MỘT VÀI NÉT PHÁC HỌA
NIỀM VUI NƠI
CHA TỔ PHỤ BIỂN ĐỨC THUẬN
Duyên Thập Tự
Trong cuộc sống, ai cũng muốn vui, thích vui và đi tìm niềm vui cũng như tạo cho người khác những niềm vui. Niềm vui là một trong những điều đáng mong muốn nhất. Niềm vui là kết quả của nỗ lực và đồng thời là động lực giúp vươn lên và kiên trì trong công cuộc xây dựng đời sống của mình và tha nhân. Nhưng, nếu có những niềm vui giúp thăng hoa cuộc sống con người, thì cũng có những loại vui thích là băng hoại và giết chết cuộc sống. Một niềm vui chân chính và đích thực luôn đi đôi với hạnh phúc, nghĩa là nó mang lại ý nghĩa sâu xa cho cuộc sống con người.
Bàn luận đến niềm vui nơi một người nào đó không phải là một việc dễ dàng, vì đòi hỏi phải đi vào tận cõi thâm sâu lòng họ. Chúng ta chỉ biết những biểu hiệu, những hiện tượng bên ngoài của ai đó, để kết luận là họ đang vui hay đang buồn. Có thể những dấu chỉ bên ngoài đánh lừa chúng ta dẫn đến những nhận định không chính xác. Chính vì thế, điều quan trọng là hãy lắng nghe chính bản thân người đó lên tiếng, để qua những ngôn từ, chúng ta có thể giải mã một phần nào đó những niềm vui nơi họ. Cũng sẽ giúp ích cho chúng ta trong việc khám phá niềm vui của người khác, khi có những chứng nhân, những người đã chia sẻ cuộc sống của họ, nêu lên một vài yếu tố trong nếp sống như là những chất liệu màu sắc giúp vẽ lên bức tranh tâm hồn của một con người. Theo hướng đó, bài viết này, sẽ dành nhiều không gian cho những nhân chứng lên tiếng về Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận và cho chính những gì ngài nói lên về niềm vui.
PHÁC HỌA MỘT CHÂN DUNG
Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận là người không thích chụp hình, lại càng không thích chụp chân dung của mình. Viện Phụ Emmanuel-Triệu Chu Kim Tuyến, tác giả sách Hạnh Tích và là một chứng nhân sống động, đã kể lại câu chuyện xảy ra ngay trên giường bệnh, khi Cha Tổ Phụ đang lâm trọng bệnh và vừa được đưa về với cộng đoàn để sống những ngày cuối cùng. “Thầy y tá mời ngài dùng chén sữa đã, khi ấy ông Hội Nghi ở Huế ra, tùng hành có cậu Thoại với máy chụp hình để xin chụp bức ảnh cha làm kỷ niệm. Ngài dùng sữa xong, thầy y tá đến sửa soạn chung quanh đầu giường khăn gối cho tử tế, ngài nói “làm chi đó con”? Thưa: “Ông Hội ra có cậu Thoại đi theo, xin cha ban phép chụp tấm ảnh làm di tích”. Ngài tỏ mặt nghiêm nói: “Không, con! Cha rất không bằng lòng chụp hình cha, con nói lại với ông cho tử tế.”[1]
Tấm hình thường được sử dụng – và nhờ đó vẽ chân dung ngài – được chụp cùng với cộng đoàn Phước Sơn. Tấm hình này không ghi ngày tháng. Ngài mặc áo thụng, nghĩa là đã khấn trọn đời. Chân dung được lấy từ tấm hình chụp chung này là khuôn mặt mà đôi mắt nhìn xuống đất và một bộ râu dài. Tấm hình chân dung này đã được sử dụng xưa này như là hình tượng duy nhất về khuôn mặt và tâm hồn ngài. Hình ảnh đó muốn diễn tả điều gì?
ĐẬM CHẤT KHẮC KHỔ
Tác giả sách Hạnh Tích đã miêu tả Cha Tổ Phụ như một con người khắc khổ, cuộc sống đậm chất khổ hạnh. Chúng ta đọc lại một vài trích đoạn miêu tả cuộc sống của Cố Thuận tại Tiểu Chủng Viện An Ninh
“Cố Thuận làm việc nhiều mà lại dùng vật thực rất ít và rất thanh đạm. Buổi mai chỉ vài ba củ khoai là xong. Món chi dọn trước mặt thì ngài dùng món ấy, thường là rau, măng. Ngài không dùng thịt, cá, trứng, trừ những hoàn cảnh đặc biệt khi ấy ngài cũng dùng ít hết sức, còn các thứ rượu và hút thuốc thì không bao giờ. Các chú biết ngài thích rau, măng, thì hay đặt những món đó gần ngài. Mười phút là xong bữa cơm cố Thuận, một bát trà xuông kết liễu! Đoạn cha vòng tay nghe sách hoặc suy gẫm, nếu là ngày nói chuyện thì ngài đem sách riêng mà xem. Mỗi đêm cha chỉ nghỉ 5 giờ, không có giờ nghỉ trưa; lúc đó cha vào nhà thờ viếng Mình Thánh Chúa. Các ngày thứ sáu quanh năm và trót mùa chay cả, ngài giữ chay rất ngặt. Bởi cha hãm mình quá nên ốm o gầy gò, song không bao giờ sao nhãng việc nhiệm vụ. Học trò thấy cha hãm mình thì cũng bắt chước, sau cố Bề trên biết thì cấm hẳn. Cố Thuận theo gương cha mẹ, mến yêu đức khó khăn và khinh chê tiền bạc. Các cựu học sinh minh chứng: trong phòng ngài chỉ có một bàn viết xấu, vài ba cái ghế xấu, một giường nhỏ, không nệm, gối đầu bằng cục gỗ, một cái tủ đời thượng cổ, vài ba bộ quần áo vải thô, năm bảy quan tiền cho kẻ khó, một ghế quỳ nhỏ, một kệ để sách. Trên tường treo một mẩu ảnh thánh giá, một ảnh Đức mẹ chỉ bảo đàng lành, ngoại giả không thấy vật chi trao giồi mỹ thuật. Quanh năm cha vốn đi chân không mùa nào cha cũng chỉ mang một áo lót vải thô với một áo dài đen vải dù rất mỏng. Ngài quen nói: “Hai dư một” hễ hư mua cái mới vất cái cũ đi, trừ quần áo thì phải có cái thay đổi. Bao nhiêu tiền lễ ngài gửi cho cha mẹ gần hết, chỉ để dư ít chút làm phước cho kẻ khó khăn. Đồ thờ phượng cha cũng ướp nực hương trần đức khó khăn: Cha giữ rất sạch sẽ tinh vi song không có chút chi là hào nhoáng.
Cha giáo Thuận giữ nết na nghiêm chỉnh lắm. Ngài giữ bậc khiêm nhường thứ XII trong luật thánh Tổ Bênêđictô kỹ lắm, bất kỳ đi đâu ở đâu, ngài quen giữ thái độ đầu cúi xuống, hai tay tréo lại, cặp mắt ngó xuống, không trông ngang ngửa. Không bao giờ cha tiếp khách phụ nữ, dầu các bậc quý phu nhân, hay ra lẽ nọ lẽ kia kiếu không đi ăn tiệc, không chơi đôminô, không tắm biển, ngồi ghế không dựa; dựa lưng vào ghế thì ngài cho là dung dưỡng xác thịt. Học trò thấy gương ngài thì bắt chước như thơ ngài viết cho cha mẹ rằng: “tuần này học trò con vào phòng. Nếu cha mẹ thấy các chúng đi lại trong nhà thì chắc cha mẹ sẽ cho là những thầy dòng nhỏ, vì các chú đi nghiêm trang mắt ngó xuống vừa đi vừa sốt sắng lần hột”[2]
Nếu khi còn ở chủng viện mà cuộc sống của ngài đã đậm mầu sắc khắc khổ, thì huống chi khi lập dòng “khổ tu”, Cha Biển Đức Thuận lại sống cuộc đời khổ hạnh biết bao. Chúng ta tự hỏi tại sao ngài lại sống khắc khổ như vậy và thành lập một dòng tu mà người đương thời gọi là “dòng giết ngài” (giết người)! Phải chăng đời ngài chỉ có thế ?
HƯƠNG VỊ KHÔI HÀI
Nhưng có một nét cũng khá nổi bật nơi ngài, đó là sự khôi hài. Tác giả sách Hạnh Tích đã chuyển ngữ các thư tín của Cha Tổ Phụ từ tiếng pháp sang tiếng việt. Những kiểu nói khôi hài riêng cho tiếng việt được tác giả sử dụng, thiết tưởng không làm mất đi tính chất lạc quan mà Cha Tổ Phụ đã sử dụng các thành ngữ của tiếng pháp. Chúng ta đan cử một vài trường hợp.
– Khi đề cập đến sức khỏe của mình, Cha Tổ Phụ luôn có một ánh nhìn lạc quan, dù sự thật không hoàn toàn như vậy.
“Xin cha mẹ lo giữ mình cho khoẻ, cha mẹ biết rằng: nếu cha mẹ liều mình để phải đau yếu thì lỗi đức thương yêu nặng nề như núi! Phần con không cần chi phải giữ cho khỏi phạm tội ấy, vì dầu con gầy còm như con tu hú, con còn khoẻ như cái cầu mới, và mạnh bằng nửa tá người Thổ Nhĩ Kỳ rất lực lưỡng! Không chút bệnh tật chi trong mình con, dầu hơi đau, dầu một chút cũng không!”[3]
“Xin Thánh Tâm Đức Chúa Giêsu phù hộ, an ủi mẹ, ban cho mẹ sự bằng an khoái lạc luôn. Con không phải nói con mạnh khoẻ vì Mẹ đã biết. Thiết tưởng con cân không được 50 ký, song chắc con mạnh bằng hai ba người Thổ Nhĩ Kỳ!”[4]
– Khi miêu tả các lớp giáo lý của mình, Cha Tổ Phụ đã thổi vào nhưng tình huống một chút hương vị khôi hài:
“Con viết thơ này giữa một lũ 60 đứa trẻ, chúng nó đang học kinh bổn om sòm chung quanh con và nhờ lúc con mắc viết đây mà tập võ ngầm với nhau dưới bàn con. Con nói một lũ trẻ vì ở đây người lớn nhiều khi cũng ăn ở như trẻ con, nếu không coi luôn thì người lớn cũng chơi như con nít: các bà thì cãi nhau về giá lúa, giá gạo, các ông thì hỏi nhau về giá thuốc, thuốc ngon thuốc lạt. Đang cãi lẫy chuyện trò với nhau mà thấy bóng cha sở đến thì họ lại la kinh bổn om sòm. Nếu quở trách họ sao làm vậy thì họ trả lời: Bẩm không ạ, chúng con có nói chuyện chi đâu, chúng con cãi lẽ đạo với nhau đó thôi!”[5]
“Cái phòng con dạy học đây vuông vức 5 thước tây, ở giữa có bàn ghế con ngồi, còn họ thì ngồi dưới đất, đàn ông bên hữu đàn bà bên tả, con nít thì bận áo da “mốt Adong Evà”, chạy quanh khắp chỗ, rúc cả vào gầm bàn con, có đứa rung chân bàn, có đứa làm việc tự nhiên xông mùi khó chịu khắp cả nhà. Các ông thì hút thuốc, khói bay cuồn cuộn chung quanh con, các bà thì ăn trầu nhổ nước cốt đỏ lòm như máu. Đó cha mẹ xem cái phòng dạy học của con khác xa phòng khách các ông hào phú, các vị tước công biết chừng nào!”[6]
– Và đây một vài tình huống cuộc sống nơi Phước Sơn:
“Chiều qua con tưởng các Thiên Thần hộ thủ đã gìn giữ chúng con cách lạ: Mấy thầy dòng con đang làm vườn mới phở gần rú, có con chó đi theo. Bác chó đang chạy lăng xăng trong bụi, thình lình chú cọp ở đâu nhảy ra vồ, song vồ hụt. Thất kinh, chó ta cúp đuôi chạy cuốn lại với các thầy, làm họ cũng sợ mà không biết chuyện chi, chỉ một mình con ở sau bụi, thấy rõ chú cọp, cách con có mấy thước, song chú không thèm ngó con, cứ lủi thủi đi, thật vô phép quá! Mặc lòng con làm thinh cho chú, không thèm cái phép lịch sự của chú! Xin mẹ cầu cho chúng con nhiều.”[7]
“Thăm mẹ yêu dấu của con, con viết ba chữ tin cho mẹ hay: cái nhà đẹp nhất của chúng con nay đã biến thành đống tro tàn. Trót cơ nghiệp nhà dòng ở cả trong đó: sách vở, thuốc men, quần áo, vật thực, hột giống thảy thảy đều cháy hết. Mặc lòng chúng con đã hát Magnificat trọng thể tạ ơn Chúa, vì lẽ ra các nhà khác cũng bị đồng một số phận!”[8]
“Con nói có lẽ mẹ không tin, song rất thật, là một hôm lạnh lắm, con run cả mình, vì áo mỏng, nhà trống tứ vi, của ăn lại kém,.. mặc dầu, muôn năm ông thần lạnh, vì Chúa nhân từ muốn thế!”[9]
“Đến giờ cộng đồng an toạ rồi, Cha Bề Trên cầm tờ “OBEDIENTIA”(vâng lời) thứ nhất và kêu: Rev. De Pater Bernarde, đồng thời Ngài lấy chân đun cái đệm quỳ lui ra có ý cho anh em đến lãnh tờ “Obedientia” thì quỳ trên đó, Cha Bernard nghe kêu, chỗi dậy đến trước mặt Ngài, bái sâu và quỳ xuống đất không quỳ trên đệm, Cha Bề Trên làm thinh đọc tờ “vâng lời”: “Con yêu dấu nhân danh Đức Chúa Giêsu, Cha dạy con làm Bề trên II…. Làm quản lý và dạy khoa Thần Học phần Tín Lý …” và cứ tuần tự kế tiếp nhau, các Cha rồi đến các anh, ai tới cũng không quỳ trên đệm, sau 4,5 người như vậy, đến lượt người thứ năm. Thì Ngài lại đẩy cái đệm lui ra hơn, nhưng anh ấy cũng quỳ lui xa hơn, cả nhà đều cười và Ngài cũng cười và nói: “Cha cười vì có tích: xưa có vị Đô Đốc Hải Quân, có bệnh hay “khạc nhổ” bạ đâu nhổ đó, triều thần đã biết, nên khi ông vào chầu Vua, thì sai lính cầm sẵn bình phóng bằng vàng phòng khi ông khạc nhổ đâu thì đem đến song khi đưa đến thì ông lại nhổ ra ngoài, một lúc sau ông lại toan khạc nhổ, lính vội đưa bình phóng đến. Ông nói ngay: “Mi để đó, tao nhổ vô cho mà coi…”. Cả nhà cười ầm lên.”[10]
Một vài đoạn trích trong sách Hạnh Tích cho chúng ta thấy khung cảnh bên ngoài và con người của Cha Tổ Phụ. Những diễn tả bên ngoài mang mầu khổ hạnh nhưng cũng đậm hương vị khôi hài. Nơi ngài có sự dung hợp và hài hòa giữa hai điều như thể khác biệt và bất khả dung hợp: khổ hạnh và khôi hài. Nhưng sâu xa hơn, chính niềm vui là điều giữ thế quân bình cho hai thái cực trên.
VẠN TUẾ CHO SỰ VUI
Khi đọc các giáo huấn thiêng liêng của Cha Tổ Phụ, chúng ta dễ thấy nơi đó ẩn chứa những niềm vui trong nhiều phương diện và dưới nhiều khía cạnh. Khi đề cập đến những vấn đề gây nên khổ đau, ngài thường kết luận bằng cách dẫn tâm hồn các môn sinh của mình đến niềm vui. Chúng ta cùng nghe lại một vài trích dẫn.
– Khi đề cập đến “sống kết hiệp với Chúa”, Cha Tổ Phụ xác nhận: “Nếu trong nhà này đặng như vậy, thì vui biết mấy… Vậy sống thiêng liêng, là sống với Chúa, với Đức Mẹ và các thánh trên trời; cũng như chúng ta sống trong nhà này, với Bề Trên và các anh em vậy. Sự sống thiêng liêng thiết thực là như thế đó. Có như vậy, ở trong nhà dòng này mới vui thích.”[11]
– Khi diễn giảng về “ba sự sốt sắng”, ngài bắt đầu bằng một nhận định: “Trong chúng ta có nhiều kẻ buồn, vì khi mới khởi sự đi đàng nhân đức thì hiểu rõ và vui vẻ; bây giờ thì không vui, không sốt sắng chi nữa”[12].
– Khi giải thích về “đức mến”, Cha Tổ Phụ mời gọi hướng tầm nhìn lên Chúa để hiểu thế nào là tình yêu: “Vì lòng Người yêu chúng ta, nên buộc chúng ta phải kính mến Người, để chúng ta được nhờ mà thôi. Vì khi chúng ta được xem thấy Đức Chúa Trời, thì được sung sướng toại chí phỉ lòng phỉ dạ, không còn thiếu chi nữa.”[13] Và khi đề cập đến tình huynh đệ, ngài cũng rất thực tế khi mời gọi mỗi người tự vấn: “Chúng ta xét xem coi: Trong ngày hôm nay, tôi có làm chi cho Bề Trên và anh em tôi được vui chăng? Coi ngày hôm nay, tôi có cố gắng làm việc chi cho Bề trên và anh em tôi bớt sự khó nhọc không? Nhưng, giúp đỡ anh em bằng sự cầu nguyện thì làm được luôn”[14].
– Khi mời gọi các đan sĩ mở rộng tâm hồn để “cứu giúp các linh hồn”, Cha Tổ Phụ giúp họ khám phá niềm vui ngay trong những khổ đau khi kết luận: “Vậy, khi chúng ta gặp sự gì trái ý cực lòng, hay sự khốn khó nào, hãy dâng cho Chúa để cứu các linh hồn. Như vậy, ở trong nhà dòng mới vui; và khi gặp sự khó, mới dễ chịu, vì được dịp mà tỏ lòng mến Chúa, cứu các linh hồn cho Chúa”[15].
– Khi triển khai về việc “thương yêu nhau”, một lần nữa, Cha Tổ Phụ không dừng lại nơi lý thuyết mà nêu lên những yếu tố cụ thể. Trong trường hợp này, ngài nói: “Vậy, cha hết lòng khuyên về sự ấy cách riêng: là hãy yêu thương nhau. Nếu trong nhà, mọi người đều bỏ mình đi mà lo đến anh em cách riêng; thì mọi người trong nhà đều được sự an ủi, vui vẻ biết mấy. Chớ có ai dựa vào bổn phận mà làm cực lòng anh em”[16].
– Với một đức tin vững mạnh, Cha Tổ Phụ đã đón nhận và hơn thế nữa, ấp yêu thánh giá trong cuộc đời; chính vì thế, khi đào sâu về sự “yêu mến thánh giá”, ngài có những lời nói phát xuất từ những trải nghiệm sống động: “Nếu chúng ta biết ấp yêu thánh giá vào lòng, thì mọi sự gian nan tân khổ đời này, không làm cho chúng ta nao núng. Có lòng trìu mến Thánh Giá thật, thì ở trong Nhà Dòng này rất đỗi vui mừng. Như vậy, ai làm chi được chúng ta! Bề trên có quở phạt, anh em có khinh chê, đó là Thánh Giá, là điều mình hằng nâng niu trân trọng. Những kẻ ấy ở trong nhà dòng này vui thích biết mấy”[17].
– Khi giúp các môn sinh biện phân đâu là “sự kín nhiệm của các thầy dòng contemplativi”, Cha Tổ Phụ khuyến khích: “Biết có Cha chúng ta hằng ở với chúng ta, nào có ai làm chi được, cho nên được bình an vui mừng luôn. “Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì; nơi đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi an nghỉ”. Kẻ gặp được Chúa như vậy, thật là thầy dòng. Kẻ ấy hằng khao khát linh hồn người ta, thương yêu anh em mình lắm, và hay xét lành cho anh em. Kẻ gặp được Chúa như vậy, lấy làm vui thích quá chừng, kẻ ấy dầu ai đem cho bạc tiền, cũng chẳng muốn ngó lại, vì đã gặp được Chúa là của vô giá”[18].
– Cha Tổ Phụ đã nhận định rất chính xác là ai có Chúa thì vui mừng khôn xiết. Ngài nêu lên trường hợp Đức Mẹ và bà thánh Isave: “Chúng ta thấy Đức Mẹ vui mừng, bà thánh Isave vui mừng. Bởi đâu Đức Mẹ vui mừng vậy? Vì Đức Mẹ không ở một mình, có Chúa Giêsu ở với. Có Chúa Giêsu ngự trong lòng Đức Mẹ, nên Đức Mẹ được sung mãn ơn phúc”. Ngài cũng nêu lên trường hợp thánh nữ Têrêxa Cả và thánh Phanxicô Assisi, những vị đã cảm nghiệm niềm vui dạt dào vì có Chúa; và ngài kết luận: “Bởi đâu các đấng vui mừng quá vậy? Vì các đấng ấy đã được phúc khác rồi, chứ không phải phúc đời này. Mà hễ bao lâu chúng ta đang còn lấy các sự vui đời này làm cái chi chi, thì chưa được sự vui mừng ấy đâu”[19].
– Cha Tổ Phụ rất lạc quan về cuộc sống hằng ngày: mỗi ngày đều có niềm vui. Ngài giải thích: “Mùa Áp, là đầu năm Hội Thánh. Chúng ta hãy bắt đầu lại. Bắt đầu một cách vui mừng, mạnh mẽ… Nếu mỗi ngày chúng ta có làm được một việc chi, thì thấy trong mình thêm vui. Mà ngày nào cũng có việc mà làm, cho nên vui luôn. Còn như ở nhưng ở nể, không làm chi, thì chỉ thêm buồn”[20].
– Những niềm vui ở trần gian này mau qua chóng tàn như Cha Tổ Phụ đã nhận định rằng mọi sự đều mau qua chóng hết. Ngài mời gọi các môn sinh hướng vọng trời cao. Nhưng đâu là biểu hiệu nội tâm để thẩm định là lòng trí đang gắn kết ở đâu. Ngài giải thích: “Chúng ta hãy xét mình xem. Lòng chúng ta có mong mỏi khát khao thiên đàng không? Khi chúng ta suy một ít nữa được về thiên đàng, một ít nữa chúng ta được nhìn thấy Chúa và Đức Mẹ yêu dấu của chúng ta. Khi chúng ta suy như vậy, trong lòng có lấy làm vui, có mong mỏi mau về cùng Chúa không? Nếu thấy trong mình vui sướng, và mong mỏi về với Chúa, ấy là dấu tốt, là dấu linh hồn khỏe mạnh…”[21].
– Trước giờ phút vĩnh biệt con cái mình vì giờ chết gần đến, Cha Tổ Phụ đã để lại lời trối như một di chúc thiêng liêng làm hành trang cho họ. Ngài không quên nhắc nhở họ về niềm vui thuận theo thánh ý Chúa: “Vậy, trong chúng con chớ có ai buồn, chớ có áy náy lo sợ. Một đi chung cùng nhau, vui vẻ theo Thánh ý Cha chúng ta”[22].
KẾT:
PHƯỚC CỦA CHÚA VÀ PHÚC CỦA ĐỜI TA
Một vài trích đoạn trong cuốn Hạnh Tích và những điều Cha Tổ Phụ diễn tả trong các giáo huấn thiêng liêng được sưu tập lại trong cuốn Di Ngôn hé lộ cho chúng ta một số khía cạnh về niềm vui nơi ngài. Đó là những niềm vui vừa trong sáng vừa sâu lắng của một tâm hồn sống kết hiệp với Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.
Chúng ta có thể suy diễn rằng niềm vui nơi Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận luôn song hành với cái “Phước”: chỉ ai cảm thấy mình có phước thì mới có niềm vui. Nhưng đó là cái phước nào? Ngài hỏi và trả lời: “Phước của Chúa nghĩa là gì? – Là Chúa biết Chúa, là Chúa yêu mến Chúa trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Mà kẻ có ơn nghĩa, cùng được thông phần sự hiểu biết và tình yêu phước lạc đó”[23]. Và ngài cũng đưa ra những nhận định rất cụ thể: “Chúng ta thì cứ lo ra sức mà tìm những sự hèn hạ đời này, mà quên phước rất trọng là Chúa ở cùng chúng ta. Người ngự thật trong lòng chúng ta, chúng ta thì cứ ra sức tìm một hai chút hèn hạ cho vừa xác thịt…”[24].
Như vậy, phước của Thiên Chúa luôn đi đôi với niềm vui của Chúa, và phước lạc đó được thông chia cho chúng ta. Điều đó minh chứng nơi những ai sống niềm vui và hạnh phúc trong chính cuộc sống và ơn gọi của mình. Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đã tìm ra con đường ơn gọi đan tu, hay đúng hơn, Thiên Chúa đã chọn cho ngài và niềm vui, hạnh phúc đó được kết dệt ngay trong sinh hoạt của đời sống ẩn dật này. Chúng ta hãy lắng nghe tâm sự của ngài: “Phần vụ của thầy dòng chúng ta, không phải là hoạt động bên ngoài, nhưng là việc dâng lên Chúa bài ca chúc tụng liên lỉ. Phước của đời chúng ta là trở nên một ‘loài chim’, hót lên lời ca ngợi Chúa, theo gương Đức Mẹ là con chim hót hay hơn cả”[25]. Chính vì thế, ngài hằng cảm tạ Thiên Chúa về ơn gọi đan tu và mời gọi các môn sinh của mình luôn cám ơn Chúa đã gọi vào dòng: “Chúng tôi hãy năng nhớ lại mà cám ơn Chúa, vì Chúa đã thương gọi chúng tôi vô dòng này. Thật là một ơn rất trọng… Một thầy dòng thật, khi có việc phải đi khỏi nhà dòng, hoặc cực chẳng đã phải đi nhà thương, thì khi ấy mới biết phước trọng của kẻ ở trong nhà dòng là thế nào… Vậy, chúng tôi hãy năng nhớ lại, mà hết lòng cám đội ơn Chúa đã ban phước trọng ấy cho chúng tôi, và hằng ra sức ăn ở cho xứng bậc cao trọng ấy, là bậc Chúa đã thương ban cho chúng tôi”[26].
Niềm vui đời con là Chúa và đời con đang sống đây chính là đời đan tu. Niềm vui Chúa ban cho và con đang hưởng là “NIỀM VUI ĐỜI ĐAN TU”.
[1] Emmanuel-Triệu Chu Kim Tuyến, Hạnh Tích, tái bản năm 2008, tr.230.
[2] Hạnh Tích, tr.45.
[3] Hạnh Tích, tr.46.
[4] Hạnh Tích, tr.187.
[5] Hạnh Tích, tr.55.
[6] Hạnh Tích, tr.54.
[7] Hạnh Tích, tr.143.
[8] Hạnh Tích, tr.158.
[9] Hạnh Tích, tr.164.
[10] Hạnh Tích, tr.226.
[11] Di Ngôn, s.107 “Sống kết hiệp với Chúa”, tr. 126.
[12] Di Ngôn, s.111 “Ba sự sốt sắng”, tr. 132..
[13] Di Ngôn, s.112 “Về đức mến”, tr. 134.
[14] Di Ngôn, s.112 “Về đức mến”, tr. 134-135.
[15] Di Ngôn, s.121 “Cứu giúp các linh hồn”, tr. 151.
[16] Di Ngôn, s.122 “Thương yêu nhau”, tr. 152.
[17] Di Ngôn, s.126 “Về sự yêu mến Thánh Giá”, tr. 157.
[18] Di Ngôn, s.141 “Sự kín nhiệm của các thầy dòng contemplativi”, tr. 182.
[19] Di Ngôn, s.144 “Đức Mẹ thăm viếng bà Isave”, tr. 186.
[20] Di Ngôn, s.146 “Mùa Áp : Hãy bắt đầu lại”, tr. 188.
[21] Di Ngôn, s.148 “Về sự khát khao thiên đàng”, tr. 190.
[22] Di Ngôn, s.150 “Lời trối”, tr. 193.
[23] Di Ngôn, s.108 “Về ơn nghĩa”, tr.128.
[24] Di Ngôn, s.109 “Khi được ơn nghĩa thì được gì?”, tr.130.
[25] Di Ngôn, s.128 “Không nên than van kêu trách”, tr.161.
[26] Di Ngôn, s.133 “Cám ơn Chúa đã gọi chúng tôi vào dòng”, tr.167-168.