Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

KHAI MAC NĂM THÁNH MỪNG BÁCH CHU NIÊN CHA TỔ PHỤ BIỂN ĐỨC THUẬN. ĐAN VIỆN PHƯỚC HẢI

 

KHAI MẠC NĂM THÁNH

VÀ MỪNG LỄ SINH NHẬT MẸ- KHAI SINH VÀ BỔN MẠNG ĐAN VIỆN PHƯỚC HẢI

Ngày 08.09.2017

LỜI DẦN

Sáng Ngày 08.09.2017 Đan Viện Phước Hải Mừng Trọng thể Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, cũng là ngày Khai sinh và Bổn Mạng của Cộng Đoàn. Trong niềm vui tạ ơn Chúa chúng con hòa niềm vui với toàn thể Hội Dòng Xitô Thánh Gia cùng Cha Tổ Phụ Sống Huyền Nhiệm Hiệp Thông. Đồng thời mừng ngày khai mở Năm Thánh Bách Chu Niên ngày Cha Tổ Phụ lập dòng. Đây cũng là thời điểm thuận lợi Thiên Chúa ban tràn đầy ân phúc đối với mỗi người chúng ta. Vì Năm Thánh đã khai mở kho tàng tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người.

Viện Phụ Hội Trưởng Maria Gioan Thánh Giá Lê Văn Đoàn chủ sụ thánh lễ Khai mạc  Năm Thánh. Cùng đòng tế với ngài có Viện Phụ Trực Phụ M. Giuse Khang Nguyễn Long Tiên cùng Quý Cha đồng tế, Quý Thầy Thiên Phước, Quý Chị Nhà Mẹ Vĩnh Phước và Quý Chị Phước Thiên cùng quý ân nhân của cộng đoàn.

Trong nghi thức mở của Năm Thánh, Viện Phụ trực Phụ Giuse khang Nguyễn Long Tiên, nói lên ý nghĩa của ngày khai mở năm thánh và giải thích ý nghĩa của chữ “ Hôm nay”. Chính hôm nay ở trong ngôi nhà nguyện bé nhỏ này chính Thiên Chúa đã quan phòng yêu thương mỗi một người trong cộng đoàn Phước Hải, và chính Hôm nay nơi nhà nguyện này, lời Thiên Chúa lại được vang vọng khi cánh của Năm Thánh sắp được mở ra chon chúng ta.

 Trong niềm vui đó chúng ta cùng xin Tạ ơn Chúa và cám ơn Cha Tổ Phụ đã yêu thương và mời gọi chúng ta sống ơn gọi Đan tu trên Đất Việt, Vì ai chúng ta cùng được sinh ra trong nguồn ân sủng của Thiên Chúa. Trong bài giảng lễ Khai Mạc Năm Thánh Viện Phụ Hội Trưởng nhấn Mạnh với Chủ đề chúng ta được sinh ra để cộng tác với Thiên Chúa  

BÀI GIẢNG KHAI MẠC NĂM THÁNH MỪNG BÁCH CHU NIÊN

CHA TỔ PHỤ BIỂN ĐỨC THUẬN LẬP DÒNG

TẠI NỮ ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU PHƯỚC HẢI

Vp. M Gioan Thánh Giá Lê Văn Đoàn

 

ĐƯỢC SINH RA ĐỂ CỘNG TÁC VỚI THIÊN CHÚA

(Mikha 5,1-4a / Roma 8,28-30 / Mattheu 1,1-16,18-23)

Lễ sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria, 8/9/2017

 

Anh chị em thân mến,

Hôm nay Giáo Hội mừng kính lễ sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Giêsu Kitô. Hôm nay là ngày kỷ niệm khai sinh và bổn mạng cộng đoàn Phước Hải. Và cũng hôm nay, tại đan viện này, chúng ta khai mạc Năm Thánh mừng bách chu niên ngày Cha Tổ Phụ bắt đầu đời đan tu trên Núi Phước vào lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, ngày 5 tháng 8 năm 1918. Thánh lễ hôm nay hội tụ nhiều ý nghĩa quan trọng cho chúng ta, đặc biệt cho chị em cộng đoàn Phước Hải.

Mẹ Maria được sinh ra và đã sống kiếp nhân sinh như bao nhiêu con người trên dương gian. Nhưng, trong nhiệm cục cứu độ, Mẹ có một vị trí quan trọng không ai thay thế được: Mẹ đã sinh hạ Ngôi Lời Nhập Thể. Mẹ được sinh ra để cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc cứu thế của Chúa Giêsu Kitô. Ngày Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận lập dòng Đức Bà An Nam – cũng gọi là dòng Phước Sơn – đánh dấu một cuộc sinh hạ đặc biệt và chắc chắn có âm hưởng ân phúc trên nhiều người qua các thế hệ. Nhà dòng đó được sinh ra để cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa. Và khi mừng ngày khai sinh cũng như mừng bổn mạng của cộng đoàn Phước Hải, chúng ta, đặc biệt là chị em Phước Hải, được mời gọi sống ý thức rằng đan viện Phước Hải này được sinh ra là để cộng tác vào công cuộc của Thiên Chúa. Trong tư tưởng đó, tôi xin chia sẻ với anh chị ý nghĩa của diễn ngữ: “ĐƯỢC SINH RA ĐỂ CỘNG TÁC VỚI THIÊN CHÚA”.

Ba bài đọc Kinh Thánh trong thánh lễ mừng kính Sinh Nhật Đức Mẹ gợi nên ba mục đích của việc cộng tác với Thiên Chúa;

– Để một địa dư có ý nghĩa

– Để con người được cứu độ

– Để một lịch sử trở thành lịch sử thánh.

 ĐỂ MỘT ĐỊA DƯ CÓ Ý NGHĨA

Trong bài đọc thứ nhất, trích ngôn sứ Mikha, chúng ta nghe nói đến một địa danh, đó là Bêlem Éphrata. Vậy địa danh này có gì đặc biệt? Ngôn sứ Mikha nhắc lại lời Chúa phán: “Phần ngươi, hỡi Bêlem Éphrata, ngươi nhỏ nhất trong các thị tộc Giuđa.” Như vậy, đây chỉ là phần đất nhỏ về phương diện địa lý cũng như tầm quan trọng chiến lược. Nghĩa là không có nhiều ảnh hưởng. Chúng ta nghe tiếp: “từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel. Nguồn gốc của Người có từ trước, từ thuở xa xưa.” Như vậy, địa danh này trở nên thật quan trọng và ảnh hưởng trên lịch sử của cả một dân tộc, vì nơi đó phát xuất Đấng Cứu Tinh. Nhưng nhờ đâu mà Đấng Cứu Tinh đó xuất hiện? “Người sản phụ sinh con.”

Giáo Hội cho chúng ta nghe lại bài đọc này trong ngày lễ sinh nhật Đức Mẹ Maria, để khẳng định rằng lời ngôn sứ đã được hoàn tất: người phụ nữ sinh con, chính là Đức Trinh Nữ Maria. Và Người Con, Đấng Cứu Độ, chính là Chúa Giêsu. Ngài sinh tại Bêlem. Mừng lễ sinh nhật Đức Mẹ là dịp để chúng ta chiêm ngắm Mẹ là một con người đã được sinh ra để cộng tác vào công cuộc cứu độ của Thiên Chúa. Sự hiện diện của Mẹ ở trần gian mang lại ý nghĩa cho cuộc sống nhân loại. Địa danh Bêlem, chính là sinh quán của Chúa Giêsu. Và chính vì có sự hiện diện của Chúa Giêsu, nên địa danh này có ý nghĩa cho con người, cho công cuộc cứu độ. Bất cứ nơi đâu có sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô, như nơi Chúa được sinh hạ, đều mang một ý nghĩa và có một tầm ảnh hưởng quan trọng. Mỗi khi mùa Giáng Sinh về, khi chúng ta hát những bài thánh ca trong đó có địa danh Bêlem, thì trào tuôn trong chúng ta những tình cảm và cả những tâm tình thánh thiêng thật sâu lắng. Chính thánh phụ Bênađô, khi chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, thì địa danh Bêlem đã gợi nên biết bao nhiêu tâm tình dạt dào cho một con tim chiêm niệm.

Hôm nay, tại cộng đoàn Phước Hải, chúng ta khai mạc bách chu niên ngày Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận lập dòng Đức Bà An Nam hay còn gọi là dòng Phước Sơn. Như tôi đã có dịp chia sẻ với anh chị em, địa danh Phước Sơn nằm trong ngũ phước mà cụ Nguyễn Hữu Bài đã đặt tên: Phước Môn, Phước Sa, Phước Sơn, Phước Tuyền và Phước Nguyên. Phước Sơn chỉ là một vùng đồi trọc, rừng còi, như trong một bài thơ nôm của cụ tả cảnh và cuộc sống tại Phước Sơn:

Bốn phía Phước Sơn đều núi trọc,

Một nhà tu viện giữa rừng còi.

Nhưng địa danh Phước Sơn, nơi ở của thú hoang như cọp, beo, heo ri, nai hoãng… lại là nơi thân thương nhất đối với Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận và quí cha anh đã từng sống nơi đó. Đó là nơi khổ hạnh, của nếp sống nghèo, với “Rừng sâu rú rậm cảnh bao la… Thấy chỗ công phu trường khổ hạnh… Quanh năm dưa muối ngày hai bữa…”. Nhưng nơi ở đó, địa danh đó – Phước Sơn – gợi nên biết bao tình cảm thân thương, vì là nơi hạnh phúc nhất. Tại sao hạnh phúc nhất, vì có Chúa hiện diện, vì có tình yêu Chúa, vì có những con người đón nhận và đáp lại tình yêu Chúa bằng một cuộc sống ẩn kín. Chính vì thế mà Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận luôn mời gọi các môn sinh “hãy nhớ mà cảm tạ Chúa đã gọi vào dòng. Vì đó là ơn rất trọng… đáng kể là chịu phép rửa lần thứ hai, vì ơn vào dòng tóm hết các ơn thay thảy” (DN, s.133). Ngài nhắc lại chuyện bà thánh Mađalena Pátdi hằng hôn tường nhà dòng để diễn tả lòng trân trọng và quí mến. Mừng bách chu niên là lời mời gọi chúng ta hãy yêu nơi mình sống đời đan tu, nơi mình lớn lên từng ngày trong ân phúc chiêm niệm. Như thế, Phước Sơn được sinh hạ để những đan sĩ biết mình phát xuất từ đâu và để biết cộng tác cho công cuộc của Chúa, để mời thêm anh chị em sống chia sẻ đời đan tu Xitô Thánh Gia.

Và chị em Phước Hải thân mến, hai từ “Phước Hải” gợi nên trong chị em tâm tình gì? Phải chăng chỉ là một trong những tên gọi khác nhau của dòng họ Phước Sơn? Hay địa danh này cho chị em cảm nghiệm trong sâu thẳm lòng mình và tràn chảy trong đời sống “cái Phước của Chúa” và một đời sống phước lạc ân tình với Chúa? Mừng sinh nhật và bổn mạng của cộng đoàn với những cử hành của Giáo Hội và Hội Dòng, phải làm tăng thêm hơn nơi chị em lòng yêu mến địa danh này, như thánh Stephano Hardingo, tổ phụ thứ ba của Xitô, đã chọn câu châm ngôn làm định hướng của đời tu và phục vụ: “yêu mến nơi ở và anh em”.

Ước gì những tên gọi của các đan viện của Hội Dòng Xitô Thánh Gia chúng ta gieo âm hưởng sâu lắng nhưng mãnh liệt trong tâm hồn mỗi anh chị em.

  ĐỂ CON NGƯỜI ĐƯỢC CỨU ĐỘ

Trong bài đọc thứ hai, trích thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Roma, một tiến trình cứu độ được đề cập đến. Những động từ được thánh nhân sử dụng nhằm nhấn mạnh đến tác động của Thiên Chúa Cha trong công trình cứu độ: kêu gọi, biết trước, tiền định, nên đồng hình đồng dạng, làm nên công chính, hưởng phúc vinh quang. Thật tuyệt vời tiến trình được Thiên Chúa thực hiện cho tất cả những ai Người kêu gọi, nghĩa là mọi người. Thật vậy, trong Chúa Kitô, mọi người đều được kêu gọi để nên công chính, để được cứu độ và hưởng phúc vinh quang. Chúa Kitô xuất hiện như trung tâm của tất cả, mà thánh Phaolô dùng một hình ảnh rất thân thương và gần gũi: trưởng tử (anh cả) giữa một đàn em đông đúc.

Trong ngày lễ sinh nhật Đức Mẹ Maria, Giáo Hội cho nghe lại trích đoạn thư Roma để chúng ta nhận ra địa vị trung tâm của Chúa Kitô, một vị thế không ai có thể chiếm lấy được: Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ và là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người (x.1Tm 2,5). Khi nói Chúa Kitô là Anh Cả giữa đoàn em đông đúc, là muốn nói lên Chúa Cha là Cha của Chúa Kitô và cũng là Cha của chúng ta. Điều đó đã được Chúa Kitô khẳng định: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em” (Ga 20,17). Và cũng mặc nhiên nói đến vai trò của người mẹ. Người Mẹ đây chính là Đức Maria. Mẹ được cộng tác với Chúa Thánh Thần để Ngôi Lời nhập thể, để Chúa Giêsu Kitô trở nên Anh Cả giữa đoàn em đông đúc. Chúng ta có thể nói Đức Trinh Nữ Maria đã được sinh ra để cộng tác với Thiên Chúa Ba Ngôi trong công cuộc cứu độ loài người, để Mẹ trở nên Mẹ của Chúa Kitô, Mẹ của Giáo Hội và Mẹ của mỗi người chúng ta. Đó là vinh dự Chúa dành cho Mẹ.

Điều trên có thể dẫn chúng ta đến ý tưởng này không: đó là dòng Đức Bà An Nam – dòng Phước Sơn – được khai sinh cũng với mục đích cộng tác trong công cuộc cứu độ? Chúng ta đã biết, Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, trong thời gian làm cố thừa sai hay sống với tư cách thầy dòng chiêm niệm, luôn khao khát linh hồn người ta. Ngài đã ghi rõ trong Bản Hiến Pháp là mục đích thứ hai của dòng là cầu nguyện và hy sinh cho những người chưa biết Chúa. Các sinh hoạt mỗi ngày và trong mọi hoàn cảnh cuộc sống, mục đích trên đều được nhắc nhớ tới để hiện thực lòng khát khao các linh hồn. Đây là một vinh dự dành cho chúng ta khi được cộng tác với Chúa để cứu các linh hồn cho Chúa. Chúng ta hãy luôn tâm niệm mục đích này, sống một cách cụ thể và kiến hiệu hồn tông đồ của đời đan tu chúng ta.

Khi chúng ta mừng bách chu niên ngày Cha Tổ Phụ lập dòng, không phải để dừng lại nơi các cử hành bên ngoài, nhưng là sống cái hồn bên trong và năng động nó trong cuộc sống. Hồn sống đó chính là ơn cứu độ của anh chị em chúng ta. Chúng ta phải có trách nhiệm về phần rỗi của tha nhân. Chúng ta không đi rao giảng hay thi hành những việc mục vụ bên ngoài, nhưng hãy sống đoàn sủng đan tu chiêm niệm Xitô Thánh Gia, một đoàn sủng luôn hướng về tha nhân với lòng khao khát cho họ nhận biết, yêu mến, phụng thờ Chúa, hầu họ được ơn cứu độ. Mẹ Maria đã được sinh ra để cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc cứu độ, thì dòng Đức Bà An Nam – chiếc nôi của Hội Dòng chúng ta – cũng đã được khai sinh để cộng tác với Thiên Chúa cho anh chị em mình được cứu độ, hưởng phúc vinh quang. Quí giá lắm thay ơn gọi đan tu và đời sống chiêm niệm của chúng ta!

 ĐỂ MỘT LỊCH SỬ TRỞ THÀNH LỊCH SỬ THÁNH

Bài Tin Mừng theo thánh Mátthêu trình thuật cho chúng ta biết gốc tích của Đức Kitô      (Mt 1,18). Trước khi đề cập đến việc thụ thai nhiệm lạ của Đức Maria bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, thánh sử đã đưa ra một bản gia phả, mà ngài gọi là gia phả Đức Giêsu Kitô. Chúng ta đọc thấy trong gia phả này có những con người với những tên gọi khác nhau, những hoàn cảnh chính trị khác biệt với những tên của các vị vua và các biến cố như chuyện lưu đầy tại Babylon… Phải chăng những con người trong danh sách đó là những con người tốt lành, thánh thiện? Phải chăng những vị vua cai trị nước Israel đều là những bậc minh quân? Phải chăng tất cả những người phụ nữ là những con người đạo hạnh? Chúng ta đã biết là trong họ có những con người đạo hạnh, thánh thiện, nhưng cũng không thiếu những con người mà cuộc sống của họ đáng chê trách và có thể bị lên án. Nhưng tại sao Chúa Giêsu Kitô lại được sinh ra trong một gia phả không phải lúc nào cũng danh giá? Vì Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế, Ngài đảm nhận tất cả những gì của con người, những bóng tối của hoàn cảnh và những tội lỗi của kiếp người để Ngài cứu và thánh hoá. Nói cách khác, Ngài đã biến gia phả này trở thành gia phả của những con người được cứu độ và từ dòng dõi này, tất cả mọi người, mọi gia phả khác, dòng dõi khác đều được cứu độ. Cho nên, ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho gia phả này, cho dòng dõi này, mà từ đó, đến cho mọi người. Lịch sử của dòng dõi này – gia phả này – là một lịch sử cứu độ cho tất cả. Chúng ta có thể nói, Chúa Giêsu Kitô đã nhập thể trong một lịch sử cụ thể để biến lịch sử đó thành lịch sử cứu độ, lịch sử thánh, để lịch sử thánh này cũng biến những lịch sử riêng biệt thành một lịch sử duy nhất: lịch sử cứu độ.

Trong ngày lễ sinh nhật Đức Mẹ Maria, Giáo Hội cho chúng ta nghe lại trích đoạn Tin Mừng này để thấy vị trí và vai trò của Mẹ trong lịch sử cứu độ. Trong gia phả không nhắc đến Mẹ Maria, nhưng chỉ nhắc đến thánh Giuse. Đây là một điều dễ hiểu, vì gia phả được thiết lập theo hệ phái của người đàn ông. Nhưng, ngay sau khi liệt kê bản gia phả, thánh sử Mátthêu đã đề cập đến Mẹ Maria trong việc Mẹ thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Mẹ đã sinh hạ Chúa Giêsu Kitô và đặt Chúa trong một gia phả nhân loại. Dòng máu của Mẹ đã tràn chảy trong toàn thân của Con của Mẹ là Chúa Giêsu Kitô, và dòng máu của Chúa đã tràn chảy trên toàn gia phả và toàn nhân loại. Chính vì thế, chúng ta có thể nói là Mẹ đã được sinh ra để cộng tác với Thiên Chúa để biến lịch sử nhân loại trở nên một lịch sử thánh, vì đó là lịch sử cứu độ.

Ý nghĩ trên có thể áp dụng vào trường hợp của việc khai sinh dòng Đức Bà An Nam, dòng Phước Sơn? Cha Tổ Phụ luôn luôn nhắc nhở các môn sinh của ngài về mục đích vào dòng là nên thánh. Mọi hoạt động trong đời tu đều phải qui về mục đích này. Vậy, nếu mọi người và từng người hiện thực điều này, thì chắc chắn đó là một cộng đoàn thánh, và rộng lớn hơn, đó là một Hội Dòng thánh. Chính sự thánh thiện – nghĩa là ơn cứu độ – làm cho lịch sử trở thành một lịch sử thánh. Cũng như Chúa Giêsu là Đấng Thánh: Ngài đến để biến lịch sử nhân loại thành lịch sử thánh, lịch sử được ơn cứu độ thánh hoá. Xác tín này giúp chúng ta sống đúng với mục đích của đời tu và là phần đóng góp vào công cuộc cứu thế của Chúa Kitô.

 Anh chị em thân mến,

Khi được sinh ra, ai trong chúng ta cũng có một vị trí trong xã hội và nối kết những tương giao. Nhưng vị trí và tương giao đó có mục đích gì? Chắc chắn, đó là đóng góp cho xã hội tốt đẹp hơn. Với đức tin Kitô giáo, mỗi chúng ta được mời gọi để cùng với người khác hưởng ơn cứu độ được thực hiện trong và qua Chúa Kitô; đồng thời, mỗi người đều phải mang trong mình ơn gọi cứu thế, nghĩa là làm sao cho tha nhân nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa. Điều đó đòi hỏi phải có sự cộng tác về phía chúng ta. Mẹ Maria được sinh ra để cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc cứu độ của Chúa Kitô. Mỗi chúng ta cũng thế, các cộng đoàn chúng ta cũng thế, nghĩa là được sinh hạ để cộng tác với Thiên Chúa cho mọi người được cứu độ. Đó là niềm vui dạt dào của chúng ta. Đó là niềm vinh dự to lớn dành cho chúng ta. Và đó là hoa trái tốt lành trổ sinh để tôn vinh Thiên Chúa Cha (x.Ga 15,8).

 Thánh lễ kết thúc trong niền hân hoan vui mừng tạ ơn Chúa.

Một số hình ảnh

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nữ Đan Viện Phước Hải: 47 năm hiện diện trên vùng đất Bãi Dâu, Vũng Tàu

Kỉ niệm Khai Sinh Nữ Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Phước Hải (1976_25-12_2023)   Hôm nay, cả trái đất mừng rỡ reo hò vì giữa...

Tu trào đan tu (phần kết)

DÒNG XITÔ   Cuộc cải tổ của Dòng Cluny (910) đã đem lại cho Giáo hội nói chung và đan tu nói riêng nhiều sức...

Những tượng Chúa Kitô Vua lớn nhất trên thế giới

  NHỮNG TƯỢNG CHÚA KITÔ VUA LỚN NHẤT TRÊN THẾ GIỚI   1.Tượng Chúa Kitô Cứu Thế ở Rio de Janerio – Brazil   Tượng Chúa Kitô Cứu...

HÌNH ẢNH ĐAN VIỆN PHƯỚC HẢI

      NHÀ TĨNH TÂM LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT   HÌNH CỘNG...

LƯỢC SỬ NỮ ĐAN VIỆN XI-TÔ THÁNH MẪU PHƯỚC HẢI

    LƯỢC SỬ NỮ ĐAN VIỆN XI-TÔ THÁNH MẪU...

MỪNG LỄ SINH NHẬT ĐỨC MẸ (Phước Hải)

  MỪNG LỄ SINH NHẬT ĐỨC MẸ  Khai sinh và...

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ TA-PAO (Phước Hải)

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ TA-PAO      Ngày lễ suy tôn...

HÌNH ẢNH HANG ĐÁ

MỘT SỐ HÌNH ẢNH HANG ĐÁ PHƯỚC HẢI     ...

HÌNH ẢNH CỘNG ĐOÀN

      ...

ĐỨC TỔNG PHỤ VIẾNG THĂM ĐAN VIỆN PHƯỚC HẢI

   Hồng Ân Thiên Chúa Bao la Muôn đời con...

Một số hình ảnh TAM NHẬT THÁNH (Nữ Đan viện Phước Hải)

TAM NHẬT THÁNH Tam nhật Thánh là cao điểm...

Hình ảnh ĐÊM VỌNG PHỤC SINH tại Nữ Đan viện Phước Hải

 Đêm Vọng Phục Sinh     ...