KHÔN DẠI- DẠI KHÔN
Mt: 7, 21. 24 – 27
FM.Tê-ô-phan Lý
Kính thưa Cộng đoàn rất thân mến!
Khi bàn về giá trị của việc nói và làm, Benjamin Franklin đã từng nhận định rằng: “Ngôn từ có thể cho thấy sự sắc sảo của một người, nhưng hành động mới thể hiện ý nghĩa của anh ta”. Thật vậy, con người biểu lộ sự tận tâm của mình qua chính cung cách sống hơn là chỉ dừng lại nơi lời nói hay, nói đẹp. Chỉ khi nào ta dám dấn thân hoà mình vào cuộc sống hằng ngày, thì đó cũng là lúc ta có dịp biểu lộ lòng thương mến của mình đối với tha nhân. Bài Tin mừng hôm nay đề cập đến vấn đề vừa nêu ở trên. Chúa Giêsu đề nghị chúng ta chọn lựa: chọn xây ngôi nhà thiêng liêng của mình trên đá tảng là Chúa Kitô; hoặc chúng ta xây nhà trên cát là nơi những giá trị trần tục, hữu hạn và chóng qua.
1. Kẻ dại xây nhà trên nền cát.
Từ kinh nghiệm thực tế của cuộc sống, chúng ta có thể liên hệ đến những nền móng mà con người chọn để xây dựng cuộc đời mình. Cuộc đời của một người bị đặt trên nền cát khi người đó chỉ lo chạy theo và bắt chước những kiểu sống, hay những thị hiếu nhất thời của thế gian: đó có thể là những đam mê, dục vọng, tiền tài, danh lợi. Cho dù người đó có xây kiểu nhà nào, đẹp đến mấy đi chăng nữa, thì cuối cùng nó cũng sẽ sụp đổ, sụp đổ vì không có nền móng vững chắc. Chúa gọi những ai sống theo chọn lựa này là kẻ ‘ngu dại’, dại vì không biết cân nhắc kỹ lưỡng thiệt hơn, dại vì đầu tư gửi gắm cuộc đời mình không đúng chỗ, trao mình cho cái lợi hữu hạn mà không để ý tới cái lợi vô hạn. Vì thế, Chúa khuyên ta rằng: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời…hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn…” (Lc 21, 34-36), và nơi khác thánh Gioan tông đồ cũng kêu gọi và khuyến khích chúng ta đừng chạy theo đam mê xác thịt mà yêu quý thế gian: “Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của; mà thế gian đang qua đi cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi”. Như vậy, tốt hơn hết chúng ta hãy sẵn sàng thực thi trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa, với tinh thần trung thực, đức tin vững vàng và chí khí cương nghị[1]. Thế nhưng, làm sao để thực hiện trọn vẹn ý Chúa đây nếu ta chưa đặt trọn đời mình trên nền đá vững chắc là Đức Kitô?
2. Người khôn xây nhà trên đá tảng là Đức Kitô.
Trong bài Tin Mừng, Chúa gọi những ai biết xây nhà trên nền đá là ‘người khôn’, ‘khôn’ không chỉ vì người đó biết tính toán cho ngôi nhà vật chất của mình được đặt trên nền đá kiên cố, có thể chống lại những tai ương của thiên nhiên. Nhưng cao quí hơn là vì người đó luôn nhớ mình là ai, đang cần gì và đang tìm kiếm gì. Đó là dấu của người tìm và chọn điều vĩnh cửu, trường tồn như thương gia kia sẵn sàng bán hết tất cả những gì mình có để mua cho bằng được viên ngọc quí (Mt 13, 44-52). Kinh nghiệm hơn bất cứ ai, Thánh Phaolô xác tín rằng: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô” (Pl 3, 7-8). Từ kinh nghiệm của Thánh nhân và đặc biệt với lời Chúa dạy: “Kho tàng anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó”(Lc 12, 34), cuộc đời con người cần được xây dựng trên nền tảng Đức Giêsu Kitô và cất giấu kho tàng đời mình nơi thánh ý của Chúa. Đó sẽ là một căn nhà vững chắc không bị lay chuyển, một kho tàng bền vững không hề mai một.
Một khi chọn Đức Kitô là điểm tựa cho đời mình thì cũng đồng nghĩa với việc ta thực thi hai điều Chúa muốn sau: thứ nhất là cần biết ‘nghe’. Nhưng nghe để làm gì? Để ta có thể đọc ra được những dấu chỉ Chúa gửi tới qua từng biến cố của cuộc sống, đồng thời để ta cảm nếm được tình yêu Ngài dành cho ta lớn lao dường nào, và cuối cùng để ta gắng sống nên hoàn thiện, lớn lên trong ân nghĩa Chúa. Thứ hai là cần biết ‘làm’, kiến thức chỉ có ý nghĩa khi biết đem ra áp dụng, cũng như học thần học là để thêm hiểu biết, thêm yêu mến và để sống với đức tin vững vàng hơn. Có đức tin là điều quan trọng nhưng vẫn chưa đủ, mà còn phải biết ứng dụng đức tin ấy vào trong từng nhịp sống cụ thể mới là điều tối cần mà Chúa muốn ta thực hiện. Thánh Giacôbê cũng nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 17). Như vậy, giữa ‘nghe’ và ‘làm’ theo con thiết nghĩ có thể tóm gọn trong hai chữ: ‘vâng lời’. Chúa Giêsu đòi hỏi nơi ta sự vâng lời, vì lời Ngài là nền đá vững chắc duy nhất của đời sống: “Trời đất sẽ qua đi nhưng những lời thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Lc 21, 33). Ngài cũng hứa rằng cuộc sống vâng phục sẽ đem lại cho ta sự an toàn cho dù phong ba bão tố đến đâu. Bởi đó cũng chính là thánh ý từ Chúa Cha: “Đây là con ta yêu dấu, các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9, 7).
Kính thưa cộng đoàn! Chỉ có cách duy nhất để chứng minh lòng chân thành của một người là qua hành động của người đó, vì những lời bóng bẩy không thay thế được việc lành. Chỉ có một bằng chứng duy nhất của tình yêu: đó là sự vâng lời, tức là làm đẹp lòng người mình yêu. Bảo rằng chúng ta yêu người nào nhưng lại làm những việc khiến trái tim người đó rỉ máu thì thật là quá vô nghĩa. Cũng thế, nếu chúng ta thường tuyên xưng Chúa trên môi miệng nhưng lại ‘chối bỏ’ Ngài trong đời sống thì thật không gì phản chứng bằng. Đức tin không thực hành là sự giả dối và tình yêu không có vâng phục là điều không thể chấp nhận được[2]. Chỉ những ai sống vâng phục thánh ý Chúa trong một đức tin sâu sắc sẽ đem lại vinh quang vĩ đại nhất cho Thiên Chúa. Vì vậy, Mùa Vọng cũng là dịp để chúng ta kiểm điểm lại cuộc sống của bản thân và xem thử mình đã và đang xây dựng cuộc đời trên nền tảng nào? Và nếu cần thiết, chúng ta hãy can đảm thay thế ‘nền móng cũ bằng cát’ của mình bằng đức tin vào Chúa Kitô, đức tin mà chúng ta biết chắc là sẽ đứng vững qua mọi thử thách của thời gian[3]. Cuối cùng, xin mượn một câu nói thật ý nghĩa của chân phước Carlo Acutis như là lời kết cho bài suy niệm sáng nay:“Mục đích đời chúng ta phải là sự vô hạn chứ không phải điều hữu hạn”, “Nếu để Chúa chiếm hữu trái tim chúng ta, chúng ta sẽ chiếm hữu được điều vô hạn”.
[1] X. Kinh Sách – Mùa Thường Niên – Tuần XXXIV, Bài đọc 2. Tr. 524.
[2] X. WILLIAM BARCLAY, Tin Mừng theo Thánh Matthêu I, Nxb Tôn giáo, Tr. 241.
[3] X. STEVEN TYNAN và Nhiều Tác Giả, SABBATH I – Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày, Tr. 16.