Chủ Nhật, 8 Tháng Chín, 2024

Giáo trình Linh đạo Đan tu I – Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

V. MỘT VÒNG DU LỊCH

  Một cách tổng quát, tu trào đan tu kitô phát sinh vào thế kỉ thứ tư. Trước đó có Giáo Phụ, có “tiền sử đan tu”, nhưng chưa có các đan sĩ được mọi người biết đến. Thế kỉ thứ tư rất phong phú về hai khía cạnh: Giáo Phụ và đan sĩ. Đó là thời Chúa Thánh Thần thổi hơi rất mạnh trên Giáo hội. Nhưng sau đó là thời kỳ suy thoái, nhanh hơn về phía các Giáo Phụ, và chậm hơn về phía các đan sĩ. Thời kỳ các Giáo Phụ kết thúc vào thế kỉ thứ bảy. Phía đan sĩ, có cuộc cải cách của thánh Benoît d’Aniane vào thời hoàng đế Charlemagne- người đã ra lệnh kiểm tra lại các bộ luật và thu nhập lại. Sau đó là thời huy hoàng của Cluny với năm vị viện phụ quản trị Dòng trong vòng nửa thế kỉ; và sau đó là Xitô với thánh Bênađô và những văn sĩ lớn của Dòng.

  Chúng ta đi một vòng du lịch để tham quan những địa danh đã in đậm dấu vết các đan sĩ ngày xưa đã một thời làm nên lịch sử đan tu kitô.

1.Ai-Cập Hạ

Bản đồ những trung tâm Đan tu tại Ai-Cập

Chúng ta đang ở vùng Ai-cập Hạ, cách thành phố Alexandria 60 cây số về hướng nam. Chúng ta bắt đầu tiến vào sa mạc, đang lượn trên vùng thung lũng, chúng ta thấy những bậc thang và lỗ chỗ những hang động. Không có dấu vết của đan viện nhưng mỗi hang có một đan sĩ. Vùng này mang tên là NITRIE (tên vùng này xuất phát từ chữ nitrium, nghĩa là khoáng chất nitrat potasium: người ta lọc từ chất đó để lấy muối và sút). Nơi này cũng khá gần Alexandria, và có nhiều du khách đến viếng thăm. Người ta kể rằng đan sĩ Amoun, sáng lập vùng Nitrie này, than thở với Antôn về sự kiện này; thế là cả hai ra đi về hướng nam, sau khi dùng bữa vào giờ thứ chín và họ đã thành lập một trung tâm đan tu thứ hai chính nơi khi họ dừng chân lúc bóng chiều đổ. Trung tâm đó gọi là “Cellules”.

  Như thế, cách một quãng đường nửa ngày, khoảng 18 cây số, chúng ta tìm gặp trung tâm này, trung tâm “Cellules”, vì được thành lập bởi những căn nhà nhỏ cận kề nhau như hình tổ ong. Mỗi đan sĩ có nơi ở riêng, rất ư là thô sơ. Người ta có thể xây một căn phòng trong vòng một ngày vì nhiều người phụ lực. Căn phòng bằng đất trộn và lau sậy, có cửa khóa đàng hoàng. Đôi khi người ta cũng ở trong những hốc đá. Chung quanh căn phòng có tường bao để ẩn sĩ có thể đi dạo, có giếng nước để uống và tưới vườn. Khoảng cách giữa các căn phòng khá rộng để khỏi thấy nhau và nghe tiếng nhau, vì vùng sa mạc (hoang địa) này khá rộng. Khi đan sĩ Pallade đến, ông đã đếm được khoảng 600 nhà ẩn sĩ. Như vậy đường kính phải là 6 cây số. Nhà thờ toạ lạc ở trung tâm. Những khai quật mới đây cho thấy con số đan sĩ có thể lên tới hàng ngàn.

  Xa hơn phía nam khoảng 40 cây số, chúng ta thấy tên SCÉTÉ, một trung tâm đan tu khác cùng loại, nhưng dành cho những ai muốn sống cô tịch hơn, vì xa sông Nil tới 30 cây số và rất xa thành phố.

  Trong các trung tâm này người ta cất lên những nhà ở bằng đất: ngày chúa nhật tất cả tụ họp tại nhà thờ để cử hành Thánh Thể. Nhưng các đan sĩ vẫn sống biệt lập. Như vậy chúng ta đã viếng ba trung tâm đan tu liên tiếp với nhau.

2.Ai-Cập Thượng

  Chúng ta tiếp tục bay và hướng nhẹ về phía bên phải để tìm gặp thung lũng sông Nil và chúng ta đang bay trên vùng Ai-Cập Thượng mà thủ đô là Thèbes. Antôn đã nói là mình muốn đến vùng thượng Thèbes và chúng ta đang ở đây. Thật bất ngờ, ở đây ngược lại, chỉ có vài ẩn sĩ, dầu vậy chúng ta đang bay trên vài làng mạc bao quanh bởi các bức tường. Và đây là một làng mạc. Hãy hạ cánh trực thăng xuống.

  Đây chúng ta đứng dưới chân bức tường cao đến bảy tám thước. Chúng ta tìm xem có cửa vào không, vì chỉ có một lối vào. Nếu chỉ có một lối vào thì có người canh cửa và làm việc rất nghiêm túc. Ông sẽ đặt hàng đống câu hỏi: “Các vị là đàn ông hay đàn bà? Các vị là người kitô hay người ngoại đạo? Các vị là linh mục, là đan sĩ hay giáo dân?”, v.v. Sở dĩ đặt những câu hỏi như vậy là vì tất cả mọi người đều được tiếp đón, nhưng với những cách thế khác nhau: các bà xin ở đây, những du khách xin ở kia, những người nghèo ở nơi khác, còn các kitô hữu và đan sĩ lại ở nơi khác.

  Chúng ta là đan sĩ nên có thể đi thăm tất cả cơ ngơi dưới sự hướng dẫn của một đan sĩ. Người ta thấy trong làng có rất ư là nhiều căn nhà có người ở: khoảng 20 đến 40 anh em sống chung. Nào chúng ta vào một căn nhà và hỏi ngay đan sĩ gặp đầu tiên: “Thưa thầy, thầy làm gì ở đây vậy?” Thầy trả lời: “Tôi là người làm bánh.” Và hỏi thầy thứ hai: “Thầy làm gì ở đây vậy?” Thầy trả lời: “Tôi là người làm bánh.” Hỏi thầy thứ ba cùng câu hỏi và được trả lời cũng là người làm bánh. Thế là chúng ta tự hỏi bộ tất cả mọi người ở đây đều là người làm bánh hay sao. Sang căn nhà thứ hai, cũng một câu hỏi và tất cả đều đáp là làm nghề đóng giày dép. Hóa ra là trong mỗi căn nhà, các đan sĩ làm cùng một nghề thì sống chung với nhau. Thật là một tổ chức tuyệt!

  Chúng ta lại bắt gặp một đan sĩ và nói vài câu. Nhưng bất chợt có tiếng chuông báo hiệu. Đan sĩ ấy nói: “Xin lỗi các vị, tôi phải đi.” Như vậy có một qui luật. Rồi chúng ta lại thấy một đan sĩ cúi đầu kính cẩn khi một đan sĩ khác đi qua. Chúng ta hỏi tại sao vậy. Đan sĩ trả lời: “Đó là vị trưởng nhóm.” Thế là đan sĩ kia có chút cấp bậc. Rồi sau đó lại thấy đan sĩ lại cúi sâu hơn trước một đan sĩ khác, vì thầy vừa gặp bề trên đan viện. Và đi một đoạn lại thấy thầy quỳ xuống và phục lạy. Đó là thánh Pacômiô vừa đi qua, ngài là cha của toàn Dòng.

  Như vậy là chúng ta đang ở tại đan viện các thầy dòng Pacômiô.

  Có tất cả 9 đan viện như thế và đều được điều khiển như chúng ta thấy nơi đây. Như vậy chúng ta thấy khá khác biệt điều chúng ta vừa khám phá ở Ai-Cập Hạ. Ở đó là các ẩn sĩ, còn ở đây là các viện sĩ, đan sĩ cộng tu.

  Chúng ta vừa khám phá ra hai hình thức sống đan tu: ẩn sĩ và viện sĩ; một bên không có lề luật, không tổ chức, bên kia thì tổ chức trong từng chi tiết.

3.Palestina

  Chúng ta hướng về phía bắc, đi tới miền Palestina. Thời gian sau đó, khoảng chừng 10 năm, chúng ta tìm thấy đan tu Latinh trong vùng nói tiếng Hi Lạp. Đó là thánh Hiêrônimô đến từ Roma. Ngài đến sống tại Bethléem. Nhờ sự trợ giúp của một mệnh phụ giàu có quí danh là Paula, ngài đã lập nên hai đan viện, một cho nam (cho ngài và các bạn đồng hành), một cho nữ (cho bà Paula và các bạn của bà). Ở Jerusalem, Rufinô (một người bạn của Hiêrônimô một thời gian nhưng sau này đối nghịch nhau), cũng lập một dòng đôi, một cho nam và một cho nữ. Cũng tại đất Palestina, trong hoang địa gần sông Jourdain và hoang địa chung quanh Biển Chết, chúng ta thấy một hệ thống đan tu tập hợp hai hình thức đan tu tại Ai-Cập (Thượng và Hạ). Tập sinh vào đan viện, trong một cộng đoàn viện tu nơi đó học sống đời cộng đoàn khoảng bảy tám năm. Như vậy là khởi đầu bằng hệ thống đan tu Ai-Cập Thượng. Sau thời gian đó, đan sĩ sống một mình, trong một căn nhà dành riêng, giống như hệ thống ẩn tu Ai-Cập Hạ, nhưng ở đây được thể chế hóa: nếu đan sĩ sống trong cô tịch, cách xa đan viện vài cây số, không thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Đan sĩ phải gắn bó với một linh phụ, và tất cả ngày thứ bảy, dù muốn hay không, đều phải sống chung với các anh em khác cùng dưới sự hướng dẫn của một linh phụ. Thời gian đó, các đan sĩ làm tổng kết tuần sống vừa qua, thảo luận, ăn uống, giải quyết những vấn đề vật chất, cử hành phụng vụ kinh đêm, tiếp đến là Phục Sinh của Chúa, và chiều chúa nhật, mỗi người trở về sống cô tịch hoàn toàn tới thứ bảy sau. Và cứ như vậy đến khi chết.

  Đối với những đan sĩ này, đời ẩn tu là giai đoạn hoàn tất phải được chuẩn bị bằng đời viện tu. Thánh Biển Đức đã viết một cách gián tiếp ngay đầu Tu Luật.

4.Syria

  Chúng ta hướng thêm về phía Nam, tới Syria. Nơi đây cũng có một sự lôi cuốn về phía sa mạc, nhưng không có cùng một quan niệm, không sống cùng một cách thế. Đối với chúng ta ngày nay, lối sống của các đan sĩ ở đây thật là khó hiểu: càng ngoạn mục, càng tột độ, càng tốt! Họ xuất hiện cho chúng ta như những người điên của Chúa.

Có những người gọi tên là hypètres, bởi tiếng Hi Lạp hypaitros có nghĩa là “ở ngoài trời”. Đó là những đan sĩ vạch một đường ranh giới trong một bãi cỏ bằng những viên sỏi, hay cột chân mình vào một xiềng để khỏi ra khỏi khu vực tự mình qui định. Họ sống giữa trời chịu đựng mưa nắng, lạnh giá dưới cặp mắt của kẻ qua người lại. Cuộc sống này khổ hạnh biết bao!

  Có những người gọi là dendriques, bởi tiếng Hi Lạp dendron, có nghĩa là cây cối. Người ta khoét một cái lỗ trong thân cây và chui vào sống trong đó.Hoặc họ treo giỏ lủng lẳng trên cây, cái giỏ nhỏ đến nỗi họ không thể đứng được, và sống trong giỏ đó. Có những người khác lại sống trên mõm đá. Ở đó mặt trời thiêu đốt nóng chừng nào.

  Và còn có những người gọi là stylistes, sống cả quãng đời dài trên một cây cột.

  Tất cả những người đó điên hay sao? Cũng chưa chắc. Đương nhiên là không nên bắt chước họ, nhưng phải cố hiểu họ và đặt họ trong thời đại của họ. Thời đó họ có một tính khí, cả những đam mê và cám dỗ còn mạnh hơn chúng ta. Thời mà cuộc sống rất ư phóng đãng. Chính vì muốn xa tránh tội lỗi trong trần gian nơi tất cả đều dẫn đưa đến tội lỗi ngay trong sự hăng say trong thân xác, vì thế họ chế ngự thân xác bằng tất cả mọi phương tiện.

  Hơn nữa, một khía cạnh khác mà sự khổ hạnh của họ không mất đi ý nghĩa: là người sống trên cây hay giữa đồng cỏ, họ muốn sống ngay trong thiên nhiên; điều đó muốn nói lên rằng người muốn hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa thì phục hồi một số tương giao với thiên nhiên cũng là một kiệt tác của Thiên Chúa.

  Chúng ta nói thêm một chút về trường hợp những đan sĩ sống trên cột là một lối sống giữ một tầm quan trọng trong tu trào đan tu ở Syria và có một vài vị thánh nổi tiếng.

  Người sáng lập ra lối sống này là thánh Symeon cả (Symeon Cột). Vị đan sĩ này đầu tiên sống trong một túp lều trong vòng ba năm, sau đó sống ở ngoài trời. Cột chân vào một chiếc xiềng dài khoảng 10 mét, đầu kia cột vào một tảng đá. Không ngồi cũng chẳng nằm. Nhưng đám đông đến ngó. Để tránh những kẻ làm phiền này, thay vì chạy vào sa mạc như các ẩn sĩ ở Scété – theo chiều ngang – thì ngài lại chạy trốn theo chiều dọc và có sáng kiến đặt trên tảng đá một cây cột, đầu tiên 3 mét, rồi 6 mét, 11 mét và cuối cùng là 18 mét.

  Vậy đan sĩ “cột” đó làm gì trên cao ?

Tất cả ngày, vị đan sĩ đứng, cầu nguyện với nhiều lần phủ phục và bái gối. Chỉ dùng một bữa thôi. Ban đêm thường ngủ ngồi, ban ngày làm việc tông đồ bằng cách ngỏ lời với đám đông qui tụ dưới chân cột. Vì vị thế cao của các đan sĩ “cột” này giải thích ước muốn của họ là gặp gỡ Thiên Chúa và làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Và thật sự họ là như vậy. Việc tông đồ trực tiếp của họ thật lớn lao: họ là những người thanh luyện lương tâm, trước hết trong những tương giao xã hội. Khắp mọi nơi người ta tuôn đến dưới chân cột để giãi bày những vấn đề của họ.

  Lối sống này rất ư là khổ hạnh: không bao giờ nằm, phần nhiều là đứng, chịu đựng tất cả các thời tiết. Chính vì thế phần nhiều các đan sĩ cột này chết vì bệnh, và họ không chịu chữa bệnh vì coi bệnh tật là ơn huệ của Thiên Chúa. Dầu vậy cũng có những vị đan sĩ “cột” qua đời lúc tuổi già.

  Như vậy, nơi đây chúng ta thấy một sự chạy trốn con người theo chiều dọc để gặp gỡ Thiên Chúa, trong khi đó những ẩn sĩ vùng Ai Cập-Hạ chạy trốn con người theo chiều ngang để chiến đấu với ma quỉ.

5.Tiểu Á

  Trong vùng Pont, chúng ta gặp những trung tâm, không phải vì lối sống, nhưng bởi những tư tưởng. Đó là những ẩn sĩ khá kỳ lạ, những con người không định cư, quảng đại, nhưng nơi họ ý niệm quyền hành không có chỗ đứng. Người ta hiểu rằng loại khổ hạnh phóng đại này có thể rất nguy hiểm. Thánh Basiliô đã gặp những nhà khổ hạnh này, thử uốn nắn tư tưởng của họ, và dần dần tạo nên một lối sống viện tu, khác với viện tu Pacômiô.

  Các cộng đoàn thuộc thánh Basiliô thường không đông như các cộng đoàn Pacômiô. Chúng được mang tên là các huynh đoàn, vì đối với thánh Basiliô, từ “đan sĩ” lẫn lộn với các ẩn sĩ độc tu mà đối với Basiliô, chỉ có các đan sĩ cộng tu là có giá trị. Ngài muốn một viện tu là nơi người ta sống tình anh em, nhưng dưới sự điều khiển của một bề trên. Hơn nữa, trong khi cộng đoàn Pacômiô có ý nghĩa là chỉ cho người ta thấy điều sẽ là nước trời, thì cộng đoàn Basiliô lại muốn trình bày Chúa Giêsu vừa rút khỏi đám đông vừa làm ơn lành cho đám đông. Những đan viện Basiliô không có tường hào bao quanh và ở trong hoang địa, nhưng ở ngay trong ngoại ô thành phố và có vai trò bác ái. Như vậy, Basiliô xây dựng một bệnh viện lớn nơi anh em phục vụ. Những huynh đoàn ở điểm tiếp giáp giữa của hoang địa và phố xá.

  Lên cao một chút về hướng tây, tại Constantinople, với thánh Chrysostômô lại còn khác nữa. Những đan viện không nằm trong ngoại ô thành phố mà ngay trong lòng thành phố. Vì vị giám mục thành Constantinople quan niệm rằng những đan sĩ phải trực tiếp và cụ thể ích lợi. Họ có vai trò bác ái: những bệnh viện như những bệnh viện Basiliô, và có những trách nhiệm mục vụ để giúp đỡ giám mục trong trọng trách của ngài. Họ phải tỉnh thức các kitô hữu, vì vậy vai trò của họ rõ ràng là một tiếng nhắc nhở của Tin Mừng.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Những tượng Chúa Kitô Vua lớn nhất trên thế giới

  NHỮNG TƯỢNG CHÚA KITÔ VUA LỚN NHẤT TRÊN THẾ...

Nữ Đan Viện Phước Hải: 47 năm hiện diện trên vùng đất Bãi Dâu, Vũng Tàu

Kỉ niệm Khai Sinh Nữ Đan Viện Xitô Thánh...

Tu trào đan tu

Tu trào đan tu Từ các linh phụ sa mạc...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tu trào đan tu (phần kết)

DÒNG XITÔ   Cuộc cải tổ của Dòng Cluny (910) đã đem lại cho Giáo hội nói chung và đan tu nói riêng nhiều sức...

Tu trào đan tu (Tiếp theo)

II-Thánh Biển Đức và nếp sống Đan Tu Cộng Đoàn 1. Con người Biển Đức        Biển Đức sinh năm 480, tại ngôi làng...

Tu trào đan tu

Tu trào đan tu Từ các linh phụ sa mạc đến sự ra đời của Dòng Xitô (1098) I. Tu trào dan tu thời đầu 1. Khái...

Tu trào Xitô

Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 do cha Henri Denis Biển Đức Thuận sáng lập. Cha Henri...

ƠN GỌI CHIÊM NIỆM

  ƠN GỌI CHIÊM NIỆM   Có thể nói, chiêm niệm...

Linh Đạo Xitô

LINH ĐẠO XITÔ           Sống trong một đan viện Xi-tô (hay Biển Đức), đan sĩ sống trong một “Trường Phụng Sự...