Chủ Nhật, 8 Tháng Chín, 2024

Giáo trình Linh đạo Đan tu I – Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

VI. NHỮNG BỘ LUẬT ĐAN TU

  Tu Luật Biển Đức không phải là bộ luật duy nhất. Đan tu cổ đã biết đến rất nhiều bộ luật. Nhưng tất cả không còn. Chúng ta biết có khoảng chừng 25 bộ luật. Nên phải đặt tu luật Biển Đức vào trong số những bộ luật này.

  • Xếp loại

  Một vài bộ luật người ta gọi là “Bộ-Luật Mẹ”, bởi vì chúng được viết trước tất cả bộ luật khác và hoàn toàn độc lập với nhau. Những bộ luật khác được viết sau đó, và có ảnh hưởng với nhau nhiều hay ít.

  Có ba “Bộ-Luật Mẹ”. Hai phát xuất từ Phi-Châu: một từ Ai-Cập là Tu luật Pacômiô, và một từ Bắc Phi, Tu luật Augustinô. Bộ luật thứ ba, người ta thường gọi không thích đáng là Tu luật thánh Basiliô (chúng ta sẽ giải thích tại sao không thích đáng), xuất phát từ Tiểu Á. Trái lại, những bộ luật khác, vì lệ thuộc vào những bộ luật mẹ, được gọi là những “Bộ-Luật Con”: chúng hoàn toàn xuất phát từ Tây-Phương, nhất là miền Nam xứ Gaule.

  Người ta phân biệt trong những “Bộ-Luật Con” nhiều thế hệ, tuỳ theo chúng xuất phát ít nhiều từ trung gian các bộ luật Mẹ. Những Bộ Luật Mẹ này không biết đến từ “đan sĩ”, từ gợi sự cô tịch. Chúng dùng từ “anh em” vì chúng ngỏ lời với những người sống chung với nhau, nhưng chữ đan viện có nghĩa là căn nhà của họ. Pacômiô và Augustinô dùng từ “đan sĩ” đề nói về các đan sĩ cộng tu. Dần dần, từ đan sĩ này, từ trong nguồn gốc chỉ các đan sĩ độc tu hay ẩn sĩ, được áp dụng cho các đan sĩ cộng tu và xuất hiện trong các bộ luật con.

  Trong các bộ luật con, một vài bộ luật rất quan trọng: với thế hệ thứ nhất, phải ghi nhận tầm ảnh hưởng của cuốn sách “Thể Chế Đan Tu” của Cassianô; tuy rằng cuốn sách này không là một Luật đan tu, nhưng diễn tả cho các đan sĩ xứ Gaule những qui tắc lấy cảm hứng đồng thời từ những qui tắc của thánh Pacômiô và của các ẩn sĩ sa mạc. Nơi thế hệ thứ hai người ta thấy một bộ luật rất được thánh Biển Đức lấy cảm hứng là Luật Thầy, do một người vô danh viết.

  Luật thánh Biển Đức xuất hiện vào thế hệ thứ ba, ảnh hưởng rất nhiều bộ luật Thầy. Nó cũng lệ thuộc rất nhiều vào cuốn “Các Thể Chế” của Cassianô và Luật thánh Basiliô mà chính thánh Biển Đức khuyên các đan sĩ của ngài tìm đọc.

  Sau thánh Biển Đức, còn có ba thế hệ các bộ luật mà chúng lấy cảm hứng lẫn nhau. Tất cả những bộ luật đó xuất phát tại xứ Gaule và Ý.

  • Tầm quan trọng

  Những bộ luật đan tu đó có độ dài khác nhau. Bộ luật dài nhất là Luật Thầy. Nhưng nếu lấy toàn bộ thì Luật thánh Basiliô còn dài hơn. Chiếm thứ ba là luật thánh Biển Đức.

  Tất cả những bộ luật khác đều ngắn hơn luật Biển Đức. Luật nào dài nhất cũng chỉ bằng phân nửa. Cũng có những qui luật rất ngắn.

  • Nội dung

  Nội dung của những Bộ Luật này rất thay đổi. Ba Bộ Luật Mẹ là một ví dụ điển hình sự khác biệt nhau.

  Bộ luật Pacômiô là những tập hợp các giới luật liên quan đến đời sống cộng đoàn, những điều lệnh và những biện pháp phòng vệ. Sự tham chiếu Sách Thánh hay các lý do thiêng liêng để làm điều này hay để làm điều kia không được nhắc tới. Đó là những bản tổng hợp những thực hành.

  Bộ luật Basiliô thì ngược lại. Dựa vào Phúc Âm như là nền tảng, linh đạo tràn ngập khắp nơi. Những giới luật xuất phát từ Kinh Thánh và sinh ra từ Kinh Thánh. Trong bộ luật Basiliô người ta gặp được sự phong phú và lợi ích vì nơi đó có một thần học thật sự và sâu xa. Chính vì thế mà thánh Biển Đức khuyên đọc bộ luật này.

  Bộ luật Mẹ thứ ba, Bộ Luật Augustinô, được định vị ở giữa, khởi phát từ những luật lệ cụ thể đến những suy tư thiêng liêng.

  Giữa những bộ luật khác, Luật Thầy và luật Biển Đức giống luật Basiliô và Augustinô vì có những luật lệ rõ ràng, nhưng cũng có những suy tư thần học và thiêng liêng minh chứng các luật lệ đó. Nơi Cassianô cũng vậy, người ta đồng hoá “Các Thể Chế” với Bộ-Luật. Ba chương đầu là những luật lệ và phần còn lại là những suy tư thiêng liêng.

  Còn những bộ luật khác, những qui luật nhỏ xứ Gaule, chúng giống như những chỉ thị của Pacômiô: một bản tổng hợp những điều phải làm và những điều không được phép làm.

  • Những điểm nhấn khác nhau

  Tất cả các bộ luật đều liên quan đến cộng đoàn các đan sĩ. Dầu vậy, một vài bộ luật chịu ảnh hưởng tu trào ẩn sĩ miền Ai-Cập Hạ, trong đó, người mới bước vào đời tu được một vị trưởng thượng huấn luyện; những bộ luật này nhấn mạnh đến mối tương giao thầy-trò. Chúng phác hoạ dấu vết của viện tu chiều dọc. Luật Thầy và tác phẩm của Cassianô theo chiều hướng này.

  Trái lại, những bộ luật khác, hoàn toàn là cộng tu một cách dứt khoát, nên nhấn mạnh đến cộng đoàn, đến sự thông hiệp giữa những con người theo lý tưởng của sách Công vụ Tông Đồ  2, 44: “Tất cả các tín hữu sống chung với nhau và đặt mọi sự làm của chung”, và 4, 32: “Đám đông những người tin chỉ có một trái tim và một tâm hồn và không ai có của gì riêng, nhưng tất cả đều để làm của chung.” Đó là viện tu chiều ngang. Bộ luật Basiliô và Augustinô theo hướng này.

  Tu luật Biển Đức cảm hứng vừa theo hướng viện tu chiều dọc (luật Thầy), và viện tu chiều ngang (luật Augustinô). Trong chương 73, sau khi nói đến Đời Sống của Các Thánh Phụ, ngài khuyên đọc Các Bài Giáo Huấn (Diễn văn)Thể Chế của Cassianô (viện tu chiều dọc), và tu luật Basiliô (viện tu chiều ngang). Đó là điểm son của tu luật Biển Đức, là sự quân bình, đánh dấu sự cẩn trọng (biện phân) của ngài.

  • Từ “ĐAN SĨ”

Ý nghĩa từ “đan sĩ” rất phong phú.

  Từ bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp “Monakos”, đã được triết gia Platon sử dụng để chỉ điều gì là duy nhất hay đơn độc. Đối với triết gia Plotin, “Duy Nhất” hay “Một” ở trên tột đỉnh của bậc thang các hữu thể, là monakos: Thiên Chúa là “Đan sĩ”.

  Đan tu, vì phát sinh từ môi trường Hi Lạp nên sử dụng rất sớm từ “monakos”, “đan sĩ” để chỉ những ẩn sĩ sống đơn độc, cách xa trần gian, ngay khi những vị độc tu này tụ họp thành từng cộng đoàn nhỏ. Trái lại, ba bộ luật đan tu – viện tu đầu tiên, Pacômiô, Basiliô, Augustinô, từ chối từ này: đan sĩ cộng tu sống với người khác, đan sĩ không là đơn độc, không sống một mình, không phải là đan sĩ. Thánh Basiliô chống lại một thứ ẩn tu cách biệt, đã viết trong tu luật của mình: “Con người không là con vật đan tu”. Trong cả ba bộ luật trên không có từ “đan sĩ”, nhưng là “anh em”. Sau đó từ “đan sĩ” chỉ định đan sĩ cộng tu. Vào thời thánh Biển Đức, “đan sĩ” trở thành một danh xưng bắt buộc: “Họ sẽ là đan sĩ thật sự khi sống nhờ lao động của mình”.

  Dù rằng từ “đan sĩ” vắng bóng trong tu luật thánh Augustinô, nhưng ngài đã viết rất nhiều và sống trong thời gian mà từ “đan sĩ” đã được quảng bá rộng rãi; ngài cố gắng minh chứng từ này trong sách chú giải Thánh vịnh, Thánh vịnh 132: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em chung sống vui vầy bên nhau. Ngài qui chiếu đến đoạn văn trong  Công vụ Tông Đồ: “Cộng đoàn tín hữu chỉ có một trái tim và một tâm hồn”. Trái tim và tâm hồn là ‘một’, đó là tính đặc thù của cộng đoàn. Chính cộng đoàn là “đan sĩ”, chứ không phải là người sống trong cộng đoàn. Vậy làm sao tiến đến chỗ “họ là những đan sĩ thật sự” theo thánh Biển Đức?

  Một đan sĩ Xitô vào thế kỷ thứ 12, Geoffroi d’Auxerre, đã định nghĩa một cách tuyệt vời: “Chỉ có cộng đoàn hợp nhất khi mà các đan sĩ làm thành cộng đoàn đó tìm kiếm trước hết sự hiệp nhất nội tâm. Vậy điều kiện để cho cộng đoàn là “một” khi các đan sĩ là “một” trong nội tâm của mình. Đan sĩ không còn là người đơn độc bên ngoài, nhưng là “một” trong nội tâm. Như thế là đi từ bên ngoài vào bên trong. Để hiểu sự chuyển tiếp này, chúng ta xem từ tương tự trong tiếng Do thái: jahid.

  Từ Do thái này cũng làm cho các dịch giả Hi Lạp bối rối. Ví dụ Thánh vịnh 68, 7: “Thiên Chúa ngự trong nhà những jahidim”. Dịch: “Với kẻ cô đơn Thiên Chúa cho nhà cửa”. Đó là nghĩa từ Monakos mà chúng ta nói trên kia. Nhưng dịch như vậy không làm hài lòng một vài dịch giả, vì Thiên Chúa tạo dựng con người để sống trong xã hội: “Thiên Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ”, và đã ra lệnh: “Hãy phát triển và sinh sản tràn mặt đất”, thế tại sao Ngài lại ban nhà cửa cho người cô đơn? Vì vậy có một số dịch bằng chữ  “Monozonous”, dịch: “Những người chỉ có một dây thắt lưng”. Như vậy người ta nói đến ý nghĩa của sự từ bỏ và nghèo khó. Những người khác còn đi xa hơn nữa: ông Aquila là một người Do thái thấm nhuần Kitô giáo, đã dịch bằng từ monogénèis, những người duy nhất được sinh ra, đồng hoá những người cô đơn với Con Duy Nhất của Thiên Chúa (cũng dùng từ agapétos, “người yêu dấu”).

  Cuối cùng, bản dịch Bảy Mươi có một lối dịch và sẽ được phát huy: “monotropous”, “những người chỉ có một hướng đi”, Thiên Chúa cư ngụ nơi những người chỉ có một hướng đi, một ý định. Như vậy cách dịch này có âm hưởng nơi Geoffroi d’Auxerre và các thế hệ kế tiếp.

  Ông Origène là người đầu tiên đã chú giải câu trong sách Samuel: “Có một người”, giữ lại ý nghĩa này. Ông chú giải: Con người này là “một”, chính là người đã chế ngự những đam mê làm họ phân tán, là người không còn phân rẽ, không còn bị chia sẻ và đã đạt tới tính tình bình thản, người đã noi gương Thiên Chúa, Đấng Bất Dịch. Con người là “một” khi kết hiệp với Thiên Chúa cách nào đó đến nỗi họ thực hiện sự duy nhất trong chính mình”.

  Ông Origène không phải là đan sĩ, ông ngỏ lời với các kitô hữu. Nhưng điều ông nói trên còn đúng hơn với những người được thánh hiến cho Thiên Chúa. Và tư tưởng đó được triển khai trong suốt truyền thống đan tu, nơi đan sĩ Macariô (giả danh) cũng như nơi thánh Grégoire Cả: “Chúng ta được gọi là “đan sĩ”. Từ này được dịch từ tiếng Latinh unus có nghĩa là: “một”. Vậy chúng ta được mang dấu ấn của từ này”- thánh Grégoire nói.

  Chúng ta cũng nên nhắc lại câu nói thời danh của Théodore Studite: “Đan sĩ là người chỉ nhìn một mình Thiên Chúa, chỉ mong ước một mình Thiên Chúa, chỉ gắn bó với một mình Thiên Chúa, và là người, khi phụng sự một mình Thiên Chúa, trở thành nguyên cớ bình an cho mọi người. Như vậy, đan sĩ là người chỉ có một cái nhìn, một ước muốn, là người của một tình yêu lớn lao quang toả trên những người khác.

  Từ “đan sĩ” chứa đựng tất cả tương lai của chúng ta: sự thần hoá tương lai đã bắt đầu nơi trần gian này. Trên trời, chúng ta sẽ thật sự là “đan sĩ”, nghĩa là “một” với Đấng Duy Nhất, kết hiệp với Chúa Giêsu, thủ lãnh của chúng ta, Đấng sẽ dẫn đưa chúng ta vào sự duy nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Những tượng Chúa Kitô Vua lớn nhất trên thế giới

  NHỮNG TƯỢNG CHÚA KITÔ VUA LỚN NHẤT TRÊN THẾ...

Nữ Đan Viện Phước Hải: 47 năm hiện diện trên vùng đất Bãi Dâu, Vũng Tàu

Kỉ niệm Khai Sinh Nữ Đan Viện Xitô Thánh...

Tu trào đan tu

Tu trào đan tu Từ các linh phụ sa mạc...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tu trào đan tu (phần kết)

DÒNG XITÔ   Cuộc cải tổ của Dòng Cluny (910) đã đem lại cho Giáo hội nói chung và đan tu nói riêng nhiều sức...

Tu trào đan tu (Tiếp theo)

II-Thánh Biển Đức và nếp sống Đan Tu Cộng Đoàn 1. Con người Biển Đức        Biển Đức sinh năm 480, tại ngôi làng...

Tu trào đan tu

Tu trào đan tu Từ các linh phụ sa mạc đến sự ra đời của Dòng Xitô (1098) I. Tu trào dan tu thời đầu 1. Khái...

Tu trào Xitô

Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 do cha Henri Denis Biển Đức Thuận sáng lập. Cha Henri...

ƠN GỌI CHIÊM NIỆM

  ƠN GỌI CHIÊM NIỆM   Có thể nói, chiêm niệm...

Linh Đạo Xitô

LINH ĐẠO XITÔ           Sống trong một đan viện Xi-tô (hay Biển Đức), đan sĩ sống trong một “Trường Phụng Sự...