X.ÉVAGRE THÀNH PONT (347-399)
1.Tu trào đan tu uyên bác
– Phần đông các ẩn sĩ sa mạc là dân quê, không học thức.
– Có những ẩn sĩ học thức từ xa đến chung sống (à đan tu trào uyên bác).
– Phát sinh những ghen tị, rồi thành tranh cãi, cuối cùng nhóm đan sĩ học thức bị trục xuất khỏi Ai-Cập.
2.Đời sống
Qua tác phẩm của Pallade trong “Tiểu sử Lausiaque”.
– Sinh năm 347, thành Pont thuộc Ibora, miền bắc nước Thổ Nhĩ Kỳ (hiện nay).
– Évagre quen biết Basiliô, rồi Grégoire de Naziance, và Grégoire de Nysse.
– Hoạt động tại Constantinople: chuyện tình – chiêm bao những nguy hiểm – ra đi.
– Sống tại đan viện Núi Cây Dầu tại Giêrusalem – ngựa quen đường cũ – bệnh nan y – được chữa lành – Nữ đan sĩ Mélanie khuyên đi tới Ai-Cập. Évagre lên đường.
– Tại Ai-Cập: hai năm tại Nitrie, sau đó tới Cellules – sống khổ hạnh nhiệm nhặt – kiếm sống bằng viết lách – một nhà trí thức (bản văn 1), cảm thấy nhỏ bé (bản văn 2) – thành lập một nhóm (“nhóm của Évagre” hay “ nhóm những anh em cao lớn” à ngưỡng mộ, đọc, quảng diễn quá đáng tư tưởng của ông Origène) – phát sinh đố kỵ (trí thức cầu nguyện tinh tuyền và các ẩn sĩ nhà quê với thuyết nhân hình).
– Qua đời năm 399 – năm 400, nhóm đan sĩ trí thức bị trục xuất khỏi Ai-Cập.
3.Các tác phẩm
a.Khảo Luận Thực Hành (Đan Sĩ): 100 chương ngắn – đạo lý về khổ chế.
b.Khảo Luận về Giác Ngộ: 50 chương – trình bày sự tiến triển trong nhận thức (dành riêng cho những người đã “giác ngộ” hay các vị “thầy đường thiêng liêng”).
c.Những Chương Về Nhận Thức: Tác phẩm này gồm 600 chương (6×100, nhưng chỉ có 90 chương chứ không phải 100 chương) – Tác phẩm lớn trình bày đạo lý của Évagre vừa là triết gia vừa là thần học gia – mượn các đề tài của ông Origène nhưng lập trường cứng rắn hơn – Tất cả những đề tài bị lên án vào năm 553.
d.Khảo Luận Về Cầu Nguyện: phong phú và quan trọng nhất, tầm ảnh hưởng sâu rộng. Vì mang tiếng xấu do tác phẩm “Những Chương Về Nhận Thức”, nên tác phẩm về Cầu Nguyện được lưu tồn dưới tên “Thánh Nil” – gồm thư ngỏ (lời mở) và 153 chương (tương đương với 153 con cá trong Ga 21, 11).
4.Đạo lý
– Chứng nhân của linh đạo các Thánh Phụ sa mạc: dội lại giáo huấn bằng tổng hợp và kinh nghiệm cá nhân sâu xa à lôi cuốn.
– Từ ngữ và ưu tư không muốn trình bày lộ liễu chân lý cho những người không có khả năng à khó hiểu nhưng dẫn lên đỉnh cao.
a.Khổ chế trong Khảo Luận Thực Hành
a).Lời mở (thư ngỏ): biểu tượng của y phục đan tu (bản văn 3)
b).Lược đồ: thực hành-thể lý-thần học / đức tin-chiêm niệm tự nhiên-đức ái (bản văn 4,5)
c).Cuộc chiến thiêng liêng (bản văn 6) chống lại tám tư tưởng (bản văn 7) – “quỉ ban trưa” (bản văn 8)
d).An tĩnh à khống chế các đam mê (bản văn 9, 10) – Đích điểm: đức ái (bản văn 11)
b.Thần bí: Khảo Luận Về Cầu Nguyện
a).Phần 1 (chương 1 đến 63): Tiến trình dẫn đến cầu nguyện
– (Chương 1 đến 27): Làm câm lặng các đam mê để tiếp cận Thiên Chúa (bản văn 12) – lòng thống hối (bản văn 13) – nhập định (tâm tĩnh) (bản văn 14) – niềm vui (bản văn 15) – khao khát cầu nguyệnà dám đánh đổi (bản văn 16).
– (Chương 28 đến 46): Điều kiện để cầu nguyện: thanh luyện ký ức (bản văn 17, 18).
– (Chương 47 đến 50): Đề phòng ma quỉ gây chiến với người cầu nguyện.
– (Chương 55 đến 58): Tình yêu, nền tảng của cầu nguyện (bản văn 19 – c. 55, 56, 57).
– (Chương 59 đến 63): Những chương rất đẹp về cầu nguyện (bản văn 20, 21, 22, 23).
b).Phần 2 (chương 64 đến 120): Nhắc lại sự cần thiết thực hành, kết thúc bằng các mối phúc (bản văn 24, 25, 26, 27, 28, 29)
c).Phần ba (chương 126 đến 153): Từ đỉnh cao đi xuống. Hai bản văn đẹp (bản văn 30)
d).Kết luận: Con đường của cầu nguyện (bản văn 32)
5.Kết luận
– Điểm nhấn của đan tu Évagre: linh đạo sa mạc (bản văn 33).
– Ảnh hưởng của Évagre: trên đan tu Hi Lạp – Syria – Latinh.
——- + ——-
1.Một trào lưu đan tu uyên bác
Như chúng ta đã biết, đan tu trào được bắt đầu và nở rộ trên vùng sa mạc Ai-Cập. Phần nhiều các thánh phụ hay các ẩn sĩ sa mạc là những người dân quê Ai-Cập, những con người không có học thức bao nhiêu. Nhưng sự thiếu kiến thức sâu rộng không cản trở họ yêu mến Thiên Chúa. Dần dần danh thơm tiếng tốt của các ẩn sĩ này lan rộng khắp nơi và từ xa đã có những người đến cư ngụ trong vùng sa mạc này để sống kinh nghiệm về Thiên Chúa. Trong số những người đến từ xa đó có ẩn sĩ Arsène đã từng là một viên quan cao trọng tại triều đình Constantinople. Những ẩn sĩ có học thức này, suy tư và viết lại những kinh nghiệm sống nơi sa mạc và truyền bá linh đạo của các thánh phụ sa mạc. Sự kiện đó làm nảy sinh điều mà chúng ta gọi là “đan tu trào uyên bác”.
Nhưng rồi với thời gian, sự kiện những đan sĩ học thức sống chung lộn với các đan sĩ quê mùa gây nên những sự ghen tị nho nhỏ nơi những đan sĩ thiếu học thức và những đan sĩ học thức coi những đan sĩ quê mùa quá đơn giản. Rồi những luồng gió quá nhân loại đã thổi đến và biến thành những cuộc tranh cãi ngày càng trầm trọng và đi tới việc trục xuất một nhóm đan sĩ học thức trong đó có Cassien.
Chúng ta sẽ đề cập đến hai nhân vật đã viết lại cái kinh nghiệm của đời ẩn sĩ sa mạc: Đó là đan sĩ Évagre thiên hướng về duy trí thức và Cassien dễ hiểu hơn vì ông chống lại duy trí thức của Évagre và đơn giản hoá những gì mà Évagre đã phức tạp hóa để đặt vào tầm hiểu biết của các đan sĩ xứ Gaule.
2.Đời sống của đan sĩ Évagre
Chúng ta biết rõ đời sống của đan sĩ Évagre, vì đan sĩ Pallade, một người bạn của ông đã kể lại trong cuốn sách “Tiểu sử Lausiaque”, cuốn sách chúng ta đã nói tới trong phần các ẩn sĩ sa mạc.
Évagre sinh năm 347, trong tỉnh Pont thuộc Ibora, miền bắc nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện thời. Đó cũng là năm qua đời của thánh Pacômiô và bảy năm ngày qua đời của thánh Antôn. Cha của Évagre là giám mục. Ibora không cách xa Anéesis nơi thánh Basiliô đã sống một quãng đời ẩn dật đan tu với gia đình và các bạn hữu. Évagre biết Basiliô vì ngài ban chức đọc sách cho anh. Sau đó, khi thánh Basiliô qua đời, Évagre gắn bó với Grégoire de Naziance mà anh coi như là thầy của mình. Anh theo ngài đến thủ đô Constantinople nơi ông được người ta chú ý đến do tài biện bác chống lại các người lạc giáo. Khi Grégoire de Naziance từ giã thành Constantinople, Évagre tiếp tục ở đó để thi hành chức vụ cao trong Giáo hội dưới thời Nectaire, người kế vị Grégoire. Anh cũng tương giao bạn hữu với Grégoire de Nysse, khi đó là cố vấn ở triều đình.
Nhưng chàng Évagre bị tiếng sét ái tình với một phu nhân của một viên chức cao cấp. Anh chiến đấu chống lại đam mê này, và khi anh vừa chiến thắng, thì người phụ nữ đó lại yêu anh đắm đuối. Một giấc chiêm bao báo cho Évagre biết tất cả những phiền toái như ngục tù và còn tệ hại hơn nữa sẽ xảy ra do cuộc phiêu lưu tình ái này. Chính vì thế anh chạy trốn đến ở tại Jêrusalem và sống trong đan viện mà ông Ruffinô và bà Mélanie thành lập nơi đó, trên núi Cây Dầu.
Nhưng đó lại là một đan viện trong thành phố. Évagre chứng nào tật đấy; anh xuất hành và qua lại với các cô gái. Và đây, Thiên Chúa canh chừng trên chàng và Ngài gởi đến một cơn bệnh kéo dài sáu tháng và chàng bị kiệt lực. Các lương y không sao hiểu được căn bệnh. Nhưng bà Mélanie là một đấng thánh, đoán ra rằng có Thiên Chúa trong căn bệnh này. Évagre thổ lộ với bà. Bà khuyên chàng đừng làm gã ăn chơi nữa và hãy lên đường đi đến Ai-Cập để sống đời đan sĩ, xa cách thế gian. Évagre hứa với bà và vài ngày sau đó, chàng được chữa lành.
Évagre giữ lời hứa và lên đường đi Ai-Cập. Trước tiên, chàng sống hai năm tại Nitrie. Sau đó chàng tiến sâu vào sa mạc và cư ngụ tại trung tâm ẩn sĩ Cellules. Nơi đó chàng sống một đời khổ hạnh rất nhiệm nhặt, kiếm sống bằng nghề chép thủ bản, chỉ sống với bánh, chút muối và chút dầu. Chàng viết thay cho những ai không biết chữ, chép sách và viết sách.
Sống giữa những đan sĩ mà phần đông là không biết đọc, ông xuất hiện như là một nhà trí thức. Nhưng ông ý thức những giới hạn của kiến thức của mình.
(Bản văn 1) “Linh phụ Évagre nói với thánh phụ Arsène: “Làm sao xảy ra là chúng ta, với tất cả vốn liếng văn hoá và khôn ngoan, chúng ta chẳng có gì cả; trong khi đó những người Ai-Cập vô học kia đã thủ đắc được biết bao là nhân đức?” Thánh phụ Arsène nói: “Chúng ta không rút tỉa được chút gì từ văn hoá đời của chúng ta, còn những người Ai-Cập vô học kia đã thủ đắc bao nhân đức do công lao bao vất vả của họ.”
Là nhà trí thức, ông vẫn sống hoàn toàn nhỏ bé trước những người không trí thức và chịu đựng những tiếng châm chọc:
(Bản văn 2) “Một ngày kia, tại trung tâm Cellules, có một cuộc họp để giải quyết một vấn đề gì đó. Linh phụ Évagre lên tiếng. Khi ấy một vị linh mục nói với ngài: “Thưa ngài, chúng tôi biết rằng nếu ngài còn sống tại quê hương ngài, thì chắc chắn ngài đã là giám mục hay là thủ lãnh của một số đông. Nhưng ở đây, ngài chỉ cư trú như người ngoại quốc thôi.” Linh phụ Évagre, lòng đầy hối hận, không bị dao động, nhưng nghiêng đầu và trả lời: “Thưa cha, chính như vậy đó. Con chỉ nói một lần này và sẽ không nói lần thứ hai.”
Một trí khôn sắc sảo, một nhà tâm lý giỏi giang, đan sĩ Évagre trở thành thủ lãnh của một nhóm các đan sĩ khá biệt lập mà Pallade đôi khi gọi là “hội đoàn” hay “nhóm” của Évagre, hoặc là “Những anh em cao lớn”, vì vóc dáng to lớn của họ. Những đan sĩ này đọc và ngưỡng mộ ông Origène với lối chú giải phúng dụ Kinh Thánh. Nhưng, vì những môn đệ quá nhiệt thành và kém cẩn trọng nên đã làm biến dạng tư tưởng của thầy mình, làm cho cứng rắn hơn luận điểm của thầy, khẳng định như là chắc chắc những gì mà ông Origène trình bày như là khả thi thôi. Chính vì thế, các đan sĩ đơn sơ hơn, vì không đọc Origène và phần đông là người theo thuyết nhân hình, nên cảm thấy bị xốc bởi quan điểm của nhóm này. Điều đó biến thành những đối kháng mãnh liệt được gọi là “cuộc tranh cãi về Origène”. Đối kháng trở thành không kiểm soát được vào năm 400 và kết thúc bằng việc trục xuất ra khỏi Ai-Cập nhóm các đan sĩ là môn đệ của ông Origène, trong đó có Cassien. Phần ông Évagre, đã qua đời vài tháng trước đó, vào năm 399, vào chính ngày lễ Hiển Linh, sau khi đã cử hành các Mầu Nhiệm Thánh.
3.Các tác phẩm của đan sĩ Évagre
Ngoài những thư tín, những Chú Giải Kinh Thánh và một khảo luận gọi là antirrhétique trong đó các đoạn văn Kinh Thánh dành cho việc trừ quỉ, đan sĩ Évagre còn viết một vài khảo luận. Trước hết có ba cuốn sách hợp thành bộ ba tập hợp những trước tác mà chính Évagre mô tả ba giai đoạn của đời sống thiêng liêng.
a.Khảo luận Thực hành, được Évagre gọi là “Đan sĩ”. Đó là một cuốn sách gồm 100 chương rất ngắn. Évagre là người đã sáng tác nên lối văn chương này và sẽ trở thành thịnh hành tại Đông Phương. Sách này trình bày đạo lý về khổ chế của Évagre: tuân phục các giới luật. Từ đó phát sinh cuộc chiến để loại trừ các nết xấu và phát huy các nhân đức.
b.Khảo luận về Giác Ngộ, tiếp theo khảo luận trên, là một tác phẩm gồm 50 chương. Đề tài chính là sự tiến triển trong nhận thức. Đó là một loạt những lời khuyên dành cho người “giác ngộ”, nghĩa là thầy thiêng liêng.
c.“Những chương về nhận thức”. Tác phẩm này gồm 600 chương (6×100, nhưng chỉ có 90 chương chứ không phải 100 chương). Đây là một tác phẩm đạo lý lớn của Évagre với tư cách vừa là triết gia vừa là thần học gia. Trong tác phẩm này Évagre mượn lại hầu hết những đề tài của ông Origène, nhưng lập trường cứng rắn và ra khỏi bối cảnh. Tất cả những đề tài này sẽ bị lên án vào năm 553.
d.Khảo luận về cầu nguyện là một khảo luận quan trọng nhất và phong phú nhất, có tầm ảnh hưởng nhiều nhất trên hậu thế. Vì ông Évagre bị mang tiếng xấu, vì những tư tưởng trong tác phẩm “Những chương về nhận thức”, nên khảo luận này được lưu giữ dưới danh xưng thánh Nil. Tác phẩm gồm một lá thư ngỏ và 153 chương rất ngắn (tương ứng với 153 con cá trong Gioan 21, 11). Khảo luận này là một tác phẩm thần bí. Qua tác phẩm này, Évagre là nhà sáng lập nên thuyết thần bí đan tu.
4.Đạo lý của Évagre
Như vậy, đan sĩ Évagre là một chứng nhân của linh đạo các Thánh Phụ sa mạc. Ông làm dội lại những giáo huấn của họ, bằng chính việc ông tổng hợp giáo huấn về sa mạc, bằng chiều sâu đạo lý của ông, và bằng chính kinh nghiệm thần bí của mình, nên ông rất lôi cuốn. Nhưng đàng khác, ông trở nên khó hiểu vì một loạt những từ vựng, bằng chính ưu tư của ông là không muốn trình bày một cách quá ư là lộ liễu một chân lý cho những người không có khả năng hiểu, và đôi khi do việc ông dẫn chúng ta đến đỉnh cao.
Chúng ta sẽ học hỏi sự khổ chế mà đan sĩ Évagre trình bày trong Khảo Luận Thực Hành và trong Khảo Luận về Cầu Nguyện.
a.Khổ chế trong Khảo Luận Thực Hành
Lá thư ngỏ được dùng như Lời Mở trong Khảo Luận Thực Hành có tầm quan trọng. Bắt đầu bằng diễn giải ý nghĩa và biểu tượng của y phục đan tu, tiếp đến Évagre tóm lược trong một câu giáo huấn của các Thánh Phụ Sa Mạc:
(Bản văn 3) Khảo Luận Thực Hành 8 và 9:
“… Đó là những thực tại mà y phục như là biểu tượng. Và đây là những lời của các Thánh Phụ không ngừng được lập đi lập lại: hỡi các con, đức tin được củng cố bởi lòng kính yêu Chúa, và đến lượt mình, lòng kính yêu Chúa được củng cố bởi chay tịnh; chay tịnh trở nên kiên vững bằng sự kiên trì và lòng trông cậy, từ đó phát sinh sự an tĩnh có đức ái như là con mình; và đức ái là cánh cửa của khoa học tự nhiên mà tiếp theo nó là thần học và cuối cùng là phước lạc. Lúc này, chúng tôi không nói thêm nữa về y phục thánh và lời giáo huấn của các tiền nhân.” (số 8)
“Bây giờ chúng tôi trình bày về đời sống thục hành và về đời sống giác ngộ (ngộ đạo), nhưng không phải tất cả những gì mà chúng tôi đã thấy và đã nghe, nhưng chỉ những điều chúng tôi học biết nơi các ẩn sĩ để truyền bá lại cho người khác. Chúng tôi cô đọng và chia giáo huấn thực hành thành 100 chương, và giáo huấn về giác ngộ thành 650 chương. Chúng tôi đã che giấu một số điều, chúng tôi làm một số khác tối nghĩa vì không muốn cho lũ chó điều thánh thiêng và quăng trước lũ heo những viên ngọc quí. Nhưng tất cả những điều đó sẽ trở nên sáng rõ cho những ai dấn thân đi theo bước họ.”
Trong bản văn trên, đan sĩ Évagre chia đời sống kitô hữu thành ba phần. Điều này được nhắc lại trong chương thứ nhất:
(Bản văn 4) Khảo Luận Thực Hành 1:
“Kitô giáo là đạo lý của Chúa Kitô, Đấng cứu độ chúng ta. Kitô giáo bao gồm sự thực hành, thể lý, và thần học.”
Ông còn đưa ra một lược đồ trong chương 84:
(Bản văn 5) “Tận điểm của thực hành là bác ái; tận điểm của khoa học là thần học. Khởi điểm của thực hành là đức tin, khởi điểm của khoa học là chiêm niệm tự nhiên.”
Như vậy đối tượng của cuốn sách này là thực hành.
Đan sĩ Évagre định nghĩa về pratikè nơi chương 78 (tầm quan trọng thực hành) như sau: “Đó là phương pháp thiêng liêng có mục đích thanh luyện phần đam mê của tâm hồn.” Như vậy, đó chính là khổ chế, là cuộc chiến chống lại các đam mê. Chúng ta đã có dịp chiêm ngắm đời sống của thánh Antôn và những châm ngôn, nói lên rằng đan sĩ vào trong sa mạc để chiến đấu với ma quỉ.
Ông Origène nói rằng trung tâm của cuộc chiến thiêng liêng là con tim. Đan sĩ Évagre cũng theo hướng đó và nói đến cuộc chiến nội tâm:
(Bản văn 6) “Với những người ngoài đời, ma quỉ gây chiến bằng cách dùng những sự vật bên ngoài. Nhưng đối với các đan sĩ, nó sử dụng thường xuyên nhất là các tư tưởng, vì không có nhiều sự vật bên ngoài trong nơi hoang vắng. Như vậy dễ phạm tội trong tư tưởng hơn trong hành động. Vì vậy cuộc chiến nội tâm còn khó khăn hơn cuộc chiến xảy ra do các sự vật bên ngoài. Vì khó cầm giữ lý trí khỏi trượt trên dốc của các tưởng tượng bị cấm đoán.”
Đối với đan sĩ Évagre, những “tư tưởng” là những hình ảnh do đam mê tạo ra và lộn xộn. Ông xếp thành tám và theo một trật tự: phải chiến đấu chống lại tám tư tưởng xấu đó:
(Bản văn 7) “Có tám tư tưởng từ đó phát sinh những tư tưởng khác. Thứ nhất là tham ăn. Sau đó là dâm đãng. Thứ ba là hà tiện. Thứ tư là buồn sầu. Thứ năm là tức giận. Thứ sáu là chán chường. Thứ bảy là hám danh. Thứ tám là kiêu ngạo. Tất cả những thứ đó làm dao động hay không làm dao động tâm hồn, điều đó còn lệ thuộc chúng ta. Chúng ở lại hoặc không ở lại trong tâm hồn, chúng làm phát sinh những đam mê hay không, điều đó còn lệ thuộc chúng ta.”
Câu cuối rất quan trọng: không lệ thuộc vào việc chúng ta có những tư tưởng xấu, những cám dỗ; nhưng lệ thuộc vào việc chúng ta có để chúng lẻn vào và cư trú trong tâm hồn chúng ta. Ông còn nói: “Cám dỗ của đan sĩ là một tư tưởng trào dâng lên xuyên qua phần đam mê của tâm hồn và làm đen tối trí năng. Tội lỗi của đan sĩ là đồng thuận với khoái lạc bị cấm đoán mà tư tưởng đề xuất cho.”
Tám tư tưởng này sẽ được Jean Cassien lấy lại và cả truyền thống hậu lai cũng theo đó. Sau này, sự chán chường (acedia), là thứ dành riêng cho các đan sĩ, và kết quả của nó là buồn thảm sẽ được thay thế bằng sự biếng nhác (do chán chường sinh ra), sự hám danh trộn lẫn với kiêu ngạo, và từ đây người ta thiết định bảy mối tội đầu mà bất cứ kitô hữu nào cũng phải tránh.
Như vậy đan sĩ Évagre thiết định tám cám dỗ chính và xếp thành thứ tự, phản ảnh giáo huấn của các Thánh Phụ sa mạc. Trước hết là các cám dỗ bên ngoài chúng ta, liên quan đến thân xác. Đó là tham ăn và dâm dục. Chúng chiếm hai vị trí đầu trong bản danh sách (bản văn 3). Sự tham ăn đối với ông là trốn chạy khỏi việc khổ chế của việc chay tịnh và ước muốn ăn uống sớm trước giờ hơn là tìm kiếm những đồ ăn ngon lành như chúng ta hiểu ngày nay.
Tiếp theo là những cám dỗ liên quan đến những của cải bên ngoài: đó là những cám dỗ của cái “có”. Cám dỗ của việc dính bén vào của cải là hà tiện. Cám dỗ vì thiếu thốn là buồn thảm. Có một sự buồn thảm riêng của đan sĩ là chán chường (nguội lạnh). Évagre vẽ lên một chân dung đầy màu sắc qua đó chúng ta thấy chán chường là một hỗn hợp của tất cả các cám dỗ khác:
(Bản văn 8) “Quỉ chán chường được gọi là “quỉ ban trưa”, là thứ quỉ kinh khủng nhất. Nó tấn công đan sĩ vào khoảng giờ thứ tư và bám trụ tâm hồn đó đến giờ thứ tám.
Trước hết, nó làm cho có cảm tưởng như thể là mặt trời di chuyển chậm hay như bất động, và ngày như thể có tới 50 giờ. Tiếp đến là nó dồn ép đan sĩ luôn dán mắt vào song cửa sổ hoặc là chạy ra khỏi phòng, để quan sát mặt trời xem giờ thứ chín còn xa lắm, hoặc là nhìn ngó đó đây xem có anh em nào đến không. Ngoài ra nó còn xúi giục đan sĩ chán ngán nơi mình ở, đời sống đang theo và công việc thủ công. Và hơn thế nữa, nó truyền cho đan sĩ tư tưởng là tình bác ái đã biến mất nơi anh em rồi, và chẳng còn có ai mà an ủi mình.
Và nếu vào những ngày trước đó có ai đã làm buồn phiền đan sĩ nọ, ma quỉ dùng ngay điều đó để tăng thêm phiền não. Nó thúc đẩy đan sĩ đó muốn sống ở nơi khác, trong một nơi mà anh ta dễ dàng tìm thấy những gì mình cần, làm một công việc ít cực nhọc hơn và mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Nó còn thêm rằng làm đẹp lòng Chúa thì đâu cần đến nơi chốn, vì Kinh Thánh nói rằng Thiên Chúa được thờ phượng khắp mọi nơi.
Với tất cả những thứ đó, ma quỉ nhắc lại cho đan sĩ nhớ đến gia đình mình, đến đời sống khi còn ở thế gian. Nó thầm thĩ trong đầu rằng cuộc sống còn dài và khổ chế quá cực nhọc. Tóm lại, nó làm tất cả để đan sĩ từ bỏ căn phòng mình ở và trốn tránh chiến đấu.
Khi tâm hồn chiến thắng thứ quỉ này, một tình trạng an bình và một niềm vui khôn tả sẽ nối tiếp.”
Tiếp đến là hậu quả của sự buồn thảm: sự giận dữ, là một thứ nết xấu mà các Thánh Phụ thường xuyên lên án. Đối với các ngài cũng như với Évagre, để cho đam mê hoành hành là một cản trở lớn cho việc cầu nguyện.
Cuối cùng là những cám dỗ liên quan đến những của cải bên trong: là chính hữu thể. Đó là những cám dỗ của sự bám chặt vào chuyện mình phải là một ai đó: hám danh và kiêu ngạo là hai nết xấu mà các Thánh Phụ sa mạc coi là khó nhổ rễ nhất.
Cuộc chiến chống lại những “tư tưởng”, những cám dỗ, đối với Évagre, phải đạt tới một tình trạng nơi đó con người sẽ khống chế các đam mê: đó là tình trạng “an tĩnh”. Các đam mê liên quan đến tình trạng hiện thời của thân xác chúng ta, như thế không có chuyện là diệt dục. Nhưng phải khống chế chúng bằng cách theo đuổi sự an tĩnh. Évagre phân biệt hai thứ an tĩnh:
(Bản văn 9) “Có hai tình trạng an tĩnh: một thứ phát xuất từ mầm giống tự nhiên; thứ kia do việc ma quỉ rút lui. Loại thứ nhất được đồng hành bởi khiêm hạ và lòng thống hối, bởi lòng khao khát vô biên Thiên Chúa và bởi một nhiệt tâm không mức độ đối với lao động. Trong loại thứ hai, sự hám danh, được kiêu ngạo đồng hành, sử dụng việc rút lui của thứ quỉ khác để kéo linh hồn vào sự hư mất. Như vậy, người quan sát kỹ các giới hạn của tình trạng thứ nhất, nhận biết ngay lập tức chuyện ma quỉ đột nhập.”
(Bản văn 10) “Linh hồn có sự an tĩnh, không phải vì không cảm thấy một đam mê nào trước những đối tượng, nhưng là không bị dao động (điềm nhiên) trước ký ức về chúng.”
(Bản văn 11) “Đức ái là con đẻ của sự điềm nhiên; sự điềm nhiên là hoa trái của sự thực hành; sự thực hành dựa trên việc tuân giữ các đìêu răn; tất cả những thứ đó lấy lòng kính sợ Thiên Chúa như người hộ thủ, lòng kính sợ Thiên Chúa là sản phẩm của đức tin tinh tuyền, và đức tin là một thiện hảo vững bền, nó tự nhiên hiện hữu ngay cả nơi những người chưa tin Thiên Chúa.”
b.Thần bí: Khảo Luận về cầu nguyện
Trong bản văn thứ ba và thứ năm, Évagre trình bày cho chúng ta quan điểm của ông về đời sống thiêng liêng. Chúng ta cố gắng công thức hoá dưới hình thức những sơ đồ. Trong bản văn thứ ba ông nói đến đời sống “thực hành” và đời sống “giác ngộ”. Chúng ta dịch là khổ chế và chiêm niệm. Khổ chế, chúng ta vừa thấy khi học hỏi về khảo luận “Thực Hành”, hay “Đan sĩ”.
Điều liên quan đến chiêm niệm, ông đặt tên là “đời sống giác ngộ”, nghĩa là cuộc sống nơi đó con người nhận biết Thiên Chúa. Trong bản văn thứ tư, ông chia làm hai phần: thể lý và thần học. Ở bản văn thứ năm, ông nói rằng khởi đầu của đời sống giác ngộ (ngộ đạo) chính là thể lý, và rằng tận điểm của thể lý là thần học.
Để hiểu rõ hơn, chúng ta dùng lược đồ sau đây:
Lược đồ trên còn rất khó hiểu với chúng ta bởi những từ phức tạp, để dễ hiểu chúng ta cố gắng giải mã. Đối với Évagre, sự chiêm niệm được chia làm ba tầng. Tầng thứ nhất là chiêm ngắm những vật được tạo thành và rơi vào các giác quan của chúng ta: đó là “các vật thể và lý do của chúng”. Tầng thứ hai là những hữu thể không rơi vào các giác quan của chúng ta: đó là những “bản tính thiêng liêng”, là các thiên thần hay các thánh. Tầng thứ ba là chiêm ngưỡng Thiên Chúa, hữu thể duy nhất và đơn giản. Sự chiêm ngắm này được thực hiện mà không cần tư tưởng, bằng một cái nhìn đơn giản của tâm trí.
Đó là đạo lý trong cuốn sách của đan sĩ Évagre về cầu nguyện. Cuốn sách này không có dàn bài rõ rệt: tác giả đã có trước ý định chia cuốn sách thành 153 chương, tương ứng với 153 con cá bắt được sau khi Chúa sống lại. Dù không có dàn bài rõ rệt, chúng ta có thể phân biệt đường cao điểm: từ chương 1 – chương 62 có một sự tiến triển rõ nét: người ta khởi từ thực hành để đạt đến đỉnh cao. Nhưng từ chương 63, người ta đi xuống để nói về sự vật và những thứ khác, và từ số 113 người ta lại leo lên những đỉnh cao khác. Tiếp đến từ chương 121 – 149, người ta có cảm tưởng là Évagre không còn gì để nói, nhưng ông muốn đi đến chương 153, con cá thứ 153! Cuối cùng kết thúc thật đẹp khi đạt tới những đỉnh cao mới và một kết luận tuyệt vời.
a).Chúng ta hãy đọc vài bản văn của Khảo Luận về Cầu Nguyện. Trước hết là phần thứ nhất (chương 1- 63) nơi đây diễn tả một sự tiến triển rõ ràng.
– Sự cần thiết phải thực hành
Từ chương 1- 27, Évagre nói lên tầm quan trọng phải làm im bặt các đam mê để tiếp cận Thiên Chúa:
(Bản văn 12) “Nếu ông Maisen, khi thử đến gần bụi gai bốc cháy, đã bị cản trở cho tới khi ông cởi dép ra, còn bạn làm sao bạn muốn nhìn thấy Thiên Chúa – Đấng vượt trên mọi ý tưởng và mọi tình cảm, mà lại không thoát khỏi mọi tư tưởng nơi trú ngụ các đam mê?”
Nơi nền tảng của lời cầu nguyện có sự khiêm hạ: đó là đề tài của lòng thống hối:
(Bản văn 13) “Trước hết bạn hãy cầu nguyện để đón nhận ơn nước mắt, để do lòng thống hối để loại trừ lòng dạ chai cứng, và để đón nhận ơn Thiên Chúa thứ tha bằng cách xưng thú tội lỗi với Người.”
Tiếp đến là sự tĩnh tâm (nhập định)
(Bản văn 14) “Bạn hãy gắng làm cho trí năng điếc và câm lặng trong thời gian cầu nguyện, và như thế bạn mới có thể cầu nguyện được.”
Sau khi đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải loại trừ giận dữ để cầu nguyện – như các Thánh Phụ sa mạc đã nhấn mạnh – Évagre cho một vài định nghĩa về cầu nguyện:
(Bản văn 15) “Cầu nguyện là hoa trái của niềm vui và sự biết ơn.”
(Bản văn 16) “Nếu bạn khao khát cầu nguyện, hãy từ bỏ tất cả để thu được Tất Cả.”
Tiếp đến, từ chương 28 – 46, Évagre đề cập đến những điều kiện của cầu nguyện: kiên trì, vô vị lợi, ý chí từ bỏ, thanh luyện ký ức.
(Bản văn 17) “Ma quỉ ghen tương một cách đáng sợ con người cầu nguyện, và nó dùng mọi thủ đoạn để người đó không đạt được mục đích. Vì vậy nó không ngừng làm sống lại bằng ký ức tư tưởng về các sự vật và kích động qua xác thịt tất cả các đam mê, để thành công trong việc nó ngăn cản hành trình và khởi hành của người đó tiến về Thiên Chúa.”
(Bản văn 18) “Ai yêu mến Thiên Chúa thì đối thoại với Người như với Cha mình, người đó loại trừ bất cứ tư tưởng đam mê nào.”
(Chương 47 – 50) Vì thế, chúng ta phải đề phòng việc ma quỉ sắp gây chiến với người cầu nguyện.
– Để đạt tới chóp đỉnh
Bản văn số 18 đã minh chứng rằng cầu nguyện nằm ở nền tảng của tình yêu, và từ sự kiện đó, cầu nguyện hướng đến trở thành liên lỉ, vì khi người ta yêu mến ai, người ta yêu mến luôn luôn. Tiếp theo là ba chương giữ tầm quan trọng để có thể hiểu được quan niệm của Évagre về cầu nguyện:
(Bản văn 19) (chương 55 – 57)
55 – “Không phải vì rằng người ta đã đạt tới sự an tĩnh mà vì thế người ta cầu nguyện thật sự; vì người ta có thể ở lại trong những tư tưởng giản đơn và đãng trí không suy niệm chúng, thì người ta cũng xa cách Thiên Chúa rồi.”
56 – “ Ngay cả khi trí năng không chậm trễ trong những tư tưởng giản đơn, thì, qua chính sự kiện này, nó cũng đã không đạt tới cầu nguyện; vì có thể nó chiêm ngưỡng những đối tượng và chú tâm đến những lý do của chúng, những lý do, mặc dù chúng là những diễn ngữ giản đơn, vì vẫn còn là suy tư về đối tượng, nên vẫn in vào trí năng một hình thể và dẫn trí năng xa Thiên Chúa.”
57- “Ngay cả khi trí năng vươn cao trên sự chiêm ngưỡng bản tính thể lý, nó cũng chưa có một cái nhìn trọn hảo về Thiên Chúa; vì có thể nó còn thuộc khoa học về lý tính và chia sẻ những hình thái đa dạng của chúng.”
Sau đó là một vài chương rất hay và đẹp:
(Bản văn 20)(chương 59) “Người cầu nguyện trong thần trí và sự thật thì không từ tạo vật để ca ngợi Đấng Hoá Công, nhưng là từ chính Thiên Chúa mà ca ngợi Thiên Chúa.”
(Bản văn 21) (chương 60) “Nếu bạn là thần học gia, bạn sẽ cầu nguyện thực sự, và nếu bạn cầu nguyện thật sự, bạn là thần học gia.”
(Bản văn 22) (chương 61) “Khi trí năng, trong một tình yêu nồng cháy đối với Thiên Chúa, có thể nói là dần dần rút ra khỏi xác thịt, và vất bỏ tất cả những tư tưởng đến từ giác quan hay từ ký ức hoặc từ tính khí, và đồng thời chất chứa đầy tôn kính và niềm vui, khi ấy bạn có thể coi là gần kề biên cương của cầu nguyện.”
(Bản văn 23) (chương 62) “Khi Chúa Thánh Thần thương cảm sự yếu đuối của chúng ta, đến viếng thăm ta ngay khi chúng ta còn chưa được thanh luyện. Nếu Ngài chỉ thấy trí năng của chúng ta cầu nguyện với ước muốn cầu nguyện thật sự, thì Ngài đến bất chợt và xoá tan toàn bộ những lý luận và những tư tưởng đang ngự trị trong trí năng, kế đó Ngài dẫn nó đến tình yêu của sự cầu nguyện thiêng liêng.”
b).Phần thứ hai (từ chương 64 đến chương 120)
Những chương này trở lại điều chúng ta thấy ở phần đầu: cần thiết phải thực hành, và kết thúc bằng một loạt những Mối Phúc:
(Bản văn 24) (chương 118) “Phúc thay trí năng, trong một sự cầu nguyện không đãng trí (lo ra), luôn luôn gặt hái được những tiến bộ mới trong tình yêu đối với Thiên Chúa.”
(Bản văn 25) (chương 25) “Phúc thay đan sĩ coi mình là rác rưởi của mọi người.”
(Bản văn 26) (chương 122) “Phúc thay đan sĩ lấy ơn cứu độ và sự tiến bộ của mọi người làm của mình, và vui sướng về điều đó.”
(Bản văn 27) (chương 123) “Phúc thay đan sĩ coi mọi người như Chúa nhưng sau Chúa.”
(Bản văn 28) (chương 124) “Phúc thay người xa lìa tất cả mọi sự và liên kết với mọi người.”
(Bản văn 29) (chương 125) “Là đan sĩ người coi mình là một với tất cả, do tập quán thấy chính mình trong mỗi người.”
c).Phần thứ ba (từ chương 126 – 153)
Sau khi đạt đến những đỉnh cao trên, người ta đi xuống, và cả lần này, người ta có cảm tưởng là Évagre tìm cách làm dày cuốn sách để đạt đến 153 con cá. Dầu sao cũng cần nêu lên hai bản văn đẹp:
(Bản văn 30) (chương 31) “Sự tuyệt diệu của cầu nguyện không hệ tại chỉ nơi số lượng, nhưng còn trong chất lượng. Điều đó được minh chứng trong câu chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện, và những lời này: “Anh em, khi cầu nguyện, đừng có lải nhải”, và những câu khác nữa.”
(Bản văn 31) (chương 153) “Trong khi cầu nguyện, nếu bạn đạt tới chỗ vượt trên mọi niềm vui, chính khi ấy bạn tìm thấy sự cầu nguyện.”
Và Khảo Luận về Cầu Nguyện được kết thúc bằng một đoạn văn rất đẹp trong đó Évagre vẽ lại con đường của cầu nguyện:
(Bản văn 32) (Kết luận) “Đây là con đường của cầu nguyện: nó khởi hành từ nước mắt của lòng sám hối. Nó bước đi qua sự thực hành tất cả những nhân đức, qua sự từ bỏ mọi sự, và nhất là chính mình, qua lòng nhân từ và tình huynh đệ, xuyên qua những sự thanh luyện tiệm tiến tâm hồn và trí năng, trong sự hoàn toàn phó thác vào thánh ý Chúa luôn quan tâm dẫn đưa chúng ta tới đích điểm, dù cho ma quỉ quấy nhiễu, để nhờ kiên nhẫn mà đưa đến chiến thắng, bằng con đường khiêm hạ tránh thoát những ảo tưởng, đưa đến bình an và sự an nghỉ tuyệt vời của sự chiêm ngưỡng Thiên Chúa.
Đó là một sự di trú trong Thiên Chúa.
Khi đã đạt đến “tận điểm chờ mong”, người chiêm niệm, bằng sự giác ngộ, bằng một cách thế siêu việt và thiêng liêng, tìm gặp lại điều mà họ đã từ bỏ vì nhắm tới giác ngộ: họ xa cách tất cả mọi sự và liên kết với tất cả mọi sự; thản nhiên và rung cảm tột bậc; được thần hóa và tự coi mình là rác rưởi của trần gian. Trên hết mọi sự, họ hạnh phúc và hạnh phúc một cách thần linh.”
5.Kết luận
– Điểm nhấn của đan tu Evagre
Đây là một trích dẫn trong Khảo Luận: Gởi các đan sĩ trong các cộng đoàn tóm lược rõ ràng linh đạo của Évagre:
(Bản văn 33) “Thịt Chúa Kitô, chính là những nhân đức thủ đắc, và người ăn thịt Chúa sẽ trở thành an tĩnh. Máu Chúa Kitô, chính là sự chiêm ngắm những hữu thể, và ai uống máu Chúa sẽ được Người sáng soi. Ngực Chúa Kitô, chính là khoa học của Thiên Chúa, và ai dựa vào ngực Chúa, sẽ là thần học gia.”
Đan sĩ Évagre là nhân chứng của linh đạo sa mạc. Qua sự khổ chế, là toàn bộ những thực hành của đời sống trong sa mạc, đan sĩ phải hướng tới, không những việc chiến thắng các đam mê, nhưng còn phải chế ngự được chúng cho tới chỗ có thể đạt tới sự an tĩnh. Khi ấy, đan sĩ được giải thoát khỏi tất cả những gì làm họ đãng trí (lo ra), làm họ phân tán. Khi ấy họ thủ đắc một con tim tinh tuyền dẫn đưa họ vào trước hết sự chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong các tạo vật, tiếp đến là sự chiêm ngưỡng thiêng liêng Thiên Chúa vô hình.
Điều mới nơi Évagre, không phải là ý niệm về sự an tĩnh mà chính là sự chiêm niệm thiêng liêng. Đằng sau từ ngữ hơi đặc biệt, ông muốn nói rằng Thiên Chúa vượt trên mọi hình ảnh, vượt trên mọi biểu thị nhân loại. Đó chính là điều mà sau này diễn tả bằng từ thần học khôn tả.
Điều đó không sai nhưng được khẳng định hơi thiếu khôn khéo. Bi kịch của thời đó là bên cạnh những người theo trường phái Évagre, còn có những đan sĩ khác, không có học thức cao, không thể cầu nguyện với một Thiên Chúa thiêng liêng: họ là những người theo thuyết nhân hình. Cả hai phía, đều không nhận biết Mầu Nhiệm Nhập Thể. Những người này lún sâu trong những hình thể và những biểu tượng thay thế cho điều chúng biểu thị. Những người khác thì coi mình như một thứ nhân loại cao hơn, là thứ nhân loại của những người an tĩnh và chiêm niệm, mà cái nhìn nội tâm trực tiếp với chính thần tính và không cần đến trung gian nhân loại.
Điều đó tạo nên cơ hội cho cuộc khủng hoảng đầu tiên của linh đạo đan tu, và theo một nghĩa nào đó, khủng hoảng này sẽ là nguyên mẫu của tất cả các khủng hoảng khác: người ta sẽ gặp thấy điều đó vào thế kỉ thứ chín với việc tranh cãi về ảnh tượng.
– Ảnh hưởng của Évagre
Lúc sinh thời, Évagre đã là một thầy dạy, không những của Pallade, mà còn của cả Jean Cassien và tầm ảnh hưởng của ông lan tới cả Tây Phương Latinh.
Nhưng sau khi qua đời, Évagre bị lên án và vì thế việc quảng bá các tác phẩm của ông gặp nhiều khó khăn nơi những người Hi Lạp. Dầu vậy, ảnh hưởng của ông khá rõ nét nơi Maxime le Confesseur và thánh Jean Climaque. Giữa những thánh phụ miền Gaza, Barsanuple khuyên không nên đọc Évagre, nhưng cuối cùng cũng chịu để cho một tập sinh của mình đọc với điều kiện phải chọn những gì bổ ích cho linh hồn. Còn đối với Dorothée, đạo lý của Évagre là truyền thống: ngài đã biết rõ.
Nơi những người Syria, Évagre rất được tôn kính và được đón nghe rộng rãi. Đối với họ, ông là một tiến sĩ thần bí mà họ cố gắng lưu giữ các bút tích ngay cả sau khi ông bị kết án.
Nơi những người Latinh, thánh Jérôme thì thù nghịch, ngài trách ông cái đạo lý về sự an tĩnh mà ngài khó hiểu. Còn Jean Cassien tuy không nêu tên ông nhưng vay mượn rất nhiều điểm. Ông Ruffin thì dịch các tác phẩm. Nhưng ở Tây Phương người ta biết ông với tư cách là đan sĩ chứ không là một thần học gia táo bạo.
Cũng cần ghi nhận là sau cuộc xâm chiếm của Hồi giáo, những bút tích bằng tiếng Syria của Évagre đã đi vào truyền thống tôn giáo của các nhà khổ hạnh Hồi giáo, và sát nhập vào linh đạo của họ.