Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

Lễ Giáng Sinh: Lễ Đêm: Lc 2, 1-14

 

Lễ Giáng Sinh: Lễ Đêm: Lc 2, 1-14     

 

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

(Fr. Vicent. Hoà)

Đây là lời của các Thiên Thần trong đêm Giáng Sinh năm xưa tại Belem, cũng là bài hát mà chúng ta được nghe nhiều nhất không những trong đêm nay mà trong suốt mùa Giáng Sinh này. Bài hát này thật đặc biệt vì: thứ nhất đây là bài hát không phải do một ai trong loài người sáng tác mà là do chính các thiên thần của Thiên Chúa soạn ra và hát lên. Thứ hai, đây không đơn thuần là một bài hát như bao bài hát khác, mà đúng hơn là một sứ điệp quan trọng từ trời gởi xuống cho nhân loại chúng ta. Và nội dung của sứ điệp không chỉ liên quan đến nhân loại mà thôi mà còn liên quan đến cả Thiên Chúa nữa, nghĩa là liên hệ đến cả trời và đất, cả Đấng Tạo Thành và thụ tạo, ràng buộc cả Thiên Chúa và con người chúng ta lại với nhau. Tại sao lại có liên hệ giữa Thiên Chúa và con người, cả trời và đất như vậy? Hay nói đúng hơn, tại sao việc Chúa Giêsu Giáng trần không chỉ là sứ điệp bình an dành cho nhân loại mà thôi mà còn là “vinh danh cho Thiên Chúa trên trời”?

Thứ nhất, biến cố Giáng Sinh không chỉ liên quan đến con người mà còn liên can đến cả Thiên Chúa, đến cả vinh quang của Ngài nữa. Khi nói Giáng Sinh, thông thường người ta nghĩ đó là một biết cố cho con người, chỉ nhắm đến nhân loại mà thôi. Điều đó hoàn toàn đúng, nhưng vì con người và nhân loại này có một mối dây liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành nên mình. Cho nên mầu nhiệm Giáng Sinh cũng liên hệ với cả Thiên Chúa nữa. Do đó, trước khi hát: “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”, thì thiên thần đã hát lên: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời” là như vậy. Nhưng sự liên hệ đó là thế nào?

Chúng ta biết, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, có nghĩa là khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã đặt để giữa Thiên Chúa và con người một mối dây liên đới đặc biệt hơn các loại thọ tạo khác. Mối dây liên đới này khăng khít đến nỗi Thánh Phaolo khẳng định: Con người là phản ảnh vinh quang Thiên Chúa (x Cl 3, 9-10). Do đó khi con người phạm tội thì không những đã làm cho khuôn mặt của mình bị biến dạng, mà cũng có nghĩa là không còn đủ trong sáng để phản chiếu vinh quang của Thiên Chúa một cách trung thực nữa. Do đó, nội dung sứ điệp từ trời của các thiên thần hôm nay, không chỉ dành cho loài người, nhưng còn liên hệ với cả Thiên Chúa là như vậy. Quả vậy, chính ngay trong con người của Chúa Giêsu, nội dung chính của sứ điệp các thiên thần loan báo, nói lên tất cả sự liên đới hết sức khăng khít đó giữa Thiên Chúa và con người như thế nào. Thánh Gioan đã nói và chúng ta sẽ được nghe trong bài Tin Mừng sáng ngày mai là: “Ngôi Lời đã trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Ngài đến để rửa sạch lại khuôn mặt tội lỗi của mỗi người chúng ta nói riêng và sửa lại khuôn mặt của thế gian này nói chung, một khuôn mặt đã bị méo mó biến dạng do tội lỗi gây nên. Ngài xuống thế làm người để con người chúng ta được làm con Thiên Chúa như thánh Irene nói: “Người đã trở nên giống chúng ta để chúng ta trở thành như Người”. Và như thế, nhờ Người và trong Người, mà khuôn mặt cũng như hình ảnh của chúng ta và bộ mặt của thế gian này sẽ trở nên trong sáng hơn, hoàn hảo hơn, có thể phản ảnh một cách trung thực hơn về hình ảnh của Thiên Chúa, và như thế thì danh Chúa sẽ được vinh danh hơn, được cả sáng hơn.

Thứ hai là sứ điệp bình an cho loài người. Chúng ta tự hỏi lại sao lại là sứ điệp bình an chứ không phải là một sứ điệp nào khác trong đêm Giáng Sinh này? Chủ đích của Chúa Giêsu Giáng Sinh là để cứu nhân loại khỏi tội lỗi, như thánh Gioan nói: Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một xuống để cứu thế gian (x Ga 3, 16). Chúng ta biết, Thiên Chúa chỉ hứa ban Đấng cứu thế ngay sau khi nguyên tổ Adam và Eva phạm tội (x St 3, 15), nhưng tại sao sứ điệp từ trời hôm nay lại không nói đến chuyện cứu độ hay tha tội mà lại là sứ điệp của sự bình an?

Trong trình thuật tạo dựng, khi Thiên Chúa tạo dựng con người xong, chúng ta thấy một hình ảnh thật đẹp đẽ đó là: ngày ngày Thiên Chúa cùng đi dạo chơi với con người. Hình ảnh này xem ra thật bình thường chẳng có gì để nói, thế nhưng chính trong sự bình thường giản dị đó lại phản ảnh tất cả những gì quan trọng nhất, đó là sự bình an và hạnh phúc. Bình an từ cảnh vật, bình an từ trong tâm hồn của hai ông bà nguyên tổ, và nhất là sự bình an trong tương quan: tương quan ở đây là tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa hai Ông – Bà với nhau. Và trình thuật cũng cho thấy sau khi phạm tội thì hai ông bà đã xấu hổ và sợ sệt: xấu hổ với chính mình và với nhau đến nỗi phải lấy lá làm áo che cái tấm thân trần truồng nhưng đơn sơ của mình. Lo sợ vì đã đánh mất tương quan với Thiên Chúa, nên phải trốn tránh không còn dám nhìn mặt Ngài nữa và để Thiên Chúa phải tìm kiếm và kêu gọi…Tóm lại là con người đã mất đi sự bình an và hạnh phúc thuở ban đầu. Tất cả những yếu tố đó muốn nói lên một điều là: bình an là yếu tố quan trọng nhất, là điều kiện không thể thiếu để có được hạnh phúc đích thực như thuở ban đầu. Do đó, sứ điệp quan trọng từ trời của các thiên thần cho loài người hôm nay phải là sứ điệp về sự bình an là như vậy.

Dĩ nhiên là Chúa đến để cứu nhân loại tội lỗi, nhưng cuối cùng đó cũng chỉ là phương tiện, là điều kiện để chúng ta đạt được mục đích tối hậu là sự bình an và hạnh phúc mà thôi. Vì sự bình an và hạnh phúc như thuở tạo dựng ban đầu mới là cái đích cuối cùng mà Thiên Chúa sai Con Một của Ngài đến với chúng ta. Đó cũng là lý do tại sao sau này Chúa Giêsu, trước khi lìa bỏ các Tông đồ để về lại với Thiên Chúa Cha, Ngài đã trao ban bình an cho các ông mà chúng ta được nghe trong phần cuối của thánh lễ: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con” (Ga 14, 27). Và cuối cùng, những lần hiện ra với các Tông đồ sau khi sống lại, và trước khi lên trời, thì thông điệp của Chúa Giêsu vẫn luôn luôn là trao ban sự bình an cho các ông.

Vậy sứ điệp Giáng Sinh phải là sứ điệp của bình an, vì chính con người Chúa Giêsu, nội dung chính của sứ điệp Giáng Sinh, là sự bình an cho chúng ta như thánh Phaolo quả quyết trong thư 1 Thêxalonica “Chúa Giêsu là nguồn mạch bình an” (1Tx 5, 23). Thế nhưng chúng ta tự hỏi: Chúa Giêsu Giáng Sinh đã hơn hai ngàn năm rồi, nhưng nhân loại đã có được hoà bình thực sự chưa?

Chỉ cần nhìn vào thế giới những tháng gần đây, chúng ta thấy vấn đề nhà nước hồi giáo IS tàn nhẫn chưa giải quyết xong thì đến vấn để vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Và bây giờ một vấn đề khác còn nguy hiểm hơn cả bom hạt nhân nữa là việc tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Giêrusalem là thủ đô của Israel và quyết định cho dời toà đại sứ Mỹ từ Tel Aviv về Đông Giêrusalem. Một quyết định đã gây nên bạo động khắp nơi, nhất là trong thế giới Hồi giáo trong những ngày này, không biết đến bao giờ mới chấp đứt. Tại sao lại như thế?

Để trả lời cho vấn nạn này, chúng ta hãy nghe thánh Gioan nói: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11). Như thế, sứ điệp bình an của đêm Giáng Sinh chỉ thực sự đến với nhưng ai thành tâm thiện chí tìm kiếm và đón nhận Chúa Giêsu là nguồn sự bình an mà thôi. Thế giới hôm nay đang được lèo lái bởi những con người không thấm nhuần sự bình an của Thiên Chúa, do đó hoà bình mà họ rêu rao theo đuổi là một thứ hoà bình giả tạo do những chính trị gia, hay những người chỉ biết chạy theo lợi lộc kinh tế một cách ích kỷ. Bao lâu thế giới này còn bị thao túng bởi những con người như thế thì bấy lâu thế giới không thể có hoà bình thực sự được. Đó là lý do tại sao sự hoà bình cho thế giới vần là những ước nguyện và hằng năm các Đức Thánh Cha (từ 1986) vẫn phải đưa ra nhưng thông điệp kêu gọi hoà bình là như vậy.

Vậy ước gì lời sứ điệp của các thiên thần hôm nay: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” được vang lên trên toàn thế giới, đến với tất cả mọi nơi, mọi ngõ ngách của địa cầu và đọng lại nơi tâm hồn của của mọi người, nhất là những người cầm quyền trị nước. Chỉ như thế thì nhân loại chúng ta mới có được bình an, hạnh phúc và đó mới là ý nghĩa đích thực của đêm Giáng Sinh này, vì Chúa Giêsu là nguồn mạch bình an và là Hoàng Tử hoà bình. Chỉ khi đó chúng ta mới hy vọng lời tiên tri Isaia trở thành hiện thực: mọi gương đao, giáo mác sẽ được đúc thành quốc thành cày, nên liềm nên hái, và thiên hạ sẽ thôi học nghề chinh chiến!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lòng tin cậy của Chị thúc đẩy chúng em

  LÒNG TIN CẬY CỦA CHỊ THÚC ĐẨY CHÚNG EM Chị Tê-rê-sa thân mến! “Chính lòng tin cậy” là tựa đề mà ĐTC Phanxicô đặt cho Tông...

Thánh Lễ Khai Mạc Năm Thánh – Mừng 50 Năm Thành Lập Đan Viện Xitô Phước Vĩnh

THÁNH LỄ KHAI MẠC NĂM THÁNH-MỪNG 50 NĂM THÀNH LẬP ĐAN VIỆN XITÔ PHƯỚC VĨNH      Vào lúc 9:30 thứ Ba ngày 19 tháng...

Tâm tình với anh Bernadino

TÂM TÌNH VỚI ANH BERNADINO Dũng Ân Anh thân mến! Anh đã an nghỉ nơi lòng đất mẹ rồi, nhưng em và mọi người vẫn chưa...

Ai tín

…Xin Người cho anh em biết con người và ơn gọi của anh em là gì…

Một vài suy nghĩ về con người và ơn gọi nhân dịp tuyên khấn của anh em (Vinh-sơn Liêm, PV) Hằng năm chúng ta vẫn thường...

TÂM TÌNH TẬP VIỆN TÊ-RÊ-SA PHƯỚC VĨNH SỐ 4

LẠI BẮT ĐẦU          Thưa Chị,...

Bài Giảng Thứ Năm Tuần Thánh

THỨ NĂM TUẦN THÁNH 2015 TẠI PHƯỚC VĨNH VENI...

Bài Giảng Lễ PHỤC SINH- VENI CREATOR SPIRITUS, MATER BONI CONCILII

VENI CREATOR SPIRITUS, MATER BONI CONCILII.Cha Viện Trưởng           ...

Niềm Vui Phục Sinh

Niềm Vui Phục Sinh Truân chuyên vạn nẻo đường...

Tin Mừng Lễ Chúa Nhật Phục Sinh Chúa Giêsu đã phục...

Tin Mừng Lễ Chúa Nhật Phục Sinh             Chúa...

Phước Vĩnh 40 năm hành trình sứ vụ- gắn liền với ơn gọi của thánh Gioan Tiền Hô.

    Hôm nay là ngày sinh nhật của thánh...