TN-145-TUẦN XXI-thứ Tư
KHÔNG CHÊ TRÁCH ĐƯỢC!
(1Tx 2,9-13 / Mt 23,27-32)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Ai trong chúng ta cũng muốn trở nên tốt, và càng nên tốt hơn mỗi ngày. Có những phương thức để đạt tới đó. Một ước muốn khác đi đôi với mong muốn sống tốt, đó là ước ao không bị chê trách. Bị chê trách, nghĩa là còn nhiều khuyết điểm, điểm xấu, để người khác nhìn vào mà nhận định tiêu cực. Nhưng, trở nên tốt, trở nên không bị chê trách, là một quá trình rất dài, dài bằng cả cuộc đời. Không ai có thể tốt, không bị chê trách, chỉ nhờ một ngày hay trong thời gian ngắn.
Nhưng mong muốn không bị chê trách cũng là một mối ám ảnh, có thể để dẫn đến những cách sống mang đến những hệ quả tai hại. Đó có thể là một cuộc sống “hai mặt” hay cố gắng che đậy, mang những lớp mặt nạ, để “lừa” bản thân và người khác. Nhưng cũng có cách sống “trung thực” với chính bản thân và tha nhân, với nỗ lực hằng ngày để xây dựng nên “nội lực” trong chính bản thân. Và cũng có cách thức khác, đó là đón nhận một “sức mạnh” từ nơi khác, từ “trên cao” để có thể được biến đổi nên một người “không có gì đáng trách”.
Suy niệm hai bài đọc Lời Chúa hôm nay, tôi khám phá ra những cách thức để đạt tới điều mà tôi gọi là “KHÔNG CHÊ TRÁCH ĐƯỢC”.
1. KHÉO CHE ĐẬY ĐỂ “KHÔNG CHÊ TRÁCH ĐƯỢC”
Chúng ta bắt đầu với trích đoạn Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chương 23 từ câu 27 đến 32. Chúa Giê-su tiếp tục trách các kinh sư và những người Pha-ri-siêu. Chúa nói với họ những lời rất nặng: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và những người Pha-ri-siêu đạo đức giả. Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế”.
Chúa gọi họ là những người “đạo đức giả”, nghĩa là mang dáng dấp đạo đức, nhưng không thật sự là đạo đức. Có cái “vỏ” đạo đức, nhưng không có thực chất đạo đức. Chúa giải thích khi nói tiếp: “Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính, nhưng bên trong toàn là đạo đức giả và gian ác!”. Điều ám ảnh nơi họ, là cái vẻ bên ngoài, được mang danh là đạo đức. Họ bị ám ảnh bởi “hình ảnh” họ muốn tạo nên, chứ không phải “phản ảnh” từ trong tâm hồn họ. Họ có tài che đậy để được mang tiếng tốt, “không chê trách được”. Hình ảnh mồ mả được trang trí bên ngoài đẹp, và có khi sang trọng, nhưng bên trong ngôi mộ, sẽ toàn là những thứ “bốc mùi” khó chịu. Hình ảnh này rất mạnh, gây “sốc” và tạo nên “chấn động” cho những người trực tiếp nghe Chúa nói với họ về họ.
Chúa còn nói một khía cạnh khác của thói đạo đức giả của họ, đó là họ “khéo biện minh” cho mình, bằng việc “xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính”. Họ tỏ ra là những người biết ơn những ngôn sứ và người công chính. Khi xây mộ, trang trí mồ mả cho những vị kia, họ tỏ ra mình là những người đạo đức, biết “đường chính lẽ ngay”, không như cha ông họ đã giết các vị đó. Nhưng thật sự, “họ chẳng khác gì cha ông, loài ngoan cố bất tuân, dạ bất trung với Chúa”. “Việc lành”, “việc tốt” họ làm kia, chỉ để “tô vẽ” khuôn mặt của họ nên đẹp, nhưng trong lòng dạ họ, cả là một mưu đồ đen tối đang được khéo che đậy.
Khi suy nghĩ về các kinh sư và những người Pha-ri-siêu mà lời Chúa ngỏ với họ trên kia, chúng ta cũng nghĩ đến bản thân mình. Ai trong chúng ta cũng muốn có tiếng tốt, để không bị chê trách, để được đánh giá tích cực. Điều đó chính đáng. Nhưng chúng ta cũng cần phải chấp nhận thực tế của mình. Trong chúng ta, có mặt sáng cũng như mặt tối, có ánh sáng cũng như bóng tối. Người nào chỉ chú trọng đến mặt sáng và muốn làm nổi lên bề mặt phần sáng, thì sẽ ép mặt tối, sẽ ém phần bóng tối. Họ sẽ mất nhiều sức lực và rất căng thẳng. Họ có thể “nín thở”, “giả bộ” như không có gì xảy ra; nhưng thật sự, cả là một cuộc chiến trong nội tâm họ. Họ phải “đóng kịch” như thể nơi họ tất cả là sáng, là tốt. Điều đó dẫn đến chỗ họ “đánh lừa” chính bản thân và người khác, có thể vô thức và với ý thức. Họ bị “ám ảnh” bởi “dung mạo” của mình. Một thứ yêu mình quá độ đến bệnh tật. Và điều đó thật tai hại. Họ không nhận biết mình, không nhận ra “chân tướng” của mình! Nguy cơ này không loại trừ ai. Chúng ta phải chấp nhận “sự thật” của bản thân, và đó là bước đầu của sự giải thoát, vì sự thật mới giải thoát, mới đem lại tự do đích thực.
2. THÁNH THIỆN CÔNG MINH VÀ “KHÔNG CHÊ TRÁCH ĐƯỢC”
Chúng ta tiếp tục suy niệm với trích đoạn trong bài đọc một, thư thứ nhất của thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca chương 2 từ câu 9 đến 13. Thánh nhân nói về công cuộc loan báo Tin Mừng ngài và các cộng sự viên đã thực hiện cho giáo đoàn này. Ngài viết lên những từ này: “không chê trách được”. Ngài viết về ai vậy? Về chính ngài và các cộng sự viên của ngài. Đây là nguyên văn: “Anh em làm chứng, và Thiên Chúa cũng chứng giám, rằng với anh em là những tín hữu, chúng tôi đã cư xử một cách thánh thiện, công minh, không chê trách được”. Ngài đã lượng giá đúng về cách hành xử của mình với các ki-tô hữu của giáo đoàn này, mà ngài sử dụng ba trạng ngữ “cách thánh thiện”, “cách công minh”, “không chê trách được”. Ngài quá tự tin và kiêu căng không? Chúng ta không cần kết luận ngay. Ngài không làm chứng cho mình, nhưng để Thiên Chúa và anh chị em ki-tô hữu chứng giám. Chúng ta đọc lại những gì ngài viết trong trích đoạn này, để từ đó thẩm định.
Ngài đã “tận tâm, tận lực” cho công cuộc loan báo Tin Mừng và lo cho cộng đoàn cũng như các tín hữu. “Hẳn anh em còn nhớ nỗi khó nhọc và vất vả của chúng tôi: đêm ngày chúng tôi làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em.” “Anh em biết: chúng tôi đã cư xử với mỗi người trong anh em như cha với con; chúng tôi đã khích lệ, van nài anh em sống xứng đáng với Thiên Chúa, Đấng kêu gọi anh em vào Nước của Người và chia sẻ vinh quang với Người.” Điều làm nên “giá trị chân thực” không phải bộ mặt, bộ dạng bên ngoài, mà là tận thâm tâm, hết lòng với giáo đoàn và từng người.
Hơn nữa, những lời các ngài nói là chính lời Thiên Chúa và thành quả gặt hái là do chính Thiên Chúa, như thánh Phao-lô quả quyết: “Khi chúng tôi nói cho anh em nghe lời Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy. Lời ấy tác động nơi anh em là những tín hữu”. “Đúng như lời ấy’, nghĩa là lời trung thực. Không dùng lời của bản thân làm “lệch” lời Chúa.
Những gì thánh Phao-lô viết trong trích đoạn thư hôm nay, cho phép chúng ta nhận ra đâu là tiêu chí để lượng giá “không chê trách được”. Nơi đây, “không chê trách được” không dừng lại nơi hình ảnh bên ngoài, mà là chất lượng bên trong, đó là thánh thiện, công minh, và phục vụ tận tâm, tận tình, tận lực. Tất cả để vinh quang Thiên Chúa và mưu ích cho anh chị em tín hữu. Và đó cũng là chính tiêu chí để nhận ra một tâm hồn “không chê trách được”.
3. THIÊN CHÚA THÁNH HOÁ, GÌN GIỮ “KHÔNG CHÊ TRÁCH ĐƯỢC”
Chúng ta vừa suy niệm về hai cách thức để đạt đến tình trạng “không chê trách được”: một bên dừng lại nơi dáng vẻ bên ngoài, nơi tô vẽ khuôn mặt của mình; một bên nhấn mạnh đến yếu tố bên trong, nơi nội tâm của mình. Bên này chỉ chú tâm đến bản thân, bên kia hướng tới Thiên Chúa và tha nhân. Bên này bị đánh giá là đạo đức giả vì khéo che đậy những gian ác trong tâm hồn, bên kia mở rộng ra sức mạnh tác động của lời Thiên Chúa. Phải chăng, đó cũng là hai phía, mà mỗi chúng ta cần phải chọn lựa? Đương nhiên, chúng ta chọn phía hành xử của thánh Phao-lô và từ chối cách thức của các kinh sư và những người Pha-ri-siêu.
Nhưng, theo thiển ý của tôi, cần một cách thức khác rất quan trọng và cần thiết, như thể là điều kiện “cần và đủ” – sine qua non – đó là sự thánh hoá của Thiên Chúa, ơn thánh hoá cuả Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa thánh hoá và làm cho chúng ta trở nên “không chê trách được”.
Thánh Phao-lô, cũng trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Thê-xa-nô-li-ca, đã cầu nguyện như một lời cầu chúc cho giáo đoàn: “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta quang lâm. Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành: Người sẽ thực hiện điều đó” (1Tx 5,23-24).
Như vậy, chính Thiên Chúa thánh hoá toàn diện, từ bên trong thần trí cùng tâm hồn và phản chiếu trong thân xác, để toàn bộ con người chúng ta được gìn giữ vẹn toàn, “không gì đáng trách” cho tới ngày Chúa Ki-tô lại đến. Và chính Thiên Chúa thực hiện điều đó. Và từ sự thánh hoá của Thiên Chúa, chúng ta mới có khả năng sống và hành động một cách “không chê trách được”. Cho nên, chúng ta đừng mất thời giờ để “tô vẽ” bề mặt, đừng phí công để “trang hoàng” hình thể với những thứ “phấn son” sẽ phai nhạt với dòng thời gian, hoặc “phô diễn” những việc làm hào nhoáng để “đánh bóng” bản thân, để “loè” thiên hạ, để “lừa” mình và người khác. Nhưng hãy mở rộng con tim để đón nhận ơn thánh hoá, và ơn sủng thánh hoá này sẽ biến đổi chúng ta, sẽ thần hoá chúng ta và chúng ta sẽ trở nên “KHÔNG CHÊ TRÁCH ĐƯỢC”, để chúng ta trở nên “lời ngợi khen vinh quang Thiên Chúa” (x.Ep 1,14).