Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVI (Mattheu 13, 24-43)
SỐNG MẦU NHIỆM NƯỚC TRỜI
TRONG SỰ KIÊN NHẪN VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
Trong kiếp sống nhân sinh, thuật ngữ “kiên nhẫn” trở thành kim chỉ nam hay quy luật trường tồn và phát triển của vạn vật. Đức Thánh Cha Phanxico đã từng quảng diễn: Tự bản chất, kiên nhẫn như là bản tính thứ hai của Thiên Chúa cùng với lòng thương xót. Và qua chương trình cứu độ của Thiên Chúa chúng ta thấy rõ lòng bao dung, sự thương xót, kiên nhẫn… là những đặc tính nói lên lòng nhân hậu của Thiên Chúa.
Cùng với chủ đề của bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ XVI hôm nay. Chúng ta cùng nhau suy niệm và chia sẻ về sự kiên nhẫn và lòng thương xót của Thiên Chúa.
“Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại cỏ lùng không?”28b. Sẽ có nhiều người trong chúng ta đặt ra những câu hỏi: Tại sao Thiên Chúa không hủy diệt kẻ gian ác đi? Có phải như thế thì thế giới sẽ an bình hơn không? Hay là tại sao Thiên Chúa im lặng cho sự ác?… Vấn đề đặt ra ở đây không phải là Thiên Chúa không có đủ quyền năng để làm điều đó, điều chính yếu là “sự tự do” mà Thiên Chúa đã ban cho con người mà Ngài tôn trọng và không muốn tước đoạt quyền tự do đó. Ngài muốn con người sử dụng tự do đó để tìm về nguồn chân thiện mỹ. Nếu nhổ hết cỏ lùng khỏi ruộng; nếu kẻ có tội bị xua đuổi thì còn ai sống chung với chúng ta đây?
Thiên Chúa vẫn luôn luôn là một Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, đầy lòng yêu thương, Ngài vẫn chờ đợi như người cha chờ đứa con hoang đàng trở về. Thiên Chúa vẫn là một Thiên Chúa kiên nhẫn và có tấm lòng bao dung để hoán cải những tội nhân như nhân vật John Frank John trong câu chuyện Những Người Khốn Khổ của Victo Hugo. Trước khi trở thành thị trưởng của một thành phố thì ông là một tên tù tội. Trong một lần vừa ra tù thì John Frank John đã lén vào Tòa Giám mục lấy trộn các đồ thánh thì bị cảnh sát phát hiện và bắt giữ. Sau đó ông ta bị giải tới với Đức Giám mục. Thay vì lên án kết tội kẻ trộm cướp thì vị giám mục đã nói với viên cảnh sát rằng những thứ đó là tôi cho anh đó và ngài còn lấy thêm những thứ khác để trao cho tên trộm John Frank John. Chính cử chỉ đầy nhân hậu và lòng thương xót đã hoán cải tên tù tội này từ ngày ấy.
Một mặt, kiên nhẫn là điều kiện để dẫn đến lòng thương xót. Mặc dù chúng ta biết cỏ lùng luôn cản trở sự phát triển của lúa. Tuy nhiên, điều mà Thiên Chúa nhìn thấy thì vượt lên trên sự ác. Đó là lòng thương xót của Người để cứu chữa những tâm hồn sai lạc, đưa họ trở về như mục tử bỏ 99 con để đi tìm con chiên lạc, bởi đó cũng là thọ tạo mà Ngài dựng nên và đó cũng là anh chị em của chúng ta. Cũng thế, việc biến đổi từ cỏ lùng thành lúa tốt là một việc mà thiết tưởng con người chúng ta thì không thể, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể. Con người cho rằng những kẻ gian manh, xảo trá chỉ là rác rưởi của xã hội, chúng chẳng thể nào thay đổi. Với Thiên Chúa Ngài nhìn con người dưới lăng kính yêu thương, tin tưởng và thương xót một cách đầy kiên nhẫn.
Là người thì ai trong chúng ta lại chẳng muốn mình là người tốt, chẳng ai muốn mình trở thành hay bị xem là kẻ xấu, kẻ ác cả. Thế nhưng, trong cuộc sống nhiều khi vô tình hay hữu ý ta trở thành kẻ bóp nghẹt hay giết chết thiện chí trong con người anh chị em của mình. Bởi ta cho họ là vật cản đường, là cỏ lùng, là kẻ ác, không được phép hiện diện trong cuộc đời của ta. Thế là ta dễ dàng lên án, vùi dập tha nhân cách không thương tiếc. Thay vì nâng đỡ, khích lệ họ vượt qua khó khăn thì ta dập tắt thiện chí của họ bằng những lời nói hay hành động khinh bỉ, không đón nhận họ. Như thế là chúng ta đang đi xa với giáo huấn của Tin Mừng mà Chúa đang mời gọi mỗi người chúng ta.
Mặt khác, Thiên Chúa còn thể hiện sự kiên nhẫn và lòng thương xót của Ngài qua sự ưu ái, quan tâm. Một Gia-keu sừng sỏ của những kẻ thu thuế đã dám bỏ nghề vì một cử chỉ quan tâm đặc biệt đầy thân ái của ĐGS. Ông đã nhận ra tình thương của Thiên Chúa. Trước mắt người Do-thái thì ông là một kẻ phản quốc, hạng rác rưởi, là thứ cỏ lùng làm khổ dân tộc mình. Thế nhưng, với ĐGS Ngài tỏ tình thương mến thân ái với ông bằng cử chỉ kêu gọi ông xuống khỏi cây: “hôm nay tôi phải trọ lại nhà anh”. Điều đầu tiên là ông vui mừng đón tiếp Chúa, sau đó ông đã hứa trả lại tất cả những gì ông bóc lột người khác và có hành động hào hiệp là sẽ đền gấp 4 những gì ông lấy của người khác. Điều gì đã thay đổi thái độ của Gia-kêu? Đó là tình thương của Chúa. Chúa đã đụng đến nỗi khát khao làm người lương thiện của Gia-kêu. Chính Con Thiên Chúa đã đến với con người và biến đổi con người bằng ân sủng, tình yêu và lòng thương xót của Người chứ không phải là sự lên án hay xét đoán. Đó là mầu nhiệm của Nước Trời. Con người chỉ có thể biến đổi nhờ men Tin Mừng, men yêu thương mà Chúa đã dạy mỗi người chúng ta. Đó là thứ men có thể biến đổi cỏ lùng thành lúa tốt, men mà có thể biến đổi kẻ tội lỗi nên người lương thiện.
Qua hình ảnh John Frank John, người con hoang đàng hay như Gia-kêu là những đại diện mà thế gian cho là cỏ lùng, là rác rưởi thì họ đã hoán cải, thay đổi đời sống của mình bởi họ đã nhận ra lòng Chúa thương xót và tha thứ cho họ. Qua đó, chính sự bao dung và tha thứ của Thiên Chúa đối với tội nhân nói lên Ngài là người cha nhân hậu của chúng ta, là một vị Thiên Chúa vô cùng kiên nhẫn, chậm giận và giàu tình thương. Có thể trong cuộc sống đã rất nhiều lần ta như Gia-kêu, như John Frank John, như người con hoang đàng. Thế nhưng, Thiên Chúa vẫn luôn chờ đợi ta đến với lòng thương xót của Ngài. Hay đúng hơn, Thiên Chúa luôn đi bước trước, đến với chúng ta qua trung gian của những người có trách nhiệm, qua các nhiệm tích, nhất là bí tích cáo giải và Thánh Thể. Đó là nơi mà như Đức Thánh Cha Phanxico đã khẳng định rằng Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi để đón nhận và tha thứ cho chúng ta mà không mệt mỏi. Đến lượt mình, chúng ta cũng phải thể hiện sự kiên nhẫn và lòng thương xót của Thiên Chúa trong thế giới ngày hôm nay.
Trong tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, số 24, Đức Phanxico khích lệ: “Việc Phúc âm hóa đòi hỏi nhiều kiên nhẫn… Cộng đoàn phải chú ý đến hạt giống và không để mất bình tĩnh vì cỏ lùng… và không được có những phản ứng than vãn, cũng như hoảng loạn.”
Vậy, tiên quyết, ta phải mang trong mình tâm tình của Chúa khi đến với tha nhân: không xét đoán, không lên án, không phân biệt, không loại trừ. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm, lắng nghe, chia sẻ và kiên trì đón nhận những khiếm khuyết của tha nhân. Bởi chính mỗi người chúng ta nhiều lúc cũng rơi vào hoàn cảnh như họ và cũng cần được sự cảm thông của Thiên Chúa và của tha nhân. Lúc nào ta có đủ được những thứ men này thì chẳng có gì khó để hiểu mầu nhiệm Nước Trời. Một khi đã có được những tâm tình như ĐGS thì chờ tới ngày gặt các Thiên thần của Chúa chẳng phải tách riêng lúa với cỏ nữa. Bởi cỏ lùng bây giờ đã là lúa tốt. Hẳn ai trong chúng ta cũng ước mong điều đó cho mọi người phải không? Thế thì, mỗi người hãy hành động ngay hôm nay bằng chính men mà chúng ta đã lãnh nhận nơi Chúa ban và hãy làm cho thế giới này được dậy men Tin Mừng.
( Paul & Jos )