Thứ tư, 4 Tháng mười hai, 2024

Giáo trình Linh đạo Đan tu I – Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

B- TIỀN SỬ ĐAN TU TRÀO KITÔ

I. HIỆN TƯỢNG ĐAN TU

1.Ngoài Kitô giáo

  Đan tu trào phải chăng là một hiện tượng đặc trưng của Kitô giáo? Phải trả lời ngay là: “không”.

Một thầy tu trên giường đinh ở Kalighat, Calcutta (khoảng những năm 1920)

  Ngay trước khi Kitô giáo xuất hiện, đã có mặt các đan sĩ. Một ngàn năm trăm năm trước khi Chúa Giêsu giáng sinh, đã có những đan sĩ Ấn độ. Phần nhiều các tôn giáo ngoài Kitô giáo đã biết đến những hình thức đời sống đan tu.

  Đan tu trào cổ nhất trong Ấn-Độ-Giáo, nhưng không có tính thống nhất. Đã có những ẩn sĩ sống trong rừng, hay đi lang thang đây đó và khất thực. Trong “tịnh cốc” của hạng người thứ nhất, đôi khi có cả người vợ tháp tùng, nhưng họ giữ khiết tịnh. Còn đối với các đan sĩ thứ hai, họ cắt đứt mọi tương giao với xã hội và nuôi sống bản thân bằng cách khất thực. Dầu vậy, vẫn có những đan viện: các đan sĩ mặc những y phục đặc biệt, thực hành nghèo khó và buông bỏ, họ cũng khất thực, họ sống dưới sự hướng dẫn của Linh phụ (gourou) và khấn hứa là không làm hại bất cứ sinh vật nào, thành thật, tự chủ, quảng đại.

Tu sĩ Phật giáo

  Trong Phật-Giáo, đan tu biểu thị chóp đỉnh. Phật-Giáo là một tôn giáo có tính đan tu, vì chỉ có các đan sĩ mới có thể đạt được cấp độ cao nhất. Thật vậy, Đức Phật quan niệm cứu độ như một sự giải thoát khỏi cái khổ và các đam mê: phải loại trừ tất cả các ham muốn để đạt đến cõi Niết-Bàn, và chỉ có các đan sĩ mới thực hiện được. Có những đan sĩ tìm con đường “độ” này bằng tu thiền, và bá tánh thì tìm công phúc bằng cách bảo đảm cuộc sống cho các đan sĩ. Có những hình thái khác biệt trong đan tu trào Phật giáo. Không có lời khấn và đôi khi mang tính tạm thời.

  Tại Âu-Châu, những tôn giáo cổ vùng Địa-Trung-Hải đã có những nữ tư tế trinh tiết: họ phục vụ trong các đền thờ và chỉ giữ trinh tiết trong một thời gian; nhưng sự trinh tiết này chỉ có nghĩa thể lý hơn là luân lý. Nơi các triết gia Hi Lạp, cũng có những lối sống làm liên tưởng đến các đan sĩ. Thật vậy, trong tiền bán thế kỷ thứ sáu trước công nguyên, ông Pythagore đã thành lập một loại cộng đồng, nơi đó các thành viên được thụ pháp theo các mức độ khác nhau. Nhưng trong lối sống đó, không có chỗ cho sự tiết chế tình dục.

  Sau công nguyên, dù Hồi-Giáo không chính thức nhận hình thức đan tu, nhưng ngay từ khởi đầu đã có những ẩn sĩ sống trong cô tịch, thực hành sự tự chế trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Họ cũng đó thành lập những hội để dạy cách nâng tâm hồn lên Thiên Chúa.

  Trong Tân Thế Giới – Mỹ Châu – trong các tôn giáo tiền sử, cũng đó xuất hiện những cộng đồng các trinh nữ. Những đền thờ ở nước Pérou, dưới thời vua Inca, đã có những cộng đồng các trinh nữ phục vụ mà luật lệ nghiêm khắc hơn cả các nữ tư tế Roma. Tại những đền thờ ở Mêhicô cũng có những trinh nữ như vậy: họ ăn uống chung và ngủ nghỉ trong các gian phòng lớn, đêm thức dậy và tham dự các buổi kinh nguyện. Họ có nhiệm vụ quét dọn và bảo trì đền thờ và thực hành những khổ chế; chính vì thế họ được gọi là các “cô gái đền tội”….

2.Định nghĩa và các yếu tố cấu thành

  Như thế, trong các tôn giáo, đan tu là một hiện tượng phổ quát gần với điều mà chúng ta gọi là đan tu trào. Những hình thức sống đặc biệt này, đều chứa đựng những yếu tố cấu thành mà sau đây chúng ta sẽ thử liệt kê; tuy nhiên, không phải tất cả các yếu tố cấu thành những hình thức sống đó đều như nhau. Chúng ta dùng từ “đan tu” để giải thích hiện tượng phổ quát này.

– Trước hết, qua các hình thức sống trên, yếu tố hàng đầu là xa cách trần gian, cô lập khỏi những người khác. Sự cô lập này được cụ thể hoá bằng những dấu bên ngoài như tường hào vây quanh và một vài phòng ốc chỉ các đan sĩ mới được đi vào. Dầu vậy, họ nhấn mạnh đến nội vi bên trong.

  Sự thoát ly trần gian này cũng được nhận ra qua y phục, râu tóc. Có những nghi thức dành cho các trang phục và hình thức trên.

– Tiếp đến là sự thực hành khổ chế, chẳng hạn như là sống độc thân, ít ra trong một thời gian; nghèo khó như là một sự không dính bén. Những thực hành này giúp sự tỉnh thức nội tâm.

  Họ không quá nhấn mạnh đến tuân phục vì nó được coi như là hệ quả đương nhiên của thái độ sẵn sàng được phát huy trong sự tĩnh niệm. Trái lại, họ nhấn mạnh đến sự ngoan ngoãn tuyệt đối với Linh phụ.

– Cuối cùng là khát vọng thần bí, đó là ý nghĩa sâu xa của Tuyệt Đối và mong ước thông hiệp với thực tại tuyệt đối đó. Người ta có thể nói đó là nền tảng sâu xa nhất của đời đan tu, vì nó ở tận nguồn của ý thức về trần gian mau qua và thay đổi. Khát vọng thần bí này là động lực của hai yếu tố khác nêu trên: thoát ly thế gian và thực hành khổ chế.

  Chúng ta có thể tóm tắt: đan tu là một lối sống được hiểu trong một mục đích thiêng liêng, vượt qua những mục tiêu của cuộc sống trần gian và đạt tới như là một điều quan yếu duy nhất.

3.Kết luận: Đối với chúng ta với tư cách là Kitô hữu

  Trong suốt giáo trình về lịch sử linh đạo đan tu Kitô, chúng ta sẽ gặp lại ba yếu tố cấu thành này của đời sống đan tu, nhưng trong một viễn cảnh không như vậy: ngay nguồn suối của đời sống đan tu Kitô, có tiếng mời gọi đi theo Chúa Kitô (sequela Christi – đi theo Chúa Kitô). Trong khi sống tính tuyệt đối của tình yêu Chúa Kitô, người ta khám phá những thực hành nối kết với những kinh nghiệm của những trào lưu đan tu khác. Những đòi hỏi để sống cái tuyệt đối đó luôn như nhau; nhưng nguồn suối thì khác nhau, nó nằm ngay trong những đòi hỏi của Tin Mừng. Nam nữ đan sĩ Kitô giáo là những người yêu mến Chúa Kitô, nơi Ngài, Thiên Chúa đã đến giữa nhân loại. Chính mầu nhiệm của bí tích thanh tẩy là nền tảng của những yếu tố cấu thành của đời đan tu:

– Xa cách trần gian diễn tả ước mong được thuộc trọn về Thiên Chúa và sống mối tình yêu với Ngài.

– Khổ chế là thông hiệp vào mầu nhiệm tự hủy và khổ nạn của Ngài.

– Khát vọng thần bí được triển nở trong sự kết hiệp với nhân thần tính của Ngài để được đưa vào trung tâm Chúa Ba Ngôi.

Ghi nhận tính duy nhất của nguồn suối sâu xa của đời sống đan tu Kitô cho phép đối thoại một cách chân thực với các đan tu trào khác, và cho phép biện phân trong các trào lưu đan tu đó có sự hiện diện ẩn kín của Thánh Thần Thiên Chúa.

  • Xác định nhóm từ “khát vọng thần bí”

  Chúng ta vừa nói đến yếu tố cấu thành thứ ba của đan tu theo nghĩa rộng là “khát vọng thần bí”. Nhưng từ “thần bí” có thể gây ra ngộ nhận, thường được hiểu và sử dụng sai lầm. Đâu là ý nghĩa cụm từ “khát vọng thần bí” đối với chúng ta?

  Trong Kitô giáo, khát vọng thần bí không phải là sự tìm kiếm các kinh nghiệm phi thường. Cụm từ đó trước hết phải được hiểu theo ý nghĩa mà thánh Phaolô sử dụng: đó là điều liên quan đến “mầu nhiệm Chúa Kitô”, liên quan đến ơn cứu độ, được đức tin nhận biết và vượt quá lý trí. Hiểu như vậy, thần bí ở ngay tại nền tảng của Kitô giáo: bí tích thanh tẩy dẫn đưa chúng ta vào mầu nhiệm Chúa Kitô, vào đời sống thần bí. Là một sự kết hiệp thực sự với Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Đó là một thực tại siêu nhiên, ẩn kín và mầu nhiệm. “Khát vọng thần bí”  diễn tả ước mong của Kitô hữu được thông hiệp với thực tại ẩn kín đó.

  Sự thông hiệp này được thực hiện nơi cuộc sống trần gian trong đức tin, nhờ các bí tích và qua ước ao một đời sống thánh thiện, ước ao được làm đẹp lòng Chúa, và bằng một sự tìm kiếm đời cầu nguyện liên lỉ mà chúng ta sẽ thấy nơi các đan sĩ đầu tiên của Kitô giáo.

  Đó là ý nghĩa đầu tiên và căn bản của “đời sống thần bí”: thông hiệp với mầu nhiệm Chúa Kitô và với Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong tâm hồn bằng các ân huệ của Ngài. Càng thông hiệp với Chúa Kitô mạnh mẽ, các ân huệ càng hoạt động mãnh liệt.

  Đôi khi dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Kitô hữu cảm nghiệm thấy một cách bất ngờ sự hiện diện của Chúa Kitô trong tâm hồn, một sự giao tiếp mầu nhiệm như một sự đụng chạm đến linh thánh mà không qua một trung gian nào.

  Ý nghĩa thứ hai của đời sống thần bí là tính nhưng không của ân huệ Thiên Chúa, không như là một chứng cớ của sự thánh thiện, vì ân huệ được trao ban để cải đổi và khuyến khích, giúp con người bước trở về với Thiên Chúa.

  Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, “nhà thần bí lớn nhất của thời hiện đại”, là một minh chứng giúp chúng ta hiểu hai ý nghĩa của cụm từ trên. Đôi khi ngài sống trong tình trạng “thần bí” theo nghĩa thứ hai: có một kinh nghiệm đã kéo dài suốt một tuần lễ (điều khá hiếm!). Nhưng trong những năm cuối đời, ngài đã sống trong đêm tối dày đặc của đức tin, và dầu vậy, thật là “khát vọng thần bí” của ngài kéo dài suốt thời gian đó! Ngài khao khát được kết hiệp với Chúa Giêsu đến độ ao ước chịu đau khổ và tìm thấy niềm vui trong đau khổ vì rằng Chúa Giêsu đã chịu khổ đau. Vào cuối đời, “khát vọng thần bí này được tóm tắt là không muốn gì khác hơn điều Chúa Giêsu muốn về ngài: “Lạy Chúa, Chúa đã chất đầy niềm vui bởi tất cả những gì Chúa thực hiện” – Têrêsa thưa với Chúa như vậy.

  Đó là những đỉnh điểm mà tất cả chúng ta được mời gọi tiến đến. Đó là sự kết hiệp thần bí Kitô đích thực.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Antôn – Môn đệ của Đức Kitô

Antôn - Môn đệ của Đức Kitô Tủ sách Biển...

Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại

          Chú Quỷ Ban Trưa và Cơn...

Đan sĩ – Nhà truyền giáo

    Đan Sĩ - Nhà Truyền Giáo M. Hương Yến, PH  ...

Linh phụ Arès – Lời thích hợp cho một thầy dòng

Linh Phụ Arès  Lời Thích Hợp Cho Một Thầy Dòng Tủ...

Lời Giáo Huấn Của Các Tổ Phụ Sa Mạc

 ACHILLE Chiến đấu đến đổ máu để giữ được...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại

          Chú Quỷ Ban Trưa và Cơn Cám Dỗ Thời Đại FM. Thomas Nguyễn Văn Giang Khởi đầu đan tu trào Kitô giáo gắn...

Linh phụ Arès – Lời thích hợp cho một thầy dòng

Linh Phụ Arès  Lời Thích Hợp Cho Một Thầy Dòng Tủ sách Biển Đức - Xitô   Linh phụ Abraham vừa gặp linh phụ Arès. Họ đang...

Antôn – Môn đệ của Đức Kitô

Antôn - Môn đệ của Đức Kitô Tủ sách Biển Đức - Xitô Vào khoảng năm 270, Antôn - một thanh niên 18 tuổi người Ai...

Viện phụ Agathon – Tỉnh thức nội tâm

  Viện phụ Agathon

Lời Giáo Huấn Của Các Tổ Phụ Sa Mạc

 ACHILLE Chiến đấu đến đổ máu để giữ được tình yêu thương anh em   Tủ sách đan tu Biển Đức - Xitô        ...

Tu trào đan tu (phần kết)

DÒNG XITÔ   Cuộc cải tổ của Dòng Cluny (910) đã đem lại cho Giáo hội nói chung và đan tu nói riêng nhiều sức...

Tu trào đan tu (Tiếp theo)

II-Thánh Biển Đức và nếp sống Đan Tu Cộng Đoàn 1. Con người Biển Đức        Biển Đức sinh năm 480, tại ngôi làng...

Tu trào đan tu

Tu trào đan tu Từ các linh phụ sa mạc đến sự ra đời của Dòng Xitô (1098) I. Tu trào dan tu thời đầu 1. Khái...

Tu trào Xitô

Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 do cha Henri Denis Biển Đức Thuận sáng lập. Cha Henri...

ƠN GỌI CHIÊM NIỆM

  ƠN GỌI CHIÊM NIỆM   Có thể nói, chiêm niệm...

Linh Đạo Xitô

LINH ĐẠO XITÔ           Sống trong một đan viện Xi-tô (hay Biển Đức), đan sĩ sống trong một “Trường Phụng Sự...