Chủ Nhật, 8 Tháng Chín, 2024

Giáo trình Linh đạo Đan tu I – Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

* TRÍCH BẢN VĂN CỦA THÁNH AUGUSTINÔ 

  (Bản văn 1) (Bài giảng về Biểu Tượng 2, 4) “Các tín hữu chỉ có một tâm hồn và một trái tim. Tâm hồn thì nhiều, nhưng đức tin làm cho họ thành một. Tất cả họ là số đông các tâm hồn; vì họ yêu mến nhau nên số đông đó đã trở nên một. Họ yêu mến Thiên Chúa với ngọn lửa đức ái, và số đông này đã đạt đến sự hiệp nhất của cái đẹp.”

  (Bản văn 2) (Bức Thư 243, 4) “Tâm hồn bạn không chỉ thuộc về bạn mà thôi, mà còn thuộc về tất cả mọi anh em và tâm hồn họ cũng là chính tâm hồn bạn; hay đúng hơn, tâm hồn của họ và của bạn không còn là những tâm hồn ở số nhiều, nhưng chúng chỉ là một, tâm hồn duy nhất của Chúa Kitô.”

  (Bản văn 3) (Giáo lý cho những người mới khởi đầu) “Có đến hàng ngàn người Do thái đã thống hối, trở về và tin vào Chúa Kitô. Họ thôi không còn xin Chúa những thiện hảo mau qua hay một vương quốc trần thế; họ không còn chờ đợi Chúa Kitô được hứa ban như một vị vua theo xác thịt, nhưng họ hiểu và yêu mến trong sự bất tử của Đấng đã vì họ và cho họ mà chịu biết bao đau khổ trong sự tử vong của Người, Đấng đã tha thứ tội lỗi của họ, Đấng đã đổ máu đào, đã phục sinh, để chính họ cũng ao ước và hy vọng sự trường sinh bất tử. Chính vì thế, từ nay giết chết những ước muốn trần thế của con người cũ và nhiệt tâm đổi mới trong đời sống thiêng liêng, như Chúa đã truyền dạy trong Tin Mừng, họ bán tất cả những gì mình có và phân phát cho mỗi người theo nhu cầu. Họ sống hiệp nhất trong tình bác ái của Chúa Kitô; họ không nói: “Cái này là của tôi”, nhưng họ sở hữu tất cả làm của chung; họ chỉ có một tâm hồn và một trái tim qui hướng về Chúa.”

  (Bản văn 4) (Chú giải Thánh vịnh 131, 5) “Anh em thân mến, cả ngàn người tin đã đặt dưới chân các Tông Đồ số tiền họ đã bán của cải. Nhưng Kinh Thánh nói gì về họ? Thật vậy họ đã trở nên ngôi đền của Thiên Chúa. Không chỉ mỗi người trở nên đền thờ Thiên Chúa, mà tất cả mọi người đều là đền thờ Thiên Chúa. Như vậy họ trở nên một không gian cho Chúa. Và để anh em biết rằng trong họ chỉ có một không gian duy nhất cho Thiên Chúa, thì Kinh Thánh đã nói: “Họ chỉ có một tâm hồn và một trái tim trong Thiên Chúa.” Nhưng có nhiều người không chuẩn bị một không gian cho Thiên Chúa, nhưng tìm của riêng mình, yêu của riêng mình, họ vui khoái vì quyền lực họ có, họ thèm muốn điều họ không có.

  Vậy người muốn chuẩn bị một không gian cho Chúa, hãy đặt niềm vui của mình không phải trong của riêng mình, nhưng trong của chung. Đó là chính điều họ thực hành: tước đi tất cả của riêng, họ để làm của chung cho tất cả.”

  (Bản văn 5)(Chú giải Thánh vịnh 18) “Những con chim hét, những con két, những con quạ, và những loại chim khác, đôi khi chúng phát tiếng mà chúng chẳng hiểu gì. Hiểu được tiếng hát của mình, đó là đặc quyền mà Thiên Chúa đã ban cho loài người.”

  (Qui Luật thánh Augustinô) – Những đoạn văn chính

I

  1. Đây là điều chúng tôi đòi hỏi anh em phải thực hiện, anh em là những người sống trong đan viện này.
  2. Trước hết, nếu anh em đã qui tụ thành cộng đoàn để cùng đồng tâm nhất trí sống trong nhà, đó là để chỉ có một tâm hồn và một trái tim hướng về Thiên Chúa.
  3. Vì vậy anh em đừng nói: “Cái gì đó là của tôi”. Giữa anh em, tất cả để chung cho mọi người. Bề trên của anh em phải phân phát cho mỗi người lương thực và y phục. Người không ban cho tất cả cùng những thứ như nhau, bởi vì anh em không có sức khoẻ như nhau. Người phải ban cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Thật vậy, người ta đọc được trong sách Công vụ Tông Đồ: “Giữa họ tất cả mọi sự đều chung” và “người ta trao ban cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu”.
  4. Một vài anh em có nhiều của cải trong thế gian; một khi bước vào đan viện, họ phải vui lòng chấp nhận để tất cả làm của chung.
  5. Như vậy, anh em hãy sống trong sự đồng tâm nhất trí và hoà hợp, hãy trân trọng nơi nhau vị Thiên Chúa mà anh em đã trở nên đền thờ của Người.

II

  1. Hãy siêng năng cầu nguyện vào giờ khắc qui định.
  2. Trong nhà nguyện, không ai được làm việc gì khác việc cầu nguyện, và chính vì thế mà gọi là nhà nguyện. Bằng cách đó, nếu ai muốn cầu nguyện ngoài giờ qui định, thì không bị cản trở bởi ai đó nghĩ là phải làm một việc khác.
  3. Khi anh em hát thánh vịnh, thánh ca cầu nguyện với Thiên Chúa, ước gì lời kinh tiếng hát sống động trong tâm hồn anh em.

III

  1. Hãy chế ngự xác thịt anh em bằng chay tịnh, bớt ăn uống trong mức độ sức khoẻ cho phép.
  2. Từ lúc anh em đến bàn ăn, cho đến khi anh em rời khỏi đó, hãy nghe đọc sách, như tập quán qui định mà không gây tiếng động hay lầm bầm. Ước gì không chỉ có miệng anh em dùng thực phẩm mà còn đôi tai cũng đói Lời Thiên Chúa.
  3. Có người nào đó yếu sức, vì cách sống ngày xưa; nếu không ban phát cùng những thực phẩm, thì người khác đừng buồn phiền vì chuyện đó, vì không công bình nếu ban phát cho họ cũng những thứ như cho người khoẻ mạnh. Và những người khoẻ mạnh đừng coi những người khác hạnh phúc hơn bởi vì những người kia có những thứ mà mình không có; nhưng đúng ra hãy vui mừng vì làm được điều mà người khác không làm được.
  4. Những người đến đan viện sau khi sống một cuộc đời tinh tế hơn, thì có thể nhận được lương thực, mền chiếu hay những vật dụng mà người ta không trao ban cho những người mạnh khoẻ hơn, và như vậy hạnh phúc hơn. Vì thế, những người mạnh khoẻ này phải xét xem đâu là nếp sống mà các anh em của mình đã lìa bỏ để chấp nhận nếp sống này, ngay khi họ không có thể sống thanh đạm như những người có sức khỏe cường tráng hơn. Tất cả mọi anh em đừng coi những gì ban cho một số anh em như là dấu của vinh dự, nhưng là dấu của sự khoan dung. Làm như thế để tránh sự đồi bại đáng ghê tởm là trong cộng đoàn, người giàu, với tất cả quyền lực, cố gắng hào hiệp, còn người nghèo thì khó chịu.

IV

  1. Y phục của anh em đừng làm cho người ta chú ý. Đừng tìm vui thoả qua y phục, nhưng đúng hơn qua cách sống của anh em.
  2. Nếu anh em nhìn phụ nữ, thì đừng dừng lại một ai cả. Chẳng cấm anh em trên đường đi nhìn thấy một người nữ, nhưng cấm thèm muốn hay bị người nữ đó lôi cuốn, đó là tội lỗi. Vì không phải chỉ vuốt ve hay tình cảm quyến luyến, nhưng còn là cái nhìn, nó kích thích hay diễn tả lòng ước ao phụ nữ. Đừng có tham vọng có trái tim thanh sạch nếu đôi mắt không trong sạch, vì con mắt vô liêm sỉ là thông điệp của con tim vô luân. Ngay khi lưỡi không lên tiếng, những con tim trơ trẽn cũng thông truyền với nhau những ý đồ bằng những cái nhìn thoả hiệp, và xuyên qua những ước ao xác thịt, chúng tìm thấy thoả mãn trong sự cuồng nhiệt hỗ tương.
  3. Điều tôi nói về việc canh giữ cái nhìn, thì cũng như thế đối với những lỗi khác: phải cẩn thận và trung thành tập trung để khám phá ra chúng, ngăn cản chúng, nhận dạng chúng, chứng minh cho người phạm tội những lỗi lầm của họ và phạt họ. Phải làm điều đó vì yêu tội nhân và ghét nết xấu!
  4. Nếu có người nào đó tiến sâu trong điều xấu đến nỗi nhận lén những thư từ hay những quà tặng nho nhỏ, nếu người đó tự xưng thú ra, thì hãy tha thứ và cầu nguyện cho họ. Nhưng nếu bị bắt quả tang và nếu chứng minh được lỗi phạm, thì sẽ bị nghiêm phạt, bởi phán quyết của linh mục hay bề trên.

V

  1. Không ai được làm việc cho riêng mình, nhưng tất cả công việc được thực hiện vì lợi ích chung, với một sự tận tâm lớn hơn và một nhiệt tâm vui tươi hơn như thể mỗi người làm việc cho chính mình vậy. Vì đã viết rằng: “Đức ái không tìm tư lợi.” Điều đó có nghĩa là đức ái chuyển đến lợi ích cho tất cả trước khi là lợi ích cho từng người, và không phải tư lợi trước công ích. Đó là lý do tại sao anh em càng quan tâm lo công ích cho cộng đoàn trước tư lợi của mình, thì anh em càng nhận biết rằng anh em đã có những tiến bộ. Trong tất cả mọi sự thực hiện trong cuộc sống mau qua này, điều vượt trên tất cả, chính là tình yêu tồn tại mãi mãi.
  2. Dù rằng có mối tương giao với những người trong cộng đoàn, hoặc là với những người con của mình hay với người khác thân quen mật thiết, khi người ta muốn trao tặng một y phục nào đó hay một vật nào xét là cần thiết, thì đừng đón nhận những thứ đó một cách lén lút. Phải giao cho bề trên để ngài để chung và cho ai cần thiết.
  3. Những anh em nào được giao trách nhiệm lo lương thực, y phục hay thư viện, phải phục vụ anh em mà không lẩm bẩm.

VI

  1. Khi cần thiết sửa bảo anh em phải nói những lời cứng rắn, nếu anh em thấy mình quá nghiêm khắc, anh em không bị bắt buộc phải xin lỗi những người dưới quyền anh em.

   Hành động như vậy vì rằng một sự khiêm hạ quá đáng, không bẻ gãy uy quyền của anh    em đối với những người phải tuân phục anh em. Nhưng anh em phải xin lỗi Chúa, Đấng      biết rằng với tất cả con tim anh em yêu mến những người mà anh em sửa bảo có thể hơi    quá đáng.

  Không phải một tình yêu xác thịt nhưng là một tình yêu thiêng liêng phải ngự trị giữa anh    em.

VII

  1. Bề trên của anh em không được cho phép thấy mình hạnh phúc khi dùng uy quyền mà ra lệnh, nhưng hạnh phúc khi phục vụ với tình yêu. Trước mặt anh em, ngài có một chỗ vinh dự trên anh em. Trước nhan Chúa, với lòng tôn sợ, ngài ở dưới chân anh em như một người tơi tớ. Ngài hãy trao hiến bản thân mình cho tất cả mọi người như gương mẫu của người làm việc thiện. Ngài hãy sửa bảo những người thất thường, củng cố những người nhát đảm, nâng đỡ những người yếu đuối và kiên nhẫn đối với tất cả mọi người; ngài hãy tuân giữ Lề Luật với tất cả chân tâm và bắt mọi người phải tôn trọng Lề Luật. Và đây hai điều cần thiết, đó là ngài hãy được anh em yêu mến hơn là sợ hãi, bằng cách luôn nghĩ tới là ngài phải trình lại với Chúa về anh em.
  2. Chính vì thế, khi tuân phục, anh em hãy xót thương không những chính mình và cả ngài nữa. Vì ngài càng có một chỗ cao giữa anh em, thì ngài càng có nguy cơ là sống trong nguy hiểm lớn lao.

VIII

  1. Xin Thiên Chúa ban cho anh em được tuân giữ tất cả những điều đó với tình yêu mến, như những người yêu của vẻ đẹp thiêng liêng, toả hương thơm của Chúa Kitô bằng chính đời sống thánh thiện của anh em, không như những con người nô lệ chịu đựng dưới lề luật, nhưng như những con người tự do sống trong ân sủng.
  2. Để cuốn sách nhỏ này như một tấm gương nơi anh em có thể soi chính mình và để anh em không trở nên lười biếng vì quên lãng, anh em sẽ nghe đọc mỗi tuần một lần. Nếu anh em thấy mình tuân giữ những gì viết trong đó, anh em hãy cảm tạ Chúa, nguồn của mọi thiện hảo. Bằng nếu có ai trong anh em nhận thấy mình sao nhãng điểm nào đó, thì đừng hối tiếc quá khứ, nhưng chú tâm hơn về tương lai, cầu xin Thiên Chúa thứ tha xúc phạm đó và đừng để mình rơi vào cám dỗ.
  • Những bản văn đan tu khác

   Trước hết là Ordo Monasterii (điều lệ đan viện) là một bản văn rất ngắn. Đầu và cuối bản  văn đều nói đến tình yêu: “Trước hết mọi sự, anh em hãy yêu mến Thiên Chúa và  người thân cận” (1), và “Nếu anh em trung thành tuân giữ với tình yêu những điều qui định này, chính anh em sẽ có lợi và ơn cứu độ của anh em sẽ tạo cho chúng tôi niềm vui đáng kể.” (11)

  (Bản văn 6) (Về các thuần phong mỹ tục của Giáo hội) “Tình yêu đã được tuân giữ trong tất cả mọi sự. Tình yêu là hướng đạo trong các bữa ăn, trong câu chuyện, trong các ứng xử và thái cử. Người ta hiệp nhất với nhau trong tình yêu duy nhất và chính trong tình yêu duy nhất mà tất cả mọi sự biểu lộ. Những gì trái nghịch với tình yêu đều bị đánh bật và vất bỏ. Điều gì làm tổn thương tình yêu, người ta không để nó kéo dài hơn một ngày. Vì người ta biết rằng tình yêu đã được Chúa và các Tông Đồ khuyên bảo rất mạnh mẽ, rằng mọi sự đều vô ích nếu vắng bóng tình yêu, và rằng nếu tình yêu hiện diện thì tất cả đều hoàn hảo.”

  (Bản văn 7) (Lá thư 238, 16) “Chúng ta nghĩ tới điều mà sự bình an sẽ làm gì giữa những anh em: nó sẽ làm cho anh em thành “chỉ một tâm hồn và một trái tim” trong Thiên Chúa, dù họ là nhiều tâm hồn và nhiều trái tim; hơn nữa chúng ta hãy tin với một tình mến chân thành, rằng trong sự “bình an của Chúa vượt mọi hiểu biết”, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, chính Thiên Chúa, không là ba Thiên Chúa, nhưng chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Chúng ta hãy tin điều này, là Ba Ngôi Thiên Chúa duy nhất một cách vượt trên cách của anh em chúng ta đã là “một trái tim và một tâm hồn” bao nhiêu, thì sự “bình an vượt trên mọi hiểu biết” còn  tuyệt hảo hơn sự bình an giúp bảo tồn trái tim và tâm hồn là một của tất cả chúng ta bấy nhiêu.”

  (Bản văn 8) (Chú giải Thánh vịnh 132)

  1. “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau.” Giai điệu của những lời này thật êm dịu đến nỗi cả những người không biết đến cuốn sách Thánh vịnh cũng thích hát lên câu này. Câu này êm dịu như chính tình bác ái dịu êm làm cho anh em được sống vui sum vầy… Trước hết, chúng ta hãy rất chú tâm xem lời này nói về tất cả các kitô hữu hay chỉ về một số người trọn lành sống chung vui xum vầy, xem sự chúc phúc đó được áp dụng cho tất cả mọi người hay chỉ cho một vài người mà từ họ phúc lành được ban xuống trên những người khác.
  2. Những lời Thánh vịnh này, bài ca êm dịu này, giai điệu cũng vui tai và dễ suy niệm này, đã làm phát sinh những đan viện. Với bài hát này, anh em muốn sống chung với nhau được thức tỉnh nhau: câu này là tiếng kèn của họ. Khúc hát vang dội khắp vũ trụ và những ai đã xa cách được tái hợp…
  3. Chính từ những lời Thánh vịnh này mà các đan sĩ tìm được danh xưng của mình…
  4. Daniel đã chọn một cuộc sống thanh thản, muốn phụng sự Thiên Chúa trong đời độc thân, nghĩa là không tìm vợ. Đó là một con người thánh thiện, đã dẫn đưa cuộc sống mình đến những mong ước trời cao. Được thử thách về mọi điểm, ông đã được coi như vàng tinh ròng. Vì thế ông an tĩnh, sống an toàn giữa bầy sư tử! Chính vì vậy, với tên gọi Daniel, nghĩa là “người của những ước muốn”, và đương nhiên là những ước muốn trong sạch và thánh thiện, được chỉ định làm tôi tớ của Thiên Chúa mà lời này nói về họ: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em chung sống vui vầy bên nhau.”
  5. Tiếng Hi Lạp: monos nghĩa là “một”; nhưng không phải là “một” trong bất cứ ý nghĩa nào; vì ngay khi ở giữa đám đông, người ta vẫn là “một”, nhưng là “một” với nhiều; người ta có thể nói người ta là “một”, nhưng người ta không thể nói là người ta là monos, nghĩa là một mình, đó là “một”, là “cô độc”. Những người chung sống với nhau như vậy chỉ làm thành một con người duy nhất bằng cách như lời viết: “Một tâm hồn và một trái tim duy nhất”, nhiều thân xác, nhưng lại có một tâm hồn, nhiều thân xác, nhưng chỉ có một trái tim; những con người đó được gọi là monos, nghĩa là “một duy nhất”.
  6. “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em chung sống vui vầy bên nhau.” Lời Thánh vịnh nói với chúng ta giờ đây là họ giống cái gì: “Họ giống như dầu thơm xức trên đầu, chảy tràn xuống bộ râu, bộ râu của Aharon, chảy tràn xuống mép áo choàng.” Ông Aharon là ai? Đó là tư tế nếu không phải là chỉ họ mới được vào nơi Cực Thánh. Ai là vị tư tế này, nếu không phải vừa là hy lễ vừa là tư tế, nếu không phải là người, khi không tìm thấy một hữu thể trong sạch để có thể dâng hiến, thì đã hiến dâng chính mình.

  Dầu thơm xức trên đầu, vì Chúa Kitô là tất cả với Giáo hội. Nhưng dầu chảy từ đầu. Đầu của chúng ta là Chúa Kitô; bị đóng đinh thập giá, mai táng và phục sinh, Ngài đã lên trời. Và Chúa Thánh Thần đã từ đầu mà xuống. Ở đâu? Trên bộ râu. Bộ râu nghĩa là những người trẻ dũng cảm, gan dạ và mau mắn hành động. Chính vì thế mà chúng ta nói về những người này: “Họ có râu”. Dầu thơm trước tiên chảy từ các Tông Đồ, nó chảy xuống trên những ai đã chống đỡ cú va chạm đầu tiên của thế gian. Như thế Chúa Thánh Thần đã xuống trên họ. Vì chính họ là những người đã khởi đầu việc chung sống cùng nhau, đã chịu đựng cơn bách hại. Nhưng vì rằng dầu thơm đã chảy xuống bộ râu, họ đã chịu đau khổ mà không bị đánh bại. Vì đầu từ nơi đó dầu thơm chảy ra, đã chịu đau khổ trước họ. Sau một gương sống như vậy, ai có thể chiến thắng được bộ râu?

  1. Những con người mạnh mẽ đã đau khổ và chịu biết bao cuộc bách hại. Nhưng nếu dầu thơm không chảy tràn xuống bộ râu, thì ngày nay chúng ta cũng chẳng có các đan viện. Nhưng bởi vì dầu thơm đã chảy xuống cổ áo chầu, như Thánh vịnh nói, và Giáo hội đã theo cái chuyển động này, nghĩa là từ chiếc áo của Chúa Kitô, nên Giáo hội đã sinh ra các đan viện. Vì y phục tư tế là biểu tượng của Giáo hội. Giáo hội chính là y phục mà thánh Tông Đồ nói: “Chúa Kitô đã yêu mến Giáo hội và đã nộp mình vì Giáo hội, để giới thiệu Giáo hội vinh quang, không vết nhơ, không vết nhăn.” Viền áo là gì? Viền là tận cùng của y phục? Chúng ta phải hiểu thế nào là tận cùng của y phục? Không phải là tận cùng của thời gian hay sao, lúc mọi người đều sống chung với nhau như anh em? Hay mép áo cho chúng ta hiểu như là biểu tượng của sự hoàn thiện, bởi vì chính nơi viền mà y phục tận cùng, và những ai hoàn hảo là những người sống chung với nhau trong sự hiệp nhất? Những người chu toàn Luật Lệ là những người hoàn hảo. Nhưng tại sao lề luật của Chúa Kitô lại được những người sống chung như anh em chu toàn? Hãy nghe lời thánh Tông Đồ: “Anh em hãy vác gánh nặng cho nhau, và như thế anh em chu toàn Luật của Chúa Kitô.” Đó chính là viền áo.

  Nhưng viền áo nào? Tôi không nghĩ rằng vị tiên tri muốn nói đến những viền áo phía bên cạnh. Nhưng dầu thơm chỉ có thể chảy từ chòm râu xuống viền áo gần kề đầu, nơi cổ áo. Những người sống chung với nhau cũng vậy. Cũng như người ta phải choàng áo qua cổ để mặc áo, thì cũng vậy, Chúa Kitô- Đầu của chúng ta, qua sự hoà hợp huynh đệ, mặc áo để Giáo hội gắn bó với Ngài.

  1. Vị tiên tri còn nói thêm điều gì nữa? “Như sương từ đỉnh Hermon rơi xuống núi đồi Sion” (sương = ân sủng). Qua đó vị tiên tri muốn nói rằng ân sủng Thiên Chúa làm cho anh em sống chung vui vầy; điều đó không do sức lực hay công nghiệp của họ, nhưng là một ân huệ từ Thiên Chúa, là ân sủng như sương từ trời rơi xuống…
  2. …Hermon có nghĩa là “ánh sáng cao siêu”. Vì sương phát xuất từ Chúa Kitô, nên không có một “Ánh sáng cao siêu” nào khác ngoài Chúa Kitô. Làm sao lại cao siêu? Trước hết, vì Ngài đã được treo lên cao trên thập giá, sau đó lên trời cao. Chúa Kitô đã được giương cao trên thập giá vào thời Ngài tự hạ; nhưng sự tự hạ của Ngài cũng chính là sự được nâng lên cao…

  Như vậy, ánh sáng cao siêu là chính Chúa Kitô. Từ Ngài phát xuất sương trời Hermon. Tất cả anh em là những người muốn chung sống cùng nhau, hãy ước ao sương trời này, hãy ao ước cùng được sương trời tưới mát. Làm khác đi anh em không thể giữ được điều anh em đã tuyên hứa…

  1. Còn về núi Sion, đó là những con người cao cả trong Giáo hội. Đó là những người mà những ngọn núi, chòm râu và cả cổ áo chầu biểu thị. Chòm râu nói lên những con người trọn hảo. Như vậy là chính những người mà nơi họ tình yêu Chúa Kitô nên trọn hảo, là những người sống chung cùng nhau. Thật vậy, nơi những người mà tình yêu Chúa Kitô không được trọn hảo, dù có qui tụ lại với nhau, họ cũng đáng ghét, khó chịu và gây rối. Họ giống như con ngựa sợ bóng, khi kéo xe, lại không chịu kéo cỗ xe mà lại phá hoại bằng những cú đá. Trái lại, khi được sương Hermon nhuần thấm, người ta trở nên thư thái, an tĩnh, khiêm hạ, và cầu nguyện thay vì lẩm bẩm. Chính Thánh Kinh mô tả một cách tuyệt vời những con người hay lẩm bẩm: “Trái tim kẻ khờ dại như chiếc bánh xe. Xe chở rơm và kêu cọt kẹt, vì bánh xe không thể quay mà không gây tiếng động.” Cũng vậy, có nhiều người họ chỉ sống chung bằng thân xác. Nhưng những ai là người sống chung? Đó là những người mà Kinh Thánh nói: “Họ chỉ có một trái tim và một tâm hồn duy nhất.”

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Những tượng Chúa Kitô Vua lớn nhất trên thế giới

  NHỮNG TƯỢNG CHÚA KITÔ VUA LỚN NHẤT TRÊN THẾ...

Nữ Đan Viện Phước Hải: 47 năm hiện diện trên vùng đất Bãi Dâu, Vũng Tàu

Kỉ niệm Khai Sinh Nữ Đan Viện Xitô Thánh...

Tu trào đan tu

Tu trào đan tu Từ các linh phụ sa mạc...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tu trào đan tu (phần kết)

DÒNG XITÔ   Cuộc cải tổ của Dòng Cluny (910) đã đem lại cho Giáo hội nói chung và đan tu nói riêng nhiều sức...

Tu trào đan tu (Tiếp theo)

II-Thánh Biển Đức và nếp sống Đan Tu Cộng Đoàn 1. Con người Biển Đức        Biển Đức sinh năm 480, tại ngôi làng...

Tu trào đan tu

Tu trào đan tu Từ các linh phụ sa mạc đến sự ra đời của Dòng Xitô (1098) I. Tu trào dan tu thời đầu 1. Khái...

Tu trào Xitô

Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 do cha Henri Denis Biển Đức Thuận sáng lập. Cha Henri...

ƠN GỌI CHIÊM NIỆM

  ƠN GỌI CHIÊM NIỆM   Có thể nói, chiêm niệm...

Linh Đạo Xitô

LINH ĐẠO XITÔ           Sống trong một đan viện Xi-tô (hay Biển Đức), đan sĩ sống trong một “Trường Phụng Sự...