Chủ Nhật, 8 Tháng Chín, 2024

Giáo trình Linh đạo Đan tu I – Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

3.Đời sống của thánh Antôn

  Chúng ta vừa trình bày bối cảnh phát sinh cuốn “Tiểu sử thánh Antôn” do thánh Athanasiô viết. Đó không phải là một cuộc đời mà Athanasiô tưởng tượng ra, nhưng ngài đã nói chuyện với những con người đã biết rõ Antôn. Nhưng tiểu sử đó không chỉ là một bản tường thuật như người ta viết về một nhân vật nổi tiếng. Athanasiô không viết vì tình cờ, nhưng có chủ đích. Chủ đích đó chúng ta thấy ngay trong dàn bài sau đây:

  Trong khi viết cuốn tiểu sử này, thánh Athanasiô muốn nêu lại những sai lạc, sửa chữa những bất toàn mà ngài nhận thấy nơi các đan sĩ trong suốt thời gian sống với họ. Ngài muốn trình bày thánh Antôn như là đan-sĩ-mẫu.

  Và như vậy, khi đọc cuốn tiểu sử này, các Giáo Phụ như thánh Grégoire de Nazianze có thể nói rằng cuốn “Tiểu sử thánh Antôn” là một bộ luật lập pháp cho đời sống đan tu dưới dạng kể chuyện” (Or, 21, 5).

  Chúng ta dừng lại vài bản văn kể về cuộc đời của thánh Antôn và chú giải những đoạn văn đó để hiểu chủ ý của thánh Athanasiô muốn trình bày đời sống đan tu.

-Giới thiệu

1. Antôn sinh tại Ai-Cập. Song thân là những người danh giá và giàu có. Họ là những kitô hữu và giáo dục con cái trong đạo Kitô. Khi còn nhỏ, Antôn sống với cha mẹ và không tìm cách xa lìa họ và xa nhà. Vì, như Sách Thánh nói về Giacóp là chỉ muốn ở nhà thôi. Antôn đi nhà thờ với cha mẹ, đến nhà của Chúa. Khi còn là một đứa bé, Antôn không lười biếng, và khi lớn lên chàng không khinh chê cha mẹ, trái lại tuân phục các đấng. Chàng chú tâm đến các bài đọc nghe trong nhà thờ, và cẩn thận giữ kỹ trong lòng. tuy cha mẹ có nhiều tiền, nhưng Antôn không quấy nhiễu họ để có nhiều thức ăn và những bữa ăn thay đổi. Điều đó không làm Antôn bận tâm, trái lại bằng lòng với những gì người ta dọn cho và không đòi hỏi gì. 

-Ơn gọi Antôn và giai đoạn thứ nhất

  2. Khi song thân qua đời, Antôn sống một mình với em gái. Lúc đó Antôn khoảng mười tám đôi mươi, chăm sóc gia sản và cô em gái.

Một ngày kia, khoảng sáu tháng sau ngày cha mẹ qua đời, Antôn vào một nhà thờ như thường lệ. Vừa đi chàng vừa ngẫm nghĩ: “Các tông đồ đã bỏ tất cả mọi sự mà theo Chúa. Trong sách Công vụ Tông Đồ, người ta kể rằng những kitô hữu đầu tiên đã bán tất cả tài sản mình có, rồi đặt dưới chân các tông đồ, để phân phát cho người nghèo. Như vậy họ hy vọng sẽ có phần thưởng lớn lao trên trời.”

  Khi Antôn vào nguyện đường, tâm hồn tràn ngập những dòng tư tưởng đó. Tới lúc nghe Tin Mừng, Antôn nghe lời Chúa nói với người thanh niên giàu có: “Nếu bạn muốn nên trọn lành, hãy ra đi, bán tất cả những gì bạn có, phân phát cho người nghèo, đoạn hãy đến và theo tôi; khi ấy bạn sẽ có một kho tàng trên trời.” Bằng cách đó, Thiên Chúa nhắc cho Antôn gương lành các thánh. Rồi Antôn suy nghĩ: “Những lời đó là cho tôi.” Chàng liền ban phát cho dân làng những của cải cha mẹ để lại: ba trăm thửa đất phì nhiêu, để chàng và em gái khỏi bị vương vấn chút gì về trần gian.

  3. Một ngày kia, Antôn vào trong nhà Chúa, chàng nghe đọc Tin Mừng: “Anh em đừng lo lắng cho ngày mai.” Chàng không ở lại đó lâu. Chàng ra đi và phân phát cho người nghèo tiền bạc mà chàng giữ lại. Chàng ủy thác cô em gái cho các trinh nữ có tiếng tốt và trung tín để cô em được giáo dục tử tế.

  Tiếp đến, chàng sống đời khổ hạnh ngay trong nhà chàng. Chàng canh chừng những hành động của mình và áp dụng một chế độ nghiêm nhặt. Thời đó, không có nhiều đan viện và chẳng có đan sĩ nào biết đến sa mạc mênh mông. Ai muốn chú ý đến lối sống của mình, chỉ thực hành do chính mình và sống cạnh xóm làng. Trong một làng kế cạnh, có một vị cao niên ngay từ thuở thanh xuân đã sống đời khổ hạnh một mình. Antôn tìm đến và sống cũng tốt như vị cao niên đó.

  Lúc đầu, Antôn cũng sống một mình bên cạnh xóm làng. Nơi đó, khi nghe nói đến một người đầy nhiệt tâm làm việc lành, Antôn như chú ong khôn ngoan: chàng ra đi tìm kiếm gương lành đời sống của người đó khích lệ chàng trên hành trình hướng về sự thiện. Đoạn chàng trở về nhà mình.

  Như vậy, ngay lúc đầu, chàng ở lại đó, kiên vững trong quyết định từ bỏ gia tài cha mẹ để lại và quên đi gia đình. Cố gắng sống khổ hạnh là điều chàng mong ước và kiếm tìm. Chàng làm việc để nuôi thân, như chàng nghe lời của thánh Tông Đồ: “Ai không làm thì đừng có ăn.” Như vậy, với tiền kiếm được, chàng mua thực phẩm và số còn lại chàng phân phát cho người nghèo. Chàng cầu nguyện liên lỉ, vì chàng học biết rằng phải cầu nguyện luôn trong tâm hồn. Chàng chú tâm vào các bài đọc trong nhà thờ và không để rơi rớt một lời Sách Thánh nào. Trái lại, chàng nhớ tất cả, ký ức của chàng thay thế cho sách vở.

  4. Đó là cuộc sống của Antôn, mọi người đều yêu thích chàng. Khi chàng đến gặp các nhà khổ hạnh, chàng vui lòng vâng lời họ. Chàng muốn học noi gương những việc tốt lành và sự khổ hạnh của từng người. Chàng chú ý nhìn họ: người này đáng yêu, người kia cầu nguyện không ngừng. Chàng ghi nhận: người này thức để cầu nguyện, người kia chú tâm đọc Lời Chúa. Chàng kính phục người này vì đức kiên nhẫn, tôn kính người kia vì ăn chay và nằm đất. Chàng quan sát: người này hiền lành, người kia quảng đại. Nhưng chàng thấy rằng tất cả mọi người không trừ ai đều có tấm lòng dịu dàng và tôn kính đối với Chúa Kitô, và yêu thương nhau.

⇒ Giải thích bản văn

  Trong số 1, Athanasiô trình bày cho chúng ta nhân vật Antôn. Antôn giữ được sự tự do trong chính môi trường giàu sang (cha mẹ danh giá và giàu có).

  Athanasiô phác họa chân dung một chú bé hoàn hảo, như chính hình ảnh tuyệt hảo của người môn đệ của Chúa Kitô.

  Trong số 2 và 3, Athanasiô đã cho chúng ta biết cách thức Antôn trở thành đan sĩ. Đàng sau tiểu sử này, thánh Athanasiô cho chúng ta bài học và cho thấy đâu là ba điều kiện cần thiết để sống đời đan tu, dựa vào ba bản văn Tin Mừng.

  Đoạn văn Công vụ Tông Đồ (4, 34) có một tầm quan trọng đối với tu trào đan tu cổ: Các Tông Đồ đã bỏ mọi sự mà theo Chúa và các Kitô hữu bán tất cả mọi sự. Các đan sĩ cũng làm như vậy.

  Antôn coi đoạn Kinh Thánh đó như ngỏ với chính mình, một lời nói từ trên cao vọng xuống. Sau này, chúng ta cũng thấy nơi trường hợp của Augustinô.

  Như vậy điều kiện thứ nhất để trở thành đan sĩ là phải từ bỏ tất cả. Sự từ bỏ nơi Antôn là lớn lao. Từ bỏ giàu sang để trở thành đan sĩ là điều kiện thứ nhất mà Antôn nghe được trong chính đoạn văn Kinh Thánh (Mt 19, 21).

  Hai đoạn văn khác cũng cho thấy hai điều kiện khác cần thiết để trở thành đan sĩ. Hai điều kiện đĩ tìm thấy trong số 3 và đó là giai đoạn thứ nhất trong bốn giai đoạn của cuộc hành trình của Antôn.

  Bản văn thứ nhất, Mt 6, 34 cho thấy sự hoàn toàn thoát ly: Antôn giữ lại một số tiền cho cô em gái, vì phải lo cho tương lai. Giờ đây chàng phân phát cho người nghèo. Bản văn thứ hai, 2Tx 3,10: Ai không làm thì đừng có ăn.

  Như vậy ba đoạn văn Kinh Thánh không xuất hiện một cách ngẫu nhiên mà chúng chứng minh cho chúng ta thấy chủ tâm của thánh Athanasiô nghĩ về đan sĩ. Đó là ba điều kiện để dấn thân vào đời sống đan tu :

       – Từ bỏ hoàn toàn để theo Chúa Kitô.

       – Không chút lo lắng, vì hoàn toàn tin cậy vào Thiên Chúa.

       – Lao động chân tay: vừa mưu sinh vừa giúp người nghèo.

  Ba điều kiện này có thể gắn vào ba nhân đức đối thần: Tin – Cậy – Mến.

Tiến bộ của đan sĩ

  Trong số 3, chúng ta ở trong giai đoạn thứ nhất của sự tiến triển của Antôn. Mỗi giai đoạn tỏ lộ khuôn mặt của Antôn trong tiến trình trên con đường trọn lành. Ở đây chúng ta chợt thấy ý tưởng của thánh Athanasiô: đâu là những cấp độ phải tiến đến để từ tập sinh thành một đan sĩ hoàn hảo?

– Giai đoạn thứ nhất khi Antôn “áp dụng sống đời khổ hạnh”, qua đó Athanasiô chỉ cho thấy hình ảnh một tập sinh tốt. (số 4)

  Antôn còn ở trong làng xóm – hay bên bìa làng – Antôn có một vị Thầy là một vị trưởng thượng ở làng bên cạnh và tìm đến thụ giáo.

  Antôn đến tìm noi gương vị trưởng thượng đó và nhìn những con người hành động tốt chung quanh vị đó, và như con ong hút mật, Antôn được nuôi dưỡng bằng những điều tốt lành nơi những con người kia.

  Và cá nhân Antôn đã thực hành ba phận việc mà tập sinh thi hành: cầu nguyện – đọc sách – lao động.

  Như vậy, chúng ta thấy hình ảnh của Antôn cũng là hình ảnh của một tập sinh tốt lành. Mật ngọt mà Antôn hút nơi những con người tốt kia là các nhân đức của họ. Phải biết chiêm ngưỡng các nhân đức của người khác. Và tất cả những nhân đức đó qui tụ về tình yêu Chúa và tha nhân.

-Giai đoạn thứ hai: Trong một ngôi mộ

  8.Sau khi chiến đấu với ma quỉ, Antôn được thêm mạnh mẽ chiến thắng chính mình. Chàng ra đi khỏi làng và đến cư ngụ trong một nghĩa trang. Chàng xin một người bạn thỉnh thoảng cung cấp bánh mì. Đoạn chàng vào trong một ngôi mộ, đóng cửa và sống trong đó một mình.

  Nhưng kẻ thù không chịu nổi điều đó: nó sợ là chẳng bao lâu sa mạc sẽ tràn đầy các nhà tu khổ hạnh. Vì thế, một đêm kia, nó đột nhập với một đám đông các thần hạ xấu xa. Chúng đánh đập Antôn mạnh đến nỗi Antôn bị gục gã trên mặt đất (bị đo ván), cấm khẩu, đau đớn vô cùng. Và Antôn nghĩ rằng: “Những đau đớn này quá lớn: không người nào đã có thể chịu đựng được khi bị đánh như vậy.”

  Nhưng Chúa không bỏ những ai tin cậy vào Người. Người chăm sóc Antôn. Ngày hôm sau, bạn của Antôn đến cung cấp bánh. Khi mở cửa, anh thấy Antôn nằm sõng soài trên mặt đất như đã chết. Anh bồng Antôn trên tay và đem về nhà thờ làng. Anh đặt Antôn xuống nơi đó, dân làng đến bên cạnh Antôn như người ta dự đám người chết. Nhưng vào nửa đêm, Antôn tỉnh lại. Chàng thức dậy và thấy mọi người đang ngủ, trừ anh bạn. Chàng liền ra hiệu người bạn đến gần và xin: “Hãy chịu khó đem tôi vào ngôi mộ mà đừng đánh thức ai cả nghe.”

  10.Chúa không quên Antôn trong trận chiến chống lại thần dữ. Trái lại, Người đến trợ giúp chàng. Này đây Antôn mở mắt ra, thấy mái ngôi mồ như mở toang ra và một tia sáng rọi chiếu trên chàng. Ngay lập tức, các thần dữ biến mất, thân xác không còn đau đớn, căn nhà được vững bền lại. Antôn hiểu rằng Chúa đến giúp mình, chàng thở tốt hơn và những đớn đau tan biến.

  Khi nhìn thấy luồng ánh sáng đó, Antôn thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Ngài đã ở đâu? Phải chăng Ngài đã chẳng hiện đến với con ngay lúc đầu để làm ngừng đau đớn của con? Tại sao lại như vậy?”,  Antôn nghe được một tiếng nói với mình: “Antôn à, Ta đã hiện diện, nhưng Ta chờ đợi để xem con chiến đấu. Con đã kiên cường chống trả, con đã không bị đánh bại, vì thế Ta sẽ che chở con mãi mãi, Ta sẽ làm cho con nổi danh khắp nơi.”

  Khi nghe tiếng đó, Antôn trỗi dậy và cầu nguyện. Những lời đó khích lệ Antôn nhiều đến nỗi chàng cảm thấy trong thân xác mình còn nhiều sức mạnh hơn trước khi lâm trận. Lúc đó Antôn khoảng chừng 35 tuổi.

Chú giải bản văn

– Chúng ta tiến tới giai đoạn thứ hai

  Số 8: Antôn sống trong một ngôi mộ. Và đây xuất hiện ma quỉ. Chúng hiện diện khắp nơi trong đời sống của Antôn. Ở đây chúng ta không nên hiểu bản văn theo nghĩa chữ từng li từng tí. Cách nói trên là cách nói ngụ ngôn (nói bóng gió, nghĩa bóng) để đề cập đến những thực tại sâu xa: trong chúng ta có những sức mạnh vượt quá chúng ta, một mãnh lực ở trong chính chúng ta mà không phải do chúng ta, do đó chúng ta phải chiến đấu chống lại chúng. Đó chính là ý nghĩa của cuộc chiến thiêng liêng, như chúng ta đã thấy nơi ông Origène. Antôn noi gương Chúa Kitô trong cuộc chiến chống ma quỉ, và như Chúa, Antôn như “đã chết”.

– Số 10: Bài học mà chúng ta rút ra được ở đây là khi chúng ta tưởng Chúa vắng mặt, thì thật sự Ngài hiện diện ngay khi ma quỉ mạnh thế. Chúa hiện diện một cách ẩn kín, nhưng hiện diện một cách thật sự trong cuộc chiến của chúng ta, chính Ngài ban chiến thắng trên ma quỉ. Antôn trỗi dậy như là thông dự vào sự Phục Sinh của Chúa Kitô. Antôn còn mạnh hơn trước kia.

-Giai đoạn thứ ba: Nơi sa mạc – trong một pháo đài

  “Một ngày kia, Antôn ra đi với một ước muốn lớn hơn trong việc phụng sự Chúa. Antôn ra đi gặp vị trưởng thượng và xin được sống với ông trong sa mạc. Nhưng vị này từ chối viện lẽ rằng ông quá già, và việc ra đi vào sa mạc chưa thành thông lệ.

  Lập tức, Antôn lên đường tiến đến vùng núi non.

12.Antôn càng ngày càng muốn sống đẹp lòng Chúa hơn, vì thế ngài đã ra đi đến miền núi. Phía bên kia sông, ngài đã tìm được một pháo đài bỏ hoang từ lâu đầy rắn rết. Ngài cư trú ở đó. Tức thì rắn rết biến mất như thể có ai xua đuổi chúng đi. Antôn bít kín lối vào. Ngài đem theo bánh đủ dùng cho sáu tháng. Thật vậy, những cư dân vùng Thèbes sản xuất những chiếc bánh có thể bảo quản tốt đến cả một năm. Trong pháo đài có nước uống. Như thế ngài vào đó như đi vào một nơi thánh thiêng. Ngài ở đó một mình không bước ra, không gặp ai. Ở đó ngài sống đời khổ hạnh, chỉ đón nhận bánh từ trên pháo đài gởi xuống hai lần trong năm.

14.Antôn sống đời khổ hạnh như vậy trong vòng 25 năm. Ngài ở một mình, không ra khỏi đó; không ai nhìn thấy ngài. Cuối cùng, nhiều người muốn bắt chước đời khổ hạnh của ngài; những bạn hữu đến, bẻ khoá và xô đổ cửa ra vào. Antôn ra khỏi pháo đài như từ một nơi thánh thiêng, hình như ngài đã học biết những điều bí ẩn của Thiên Chúa, ngài tràn đầy Chúa Thánh Thần. Đây là lần đầu tiên Antôn xuất hiện trước những người đến gặp ngài. Khi thấy ngài, các bạn hữu khâm phục: ngài hoàn toàn như ngày xưa. Không mập hơn, tuy rằng chẳng phải làm gì. Ngài cũng chẳng gầy đi, tuy rằng ngài ăn chay và chiến đấu với ma quỉ. Antôn vẫn như ngày trước khi lên đường vào sa mạc.

  Trái tim ngài đã tìm lại sự tinh tuyền. Ngài không bị buồn thảm làm héo tàn, cũng không để niềm vui làm tan vỡ. Không, trong ngài không có cười hỉ hả cũng chẳng buồn da diết. Ngài nhìn đám đông mà chẳng bị dao động. Rất nhiều người tụ họp nơi đó và mọi người thân ái chào đón ngài, và dầu vậy, niềm vui của ngài vẫn bình an thanh thản. Ngài vẫn giữ nét vui tươi, vì lý trí hướng dẫn ngài: ngài “tự nhiên” như Ađam trước khi phạm tội.

  Thiên Chúa dùng Antôn để chữa trị bao nhiêu người đau khổ trong thân xác. Những người khác bị ma quỉ ám, Antôn giải thoát họ, Thiên Chúa ban cho Antôn ơn ngôn ngữ, và Antôn đã an ủi biết bao nhiêu người khốn khổ. Ngài xây dựng hoà thuận và hoà khí, biến họ thành những thân hữu với nhau.

  Ngài nói với mọi người: “Đừng lấy gì hơn tình yêu Chúa Kitô.” Ngài còn nhắc lại: “Sau này, chúng ta sẽ hạnh phúc sống với Chúa mãi mãi. Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Thật vậy, Người đã không giữ Con của Người lại cho mình, nhưng đã trao nộp cho chúng ta.” Khi nghe những lời đó của Antôn, nhiều người đã quyết định chọn sống trong cô tịch. Và như vậy, nhiều đan viện đã được sinh ra trong vùng đồi núi. Để trở thành đan sĩ, những con người này từ bỏ của cải của họ, xây dựng một thành phố trong sa mạc và họ đặt tên là Thành Đô Thiên Quốc.”

Chú giải bản văn

– Chúng ta tiến đến giai đoạn thứ ba. Hiệu quả của cuộc chiến, Antôn ao ước phụng sự Chúa mạnh mẽ hơn.

  Sau khi thụ giáo với vị trưởng thượng, và nhất là sau khi chiến đấu với ma quỉ, Antôn trở thành đan sĩ, và dù rằng vị trưởng thượng không muốn Antôn theo ngài vào sa mạc. Nhưng do Thánh Thần thúc đẩy, Antôn là con người biết mình muốn gì và đã quyết định.

  Ngài đi về vùng núi, đó là ngọn núi Pispir, phía đông sông Nil, khoảng 75 cây số về hướng nam thành phố Memphis.

  Số 14 vẽ cho chúng ta dung mạo của Antôn trong giai đoạn này, ngài “học được các điều bí ẩn của Thiên Chúa, ngài tràn đầy Chúa Thánh Thần”. Thánh Athanasiô cho chúng ta nhiều bài học trong đời sống khổ hạnh.

– Trước hết, nỗ lực khổ chế không hủy hoại con người, nhưng khôi phục con người: Antôn vẫn như ngày xưa “y hệt như xưa” – “như trước khi lên đường”.

– Tiếp đến, nỗ lực khổ chế làm cho linh hồn tìm lại sự tinh tuyền và dẫn đến sự bình thản mà truyền thống đan tu gọi là hésychia– an tĩnh, là tình trạng của người đã thống trị được các đam mê của mình và đặt chúng dưới sự điều khiển của lý trí.

  Chúng ta ghi nhận từ “tự nhiên”. Khổ hạnh làm cho Antôn tìm lại trạng thái “tự nhiên” trong đó, theo các Giáo Phụ Hi-Lạp, là tình trạng của Ađam trước khi phạm tội, tình trạng khi được Thiên Chúa tạo thành. Những đan sĩ này lạc quan về bản tính tự nhiên của con người. Điều Thiên Chúa tạo dựng là tốt đẹp. Con người tốt một cách tự nhiên. Nhưng tội lỗi đã làm cho con người ra xấu xa; vì thế, khổ chế cho con người tìm lại được tình trạng “tự nhiên” khi được bàn tay Thiên Chúa nắn đúc. Thánh Cassianô cũng nghĩ như thế, nhưng không phải như thánh Augustinô đã cảm nghiệm thấy trong thân xác mình như một con người hướng về sự dữ.

  “Thiên Chúa yêu thương”: đó là lòng ái nhân của Thiên Chúa, một đề tài thân thiết đối với thánh Athanasiô cũng như đối với các Giáo Phụ Hi-Lạp.

-Giai đoạn thứ tư: Nơi sa mạc phía trong

  49.Nhiều người đến nên Antôn bị quấy rầy. Ngài không thể sống trong cô tịch như ước muốn. Và vì Thiên Chúa sử dụng ngài để làm những phép lạ nên ngài sợ và nhủ lòng: “Tôi sắp trở nên kiêu ngạo hoặc người ta tin tôi tốt hơn thực chất của tôi.” Ngài suy nghĩ và quyết định: “Tôi sẽ ra đi đến vùng Thượng Thébaïde nơi không ai sẽ biết tôi.” Anh em cho ngài bánh, và Antôn ngồi chờ bên bờ sông xem có thuyền nào đi qua để xin quá giang. Khi ấy, Antôn nghe một tiếng nói từ trời: “Antôn, con đi đâu đó? Tại sao con lại ra đi? Antôn nghe tiếng nói đó, ngài không sợ hãi, vì ngài đã thường nghe tiếng nói như vậy. Ngài trả lời: “Người ta không để con yên; họ làm con phiền hà, nhất là họ xin con những điều mà con không có thể làm được.Vì vậy con muốn đến vùng Thượng Thébaïde.” Tiếng đó nói với ngài: “Cho dù con lên miền Thébạïde, như con có thể làm được, ngay khi con đến nơi chỉ có thú vật, con phải khổ đau gấp hai lần. Nếu con muốn thực sự sống một mình, con hãy ra đi vào sa mạc phía trong.” Khi ấy, Antôn trả lời: “Vậy ai sẽ chỉ cho con đường đến đó? Con không biết làm sao đến được?” Ngay lập tức, tiếng nói chỉ cho biết những thương gia du mục sắp đi con đường đó. Antôn gặp họ và xin ra đi với họ lên tận sa mạc. Họ chấp nhận, vì Thiên Chúa đã chuẩn bị trái tim của họ để đưa cuộc hành trình của Antôn tới thành công. Antôn đi với họ ba ngày ba đêm và lên một vùng núi rất cao. Nước trong suốt và mát mẻ chảy dưới chân núi. Xa hơn, một vài cây cọ hoang mọc trên thảo nguyên.

  50.Antôn yêu mến nơi này, hay đúng hơn, Thiên Chúa cho Antôn yêu mến; vả lại, đó chính là nơi mà tiếng nói đã chỉ cho khi Antôn còn ngồi bên bờ sông. Khi ra đi, các người đồng hành đã cho Antôn bánh, nhờ đó Antôn sống một mình, hoàn toàn một mình giữa núi đồi hiu quạnh. Ngài quyết định sống ở đó. Những thương gia du mục bái phục lòng can đảm của Antôn và họ làm bộ đi qua con đường đó để cung cấp lương thực cho Antôn. Antôn cũng dùng những trái chà là. Tiếp đến khi anh em biết được nơi Antôn trú ngụ, họ cũng gởi lương thực đến cho ngài, như những con cái nghĩ đến cha mình vậy. Nhưng Antôn thấy một vài đan sĩ cực nhọc nhiều để mang cho mình bánh, nên Antôn suy nghĩ và nói với anh em đến gặp mình: “Anh em hãy mang cho tôi một cái cuốc nhỏ, một cái rìu và một số hạt giống.” Họ mang đến cho ngài tất cả những thứ đó. Antôn đi một vòng quanh núi tìm một nơi đất tốt để gieo trồng. Ngài tìm thấy một mảnh đất rất thích hợp; nơi đó có cả nước để tưới. Ngài gieo lúa mì và như thế ngài có bánh nuôi thân. Mỗi năm ngài lại bắt đầu công việc. Ngài hài lòng vì đã có những gì cần thiết mà không làm ai phải cực nhọc.

  Nhưng rồi lại có những khách không mời mà đến, đó là những thú hoang. Ngài trồng trọt thêm vài loại rau để có gì ăn. Nhưng đường xá xa xôi và hành trình dài rất mệt nhọc. Lúc đầu thú hoang tàn phá tất cả hoa màu của Antôn, khi chúng đến uống nước gần đó. Ngài giữ lại một con cách nhẹ nhàng và nói với tất cả: “Tại sao các bạn lại làm hại ta như vậy? Ta đâu có làm gì hại các bạn đâu. Nhân danh Chúa, hãy ra đi và đừng đến gần đây nữa.” Từ ngày đó, chúng không đến nữa như thể chúng vâng lời Antôn vậy.

  51.Antôn sống như vậy một mình trong hoang địa sâu thẳm chỉ chú tâm cầu nguyện và khổ chế. Những anh em phục vụ ngài xin phép mỗi tháng đến viếng thăm và mang đến cho ngài hạt oliu, rau quả, dầu ăn, vì giờ đây ngài đã cao niên. Những người đến thăm ngài kể lại cho những người khác biết bao nhiêu cuộc chiến đấu của ngài, không phải chống lại xác thịt, mà chống lại những kẻ thù là ma quỉ, như thánh Phaolô viết. Họ nghe thấy tiếng la inh ỏi, tiếng vũ khí chạm nhau chát chúa. Ban đêm, họ thấy vùng núi đồi đầy thú vật nhìn Antôn chiến đấu với những kẻ thù mà ngài thấy, ngài cũng cầu nguyện cho khách viếng thăm. Ngài củng cố niềm tin nơi họ. Ngài quì gối chiến đấu, cả khi cầu nguyện với Chúa.

  Tất cả mọi người thán phục rằng chỉ có mình ngài ở sa mạc không sợ ma quỉ tấn công và không sợ thú dữ, rắn rết đầy dẫy nơi đó. Như trong Thánh vịnh, ngài “thật sự tin cậy vào Thiên Chúa như trong miền núi Sion”. Thần trí ngài an tĩnh, không dao động: ma quỉ chạy trốn và thú dữ làm hoà với ngài như chúng ta nói trên kia.

  67.Diện mạo Antôn khi ấy thật đẹp đẽ và dễ nhìn. Thiên Chúa lại ban cho ngài một ân huệ khác: khi Antôn ở giữa các đan sĩ, nếu có ai không biết ngài và muốn nhìn thấy ngài, thì người đó rẽ đám đông chạy đến với Antôn. Người ta nói rằng đôi mắt của Antôn thu hút người ấy. Người ta không chú ý xem Antôn to lớn hay mạnh mẽ, nhưng người ta nhận ra ngài nhờ vào cách xử sự và trái tim trong sáng của ngài. Trái tim ngài trong an bình, vì thế cử chỉ của ngài nhẹ nhàng. Khuôn mặt ngài hân hoan vì Thiên Chúa ở trong ngài. Những chuyển động của thân xác ngài làm cho thấy và nhận ra đáy tâm hồn ngài. Thật vậy, Sách Thánh viết rằng: “Nếu trái tim hân hoan, thì khuôn mặt dễ nhìn; nếu con tim sầu não, thì khuôn mặt u tối.”

  Và đây là cách người ta nhận biết Antôn: Ngài không bao giờ dao động, tâm hồn ngài an tĩnh. Khuôn mặt ngài không bao giờ u buồn, bởi vì trái tim ngài hân hoan.

 Chú giải bản văn

  Số 49: Này đây Thánh Thần tiếp tục đẩy Antôn đi xa hơn. Antôn hướng dẫn và chính mình lái cuộc đời mình. Nhưng sau khi nghe tiếng nói là hãy đi vào hoang địa xa xôi, Antôn trả lời đâu là con đường vì mình không biết. Ở đây chúng ta thấy Antôn đi từ tình trạng tự mình hành động đến tình trạng để Thiên Chúa hành động, từ tình trạng tự mình hướng dẫn cuộc đời đến tình trạng để Thiên Chúa hướng dẫn. Qua đó, thánh Athanasiô chỉ cho thấy rằng đối với ngài, đan sĩ phải tiến đến một tình trạng vâng phục nội tâm hồn hảo là không lấy gì quý hơn ý muốn của Thiên Chúa. Khi ấy đan sĩ để Thiên Chúa dẫn dắt.

  Và trong tình trạng này, chính Thiên Chúa làm cho đan sĩ yêu mến tình trạng đó.

  Số 50: Và đây Antôn hoàn toàn một mình. Ngài lao động để nuôi thân và nuôi các khách viếng thăm. Cô tịch không cản trở tình bác ái huynh đệ.

  Antôn nói chuyện với thú dữ, chúng hiểu và tuân phục Antôn. Qua đĩ thánh Athanasiô cho thấy rằng sự kết hiệp với Thiên Chúa thì cũng giao hòa với vạn vật. Đó là đề tài “thiên đàng lại được tìm thấy”. Qua sự trong sáng và bình an nội tâm, Antôn đã tìm lại được tình trạng địa đàng của con người trước khi sa ngã, đó là sự hòa điệu với tạo thành.

  Số 51: Chúng ta thấy Antôn còn chiến đấu, dù rằng ngài đã già: đan sĩ luôn chiến đấu với ma quỉ. Antôn chiến đấu bằng lời cầu nguyện. Nhưng ngài tiến bộ: giờ đây “tâm trí ngài an tĩnh và không dao động”, “ngài tin tưởng vào Chúa”, và hơn nữa ngài trao ban cho các khách viếng thăm lòng tin tưởng. Ngài đạt tới hésychia.

  Và đây là diện mạo của Antôn khi đạt tới sự tòan hảo, qua ba diễn ngữ được sử dụng nhiều lần: “bình an”, “an tĩnh”, “không bao giờ dao động”. Ngài cũng “hân hoan”, “trái tim ngài hân hoan”, “khuôn mặt ngài hân hoan”. Và đôi mắt ngài phản chiếu niềm vui của con tim: “ngài có đôi mắt đẹp”, “đôi mắt của Antôn lôi cuốn”. Ngoại diện biểu lộ nội tâm.

  Nếu chúng ta lấy lại bốn giai đoạn diễn tả sự tiến bộ của Antôn, chúng ta cũng còn khám phá ra một bài học khác mà thánh Athanasiô muốn gởi đến chúng ta.

  Chúng ta khám phá ra rằng cứ mỗi giai đoạn Antôn lại càng xa cách con người hơn: giai đoạn thứ nhất là gần kề làng xóm và nói rằng “được mọi người thương mến”, ở giai đoạn thứ hai là cách làng mạc vài cây số và có người bạn cung cấp bánh ăn; vào giai đoạn thứ ba nơi hoang địa, trong một pháo đài ở một mình; và giai đoạn thứ tư, ngài còn đi sâu vào sa mạc, mà người ta gọi là ‘sa mạc bên trong” hay thăm thẳm, nơi đó hoàn toàn sống một mình.

  Nhưng đồng thời bản văn ghi nhận rằng sự xa cách càng ngày càng rộng này đối với con người thì lại cho phép gần gũi con người càng ngày càng lớn. Giai đoạn thứ nhất, Antôn như “con ong”, đi từ nhà khổ hạnh này sang nhà khổ hạnh khác, thăm viếng họ và chú ý đến các điều tốt lành nơi họ. Ở giai đoạn thứ hai, Thiên Chúa hứa sẽ làm cho Antôn nên danh tiếng khắp nơi. Trong giai đoạn thứ ba, ngài là cha thiêng liêng, cha của đan sĩ và trong giai đoạn này đặt các giáo huấn về khổ hạnh. Trong giai đoạn cuối cùng, ngài lôi cuốn tất cả mọi người, làm các phép lạ và trở nên cha của tất cả. Ở đây đặt bài hộ giáo dành cho mọi người.

  Thánh Athanasiô cho chúng ta bài học mà sau này thánh Augustinô sẽ nói:“Có những xa lìa mà không là đoạn tuyệt, nhưng có những xa cách làm nên hiệp nhất.” Và sau này đan sĩ Évagre sẽ đúc kết trong câu: “Đan sĩ là người xa cách tất cả và hiệp nhất với tất cả.” Khi đan sĩ lìa bỏ trần gian là để kết hiệp một cách còn sâu xa hơn trước.

-Bài giáo huấn của Antôn: Biện phân các thần trí

  35.Khi những thần ô uế đến với chúng ta vào ban đêm, nó muốn báo cho chúng ta biết tương lai hay nói với chúng ta rằng: “Chúng tôi là những thiên thần”, thì chúng ta đừng chú ý đến: chúng nói dối. Nếu chúng khen ngợi sự khổ hạnh của anh em và nói với anh em rằng nhờ khổ hạnh mà anh em trở thành những người phúc đức, anh em đừng nghe chúng, đừng chú ý đến. Đúng hơn anh em hãy làm dấu thánh giá trên anh em và trên phòng anh em, lúc đó hãy cầu nguyện. Anh em sẽ thấy chúng biến mất, vì chúng nhát lắm và rất sợ dấu thánh giá, vì Chúa đã chiến thắng bằng thánh giá.

   Nếu chúng còn táo tợn hơn, nhảy múa và biến đổi thiên hình vạn trạng, anh em đừng sợ, đừng lo lắng, đừng chú ý đến chúng như thể chúng là tốt lành.

  36.Người ta dễ phân biệt sự hiện diện của các thần tốt lành và thần xấu xa, nếu Thiên Chúa ban cho ân huệ này. Thần tốt lành không kêu la, người ta không nghe tiếng, nhưng sự hiện diện rất dịu êm, làm tâm hồn bất ngờ tràn ngập niềm vui, hoan lạc và can trường. Vì Thiên Chúa ở với các thần này và Chúa là niềm vui của chúng ta và là quyền năng của Thiên Chúa Cha. Những tư tưởng của linh hồn luôn không dao động, không nao núng. Được soi sáng, linh hồn thấy mình khao khát, ước muốn những của cải tương lai và về trời. Và bởi vì còn là những con người yếu đuối, nên một số người sợ thấy các thần tốt lành, và khi những thần này xuất hiện sẽ làm họ hết sợ.

  Nhưng khi thần xấu xa xuất hiện thì phát sinh dao động. Chúng sống với tiếng động, với tiếng la hét như những đứa trẻ hư đốn hay quân cướp. Điều này phát sinh nơi tâm hồn sự sợ hãi, sự lộn xộn trong tâm trí, làm khuôn mặt buồn thảm, làm chán nản cuộc sống khổ hạnh, chất đầy bi ai, tưởng nhớ đến các người thân, sợ chết và ước muốn xấu xa.

Giải thích bản văn

  Số 35: Đây là một trích đoạn trong bài giáo huấn về khổ chế, bài diễn từ mà chắc chắn thánh Antôn đã không phát biểu nhưng chính là của thánh Athanasiô. Người ta tìm thấy tư tưởng đã được triển khai trong các thư của thánh Antôn: Ma quỉ không đáng sợ; chúng nhát đảm và hay đến ban đêm, nghĩa là khi chúng ta không cảm nghiệm thấy ân huệ Thiên Chúa; nhưng Chúa đã chiến thắng nhờ thập giá. Vì vậy, phương thế để chiến thắng là chúng ta hãy mặc lấy dấu thánh giá và cầu nguyện.

  Số 36: Và thánh Athanasiô cho chúng ta phương thế để nhận biết một tư tuởng phát xuất từ ma quỉ hay Thiên Chúa. Một tư tưởng mang đến niềm vui, can đảm là xuất phát từ Thiên Chúa, Đấng là niềm vui và quyền năng. Tư tưởng của chúng ta lúc đó sẽ không bị dao động và nảy sinh lòng ao ước trời cao. Trái lại, một tư tưởng phát sinh dao động, sợ hãi, làm khuôn mặt ra buồn thảm, chán ngán khổ chế, là xuất phát từ ma quỉ. Kết luận là mời gọi chúng ta phải chọn lọc các tư tưởng của mình. Từ “hiện ra” có nghĩa là các tư tuởng xuất hiện trong tâm trí chúng ta.

-Thăm viếng các anh em lần cuối và qua đời

  89.Antôn đã kết thúc cuộc đời ra sao? Tôi sẽ kể cho các bạn như các bạn mong muốn. Kết thúc cuộc đời của Antôn rất đẹp.

  Antôn đi thăm viếng các đan sĩ ở vùng đồi núi phía ngoài như thông lệ. Ngài biết là mình sắp chết, vì Thiên Chúa tỏ cho hay. Đang khi ngỏ lời với các đan sĩ, ngài nói với họ: “Cha thăm viếng chúng con lần cuối cùng. Chúng con sẽ chẳng còn thấy cha trên trái đất này, cha sẽ hết sức ngạc nhiên nếu chúng con còn thấy cha một lần nữa. Đối với cha, đây là lúc ra đi; cha hầu như đã trăm tuổi.”

  Nghe những lời đó, các đan sĩ oà khóc và vây quanh ôm chầm lấy ngài. Nhưng Antôn nói với họ với tất cả niềm vui. Ngài như một người bỏ một thành phố ngoại bang để trở về nhà mình, và ngài khuyến khích anh em: “Anh em hãy tiếp tục phấn đấu, hãy can trường trong đời khổ hạnh. Hãy sống mỗi ngày suy nghĩ đến sự chết. Hãy giữ tâm hồn xa lánh những tư tưởng xấu xa. Hãy noi gương các bạn hữu của Thiên Chúa.”

  Các anh em muốn ép ngài ở lại với họ cho đến khi qua đời, nhưng ngài không muốn như thế.

  91.Antôn nhanh chóng nói lời tạm biệt với các đan sĩ nơi núi đồi bên ngoài, đoạn ngài lên đường hướng về núi đồi bên trong nơi ngài thường sống. Vài tháng sau đó, ngài ngã bệnh. Có hai anh em ở với ngài trong miền núi đồi phía trong. Từ mười lăm năm nay họ thực hành khổ chế bên cạnh ngài và giúp đỡ ngài trong lúc tuổi già. Antôn gọi họ lại và nói với họ: “Cha chọn con đường của Cha Ông, như Sách Thánh nói. Cha thấy Thiên Chúa kêu gọi cha. Nhưng chúng con, chúng con hãy cảnh giác. Đời khổ hạnh của chúng con từ lâu nay, đừng có ngừng nghỉ. Hãy cẩn thận như thể chúng con bắt đầu bây giờ, hãy luôn giữ lấy niềm vui. Chúng con đã biết những thần xấu xa và các cạm bẫy của chúng; chúng rất hung ác, nhưng chúng không làm được việc gì lớn lao. Vậy đừng có sợ chúng. Hãy luôn hít thở Chúa Kitô và tin cậy vào ngài. Hãy sống mỗi ngày như thể chúng con sắp chết. Hãy chú ý đến mình và hãy nhớ đến lời cha khuyên nhủ. Hãy liên kết mật thiết trước hết với Chúa Kitô, rồi với các thánh của ngài. Khi chúng con qua đời, các ngài sẽ đón tiếp các con như những bạn hữu và như người thân vào nhà Chúa, nơi chúng ta sẽ sống mãi mãi. Chúng con hãy suy nghĩ và hãy suy niệm những điều đó; nếu chúng con yêu mến cha, chúng con hãy nhớ đến cha như một người cha.

  Chính chúng con hãy tẩm niệm xác cha, hãy chôn cất nó trong lòng đất để không ai ngoại trừ chúng con biết nơi đó. Vào ngày phục sinh, cha sẽ đón nhận từ Thiên Chúa chính thân xác này và nó sẽ trở thành bất hoại. Hãy chia nhau y phục của cha. Hãy gởi cho Giám mục Athanasiô chiếc áo choàng và áo khoác che thân cha. Ngài đã tặng cha khi chúng còn mới và cha đã sử dụng chúng đến cũ mòn. Hãy tặng chiếc áo choàng khác cho Giám mục Sérapion. Chúng con hãy lấy y phục bằng cước. Và giờ đây, hỡi chúng con, cha lên đường, sẽ chẳng còn ở với chúng con nữa.”

Giải thích bản văn

  Hai trích đoạn kể cho chúng ta những căn dặn cuối cùng mà thánh Antôn gởi gắm cho các đan sĩ trong cuộc thăm viếng cuối cùng và trình thuật về cái chết của ngài.

  Số 89: Antôn biết mình sắp chết, nên khuyên các đan sĩ phải “sống mỗi ngày hằng nghĩ tưởng về sự chết”, đó là điều thánh Biển Đức viết trong chương 4 Tu Luật của ngài.

  Ở đây chúng ta thấy một định nghĩa rất đẹp về cái chết của người đan sĩ, cái chết được sống với niềm vui, “một con người từ bỏ thành phố xa lạ để trở về nhà”.

  Số 91: Những lời căn dặn cuối cùng cho hai môn sinh như ngỏ với những người thân mật nhất. Trước hết, là lời khuyên “hãy tỉnh thức” – hãy canh chừng chính mình, chú ý đến mình.

  Sau đó là những căn dặn liên quan đến thân xác ngài và việc an táng.

  Cuối cùng là một định nghĩa về cái chết của đan sĩ: “Antôn lên đường”.

4.Kết luận

  Một vài bản văn chúng ta vừa rảo qua cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về linh đạo của thánh Antôn, được nhìn bởi thánh Athanasiô. Chúng ta có thể bổ sung bằng những lá thư của thánh Antôn.

  Trước hết, Thiên Chúa vào cuộc trong lời linh hứng của Ngài, được loan báo trong phụng vụ, đặt chúng ta trong mối tương giao với Ngài. Tiếp đến là cuộc chiến thiêng liêng chúng ta đã thấy ông Origène đề cập đến. Nơi thánh Antôn, đề tài này rất quan trọng. Đó là cuộc chiến chống lại ma quỉ, nhưng ở mức độ các đam mê. Con người tốt khi được tạo dựng, nhưng đã trở nên bệnh tật. Những đam mê dục vọng là các căn bệnh của của tâm trí. Chính ma quỉ sử dụng các đam mê để lôi kéo chúng ta vào con đường hư mất.

  Từ đó đặt ra sự quan trọng của tỉnh thức và khổ chế làm biến đổi dần dần ngay cả thân xác. Thánh Antôn lạc quan: ngài biết rằng ma quỉ chẳng đáng sợ gì nếu con người chiến đấu giáp mặt. Nó chẳng có thực quyền nào, vì Chúa Kitô đã chiến thắng nó.

  Nhưng để chiến thắng ma quỉ, trước hết phải vạch mặt nó, và như vậy thật quan trọng việc biện phân các thần trí. Thánh Athanasiô muốn nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu ở đó, hiện diện trong cuộc chiến của chúng ta, hiện diện qua Thánh Thần, Đấng là ánh sáng và quyền năng cho con người. Trong lá thư thứ nhất, thánh Antôn gọi Thánh Thần là “bạn của trái tim”, Đấng “dạy cho biết cách nào chữa trị những vết thương của tâm hồn”. Lại nữa, ngài dạy cho chúng ta không lấy gì làm hơn tình yêu Chúa Kitô, công thức mà thánh Biển Đức đã lấy lại trong Tu Luật của ngài (IV, 21); Chúa Kitô đã đến cứu chúng ta và thông truyền cho chúng ta Thánh Thần của Ngài.

  Như vậy trong cuộc chiến chống lại ma quỉ, sự cầu nguyện đặt chúng ta trực tiếp với Chúa Giêsu và Thánh Thần của Ngài: một điều rất quan trọng. Phải luôn nối kết với Ngài cách kiên trì, một đề tài được nhắc đến nhiều trong cuốn Tiểu Sử và trong các Lá Thư: “Hãy đứng vững bất chấp mọi sự” (Thư I, 4). Hai lần câu Thánh vịnh 131 được sử dụng: “Đừng cho đôi mắt ngủ nghỉ, đừng để đôi mi khép lại” (III ; VI, 10). Sự kiên trì được diễn tả qua ước muốn luôn tiến tới mọi ngày mỗi ngày một hơn: nó là một sự khởi đầu liên tục. Đề tài này được các Giáo Phụ Cappadocia sử dụng lại.

  Ngay từ đầu, thánh Athanasiô cho thấy đời đan tu là “noi gương Chúa Kitô” và “đi theo Ngài”, hai đề tài ngầm trong cuốn Tiểu Sử thánh Antôn.

  Một điều đáng ghi nhận: đan sĩ không tìm Chúa một cách lẻ loi, nhưng liên kết với hết mọi anh chị em. Đan sĩ càng đi sâu vào cô tịch, càng liên hệ một cách mầu nhiệm với anh chị em mình.

  Cuối cùng, Giáo hội có một chỗ lớn trong linh đạo của thánh Antôn: Giáo hội được coi như là “Căn Nhà của Chân Lý”.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Những tượng Chúa Kitô Vua lớn nhất trên thế giới

  NHỮNG TƯỢNG CHÚA KITÔ VUA LỚN NHẤT TRÊN THẾ...

Nữ Đan Viện Phước Hải: 47 năm hiện diện trên vùng đất Bãi Dâu, Vũng Tàu

Kỉ niệm Khai Sinh Nữ Đan Viện Xitô Thánh...

Tu trào đan tu

Tu trào đan tu Từ các linh phụ sa mạc...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tu trào đan tu (phần kết)

DÒNG XITÔ   Cuộc cải tổ của Dòng Cluny (910) đã đem lại cho Giáo hội nói chung và đan tu nói riêng nhiều sức...

Tu trào đan tu (Tiếp theo)

II-Thánh Biển Đức và nếp sống Đan Tu Cộng Đoàn 1. Con người Biển Đức        Biển Đức sinh năm 480, tại ngôi làng...

Tu trào đan tu

Tu trào đan tu Từ các linh phụ sa mạc đến sự ra đời của Dòng Xitô (1098) I. Tu trào dan tu thời đầu 1. Khái...

Tu trào Xitô

Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 do cha Henri Denis Biển Đức Thuận sáng lập. Cha Henri...

ƠN GỌI CHIÊM NIỆM

  ƠN GỌI CHIÊM NIỆM   Có thể nói, chiêm niệm...

Linh Đạo Xitô

LINH ĐẠO XITÔ           Sống trong một đan viện Xi-tô (hay Biển Đức), đan sĩ sống trong một “Trường Phụng Sự...