Phiên tuần CN XXVIII TN B
- Kn 7,7-11: vàng bạc tiền trên cả thế giới so với Đức KN chỉ là bùn.
- Dt 4,12-13: Lời Chúa phân tâm với linh, cốt với tủy, phê phán tư tưởng lòng người.
- Mc 10,17-30: Chúa Giêsu là hiện thân của Đức KN (I), là Lời Thiên Chúa (II), là người nắm chìa khóa sự sống vĩnh cửu.
Logic ý tưởng Lời Chúa trong Thánh lễ CN XXVIII hôm nay được diễn tả như sau:
Đức Khôn Ngoan được nhân cách hóa và được lượng giá là tuyệt đỉnh so với tất cả vàng, bạc tiền trên thế giới này. Thư gửi tín hữu Do thái diễn tả Lời Chúa có sức mạnh vô song: là con dao hai lưỡi sắc bén phân cách tâm với linh, cốt với tủy, Lời đó phê phán tư tưởng lòng người. Tất cả các hình ảnh đó đều hiện thân nơi Đức Giêsu trong Tin Mừng. Thực vậy, dưới con mắt của anh thanh niên giàu có người Dothai, Đức Giêsu là người nắm chìa khóa sự sống vĩnh cửu: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp?” dĩ nhiên là Đức Khôn Ngoan hiện thân và cũng đương nhiên là Lời Chúa sắc bén như giao hai lưỡi… “Anh hãy về, bán hết những gì anh có, phân phát cho người nghèo, anh sẽ được kho tàng trên trời, rồi đến, theo tôi”… Chính câu này là một nhát dao phân cách, cũng là RANH GIỚI mong manh giữa “người thế gian” và “người thánh hiến”. Rõ ràng khi nghe lời đó, anh thanh niên sa sầm nét mặt và bỏ đi vì anh có nhiều của cải, anh đại diện cho “người thế gian”; phần còn lại là “người thánh hiến”, mệnh danh là đã từ bỏ mọi sự mà theo Đức Giêsu. Như vậy nút thắt ở đây là tiền bạc của cải. Gỡ nút thắt này chính là nhận thức đúng về tiền bạc của cải để định hướng cho cuộc đời mình.
“Người thế gian” có hai loại: một loại ‘giàu mà keo’ gọi là trọc phú, anh thanh niên đại diện cho loại này, và có đặc tính là không biết gì về tiền bạc; Anh thanh niên chỉ làm giàu cho mình, khi nói cống hiến thì sa sầm nét mặt bỏ đi. Một loại khác hiểu biết tiền bạc, nỗ lực xây dựng sự nghiệp vĩ đại bao nhiêu có thể, vì họ hiểu rằng có nhiều tiền là để được ‘tự do tài chính’ và như vậy được ‘tự do cá nhân’ và để cống hiến thi hành sứ mạng. Nói cách khác, có nhiều tiền là thực hiện hoài bão của mình và để cống hiến (làm cho người khác). Hay nói theo ngôn ngữ nhà đạo: hiệp thông và sứ vụ. Hiệp thông là lo cho bản thân và sứ vụ là lo cho người khác.
“Người thánh hiến” là người mệnh danh “bán của cải – cho người nghèo – theo Chúa Giê su”, chẳng lẽ họ sống bằng “khí trời” và không còn liên hệ gì đến tiền bạc? Vậy họ biết gì về tiền bạc của cải? Phải nói ngay, cả “người thế gian” và “người thánh hiến” đều có mẫu số chung là hiểu biết rất rõ về tiền bạc. Biết rõ nên mới có khả năng quyết định bán/ không bán, cho hay không cho và theo hay không theo Chúa.
Vậy tiền là gì? Tiền được định nghĩa là một mệnh giá tùy theo đơn vị tính của mỗi nước để trao đổi một món hàng hóa. Ví dụ, tại Trà Vinh, với 7000đ đổi được 1kg lúa. 1 USD đổi được 0,888 mg vàng, tương đương 23.000 VND. Người ta không kiếm tiền mà là đổi tiền. Để có 250.000 VND người ta trích từ quỹ thời gian cuộc đời ra 8h với công sức lao động để đổi lấy số tiền đó. Của cải vật chất là những thứ tương đương tiền. Càng nhiều tiền, sự nghiệp của người đó càng lớn, giá trị người đó càng cao, dĩ nhiên đối với tiền sạch. Vì sự nghiệp là một trong 4 mục tiêu cuộc đời của “người thế gian”.
Vậy tiền là “thước đo giá trị” của một con người theo quan niệm của “người thế gian”. Cũng là xương là thịt, nhưng 1 kg thịt người của anh chị S-H có giá 250.000 VND, nhưng 1 kg thịt của vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng có giá hàng trăm tỷ đồng. Cũng là từ bùn đất đi lên, nhưng mỗi người sử dụng thước đo ấy hoàn toàn khác nhau.
Nhưng tiền có phải là “thước đo giá trị” của “người thánh hiến” không? 1 kg thịt “người thánh hiến” trị giá bao nhiêu? Theo thước đo ấy thì giá bằng 0, vì họ không có gì để đổi lấy tiền theo nghĩa là tạo ra của cải cho xã hội.
Nhưng nếu “người thánh hiến” không hiểu biết gì về tiền bạc tự nhiên sẽ cân đo giá trị của mình bằng thước đo tiền bạc của cải của “người thế gian”. Ví dụ, cha này cha kia, thầy nọ sơ kia kiếm tiền giỏi, thế là tự nhiên được đánh giá cao, được uy tín hơn, kính trọng hơn; còn người khác lại mặc cảm tự ti vì không có khả năng “kiếm tiền” cho nhà dòng. Rất nên hết sức cẩn trọng với thái độ như vậy.
Thực ra, “Người thánh hiến” phải là người vốn rất hiểu biết về tiền, (hay ít ra sẽ phải học cho biết về tiền bạc của cải) nên mới có khả năng “bán, cho người nghèo” để theo Chúa. Hiểu biết rõ về tiền bạc mới có thể “tự do về tài chánh” nghĩa là biết mình muốn gì và kiểm soát được ý chí đó, không dính bén một cách mê muội, để dù vẫn liên hệ đến tiền của, “người thánh hiến” lại được “tự do cá nhân” bởi vì họ đã được “tự do tài chính”. Chính vì có “tự do cá nhân” nên mới có khả năng theo Chúa Giêsu. Nói cách khác, “Tự do tài chánh” để được “tự do cá nhân” nghĩa là “Người thánh hiến” đã được bao cấp mọi nhu cầu vật chất trong điều kiện bình thường, họ không lo lắng, không bận tâm “làm gì để có tiền” theo kiểu “người thế gian”. Họ làm việc thật lực để nuôi sống mình. Với điều kiện sống như vậy dẫn họ đến “tự do cá nhân”, cũng là tự do nội tâm – đỉnh cao tư duy của đời sống thiêng liêng.
Nhìn vấn đề từ góc độ khác, “Người thánh hiến” là người sống hiệp thông và thi hành sứ vụ. Họ xây dựng sự nghiệp của mình bằng sự hiệp thông. Hiệp thông được hiểu là hoài bão, là làm cho chính mình, xây dựng đời mình trên tương quan ba chiều: với Thiên Chúa, tha nhân và chính mình. Sự nghiệp của “Người thánh hiến” chính là đời sống thánh thiện đặt trên tương quan ba chiều đó. Đặt trên nền tảng ấy, “Người thánh hiến” mới có khả năng thi hành sứ vụ là lo cho phần rỗi thế giới, xây dựng Giáo Hội và tôn vinh Thiên Chúa. Riêng đối với những “Người thánh hiến” đan tu chiêm niệm, thi hành sứ vụ đan tu còn hệ tại sự thân mật với Thiên Chúa: SOLUS CUM DEO SOLO (một mình với Thiên Chúa duy nhất). (Chưa đạt được điều này, giống như người thế gian mới chỉ làm đủ ăn !)
Phân tích như vậy cho thấy, sự nghiệp của “người thế gian” và “người thánh hiến” tuy hai hướng khác nhau, song song mà tương tác nhau một cách kỳ diệu. Ngoại trừ những trọc phú, (chỉ làm giàu cho mình), những người thế gian đã phấn đấu không ngừng để xây dựng sự nghiệp của mình thành công bao nhiêu có thể. Để có được tự do cá nhân, họ phải tự do tài chánh. Để tự do tài chánh, họ phải xây dựng kinh tế tri thức, khởi đi từ hướng nghiệp đến khởi nghiệp, thành danh… Đó là một quá trình xây dựng bản thân cách nghiêm túc và quyết liệt suốt nhiều chục năm liền. Kết quả là họ cống hiến cho xã hội của cải và tạo việc làm cho nhiều người khác. Vợ chồng tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng: hàng tỷ cổ phiếu, với tài sản hàng chục tỷ USD.
Người thánh hiến, trái lại không phải là tỷ phú USD, nhưng là tỷ phú ân sủng, có khả năng nắm giữ hàng tỷ cổ phiếu là các linh hồn trên toàn thế giới. “Thu nhập thụ động” của họ là ân sủng siêu nhiên và tự nhiên vốn là kết quả của một quá trình xây dựng bản thân cách nghiêm túc và quyết liệt suốt nhiều chục năm liền. Họ cống hiến cho xã hội không phải của cải, không phải tạo ra công ăn việc làm mà là ân sủng của Thiên Chúa. Họ làm được mọi sự trong quyền năng của Thiên Chúa: “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi có thể (làm) được hết” (Pl 4,13)
Tuy cách tiếp cận Lời Chúa như trên có vẻ khác lạ, vượt ra khỏi khuôn khổ thông thường, nhưng cách tiếp cận này như đi vào hậu trường của sân khấu để thấy rõ bối cảnh thực sự của những gì đang diễn ra. Hiểu biết tiền bạc, sứ điệp Tin Mừng cũng lộ ra. Chẳng lẽ không nên làm như vậy sao?