Thứ tư, 5 Tháng hai, 2025

MÔN ĐỆ CỦA CHÚA?- TUẦN XXII-thứ Sáu- Vp. Duyên Thập Tự

TN-154-TN-TUẦN XXII-thứ Sáu

MÔN ĐỆ CỦA CHÚA?

(Lc 5,33-39)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Mỗi lần đọc hoặc nghe lại trích đoạn Tin Mừng theo thánh Lu-ca chương 5 từ câu 33 đến 39 hoặc những đoạn tương đương trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chương 9 từ câu 14 đến 17 hay Tin Mừng theo thánh Mác-cô chương 2 từ câu 18 đến 22, chúng ta có xu hướng dừng lại nơi việc ăn chay cầu nguyện để phân tích và biện minh thế nào là cầu nguyện và ăn chay đúng đắn. Cũng có khi dừng lại tìm hiểu câu nói của Chúa trong dụ ngôn “rượu mới thì phải đổ vào bầu da mới” để áp dụng vào những lãnh vực trong đời sống Ki-tô hữu và đời thánh hiến. Điều đó rất đúng, vì Lời Chúa cần được hiện tại hoá trong cuộc sống ngày nay.

Hôm nay, khi suy niệm trích đoạn Lời Chúa này, tôi nhận ra một câu hỏi nảy sinh trong tôi về hình ảnh của người môn đệ của Chúa Giê-su. Những người Pha-ri-siêu và kinh sư nói với Chúa: “Môn đệ của ông Gio-an năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pha-ri-siêu cũng thế, còn môn đệ của ông thì ăn với uống!”. Trong câu nói này, ngầm chứa sự so sánh và là sự so sánh về phương diện “đạo đức” giữa hai loại môn đệ. Phải chăng môn đệ của Chúa không đạo đức? Phải chăng môn đệ là người chỉ dừng lại nơi chuyện đạo đức như vậy, hay còn điều gì khác hơn? Và môn đệ của Chúa là người như thế nào?

Tôi không dám và không thể nêu lên tất cả những yếu tố trở thành tiêu chí để lượng giá thế nào là môn đệ của Chúa, nhưng, qua trình thuật Lời Chúa hôm nay, tôi khám phá thêm về một vài điều cần thiết để là “MÔN ĐỆ CỦA CHÚA”.

  1. NHỮNG NGƯỜI MÔN ĐỆ “ĐẠO ĐỨC”?

Chúng ta nghe lại lời các người Pha-ri-siêu và kinh sư đưa ra nhận định: “Môn đệ của ông Gio-an năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pha-ri-siêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!”. Nơi nhận định này chúng ta nhận ra cách đánh giá của họ. Đối với họ, các môn đệ của ông Gio-an Tẩy Giả và của các người Pha-si-siêu là những con người đạo đức, vì họ năng ăn chay cầu nguyện. Ăn chay và cầu nguyện là hai hoạt động chính của người đạo đức. Ăn chay diễn tả cuộc sống khổ hạnh, khổ chế. Đó là cuộc sống đạo đức vì có khổ hạnh và cầu nguyện. Các môn đệ của Chúa “ăn với uống”, nghĩa là không có sự khổ hạnh, cứ ăn uống như người bình thường, như mọi người, không như những người đạo đức kia có đời sống khổ hạnh.

Những môn đệ của ông Gio-an và của những người Pha-ri-siêu là những người đạo đức. Đó là việc tốt. Chúng ta phải công nhận như vậy. Nhưng cũng cần phải đặt vấn đề, nếu môn đệ chỉ có thế, chỉ là những người thực hiện một vài việc đạo đức, dù là siêng năng đi nữa, phải chăng đó là bản chất của người môn đệ?

Chúng ta suy nghĩ thêm một chút về việc thực hiện các việc đạo đức kia. Làm sao những người môn đệ kia lại được đánh giá là “năng ăn chay cầu nguyện”? Chắc chắn phải có những diễn tả bên ngoài khá rõ để người khác thấy mà lượng giá cao như vậy. Siêng năng ăn chay cầu nguyện là tốt và rất tốt; nhưng nếu “lộ liễu” sẽ có nguy cơ “biểu diễn” và rơi vào “thói đạo đức giả”. Chính Chúa đã khiển trách những người Pha-ri-siêu về vấn đề này rồi! Nguy cơ “trò học thầy” có thật trong trường hợp này. Khi để người khác thấy mình ăn chay cầu nguyện – như thích đứng ở ngã ba đường để cầu nguyện hay bộ mặt ủ rũ vì khổ chế – e rằng không còn là ăn chay cầu nguyện đích thực. Chúa đã khuyên là ăn chay cầu nguyện “kín đáo” để không ai biết.

Cũng có cái nguy cơ của việc so sánh hơn thua trong việc thực hiện các việc đạo đức. Đó là cái nguy cơ ẩn chứa của hư danh, của kiêu ngạo. Đây là một thứ “tội kín” rất nguy hại. So sánh với người khác, để cho mình hơn người trong việc đạo đức, phá đổ ngay chính nền tảng của những việc đạo đức. Chúng ta còn nhớ Chúa nói đến việc hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người Pha-ri-siêu và một người thu thuế. Ai là người, khi trở về, được công chính hoá?

Cũng ngầm chứa trong câu nhận định của những người Pha-ri-siêu và kinh sư, những thứ “duy”, những chủ nghĩa. Trong lịch sử Giáo Hội, đã có những thứ chủ nghĩa phá hoại và Giáo Hội lên án. Chủ nghiã “khổ chế quá độ” đến khinh chê các thụ tạo, từ chối hôn nhân và cả đi đến việc coi vật chất phát xuất từ một nguồn gốc xấu, từ ma quỉ. Cũng có thứ chủ nghĩa “duy cầu nguyện” chủ trương chỉ cầu nguyện và bỏ rơi mọi sinh hoạt khác của cuộc sống. Những chủ thuyết đó dẫn đến những sai lạc và dẫn đường nhiều tâm hồn đi vào con đường lệch lạc. Người môn đệ chỉ siêng năng ăn chay cầu nguyện mà quên đi các nghĩa vụ khác đối với tha nhân, e rằng đó không phải là những việc đạo đức chân chính.

Phân tích như trên, tôi không muốn loại trừ ăn chay và cầu nguyện, nhưng muốn nêu lên câu hỏi liên quan đến môn đệ của Chúa. Các môn đệ của Chúa bị phê bình là “chỉ ăn với uống” hoạ lại điều mà người ta cũng đã phê bình chính Chúa là “Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi”. Đúng là Thầy trò bị người ta đánh giá thấp như vậy! Cả Thầy và trò chẳng phải là những con người đạo đức! Cũng chẳng gương mẫu! Họ nhận định như vậy đó!

  1. VIỆC ĐẠO ĐỨC HAY Ở VỚI?

Trở lại với câu hỏi về người môn đệ của Chúa, tôi nhận ra một vài điều như sau.

– Đâu là mục đích Chúa kêu gọi và chọn những người làm môn đệ Chúa? Chúng ta đọc các trình thuật về việc Chúa gọi các môn đệ và thấy rằng Chúa gọi các ông “đi theo Chúa”. Đây là điều chính yếu. Đi theo Chúa để làm gì? Đây là trình thuật ẩn chứa câu trả lời: “Rồi người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng…” (Mc 3,13-14). Ở với Chúa và được Chúa sai đi. Đó là mục đích chính yếu. Ở với Chúa, đó là điều Chúa nhấn mạnh trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, “khi chàng rể còn ở với họ”. Được sai đi để “lưới người như lưới cá”, để “thu phục con người”, để “rao giảng Tin Mừng Nước Trời”. Như vậy, người môn để của Chúa là người sống mối tương giao thân tình với Chúa, với Thầy mình – ở lại – và ở với Thầy trong công cuộc của Thầy – được Thầy sai đi. Người môn đệ của Chúa không phải là người được kêu gọi để làm một vài việc đạo đức như ăn chay cầu nguyện. Họ sẽ thực hiện những điều đó. Môn đệ của Chúa phải là người trao cho Chúa toàn bộ con người của mình với tất cả những gì cấu thành con người của họ. Toàn bộ, trọn vẹn, chứ không phải chỉ một vài việc đạo đức.

– Người môn đệ Chúa được mời gọi để “ở lại trong tinh yêu” và “ở lại trong Chúa”, như chính Chúa mời gọi (x.Ga 15,4.9…) Người môn đệ của Chúa là sống trong “tình trạng”, nghĩa là kéo dài suốt đời ở trong Chúa, chứ không hài lòng với một vài việc đạo đức. Môn đệ của Chúa là “Luôn luôn ở với”, chứ không chỉ “siêng năng ăn chay cầu nguyện”.

– Người môn đệ của Chúa là người chia sẻ thân phận, vận mạng của Chúa, của Thầy, “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước… Anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15,18-20). Người môn đệ là “ở với Thầy trong hoàn cảnh của Thầy”, phải dám mang tiếng xấu như Thầy khi Thầy bị vu oan là “dựa thế quỉ vương Bê-en-dê-bun” (x.Lc 11,14-22). Không thể là môn đệ của Chúa được, khi Thầy bị thế gian chê, còn trò được thế gian khen. Đừng để lời khen của thế gian làm mất đi điều cốt yếu nối kết giữa Thầy trò.

– Người môn đệ của Chúa là người “ở với Chúa nơi Chúa ở”, đó là nơi Chúa Cha. Nghĩa là hiệp nhất, nên một với Thầy, và nên một với nhau trong Thầy, “để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng Ta” (Ga 17,21).

Một vài Lời Chúa trong Tin Mừng khai mở thêm cho tôi nhận rõ hơn thế nào là môn đệ của Chúa. Điều giúp tôi xác tín về môn đệ của Chúa, đó là “Ở VỚI”: Thầy ở với môn đệ và môn đệ ở với Thầy. Ở với không chỉ trong một không gian nào đó, mà là toàn bộ, để Thầy trò không xa rời nhau bao giờ. Đó là mối tương giao bền chặt, “bất khả phân ly”, vì đó là “nơi ở” của tình yêu. Và chính nơi đây, nơi tình yêu Thầy-trò mà người môn đệ sẽ học biết trở nên con người “đạo đức”

  1. ĐỂ ĐƯỢC CHÚA HUẤN LUYỆN

Những người được Chúa gọi làm môn đệ của Chúa, không phải là những người đạo đức, có chăng là ông Na-tha-na-en, “một con người không có gì gian dối”; nhưng ông cũng cần phải tiến hơn lên để trở thành môn đệ. Nơi các ông vẫn có những “vấn đề” như ghen tương, ham mê quyền lực, chỗ đứng. Điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là vì các ông “ở với” Chúa, nên Chúa sẽ từng bước huấn luyện các ông và chỉ dạy các ông. Khi sống với Thầy, các ông sẽ khám phá ra những nhu cầu của đời sống nơi chính các ông. Đời sống các ông là toàn bộ cuộc sống cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Các ông học được thế nào là phục vụ, là hy sinh mạng sống mình, như Thầy; thế nào là hiền lành, khiêm nhường như Thầy… Các ông được huấn luyện để nên giống Thầy trong mọi sự, chứ không chỉ làm một vài việc đạo đức. Các ông được Thầy chỉ cho biết cầu nguyện như thế nào và sẽ trải nghiệm khổ hạnh trong cuộc sống.

Các ông đã xin Thầy chỉ cho biết cầu nguyện: “Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông”. Và Chúa đã dạy các ông cầu nguyện với lời kinh tuyệt vời, Kinh Lạy Cha (Lc 11,1-4). Chính khi sống với Thầy, các ông khám phá nhu cầu cầu nguyện nơi mình. Và đó là cầu nguyện chân thật.

Các ông sẽ kinh nghiệm thế nào là vắng Thầy: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy… Anh em sẽ khóc lóc than van…”(Ga 16, 16-22). Lúc đó, vì buồn qúa các ông sẽ ăn chay. Như vậy, việc chay tịnh luôn phải phát xuât từ mối tình với Thầy. Không có tình yêu của Thầy và đối với Thầy, chay tịnh chẳng có ý nghĩa gì.

Và cuối cùng, các ông cầu nguyện trong thời gian chờ đợi điều Thầy các ông hứa ban: “Bấy giờ các ông trở về Giê-ru-sa-lem… Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su” (Cv 1,12-14).

Nhân dịp nghe lại nhận định của những người Pha-ri-siêu và kinh sư về các môn đệ của ông Gio-an Tẩy Giả và của họ khi so sánh với các môn đệ Chúa, tôi nhận ra cơ hội để bản thân xác định rõ hơn những yếu tố căn bản của người “MÔN ĐỆ CỦA CHÚA” mà tôi cũng như tất cả các Ki-tô hữu được mời gọi trở nên. Ước gì mỗi chúng ta, ngày qua ngày, được nên giống Thầy Giê-su, nên “đồng hình đồng dạng” với Con Chí Ái của Cha Trên Trời. Muốn được như vậy, chúng ta cần “Ở VỚI CHÚA”. Và đó là điều chúng ta cũng chúc cho nhau: “Chúa ở cùng anh chị em”.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ Tư, Tuần I, Thường niên (Mc 1,29-39) Cầu nguyện và làm việc Chúa chọn cả hai

Thứ Tư, Tuần I, Thường niên (Mc 1,29-39) Cầu Nguyện Và Làm Việc Chúa Chọn Cả Hai Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Với nhịp sống hối hả...

Thứ 3 Tuần I TN – Mc 1,21-28 Đức Giêsu giảng dạy như một Đấng có uy quyền

Đông Kỳ. PV Sau khi chịu phép rửa của ông Gioan Tẩy Giả ở sông Jordan, Đức Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai rao...

Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh, Mc 6,45-52: “Chính Thầy đây, đừng sợ!”

    „CHÍNH THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ!“  (Mc 6,45-52) Lam Châu, Phước Lý Phải chân nhận rằng, trong cuộc đời, chúng ta sợ nhiều thứ: sợ đói, sợ cô...

Thứ 2, ngày VI Tuần BNGS, Lc 2,36-40: Nói về Chúa cho mọi người

    NÓI VỀ CHÚA CHO MỌI NGƯỜI Thứ 2, Ngày VI Tuần Bát Nhật Giáng Sinh (Lc 2,36-40) Lam Châu, Phước Lý Trong tất cả các trình thuật về...

Ngày 26/12, Thánh Têphanô Tử đạo Tiên khởi (Mt 10,17-22; Cv 6,8-10.7,54-60)

Ngày 26/12, Thánh Têphanô Tử Đạo Tiên Khởi (Mt 10,17-22; Cv 6,8-10.7,54-60) Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôn qua, chúng ta đã long trọng mừng kính...

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi tìm vinh quang thật

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi Tìm Vinh Quang Thật Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Bản chất của Hội...

Kính thánh Phanxicô Xaviê, Mc 16,15-20

  KÍNH THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét tiểu sử: Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 tại Điên Xaviê thuộc...

Thứ 7, Tuần XXXIV, Kính Thánh Anrê Tồng đồ, Mt 4, 18-22

KÍNH THÁNH ANRÊ TÔNG ĐỒ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét về tiểu sử: Thánh Anrê quê ở Betsaida và là một...

Ngày 30.11 – Lễ kính thánh Andre Tông đồ

  HÀNH TRÌNH ƠN GỌI (Mt 4, 18-22) M. Kolbe, Phước Hiệp Lễ thánh Andre Tông đồ, là dịp để chúng ta suy niệm về tiếng gọi...

Thứ 6 Tuần XXXIV TN, Lc 21,29-33 Trời mới đất mới

TRỜI MỚI ĐẤT MỚI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Với bài diễn từ “Cánh Chung” Đức Giêsu tiên báo thành Giêrusalem...

Thứ Năm Tuần XXXIV TN – Lc 21,20-28 Giêrusalem bị tàn phá

  GIÊRUSALEM BỊ TÀN PHÁ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Để chúng ta biết được phần nào đoạn Tin Mừng của thánh...

Thứ 4 Tuần XXXIV TN – Lc 21,12-19 Vì danh Thầy anh em sẽ bị bắt nộp và ngược đãi

  VÌ DANH THẦY ANH EM SẼ BỊ BẮT NỘP VÀ NGƯỢC ĐÃI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Các môn đệ cũng như...