khích họ. Họ nói với nhau: “Người ta không là thánh khi còn trong lòng mẹ. Khi người ta là tội nhân, người ta cũng có thể có sự sống. Cha của chúng ta đã không là một người ngoại đạo sao? Chúng ta cũng vậy, chúng ta hãy bước đi theo người.” Lòng tin tinh tuyền không sai lạc của Pacômiô lôi cuốn nhiều tập sinh khác như Pénoch, Corneille, Phaolô, Gioan và những ẩn sĩ bên cạnh.”

  Sau thất bại này, Pacômiô hiểu rằng để có một cộng đoàn bền vững, tất cả phải để làm của chung. Từ đó, ngài đòi hỏi các người đến với mình phải từ bỏ gia đình và của cải để theo Chúa. Và ngài đề nghị với họ phương tiện đến với Chúa là sống đời cộng đoàn (tiếng Hi Lạp là Koino-bios), tạo dựng một cộng đoàn.

  Từ đó cộng đoàn của Pacômiô phát triển rất mạnh. Cả các vùng dọc theo sông Nil đầy dẫy các cộng đoàn Pacômiô.

  Bản văn 5. Tiểu sử Bohaїrique: “Một ngày kia, Pacômiô dong thuyền với hai anh em đến thăm cộng đoàn của ngài tại Tmouchons. Vào giờ dùng bữa, anh em ăn mỗi thứ một chút: rau, pho mát, trái vải, trái oliu. Pacômiô chỉ dùng bánh với muối. Sau đó ngài oà khóc. Anh em hỏi ngài: “Tại sao cha khóc?” Ngài trả lời: “Bởi vì chúng con không hãm mình. Ăn uống không phải là chuyện tội lỗi, nhưng cũng phải hãm mình trong mọi sự để không có gì khống chế chúng ta.” Buổi chiều, ngài nói với anh em: “Chúng con có muốn thức đêm nay không?” Họ chấp nhận. Không bao lâu, người anh em thứ nhất buồn ngủ và đi ngủ. Còn người kia thức tới bình minh. Vào lúc trời sáng, người anh em này đánh thức người anh em thứ nhất dậy và đi ngủ; đang khi đó Pacômiô thức với người anh em thứ nhất cho đến Tmouchons. Vị bề trên quí danh Cornêliô chào đón Pacômiô. Đoạn hỏi nhỏ hai người anh em: “Cha chúng mình đã làm gì?” Hai anh em trả lời: “Ngài đã cho chúng tôi bài học!” Đoạn kể lại chuyện xảy ra. Khi ấy Cornêliô thốt lên: “Làm sao vậy? Các vị đã bị một ông già đánh bại à!”

  Pacômiô qua đời năm 346 dịp cơn dịch hạch, mới có 54 tuổi.

  Sự kế tục rất khó khăn: những nhóm thành lập, nhóm trẻ chống nhóm già và ngược lại… và ai sẽ là người lãnh đạo đây! Hai môn sinh của Pacômiô, hai khuôn mặt lớn: Théodore thuộc thế hệ cao niên và Orsière thuộc thế hệ trẻ, cùng quản trị. Nhưng sau khi Théodore qua đời vào năm 368 và cả Orsière vào năm 387, tất cả đều sụp đổ. Cũng có cố gắng cải tổ: những đan sĩ áo trắng do Chenoutte, nhưng cũng không đáng kể. Vị bề trên này sử dụng cây gậy hơn là củ cà rốt, và vì thế làm nản lòng những người thiện chí.

  May thay, vào năm 404, Hiêrônimô, khi ấy đang ở Bethléem, dịch ra tiếng Latinh bốn bộ Luật, 11 lá thư của Pacômiô, một của Théodore và cuốn sách của Orsière. Nhờ những bản dịch đó mà kinh nghiệm Pacômiô còn để lại dấu vết tại Tây-Phương.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Những tượng Chúa Kitô Vua lớn nhất trên thế giới

  NHỮNG TƯỢNG CHÚA KITÔ VUA LỚN NHẤT TRÊN THẾ...

Nữ Đan Viện Phước Hải: 47 năm hiện diện trên vùng đất Bãi Dâu, Vũng Tàu

Kỉ niệm Khai Sinh Nữ Đan Viện Xitô Thánh...

Tu trào đan tu

Tu trào đan tu Từ các linh phụ sa mạc...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tu trào đan tu (phần kết)

DÒNG XITÔ   Cuộc cải tổ của Dòng Cluny (910) đã đem lại cho Giáo hội nói chung và đan tu nói riêng nhiều sức...

Tu trào đan tu (Tiếp theo)

II-Thánh Biển Đức và nếp sống Đan Tu Cộng Đoàn 1. Con người Biển Đức        Biển Đức sinh năm 480, tại ngôi làng...

Tu trào đan tu

Tu trào đan tu Từ các linh phụ sa mạc đến sự ra đời của Dòng Xitô (1098) I. Tu trào dan tu thời đầu 1. Khái...

Tu trào Xitô

Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 do cha Henri Denis Biển Đức Thuận sáng lập. Cha Henri...

ƠN GỌI CHIÊM NIỆM

  ƠN GỌI CHIÊM NIỆM   Có thể nói, chiêm niệm...

Linh Đạo Xitô

LINH ĐẠO XITÔ           Sống trong một đan viện Xi-tô (hay Biển Đức), đan sĩ sống trong một “Trường Phụng Sự...